Chí ít trong lòng mỗi người đều có một miền bình yên để nhớ. Miền bình yên ấy có thể là chốn thôn dã với bạt ngàn ruộng đồng lấp lóa cò bay, hay bâng quơ những tòa nhà cao thấp đường tấp nập về đêm trong lòng phố. Và hẳn trong nỗi niềm của những người đi xa nhớ về quê nhà, đâu đó thấp thoáng bóng dáng của một mảnh vườn con con.

Cái mảnh vườn tôi nhớ trước nhà ngoại là một khoảnh sân ráo hoảnh và ngập nắng. Đối diện nhà ngoại là nhà cậu Ba cũng có một mảnh vườn bên hông, hai mảnh vườn chỉ cách nhau một con đường hẹp dẫn ra đầu ngõ và những cục đá tảng làm móng nhà xếp thành hàng rào thẳng tắp. Đại để vườn là một mảnh đất rộng bao quanh nhà, còn sân chỉ là một khoảng trước nhà để bọn trẻ tận dụng vui chơi và người lớn đi ra đi vào. Vườn ở quê trồng toàn những cây đặc trưng nơi thôn dã, nội những cây dại mọc trong vườn cũng đủ ra đời biết bao trò vui cho trẻ nít.

Trước sân nhà ngoại là một cây hoa đại trắng rất to, thấy cây từ rất lâu mà đến giờ vẫn còn, dường như hoa đại nở quanh năm nên lúc nào cũng thấy hoa trắng rụng lác đác dưới sân nhà. Mỗi sáng dì Út đều phải quét lại mớ hoa rụng vào một góc, để ủ dưới gốc cây, hoa của cây lại trở về với đất. Thi thoảng tụi con gái lại lấy làm hoa gắn tóc, kết lại thành vòng đeo cổ lủng lẳng rồi ré lên chạy khi có mấy con kiến càng trong hoa bò ra. Tới mùa thay lá thì đồng loạt lá trên cây rụng trụi lủi còn trơ ra thân gầy, lúc đấy nhìn xác xơ đến tội. Mấy gốc cây và chạc ba lúc nào cũng nhẵn thín vì tụi nhỏ suốt ngày trèo lên trên ấy. Hồi nhỏ tôi là chúa đu bám cây như sam, ngày nào cũng túc tắc cầm tô cơm trèo lên chạc ba ngồi ăn. Có khi buồn ngủ ngồi trên cây ngủ cũng hổng chừng. Chuyện xưa lắc, ai mà nhớ hết được.

Đứng khép nép kế bên cái lan can nhà dì Tư là một cây sung nhỏ ông ngoại xin ở đâu về trồng, chắc khi trồng cũng mong sau này nó lớn sum xuê che mát một góc vườn. Vậy mà cái ước mong đó của ngoại chẳng bao giờ thành hiện thực. Hồi ấy chả biết cây sung là cây gì, cũng chưa nhìn thấy trái sung ra sao, chỉ được học trong tập vở câu thành ngữ “Há miệng chờ sung”. Thật ra cây sung cũng chả có gì thú vị với mình ngoài mấy cái lá xù xì như có ghẻ, và hơn nữa đó là nơi lũ bướm hay đẻ trứng vào. Bà chị họ của mình có lần đã thấy được một cái kén bướm nằm dưới lá sung và ngắt đem về nhà, bỏ trong tủ kiếng.

Hồi xưa mình không hình dung được tại sao từ một cái kén nho nhỏ mà bướm có thể chui ra. Và mỗi ngày mình cứ tới ngồi săm soi trước tủ kính đợi ngày chú bướm chui ra khỏi kén. Trời cũng không phụ lòng…trẻ nhỏ, một sớm nhỏ chạy lon ton sang nhà chị chơi, thấy cái kén xẹp lép chỉ còn vỏ rỗng và một con bướm đang chập choạng đập cánh loạn xạ. Mình và bà chị mở tủ kiếng để nó tìm được đường ra ngoài, mất một lúc lâu con bướm cũng lò dò bay ra được thế giới bên ngoài rồi đi mất hút. Những mùa sau tôi vẫn hay bắt gặp kén bướm nằm dưới lá sung nhưng bao giờ ngắt đem bỏ tủ kiếng nữa, cái gì của trời cứ để tự nhiên vẫn hay hơn.

