O trong tiếng Huế nghĩa là cô. Quán bún bò Huế của o Vân nằm ở một góc nhỏ trên đường Phạm Văn Đồng gần nơi mình ở. Nói quán cũng không hẳn là đúng, vì đó chỉ là một mé nhỏ phía trong vỉa hè, không phải nhà, khi bán xong thì lấy hàng rào rào lại để giữ đồ đạc bên trong.

O Vân bán bún bò Huế từ góc đường này khi nào mình không rõ, mình chỉ để ý tới quán của o độ hai năm đổ lại đây từ khi khúc Phạm Văn Đồng thông đường mở lối cho xe tấp nập ngược xuôi. O Vân người Huế nên nói chuyện rặt giọng Huế. Sáng sáng mình chạy xe đi làm, nhìn ngang thấy o đang lụi cụi bào rau muống và sửa soạn để chuẩn bị bán quán ban chiều. Cuối tuần, quán của o buổi sáng bán mì Quảng nấu theo kiểu xứ Quảng, do hai vợ chồng chị em bạn dì bán, o chỉ phụ, còn buổi chiều tối quay lại với quán bún bò của o.

Nghe o kể, o theo mẹ đi bán bún bò từ năm 12 tuổi, tới nay đã sáu mấy rồi, cái nghiệp bún bò của mẹ truyền sang con gái. Sau này vào Sài Gòn lập nghiệp, o vẫn mang theo công thức gia truyền của mẹ duy trì gánh bún bò mấy chục năm nay.

Mình chưa ăn bún bò ở Huế, nhưng ăn bún bò Huế o Vân xem như cũng đại diện cho một món đặc sản ẩm thực của người xứ Huế. Bún bò của o Vân nước dùng rất đậm đà, nghe mùi thôi đã thấy thơm lựng chảy nước miếng. Mấy bận trời mưa là chỉ thấy thèm một tô bún bò, ăn rồi hít hà vì vị cay của nó mà ấm lòng.

Có mấy bận o Vân bị bịnh, đau nhức nửa đầu nên hay nghỉ sớm, có khi nghỉ bán. Mình bảo o đi bệnh viện khám thử đi, chứ uống thuốc thôi thì không biết có bị gì bên trong đầu hay không. Những bận o nghỉ rồi bán lại, bao nhiêu người quở sao o nỡ đành lòng nghỉ bán, tụi con thèm tô bún bò của o quá trời. Bởi vậy, dù quán chỉ có mình o làm hết mọi thứ từ A đến Z, o cũng phải ráng bán lại để khách… đỡ thèm.

Mình hỏi, bộ nhà o không có người phụ hay sao, sao không thuê thêm người phụ bán quán. O bảo, có ông chồng già của o, nhưng ổng mê khiêu vũ lắm, chiều tối nào cũng đi dạy khiêu vũ ở công viên không có phụ o được gì mấy. Còn thuê người cũng được mấy người, mà người ta làm không có tâm con ơi, kiểu làm hời hợt cho có rồi lãnh tiền nên o không ưng. Bởi vậy nên o tự cáng đáng hết nguyên quán bún bò nhỏ xíu.

Có bận mình ghé quán, không thấy o mà thấy người bán là một cô khác trẻ hơn, mà ngộ là quán có thêm vài người phụ. Sau gặp o hỏi mới biết, nhỏ đó là cháu o ở Huế ra nhờ o chỉ dạy bí quyết gia truyền. O truyền hết cho nó rồi để quán cho nó bán một tuần. Có điều nó mới ra bán nên còn lọng cọng chưa quen, bán chậm lắm con làm mất khách của o quá trời vì tưởng o nghỉ bán.

Lần mình tới mua bún bò gần đây nhất, o bảo chỉ còn bán được mấy bữa nữa thôi, sắp nghỉ bán rồi đó con ơi nên có thèm thì ráng tới ăn mấy ngày này nha. O tâm sự, con trai của o mới mướn mặt bằng mở tiệm làm tóc ở Phan Văn Trị, hai vợ chồng nó mới có con nhỏ, nên bảo o nghỉ bán đi ở nhà để tụi nó lo với chăm cháu được rồi. Sáu mấy tuổi đầu, hổng lẽ để người ta nói con cái không biết lo cho cha mẹ để o phải bươn chải hay sao. Nó nói cũng xuôi tai, nên o nghe lời tụi nhỏ, thấy mình bán bún bò cũng được vài chục năm, tới giờ “nghỉ hưu” cũng được rồi.

Và đó cũng là lần cuối cùng mình thấy o Vân và được ăn bún bò của o. Quán lại nằm im lìm sau dãy hàng rào, hổm rày đã chuyển thành quầy bán trái cây. Mọi thứ như một câu chuyện đẹp và đầy dư vị nằm nơi đầu lưỡi. Bây giờ buổi tối o Vân không còn phải chộn rộn dọn dẹp rồi bán quán mà ở nhà vui vầy cùng con cháu. Còn bao nhiêu khách quen lại tiếc ngẩn tiếc ngơ khi góc đường Phạm Văn Đồng quen thuộc lại vắng bóng đèn quán bún bò Huế o Vân.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx