Kết thúc truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du có viết mấy câu cảm khái nhân tình thế thái:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
Tuyển dụng, 2 chữ này với mình là một cái nghiệp vận vào người từ thuở sinh viên đến bây giờ đi làm hơn 4 năm rồi vẫn còn chưa dứt.
Hồi còn là sinh viên, mình từng làm Trưởng ban IT một câu lạc bộ truyền thông có quy mô tương đối lớn ở khu vực miền Nam (trước đây từng trực thuộc VTV), sau đó là lên vị trí Chủ nhiệm CLB quản lý tầm khoảng 30 thành viên, bao gồm các bạn sinh viên đến từ các trường Đại học khác nhau, học những chuyên ngành khác nhau. Trong quá trình 4 năm tham gia CLB từ năm nhất đến năm tư, ngoài năm đầu tiên làm thành viên thì 3 năm còn lại mình đã đảm nhận vị trí Team Lead & Leader của CLB.
Cứ đầu mỗi niên học mới, CLB lại tiến hành một đợt tuyển thành viên mới với quy mô phải nói là hoành tráng thuộc dạng nhất nhì TP.HCM này (ở thời điểm năm 2011) với 4 vòng thi từ CV – Phỏng vấn – Hoạt động ngoài trời – Thử thách đội nhóm được thiết kế bài bản theo format truyền hình thực tế (được ghi hình và phát sóng lại trên Youtube) tương tự như Vietnam’s Next Top Model, The Voice nức tiếng một thời giai đoạn đầu. Mỗi đợt tuyển như vậy có khoảng hơn 200 CV ứng tuyển từ sinh viên ở nhiều trường Đại học, trải qua các vòng sàng lọc, trải nghiệm thực tế, đến vòng cuối cùng sẽ tiến hành thử thách đội nhóm ở một khu vực xa thành phố, địa điểm thường chọn là Cần Giờ để tập kết các thí sinh tại nhà chung và lần lượt loại các thí sinh để chỉ còn lại top 15 người cuối cùng.
Cũng trong thời gian sinh viên, mình khởi xướng ra một dự án có tên gọi “Book4soul” (đã ngừng hoạt động từ 2015) chuyên đi thu thập sách cũ từ những người không dùng, viết review và đăng tải lên website của dự án để cộng đồng có thể đăng ký nhận sách miễn phí. Ở dự án này, mình tuyển khoảng 8 bạn CTV thường trực để chuyên viết review sách cho dự án và là người duyệt đề tài, biên tập bài viết cho các bạn.
Đến khi mới ra trường bắt đầu đi làm, mình mới bắt đầu lập ra một dự án riêng với người bạn có tên gọi “Học làm gì?” bao gồm một website chuyên đăng tải những bài viết về kỹ năng sống, kỹ năng mềm dành cho sinh viên, cùng một nhóm làm việc gần 10 bạn được cấu trúc theo mô hình tòa soạn thu nhỏ để lên ý tưởng, duyệt đề tài và triển khai các tuyến bài viết chủ đề cho dự án. Trong quá trình đấy, mình đứng ra tự tổ chức quy trình tuyển dụng và sàng lọc ứng viên, mà đối tượng là các bạn sinh viên Đại học đang muốn cộng tác với các dự án phi lợi nhuận để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế.
Song song với dự án “Học làm gì?”, mình còn lập thêm một subteam nhỏ, tuyển 5 bạn chuyên dịch phụ đề các đoạn clip ý nghĩa, có thông điệp, vui vui trên mạng để cùng nhau học hỏi và nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho cả team. Dù đã ngưng hẳn dự án từ 2016, channel Youtube bọn mình làm đã lên được mức 23K subscribers với clip cao nhất là hơn 1 triệu views.
Những tưởng nghiệp tuyển dụng đã kết thúc từ dạo đấy, đến khi đi làm được vài năm lên vị trí Team Lead, rồi Manager, mình lại tiếp tục với công việc quen thuộc là tuyển dụng nhân sự cho khá nhiều bộ phận khác nhau trong công ty, từ Marketing (Digital Marketing, Content Marketing) tới Sales, Customer Care, Designer, Video Editor…
Điểm bắt đầu của bất kỳ nhân viên nào khi vào một công ty là phải trải qua vòng tuyển dụng, điểm cao nhất trong chức trách của một quản lý lại là vai trò tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Một người ở chân núi, một người ở đỉnh núi, cả hai gặp gỡ ở khoảng giao nhau gọi là tuyển dụng.
Nếu tính từ thời điểm sinh viên tới giờ, có thể tự nhận mình cũng đã trải qua hơn 7 năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng. Tất nhiên kinh nghiệm tuyển dụng của quãng 4 năm đi làm hoàn toàn khác biệt với 3 năm sinh viên, bởi lẽ kỹ năng tuyển dụng trong quãng này của mình đã có sự nâng cao lên một tầm mới khi được đào tạo về kiến thức tuyển dụng bài bản hơn, có quy trình chuyên nghiệp hơn, còn quãng sinh viên đa phần là làm theo bản năng và cảm tính nhiều hơn.
Nhưng có một sự thật đắng lòng là dù hơn 7 năm trôi qua, chất lượng đầu vào của các ứng viên mình đã tiếp xúc vẫn như mặt trời mọc ở hướng đông lặn ở hướng tây bất biến không thay đổi, vẫn là những lỗi cơ bản khi ứng tuyển, khi phỏng vấn mà bất kỳ ứng viên nào từ sinh viên cho tới người đã ra trường, đã đi làm nhiều năm vẫn gặp y chang nhau.
Đó là bởi các bạn chưa tốt nghiệp lớp Tuyển Dụng Toàn Tập. Bởi thực tế có đi học đâu mà tốt nghiệp!
Có một thực tế phũ phàng là:
- Đại học chỉ dạy sinh viên kiến thức chuyên ngành, chứ không dạy kỹ năng tìm việc, phỏng vấn. Không có một học phần, tín chỉ nào dạy chuyên về mảng này ở đầu ra để đảm bảo chất lượng nhân sự.
- Chưa có nhiều khóa học về kỹ năng tìm việc, phỏng vấn ở các trung tâm đào tạo kỹ năng. Nếu có, sinh viên còn lâu mới chịu đi học vì… tốn tiền.
- Sinh viên cứ hồn nhiên rải CV khắp nơi để tìm việc rồi hồn nhiên đi phỏng vấn, đậu thì mừng, rớt thì đi tìm chỗ khác. Sự chuyên nghiệp chỉ có sẵn ở những bạn đã có tư duy chuyên nghiệp, và các bạn sẽ tự học được kỹ năng tìm việc, phỏng vấn qua nhiều lần thất bại hoặc học hỏi từ kinh nghiệm của người đi trước. Còn người nghiệp dư mà lại thiếu khả năng tự nhận thức, dù đi phỏng vấn bao nhiêu lần thì trên người vẫn cứ… dư nghiệp.
Trong khuôn khổ của series Vén Rèm Tuyển Dụng này, lần lượt mình sẽ vén cái rèm để quý vị khán giả thấy được những chuyện dở khóc dở cười ở hậu trường khi làm tuyển dụng. Từ đó, mình sẽ phân tích những lỗi sai cơ bản của ứng viên trong quá trình ứng tuyển như một mẫu thức chung lặp đi lặp lại từ ứng viên này đến ứng viên khác mà chỉ những ai có làm công việc tuyển dụng mới biết còn ứng viên chưa chắc đã thấy.
Những câu chuyện và tình huống đưa ra trong series đều dựa trên các tình tiết có thật ngoài đời, và các nhân vật sẽ được ẩn danh (dù có lộ danh thì quý vị cũng đâu có biết là ai trong vạn người dưng trăm người không quen). Nếu bạn có lỡ bắt gặp câu chuyện của mình thì xin chúc mừng bạn là dù casting quá tệ nhưng vẫn được đem lên sân khấu trình chiếu cho khán giả cả nước xem. Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp, giúp một người qua được ải tuyển dụng và giúp nhà tuyển dụng có duyên gặp được nhiều ứng viên tốt hơn thì kiếp sau bạn sẽ được thăng chức lên làm… tuyển dụng.
*Trong các series phim truyền hình của Mỹ, Pilot thường là tên của tập phim thử nghiệm đầu tiên (pilot episode) để chào hàng các nhà đài. Pilot ở đây không hiểu theo nghĩa đen là “phi công”, mà là tập phim giới thiệu bối cảnh và tuyến nhân vật chính của bộ phim. Thông qua tập phim Pilot, các nhà đài sẽ đánh giá được sức hấp dẫn của series và quyết định có nên đầu tư chi phí cho các tập tiếp theo của bộ phim hay không.
*Đón xem Vén Rèm Tuyển Dụng – Tập 2: Bãi xe không có chỗ chứa em!
Nếu bạn đã từng trải qua các lỗi lầm đáng nhớ hay kinh nghiệm đau thương trong quá khứ khi tìm việc, đi phỏng vấn hoặc cũng từng trắc trở chuyện tuyển dụng, đừng ngại ngần chia sẻ với Chơn Linh để rót vốn đầu tư cho bộ phim được kéo dài thêm nhiều tập.