Nói về bướm lại nhớ kỉ niệm về cây điệp vàng. Ở quê nhà nào cũng trồng một cây điệp nằm ở góc vườn, thường là mọc hướng ra ngoài hàng rào để ai đi ngang qua cũng có thể xin chủ nhà hái. Cây điệp ở quê rất được xem trọng vì mấy ngày giỗ chạp cúng kiến người lớn hay ra vườn bứt một bó bông điệp đem vào cúng trang trọng trên bàn thờ. Nhà hàng xóm trồng hai cây điệp vàng rực trước sân nhà, hoa nở quanh năm. Nhà ngoại mình sau này cũng trồng vào góc sân một cây điệp bông đỏ, lúc thấy cây trổ bông đỏ au như phượng mới thấy thật bất ngờ, cũng giống như lâu nay nhìn thanh long ruột trắng quen mắt tới khi thấy thanh long ruột đỏ thì trầm trồ.

Nhớ có lần đi lên chòi, anh họ vô tình phát hiện ra một tổ bướm bên trong cây điệp vàng, bướm bay phải nói cả trăm con tụ về chỗ ấy, bướm vàng rực điểm chấm đen nằm lẫn lộn trong màu bông điệp vàng. Tự dưng choáng ngợp với đàn bướm, trong lòng mình nảy sinh dã tâm phải bắt được hết cả bầy. Thế là thi nhau chộp lấy chộp để bắt được con nào bỏ con nấy vào bịch ni lông, hậu quả là tay dính đầy phấn bướm nham nhám và mấy con bướm ngộp oxy chết dần chết mòn le lói. Về nhà tụi bạn hàng xóm cứ hù dọa bảo chết mày rồi, ai biểu bắt bướm ăn cơm rớt chén cho coi. Hồi bé nghe hù kiểu vậy sợ lắm, giống như mình phạm vào trọng tội nên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Thêm nữa còn có chuyện kể về một loại bướm ma, bướm to bằng hai bàn tay người lớn, cánh đen tuyền chỉ li ti vài đốm trắng và ai gặp bướm ma là sẽ bị xui xẻo ám tới. Trong lúc đi thơ thẩn trong vườn mình có gặp con bướm ma như lời đồn đãi, quả thật nó rất to so với loại bướm bình thường nhưng sau dạo ấy cũng không gặp bất cứ xui xẻo nào.

Bao quanh sân vườn có một loại hoa mọc hoang rất bình dị là hoa dừa cạn, ở nơi mình gọi là hoa tứ quý vì nở hoa quanh năm và có nhiều màu sắc rất đẹp. So với những loài hoa đài các như hoa hồng, hoa huệ thì tứ quý chỉ là một loài hoa bình dân nơi thôn dã, có thể tận dụng cho nhiều bài thuốc nam hiệu quả. Có một trò chơi mà chị họ mình hay chơi là bứt hoa tứ quý, ngắt cái nhị mỏng lét bên trong nó ra để trên lòng bàn tay và thổi, nó sẽ quay tít như kim đồng hồ. Còn nữa là đứng trên cao bứt một nắm hoa tung lên nó sẽ xoay xoay tít mù trong gió như chong chóng. Cái trò làm mình nhớ mãi về những cây hoa tứ quý là lùng bắt sâu nái, dưới những tán lá thường xuất những chỗ gặm nham nhở và phân tròn tròn là biết cây ấy có lũ sâu ngự trị. Sâu nái màu xanh lét, càng ăn nhiều càng mập ú ra. Hồi bé mình sợ đụng vào sâu gây ngứa nên lấy cây chọt chọt nó hay lượm gạch đập cho đến chết cái tội phá hoại. Thêm một màn tra tấn kinh dị mình nghĩ ra nữa là bắt tụi sâu nái bỏ vào bếp than hồng dì Tư nấu cơm sau nhà, con sâu tròn quay vừa bỏ vào lò lửa là co rúm và teo riết lại còn chút lắt. Sâu nướng than nổ lụp bụp nghe rất vui tai, mùi cũng khen khét thơm thơm như thịt nướng. Nghĩ lại thấy buồn cười.

