– Loa loa loa. Chiềng làng chiềng chạ. Thượng hạ Tây Đông. Con gái phú ông. Tên là Mầu Thị. Tư tình ngoại ý. Mãn nguyệt có thai. Già trẻ gái trai. Ra đình mà ăn khoán.
Tiếng rao của con mẹ Đốp làm mõ làng vang lên khắp làng Hạ khiến già trẻ lớn bé gái trai trong làng xôn xao dậy sóng. Từ hôm dịch Covid-19 bùng phát tới giờ, suốt ngày dân làng chỉ nghe mõ đi rao thông tin tuyên truyền dịch bệnh, ai ở đâu ở yên đó đã có chính quyền lo nên làng trên xóm dưới đều ở yên trong nhà đâu dám hó hé gì.
Im ắng bấy lâu nay, tin tức về Mầu Thị như bát nước mát giữa những ngày nắng hạn làm thỏa lòng cơn khát drama. Ra đường, ai ai cũng rôm rả xì xầm bàn tán chuyện Thị Mầu con gái phú ông chửa hoang, còn cha đứa bé trong bụng Thị Mầu là ai là dấu chấm hỏi lớn đặt trên đầu các nam nhân trong làng. Phen này Thị Mầu mà không thành thật khai báo với làng thì chỉ có nước gọt đầu bôi vôi thả bè trôi sông.
Những tưởng mẹ Đốp chỉ có ở làng Hạ ngày xưa, ai ngờ ở chốn công sở thời hiện đại, không kèn không trống cũng không cần mõ, không thiếu gì mẹ Đốp phiên bản @ là đại biểu xuất sắc của lỗi nhiều chuyện.
Nhận diện lỗi nhiều chuyện
Trong chốn công sở bé tí tẹo như cái ao làng, sự xung đột cá tính giữa các nhân viên trong quá trình làm việc với nhau là không thể tránh khỏi. Những áp lực từ công việc, từ cấp trên (đôi khi rất vô lý) khiến cho nhân viên nhiều khi bức xúc không biết xả với ai, nên thường phải đi tìm bạn lòng để… tâm sự mỏng.
Sai lầm lớn nhất của đa số nhân viên công sở là đi tìm đồng nghiệp để xả cái cục bức xúc cho đỡ tức, thay vì giữ kín trong lòng hay kể với người không liên quan tới công ty của mình. Tâm lý này cũng dễ hiểu, bởi lẽ đi nhiều chuyện thì phải lựa người có liên quan tới bối cảnh câu chuyện, biết rõ các nhân vật mình nói xấu thì cảm giác lúc đó mới ép phê, nói ra mới thấy đã chứ nhiều chuyện với người không liên quan thì cảm giác không bao giờ được trọn vẹn.
Chuyện đi hỏi lương
Một cậu em của mình chơi chung cũng khá thân với một bạn đồng nghiệp làm chung team, bình thường hay rủ nhau đi ăn cơm chung nên chia sẻ với nhau đủ thứ chuyện. Cho đến một hôm, do tò mò nên em mới hỏi mức lương của cậu đồng nghiệp là bao nhiêu và được biết mức lương thấp hơn em 500 ngàn. Lẽ thường, khi biết lương người khác thấp hơn mình thì trong lòng chúng ta sẽ thấy vui một tẹo, đằng này em lại không chấp nhận được sự thật đó và bức xúc trong lùng. Bởi vì xét về năng lực, em thấy mình giỏi hơn cậu đồng nghiệp kia rất nhiều và làm cực khổ gấp mấy lần bạn, còn vào team sớm hơn bạn nhưng chênh lệch lương giữa cả hai chỉ có… 500 ngàn.
Thế là, em đem cái sự bức xúc đó đi kể với nhiều người bạn khác. Kể vậy vẫn thấy chưa đã, đỉnh điểm là em đi kể với cả sếp cũ, người tuyển cả em lẫn cậu bạn kia vào nhưng sau đó đã chuyển công tác sang chi nhánh ở vùng miền khác. Sếp cũ nghe câu chuyện đó xong thì lại… đi nhiều chuyện với sếp mới của em hiện tại (vì cũng toàn là người quen với nhau), và thế là em bị sếp mới mời vào phòng họp để nói chuyện. Dĩ nhiên, em bị sếp mới quở trách việc đi hỏi lương người khác và đi nhiều chuyện lung tung trong công ty, trong khi không đi nói thẳng với sếp để được sếp giải quyết trực tiếp.
Sau sự việc đó, em cảm thấy quá xấu hổ với cậu bạn và không còn mặt mũi nào với sếp nên đã xin lỗi cậu bạn, rồi cũng viết đơn xin nghỉ việc. Trong họa cũng có phúc, kết quả ngược lại em được sếp tăng lương ngay và luôn, và cậu bạn kia cũng được điều chuyển sang vị trí khác phù hợp hơn nên cả hai không còn sự so sánh với nhau nữa, và chơi lại với nhau như bình thường.
