Ngày xưa ở bên kia sông Đuống có nàng Mị Nương xinh đẹp tuyệt trần, vốn là tiểu thư lá ngọc cành vàng con của một vị quan đại thần. Mị Nương tuy là phận nữ nhi nhưng từ nhỏ đã làu thông kinh sử, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, đã vậy lại còn cầm kỳ thi họa vào bậc nhất kinh thành. Chính vì tài hoa tột bậc nên số phận cũng lắm trớ trêu, Mị Nương bị các tiểu thư khác trong kinh thành ganh ghét, đố kỵ và dèm pha nhiều tai tiếng. Vì muốn con gái xa lánh thị phi, cha nàng mới cất cho nàng một căn biệt phủ ở bên đây sông Đà để nàng ra đó tịnh tâm thư giãn.

Từ khi dọn ra căn biệt phủ ở ẩn, ngày ngày trong nhà Mị Nương nghe văng vẳng bên sông có tiếng sáo trong như tiếng hạc bay qua, êm như tiếng suối nửa xa nửa gần nên sanh lòng say đắm tương tư tiếng sáo của người thổi sáo vô danh. Tiếng sáo ấy là của chàng Trương Chi, một thanh niên mưu sinh bằng nghề lái đò trên sông Đà.

Khi cho người hầu dò la biết được tiếng sáo đó của chàng Trương Chi, Mị Nương cọc mới đi tìm trâu ra bến đò gọi đò ơi để đi một chuyến đò từ bên đây sông Đà sang bên kia sông Đuống, nhân tiện ngắm dung nhan người thổi sáo làm nàng mê mẩn bấy lâu nay. Ai ngờ bước xuống đò ngang bóng xế tà, khi được diện kiến dung nhan chàng Trương Chi thì Mị Nương muốn bật ngửa trên đò vì tướng mạo chàng vô cùng xấu xí, đứng kế bên nàng thì như cóc ghẻ mà đòi ăn thịt thiên nga, đĩa mà cứ đòi đu đưa chân hạc.

Mấy ai biết, chàng Trương Chi vốn cũng tương tư nhan sắc và tài nghệ của Mị Nương từ lâu, nên trên bến sông quê chàng mới ngâm hai câu thơ của Nguyễn Bính:

“Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”

Mị Nương khi nghe hai câu thơ có phần kinh hãi vì miếng thính của chàng Trương Chi cố tình ném ra nên mới né thính bằng cách đánh trống lảng:

– Anh đã đọc qua “Tứ thư”, “Ngũ kinh” chưa? Đây là hai bộ kinh điển của Nho giáo nói về luân thường đạo lý ở đời.

– Nếu tiểu thư thành tâm muốn biết thì tôi cũng thành thật trả lời, tôi suốt ngày chỉ biết chèo đò trên sông Đà này, lấy đâu thời gian mà đọc qua kinh điển.

– Như vậy là anh đã lãng phí mất một nửa cuộc đời rồi, mà như vậy thì anh không có cửa để Mị nói cho mà nghe được. – Nói xong Mị Nương quay mặt ra ngoài, ngắm nhìn sông nước, vẻ mặt tỏ ra lạnh tanh như chùa Bà Đanh, không nói thêm câu nào với chàng Trương Chi nữa.

Cách giao tiếp của những người như Mị Nương trong chốn công sở thì rơi vào phạm trù của lỗi chuyên môn.

Nhận diện lỗi chuyên môn

Trong một công ty, mỗi bộ phận sẽ có một chuyên môn nhất định và là một bánh răng giúp vận hành guồng máy công sở. Mỗi người trong bộ phận đó xuất phát điểm có thể đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng qua thời gian làm việc thì sẽ tích lũy được một vốn liếng sự nghiệp nhất định trong mảng chuyên môn đó.

Trong mỗi chuyên môn lại có một “hệ ngôn ngữ” riêng mà chỉ những người làm công việc chuyên môn đó mới am hiểu một cách tận tường, còn người ngoài thì sẽ nghe như vịt nghe sấm. Ngôn ngữ của anh chàng Marketing sẽ chuyên nói về “sự thật ngầm hiểu” (customer insight), “hành trình khách hàng” (customer journey), “điểm chạm tương tác” (touching point),… còn cô nàng Kế toán sẽ chuyên nói về “công nợ”, “lợi nhuận trước thuế”, “thu nhập ròng”,… Anh chàng Marketing nếu nghe mấy cô nàng Kế toán ngồi nói chuyện công việc với nhau thì chỉ nghe được lõm bõm chứ không tài nào hiểu hết được toàn bộ câu chuyện. Cảm giác đó cũng không khác gì khi bạn đi thi Listening IELTS và nghe được một từ mà bạn không-hề-có-khái-niệm về từ đó, nên chỉ lờ mờ đoán nghĩa được không qua ngữ cảnh, mà đôi khi đoán cũng trật lất.

Một anh Technology Director có lần phàn nàn với mình chuyện một bạn bên Sales team phản hồi với anh về lỗi hệ thống của phần mềm mới đưa vào sử dụng. Về mặt quy trình nội bộ, phần mềm do team Developer phát triển nếu gặp vấn đề về kỹ thuật thì nhân sự thuộc bộ phận liên quan sử dụng phần mềm đó được phép báo cáo lại vấn đề với team Dev. Do vậy, khi nghe anh phàn nàn thì mình cũng thấy hơi lạ nên mới hỏi kỹ thêm cho rõ đầu đuôi câu chuyện.

Thế là, anh gửi cho mình bức hình screenshot mà bạn Sales đó chụp màn hình thông báo lỗi và gửi lại cho anh. Anh bảo, cái thông báo lỗi rõ ràng nó báo phần mềm đang gặp vấn đề, phải truy cập vào trang web ABC, thực hiện bước DEF để khắc phục lỗi, vậy mà bạn đó cũng không đọc hiểu được mà đi report làm mất thời gian của anh.

Mình xem bức hình anh gửi, và thú thật với anh là cái thông báo lỗi kỹ thuật này ngay cả mình tiếng Anh tương đối tốt thì mình đọc còn không hiểu thì làm sao bạn Sales kia hiểu được. Bởi lẽ trong tiếng Anh cũng có tiếng Anh học thuật (academic English) và tiếng Anh giao tiếp (conversational English), trong tiếng Anh học thuật thì lại có nhiều biệt ngữ riêng. Tiếng Anh chuyên ngành của dân IT thì… nhiều vô thiên lủng đến dân IELTS 7-8.0 đọc còn không hiểu được, huống hồ một bạn không rành tiếng Anh.

Trong thực tế, đa phần các bạn Developer đều có trình độ tiếng Anh khá tốt trở lên, cộng thêm chuyên môn về lập trình nên việc đọc – hiểu các thông báo kỹ thuật trên máy tính với các bạn chỉ là chuyện ruồi muỗi nhãi nhép. Tuy nhiên, với những bạn đã không rành tiếng Anh mà còn gặp phải lỗi kỹ thuật như vậy thì botay.com cũng là chuyện thường tình có thể thông cảm được. Đặc biệt là trong các vấn đề liên quan tới kỹ thuật – công nghệ, muốn giỏi được còn đòi hỏi phải có cái gọi là “tố chất công nghệ” trong mình. Ví như có bạn khi mới làm quen máy tính hay một phần mềm mới thì có thể dễ dàng sử dụng như đã rành sáu câu vọng cổ, nhưng cũng có bạn loay hoay mò mẫm cả buổi trời mà cũng không tài nào làm quen được.

Anh Technology Director nói trên là một chuyên gia không chỉ am hiểu ngôn ngữ lập trình mà còn giỏi ngôn ngữ Anh, trong khi bạn Sales kia thì mù tịt cả hai ngôn ngữ này thì bảo sao không có cùng tiếng nói? Nếu anh không thay đổi góc nhìn để đứng ở góc độ của bạn mà nhìn nhận vấn đề sâu sát hơn thì sẽ thấy cái đứa này dở quá, gặp chuyện nhỏ xíu xiu cũng đi hỏi.

Một lần khác, mình nhờ một bạn Sales Manager làm một file chia khách hàng trên Google Sheets cho các thành viên trong Sales team để tính toán việc chia khách hàng mới sao cho phù hợp dựa trên quá trình chia khách hàng ở các sự kiện trước đó. Bạn Sales Manager này vốn xuất thân là dân ngân hàng nên rất am tường về tài chính, nên trong file chia sẻ cho cả team bạn tính toán công thức rất chỉn chu bài bản, mỗi tội có vài thuật ngữ nhiều bạn trong team đọc không ai hiểu được như “lũy kế”, “lũy kế trước”, “lũy kế sau”. Các từ này vốn là thuật ngữ chuyên biệt của dân tài chính – kế toán, bản thân mình lúc mới đọc cũng không hiểu nghĩa là gì mà phải hỏi ngược lại để bạn giải thích.

Nói một hồi bạn mới ngẩng người ra bảo, ủa bạn tưởng rằng những từ này “quen thuộc”, ai cũng hiểu được chứ. Những thuật ngữ tài chính này tuy quen thuộc với bạn nhưng không quen thuộc với những người khác, bởi lẽ nó là “hệ ngôn ngữ” riêng mà bạn đã được đào tạo ở bậc đại học và những năm đi làm ngân hàng trước đó. Khi dùng các thuật ngữ chuyên môn lần đầu cho một nhóm đối tượng không am hiểu chuyên ngành này thì trước hết bạn phải định nghĩa cho rõ ràng để tránh lỗi áp đặt chuyên môn khi cho rằng ai cũng hiểu được y như bạn. Làm được việc này, khi đó chúng ta mới đang nói chung ngôn ngữ tài chính.

Hóa giải lỗi chuyên môn

  • Cần ý thức được những thuật ngữ nào mình sử dụng là biệt ngữ chuyên môn, trước khi dùng với người khác lĩnh vực chuyên môn của mình thì cần phải định nghĩa cho rõ ràng để đảm bảo họ hiểu được y như cách bạn hiểu.
  • Tránh áp đặt chuyên môn của mình lên người khác. Mình hiểu được thì không phải ai cũng hiểu được như mình, và mình làm được thì không phải ai cũng làm được như mình.

Trên chuyến đò chèo trên sông Đà năm đó, khi chàng Trương Chi đang chèo đò chở Mị Nương du ngoạn trên sông thì trời đột nhiên nổi giông bão, con đò nhỏ bị lật khiến cả chàng Trương và nàng Mị đều rơi tòm xuống nước.

– Tiểu thư có biết bơi không? – Trương Chi hét lớn.

Lúc này Mị Nương đang quơ quào trong biển nước nên có phần thất thố, gào lên mà trả lời:

– Không biết! Mau cứu ta!!!

– Vậy là nàng đã lãng phí cả cuộc đời chỉ để đọc sách rồi đó. – Chàng Trương phì cười cà khịa.

*Bài viết có sử dụng tư liệu hình ảnh từ vở kịch “Trương Chi, Mỵ Nương) – đạo diễn Ngọc Duyên & phiên bản khác của đạo diễn Tiến Minh.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.