Nếu ví von phỏng vấn tuyển dụng như một show truyền hình thực tế thì format chương trình này sẽ có dáng dấp như sau:
- Vòng CV: Thay Lời Muốn Nói – đọc thư giãi bày tâm sự
- Vòng phỏng vấn qua điện thoại: The Voice – nghe giọng mà bắt hình dong
- Vòng phỏng vấn trực tiếp: The Face – nhìn mặt mà bắt tâm tính
Một số vị trí đặc thù còn sẽ có thêm vòng kiểm tra trình độ chuyên môn qua bài test ở ngay vòng CV hoặc sau vòng phỏng vấn trực tiếp (nếu nhà tuyển dụng vẫn chưa chắc chắn về trình độ ứng viên có đúng như lời nói hay không). Ở những đơn vị càng lớn, quy trình phỏng vấn tuyển dụng sẽ càng có nhiều vòng và càng khắt khe hơn, có khi làm “tám chục” bài test mới được vào, nhưng càng lớn không đồng nghĩa với càng chuyên nghiệp. Một số đơn vị nhỏ thì sống tối giản nghĩ đơn thuần hơn, chỉ có 2 vòng cơ bản là CV và phỏng vấn trực tiếp để tìm người cho lẹ, khỏi rườm rà.
Để đi được đến vòng phỏng vấn trực tiếp, bất kỳ ứng viên nào cũng phải trải qua vòng loại là vòng… gửi xe (trừ COCC quen biết trực tiếp nhà tuyển dụng rồi thì không tính nhen quý dzị, và trừ luôn mấy chế đi xe buýt). Trong một tòa nhà tập hợp nhiều văn phòng của các công ty, sức chứa của bãi xe có thể lên đến hàng trăm hay cả ngàn chiếc xe máy lẫn xe hơi, nhưng giới hạn cho mỗi công ty đều có hạn định. Công ty có năm chục người thì không thể đòi hỏi một trăm chỗ giữ xe. Cũng vậy, không phải ứng viên nào khi ứng tuyển cũng có cơ hội được gửi xe để đi lên phỏng vấn trực tiếp, bởi lẽ mấy chế đã bị rớt từ vòng gửi xe rồi!
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, bãi giữ xe cũng có nội quy của bãi. Để được cho vào bãi gửi xe thì quý dzị cần tránh những lỗi đã được Chơn Linh liệt kê bên dưới đây và phân theo các cấp bậc tương ứng với trình độ:
A. Lỗi sơ đẳng
1. Cho em xin một vé đi tuổi thơ
Yahoo khai tử từ tháng 7/2018 rồi và một quãng 8 năm trước đó đa số cư dân mạng đã chuyển nhà sang dùng Facebook hết trơn mà tới giờ tàn dư vẫn còn sót lại rất nhiều email được đặt theo Yahoo Messenger style ngày xưa như hoangtu_codon@…, congchuabongbong2512@, pengok_yeuanh@…
Có một vài nam thanh nữ tú thường hay dẫn kèm link Facebook trong CV, và đường link Facebook cũng rất duyên dáng không kém như facebook.com/anhmaiyeuem, …/le.nhatphai, …/conmua.tinhyeu
–> Ai phát cho các em một vé đi tuổi thơ thì làm ơn thâu thâu vé lại giùm.
2. Trần trụi với thiên nhiên, hồn nhiên như cây cỏ
Người trưởng thành khi đi ra đường ai cũng mặc đồ chứ không ai ở trần ở truồng, tới con nít trong nhà khi người lớn tới chơi cũng phải ăn mặc chỉnh tề ra chào hỏi chứ không có ở trần ở truồng chạy ra chào. Người lớn ra đường ở trần ở truồng như vậy bị gọi là biến thái, con nít gặp người lớn ở trần ở truồng như vậy cha mẹ bị chê không biết dạy con.
Gửi cái email cho nhà tuyển dụng cũng vậy, email không có title, không có body cũng y như biến thái ở trần ở truồng khoe thân trước mặt nhà tuyển dụng.
–> Email phải có tiêu đề rõ ràng theo format của nhà tuyển dụng yêu cầu hoặc phải thể hiện đầy đủ thông tin. VD: Hồ sơ ứng tuyển vị trí ABC tại Công ty XYZ. Phần nội dung (body email) cần tuân theo khuôn mẫu của việc viết emal, phải có chào hỏi, giới thiệu mình là ai, lý do ứng tuyển, cảm ơn đàng hoàng chứ ai biết mấy chế là ai mà hồn nhiên cởi truồng cho người ta xem.