Trong câu chuyện trên, cơ bản việc đi hỏi lương người khác là một chuyện hết sức nhạy cảm. Thà không hỏi thì thôi, chứ hỏi thì sẽ biết và nảy sinh tâm lý so sánh hơn thua với nhau. Có khi chỉ vì chênh lệch vài trăm ngàn hay 1-2 triệu đồng thôi là đã kèn cựa nhau đủ điều. Cho nên, muốn không rước phiền não vào mình thì tốt nhất không nên đi dò hỏi lương người khác. Ví như hai người làm việc chung một team thì còn có cơ sở để so sánh về tính chất công việc chuyên môn của nhau hay hiệu suất, kết quả làm việc của mỗi người, nhưng nhiều người còn rảnh tới mức đi hỏi lương của bộ phận khác để so sánh trong khi tính chất công việc của mỗi bộ phận đều khác nhau. Nếu bạn muốn lương cao như người ta, vậy thì hãy thử xin sếp cho mình chuyển qua bộ phận đó làm thử xem rồi biết.
Chuyện định đoạt lương bổng vốn là chuyện của cấp trên, thay vì so sánh với người khác thì chúng ta nên so sánh với chính mình và tự hỏi: Vì sao năng lực mình tốt, mình làm cũng ra kết quả này nọ mà mức lương mình chỉ được nhiêu đó?
Thắc mắc này bạn có thể đi hỏi trực tiếp sếp của mình nếu đủ mạnh dạn và không thấy ngại ngần. Lúc đó, câu trả lời của sếp bạn có thể theo 2 hướng:
- Sếp chưa thấy bạn đủ năng lực để xứng đáng với mức lương cao hơn => Hỏi rõ hơn tiêu chuẩn và yêu cầu của sếp để phấn đấu lên được mức đó.
- Quỹ lương của công ty có hạn và chỉ có khả năng trả cho bạn mức lương tới đó => Chấp nhận và tiếp tục làm việc nếu còn yêu sếp, mến đồng nghiệp, quý môi trường làm việc ở công ty; hoặc dừng lại để đi tìm một nơi làm việc mới với mức lương cao hơn nếu lương bổng là tiêu chí hàng đầu của bạn.
Chuyện nghỉ việc
Câu chuyện của cậu em kể trên còn kết thúc có hậu, nhưng không phải câu chuyện nào liên quan tới lỗi nhiều chuyện cũng có hậu được như vậy. Một bạn Manager của một công ty nọ, chơi khá thân với một cô bạn đồng nghiệp trong công ty. Cả hai làm chung với nhau cũng được 5 năm trời và lâu lâu lại tụ họp bạn bè ăn uống với nhau.
Trong quá trình làm việc, bạn Manager này cũng có một số bất đồng quan điểm với sếp và chính sách của công ty. Tuy nhiên, lựa chọn của bạn là không nói ra với sếp trực tiếp vì bạn cảm thấy quan điểm của hai bên vốn dĩ đã quá khác biệt (bạn làm việc đủ lâu để hiểu tính nết của sếp), và khi nói ra thì dễ dẫn đến tổn thương mối quan hệ giữa cả hai bên – điều mà bản thân bạn không hề muốn. Ở thời điểm đó, bạn cũng đã lựa chọn nghỉ việc và đang trong thời gian bàn giao lại công việc.
Trong một tâm sự mỏng ngoài lề công việc, với tư cách hai người bạn chơi với nhau ngần ấy năm, bạn mới bày tỏ những bức xúc của mình để giải tỏa cùng cô bạn kia. Chuyện tưởng chừng chỉ dừng lại ở đó, ai ngờ sau đó cô bạn này lại đi nhiều chuyện với một cơ số người trong công ty và còn thêm mắm dặm muối cho câu chuyện thêm phần drama theo kiểu bạn manager này bất mãn rồi bức xúc tột độ với sếp nên mới nghỉ việc. Dĩ nhiên, chuyện rồi cũng đến tai của sếp và bạn bị sếp mời vào phòng họp để chất vấn với các bên liên quan cho rõ ngọn ngành.
Hồi kết của câu chuyện là những lời cần phải nói cuối cùng cũng nói ra, những tổn thương không muốn xảy ra rồi cũng xảy ra, gương vỡ thì khó lành và từ đó cả hai bên không còn nhìn mặt nhau nữa. Một mối quan hệ lẽ ra vẫn còn có thể tốt đẹp ở phút cuối nhưng cuối cùng lại cạch mặt theo kiểu đường ai nấy đi, từ nay chúng ta không còn thuộc về nhau.
Ông bà mình nói không sai: “Cái miệng hại cái thân”, “Họa từ miệng mà ra”, “Sẩy chân còn hơn sẩy miệng”, “Một người thì kín, hai người thì hở”,… Gió bão không bằng gió miệng, chẳng thà giữ kín trong lòng đừng nói ra, chứ một khi đã nói với người khác thì những lời đó rồi cũng sẽ đồn đãi đến tai những người liên quan, mà phiên bản cuối cùng có khi còn bị tam sao thất bản sai lệch hoàn toàn so với bản gốc.
Thuốc chữa bệnh nhiều chuyện:
- Bức xúc với ai thì nên đi nói trực tiếp với người đó, dám nói được thì nói còn không nói được thì nín. Ngay cả khi bạn đi kể với những người không liên quan, lời đồn đãi đó có ngày cũng sẽ đi một vòng đến tai những người liên quan. Trái Đất tròn dữ lắm!
- Xác định rõ ranh giới đồng nghiệp là đồng nghiệp, còn bạn bè là bạn bè, và đừng khờ dại đem hết tâm tư tình cảm của mình đi giãi bày với đồng nghiệp vì bạn sẽ không kiểm soát được những lời nói đó có quay lại đâm ngược chính bạn hay không. Khi bạn đặt trọn niềm tin vào một người, một là bạn có được một người tri kỷ, hai là bạn nhận được một bài học.
Ứng xử với đồng nghiệp nhiều chuyện
Trong trường hợp nếu bạn không phải là một người nhiều chuyện, nhưng lại bị đồng nghiệp nói xấu, gièm pha và vô duyên vô cớ bị dính vào thị phi chốn công sở thì sao?
Nếu bạn rảnh thì hãy đi truy tìm nguồn tin chính cấp (gốc) của sự nhiều chuyện đó để đối chất 1-1 cho ra lẽ. Thói thường nguồn tin chính cấp sẽ đi nhiều chuyện với các nguồn tin thứ cấp và hình thành một “mạng lưới đa cấp”: hội những người nhiều chuyện chung tay vì một sứ mệnh là lan tỏa tin đồn khắp công ty. Lúc đi nhiều chuyện, tâm lý chung ai cũng dặn người được kể đừng đi kể lại với người khác mà đâu biết đối phương cũng thuộc hội “mẹ Đốp” – chuyên đem mõ đi rao khắp làng. Quá trình truy ra được nguồn tin chính cấp sẽ khá mất thời gian, tuy nhiên truy tới nơi làm tới bến có thể làm hội “mẹ Đốp” một phen hoảng hồn hú vía.
Bạn xử được một mẹ Đốp thì cũng gửi một thông điệp tới những mẹ Đốp còn lại trong hội, và cũng để họ biết sợ mà biết tạo nghiệp nơi công sở về sau.
Còn nếu không rảnh thì sao? Mời bạn đọc một câu chuyện vui có thật mình nghe một chị người quen kể lại:
Một bạn nhân viên trong công ty chị bị đồng nghiệp nói xấu, thêu dệt tùm lum chuyện. Bạn đem bức xúc đó đi méc với sếp là chị để đòi lại công bằng và muốn sếp xử cho ra lẽ.
Chị nghe tường trình xong mới nói lại với bạn:
“Em nên xem lời tất cả những người nói xấu mình như tiếng chó sủa, không cần phải quá bận tâm để ý làm gì. Vì mình không thể cứ mỗi lần nghe chó sủa thì phải quay lại để sủa với nó để coi ai sủa hăng hơn ai. Dù sao người ta cũng chỉ nói sau lưng mình, nếu có giỏi thì tới trước mặt mình nói, lúc đó mới đáng phải để tâm.”
Nghe xong câu này, bạn nhân viên cũng ngộ ra được đạo lý gì đó và sau đó, dĩ nhiên không có sau đó vì câu chuyện đã kết thúc tại đó.
Nói chuyện Thị Mầu, khi làng tra hỏi thì Thị Mầu đổ cho chú tiểu Kính Tâm là cha của cái thai trong bụng Thị. Kính Tâm vốn là nàng Thị Kính, vì bị gán cho tội mưu sát chồng nên buồn tủi cải trang thành nam nhi vào chùa quy y và nay lại mang tiếng oan khiến cho Mầu Thị chửa hoang nên bị làng phạt đánh và bắt khoán phải nhận đứa bé.
Về sau Mầu Thị chuyển dạ sinh được một đứa con trai, bèn đem tới cổng chùa trả cho Kính Tâm nuôi dưỡng. Người dân trong làng mỗi khi đi ngang đều nghe Kính Tâm hát ru dỗ đứa bé với giọng điệu đầy não nề:
“Giơ tay em hứng sương trời,
Rửa làm sao sạch những lời thị phi?
Chỉ đâu mà buộc ngang trời
Tay đâu mà bụm miệng người thế gian?”
*Bài viết có sử dụng tư liệu hình ảnh của NSƯT Thu Huyền – Nhà hát chèo Việt Nam