3. Hội chứng thiểu năng câu chữ
Nhà tuyển dụng yêu cầu gửi CV, cover letter, ảnh cá nhân – con nít mới học đếm cũng biết được đây là 3 cái khác nhau và phải gửi 3 cái file khác nhau. Vậy mà vẫn có chế đọc sao bị rớt chữ chỉ gửi duy nhất 1 file hay 2 file, không gửi mấy cái còn lại.
Có JD (Job Description – thông tin tuyển dụng) yêu cầu gửi kèm một số bài viết đã từng viết hay làm bài test ở link XYZ gửi lại, cũng có chế bị thiểu năng câu chữ không đọc được nên không gửi.
Nhiều nam thanh nữ tú cũng được đi học tới cao đẳng, đại học, mà học trường nào đầu ra cũng yêu cầu có bằng A Tin học tối thiểu nhưng gửi một cái email ứng tuyển có tám chục lỗi chính tả, lỗi đánh máy sai như con nít mới được phổ cập tin học văn phòng. Ủa, viết cái email cũng không ra hồn thì vô văn phòng giao tiếp bằng đường miệng hả?
–> Đọc kĩ thông tin tuyển dụng, xem nhà tuyển dụng yêu cầu gửi cái gì thì gửi đúng cái đó. Không yêu cầu thì đừng gửi, ai mượn? Còn yêu cầu mà không gửi, biết đọc chữ không vậy? Đánh máy xong dò lại lỗi chính tả, lỗi đánh máy giùm.
4. Rải CV như phát tờ rơi
Có những bạn trẻ cứ thấy có job hấp dẫn là auto-apply và rải CV như phát tờ rơi nơi ngã tư với tâm thế rải càng nhiều cơ hội trúng càng nhiều. Nhiều khi có một cái CV mà gửi cho tám chục nhà tuyển dụng khác nhau, dẫn tới tình trạng:
- Râu ông nọ cắm cằm bà kia: Apply vị trí Marketing mà CV đề “Nhân viên kinh doanh”. Sảng hồn chưa!
- Người dưng lạc lối: Kinh nghiệm trong CV không ăn nhập gì với yêu cầu cần có của thông tin tuyển dụng.
Có chế còn mạnh bạo dữ dằn hơn, apply vô cùng một công ty mà gửi cùng một cái CV đó cho 2-3 vị trí khác nhau, miễn phòng ban nào có tuyển là em rải CV vào giành chỗ trước như book vé xem phim rạp vậy.
–> Ứng tuyển có tâm, sống có tầm giùm mấy chế ơi!
5. Your file – tên file của bạn là gì?
“Tôi đang đi tìm cậu, người tôi chưa từng gặp.” Này cậu trai, này em gái, tên file của em là gì vậy?
Sao em gửi 1 cái file CV.doc hay CV.pdf gọn lỏn rồi chúng tui tải về trong một nùi hồ sơ thì biết tìm em ở đâu giữa biển xì-vì mênh mông?
–> CV_NguyenThanhLinh / [Marketing] CV_NguyenThanhLinh
6. Gọi đúng tên tôi nhé bạn thân hỡi
Ai sanh ra đời cũng có giấy khai sanh, ra đường gặp ai gọi hay viết sai tên mình là mình thấy khó chịu liền. Vậy đó mà apply vô công ty người ta, tới cái tên công ty cũng viết sai thì hết thuốc chữa.
VD: Gửi công ty TGM –> viết sai thành “Gửi công ty TMG”.
B. Lỗi trung đẳng
Khi vượt qua hết những lỗi sơ đẳng, ứng viên tiếp tục đối diện với một số lỗi trung đẳng khác thuộc dạng nếu không nói ra thì rất ít ai để ý.
1. Xưng khiêm hô tôn
Khi bạn nộp hồ sơ ứng tuyển tới nhà tuyển dụng, khách thể nhận được hồ sơ của bạn có thể là một phòng ban chuyên biệt về tuyển dụng (HR) hoặc manager / director của chính phòng ban bạn ứng tuyển. Bạn căn bản hoàn toàn không biết người nhận hồ sơ của mình là ai, nhưng ngược lại họ lại biết tất tần tật thông tin được thể hiện trên hồ sơ của bạn.
Lẽ vậy, chỉ có “Chào anh / chào chị / chào quý công ty” và xưng là “em / tôi” chứ đừng có kiểu “Chào bạn / Chào X (tên người nhận)” xưng “mình” như thể ngang hàng phải lứa với nhau lắm.
2. Nhầm lẫn CV và sơ yếu lý lịch
Một số đơn vị tuyển dụng chỉ yêu cầu ứng viên gửi CV / Resume, số khác yêu cầu gửi thêm cả sơ yếu lý lịch. Phân biệt:
- CV / Resume: tập trung vào các nội dung liên quan đến bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng… phục vụ cho công việc.
- Sơ yếu lý lịch: khái quát thông tin về người thân, gia đình, tình trạng hôn nhân, quá trình học tập và công tác của bạn.
Thông thường khi mua bộ hồ sơ ở nhà sách hay các tiệm photocopy thường có một tờ gọi là “Sơ yếu lý lịch”. Tuy nhiên, việc gửi hồ sơ giấy kiểu truyền thống bây giờ chỉ còn áp dụng cho các cơ quan hành chính nhà nước chứ đa phần các công ty tư nhân đều đã chuyển qua hình thức nhận hồ sơ online. Khi ứng tuyển, bạn cần xác định rõ nhà tuyển dụng yêu cầu gửi cái nào, người ta yêu cầu gửi CV thì đừng gửi bản Sơ yếu lý lịch làm gì. Ai mà quan tâm cha mẹ bạn tên gì, địa chỉ thường trú ở đâu, từ nhỏ đến lớn đi học trường nào?
3. Vietnam’s next top model
Do you wanna be on top? I wanna be Vietnam’s next top model.
Có JD nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên gửi ảnh chụp chính diện, thấy rõ mặt, không qua chỉnh sửa để chủ yếu xem “bộ mặt thật” của ứng viên như thế nào cho họ có một sự hình dung tổng quát về mặt nhân tướng học.
Có lắm chế gửi hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên công sở mà cứ như đi thi Vietnam’s next top model, ảnh chụp góc nghiêng 3/4 mặt, ảnh nghệ thuật tạo kiểu fashionista. Ủa, đi thi người mẫu hay gì?
C. Lỗi cao đẳng
Nhóm lỗi cao đẳng thường không khiến ứng viên bị out ở vòng gửi xe, nhưng sẽ bị điểm trừ trong mắt nhà tuyển dụng vì thiếu tinh tế.
1. Bác sĩ thai sản
Theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định: lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật về dân số và trẻ em, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Các quy định hiện hành nghiêm cấm phổ biến các biện pháp tạo giới tính, chẩn đoán giới tính thai nhi hoặc loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính.
Pháp luật người ta có luật cấm vậy đó vậy mà có mấy chế không có học y nhưng lại thích học đòi làm bác sĩ thai sản. Các chế này đã xuất sắc vượt qua lỗi xưng khiêm hô tôn đã đề cập ở phần Trung đẳng, nhưng gặp một lỗi trớt quớt là tự ý chẩn đoán giới tính của nhà tuyển dụng.
Ví dụ trong JD yêu cầu ứng viên gửi hồ sơ ứng tuyển tới email thanhlinh@… Các chế hồn nhiên “Chào chị Linh” rồi “Cảm ơn chị Linh” như đã gặp qua người mình sắp phỏng vấn mình rồi.
2. Đụng hàng họ
Đi ra đường có ai thích mặc quần áo đụng hàng với người khác không? Nếu câu trả lời của bạn là có thì xin mời đi tiếp qua số 3, còn không thì đọc tiếp. Nếu muốn gây ấn tượng sét đánh trong mắt nhà tuyển dụng thì nên đầu tư làm một bản CV cho đẹp – độc – lạ, có dấu ấn cá nhân riêng thay vì dùng template có sẵn trên mạng để trong tám chục liền anh liền chị cùng apply thì CV của ai cũng na ná như nhau.
3. Thích thể hiện
JD không yêu cầu gửi hồ sơ tiếng Anh, có khi còn ghi rất rõ gửi CV bằng tiếng Việt nhưng cũng có các chế sống international, làm global quen rồi nên phải gửi hồ sơ bằng tiếng Anh mới chịu được. Phải chi apply job nào có liên quan dính dáng tiếng Anh một chút hoặc làm cho công ty global còn được đi, đằng này cái Job tuyển Content Marketing – viết tiếng Việt cho người Việt đọc chứ có phải cho Mễ Tây Cơ đâu mà gửi CV tiếng Anh thì chứng tỏ cái gì?
Gửi một bản hồ sơ tiếng Anh không đồng nghĩa mình được thêm điểm cộng trong mắt xanh của nhà tuyển dụng. Có tiếng Anh giỏi là một lợi thế, nhưng không phải công việc nào cũng cần dùng tới tiếng Anh. Kỹ năng thể hiện không đúng lúc đúng chỗ chỉ gây tác dụng ngược là phản cảm. Chưa kể, đã viết hồ sơ tiếng Anh mà còn sai grammar là còn làm trò cười cho những nhà tuyển dụng giỏi tiếng Anh hơn.
–> Nếu bạn giỏi tiếng Anh thực, phần bằng cấp chứng chỉ trong CV chỉ cần ghi nhẹ 1 câu TOEIC 990 / ITELTS 9.0 là nhà tuyển dụng tự hiểu. Nếu không có bằng thực mà chỉ có thực tài thì hãy đề cập tới một job nào trong quá khứ bạn dùng tới khả năng tiếng Anh. Còn đã không có bằng mà còn không từng dùng tới tiếng Anh trong các công việc quá khứ thì đề cập chi vậy mấy chế?
– Ủa em đi đâu đó?
– Em gửi xe lên phỏng vấn tuyển dụng.
– Mời em về cho, bãi xe không có chỗ chứa em!
Bỏ nhỏ đôi lời
Đối với ứng viên, chỉ cần bạn rơi vào 2-3 lỗi trên khi nộp hồ sơ ứng tuyển là xác định tạch, đến cơ hội vào bãi giữ xe cũng không có. Bởi vậy, nếu đã từng nộp hồ sơ cho công việc nào mà không thấy nhà tuyển dụng hồi âm thì nên rà soát lại xem mình có bị dính chấu lỗi nào không? Nếu không có thì cứ nhẹ nhàng gửi nhẹ cái email hỏi thăm thử hồ sơ của mình có đạt yêu cầu không? Nếu không, xin anh chị mở lượng hải hà mở lòng từ bi dành chút ít thời gian chỉ giúp em để em rút kinh nghiệm.
Đối với nhà tuyển dụng, khó thôi đừng khó quá, nếu áp dụng nguyên bộ tiêu chuẩn của Chơn Linh để dò lỗi thì xác định tìm anh tài như mò kim đáy bể ngậm ngải tìm trầm, bởi vì ứng viên gặp lỗi này lỗi kia nhiều như lá mùa thu. Ví như một người đã được dạy cho kỹ năng làm hồ sơ tuyển dụng, được trường lớp đào tạo bài bản về khoản này mà làm sai mới đáng trách, còn thanh niên mới lớn vào đời không biết thì không có tội, chỉ là thiếu chuyên nghiệp chút thôi.
Bản hồ sơ ứng tuyển sẽ phản ánh kỹ năng của một ứng viên, nhưng không phản ánh năng lực, tố chất và thái độ của một ứng viên. Có nhiều bạn trẻ bị mắc những lỗi cơ bản này, nhưng qua câu chữ và cách thể hiện cho thấy được một thái độ tốt khi ứng tuyển. Lúc đấy, nhà tuyển dụng nên cho các bạn trẻ một cơ hội bước vào vòng phỏng vấn tiếp theo để học hỏi được sự chuyên nghiệp từ chính mình. Không ai ở điểm bắt đầu cái gì cũng biết cả, nếu biết hết người ta đã lên làm tuyển dụng rồi đúng hôn.
*Đón xem Vén Rèm Tuyển Dụng – Tập 3: Tìm bạn tình hay tìm người yêu?
Nếu bạn đã từng trải qua các lỗi lầm đáng nhớ hay kinh nghiệm đau thương trong quá khứ khi tìm việc, đi phỏng vấn hoặc cũng từng trắc trở chuyện tuyển dụng, đừng ngại ngần chia sẻ với Chơn Linh để rót vốn đầu tư cho bộ phim được kéo dài thêm nhiều tập.