Đằng sau vườn nhà ngoại có một cây chùm ruột rất to, bên hông nhà cậu Ba cũng có một cây to không kém. Cây chùm ruột nhìn rất thích bởi nhành rất dẻo dai có thể trèo lên chạc ba ngồi vắt vẻo được. Những cái lá non xanh mươn mướt tước ra được thành một nắm rất nhiều lá con, số lá ấy có thể dùng làm tiền mua đồ hàng của mấy đứa con gái hay dùng để thổi kèn lá nghe vui tai. Một điểm rất ngộ của cây chùm ruột là trái mọc thành chùm và treo lủng lẳng trên thân, mỗi lần hái cứ bụm tay lại mà bứt hàng loạt. Trái nào trái nấy cũng tròn lẳn, căng mọng, ăn vào ngòn ngọt chan chát, chủ yếu cho lũ trẻ vặt ăn chơi. Mỗi mùa chùm ruột chín độ sai quả, mấy dì trong nhà thường hái nhiều để làm mứt chùm ruột. Chùm ruột sên lên với đường cát ra màu đỏ sẫm, cắn sần sật nghe giòn cả lỗ tai thơm điếc mũi, nhâm nhi một ít húp ngụm trà thì ngồi tán phét bá chấy bồ chét.

Có một cây nữa trong vườn nhà đem lại sự thanh cảnh và mảnh mai là cây mận nơi góc vườn. Thân cây vút lên cao tít, mấy tán lá mận mọc sum suê quanh năm rót cái nắng của ngày, của gió nên thơm hết biết. Bạn cứ thử bứt một cái lá mận đưa lên mũi mà ngửi xem, cái hương của nó thơm thơm dịu dịu, để cái lá mấy ngày ngửi vẫn còn thơm. Hơn nữa hoa mận nở thành chùm trắng muốt cũng đẹp không kém, cứ li ti lấp lánh trong cái nắng đầu mùa. Cây mận nhà cậu Ba thì ra trái trắng, nhỏ xíu chứ không phải mận đỏ hồng. Hồi đó mỗi lần ra vườn, cậu Ba thường leo lên bứt mấy nhánh mận chín cho mình. Chạy ra khoe với tụi bạn, đứa nào cũng xúm xít lại xin. Mận non mới chín ăn chát xít mà đứa nào cũng nhai rau ráu như thể của ngon vật lạ chẳng bằng.

Còn một cây sần sùi, cằn cỗi đi đâu ở quê cũng thấy là cây vú sữa. Nhà cậu Ba mình có mấy cây vú sữa gốc to bằng hai người lớn ôm mọc bên hông nhà và mấy cây đằng sau vườn. Chỗ cây vú sữa lại để tấm ván bằng gỗ lớn để mọi người tới ngồi chơi, mấy chú lớn thì chiều chiều ra gốc vú sữa ngồi nhậu. Mỗi dịp đám giỗ là mọi người quây quần trên ấy mà nấu ăn, bày biện đủ thứ linh tinh. Những trò chơi con trẻ cũng loanh quanh những gốc cây ấy mỗi lần chơi năm mười hay rượt bắt. Sờ vào thân cây vú sữa thấy nham nhám đến sần sùi mà cho ra thứ quả ngọt lành, sữa ngọt lịm lòng người.

Ở quê người ta có chế ra cái sào hái vú sữa rất hay, cây sào dài sọc ở trên gắn một cái bọng làm bằng tre đan kín chỉ chừa một ô vuông nhỏ để hái trái. Ở dưới chỉ cần đưa sào lên và giật một cái là trái chín rớt vào bọng tre, cứ kéo xuống mà lượm ra thôi. Với một đứa con nít bé xíu như mình thì cầm cái sào cũng là một điều khó khăn, cứ lóng nga lóng ngóng trật đường rày nên chả bao giờ hái được nên hồn, lần nào cũng nhờ bà chị họ hái giùm. Trái vú sữa vườn nhà thì nhỏ chút lắt, tròn trĩnh nằm trong lòng bàn tay chứ không được to đẹp như trái bán ngoài chợ. Hái được một đống xong rồi mỗi đứa ngồi phịch ra trên ván, dùng tay bẻ đôi trái vú sữa ra mà cạp, miệng đứa nào cũng dính mủ sữa nham nhở. Có một công dụng nữa của cây vú sữa mà giờ ít còn ai biết đến, mỗi lần có tờ tiền nào rách thì cứ ra bứt cái lá vú sữa, cái cuống nó chảy sữa ra đặc sệt thì nhỏ vào hàn lại chỗ rách.

Cây trái trong vườn, đa phần bây giờ những cây trên chẳng còn lại mấy loại, có nhiều cây khi xưa đi đâu cũng gặp mà giờ tìm mỏi con mắt cũng chẳng thấy. Khi nông thôn bị thị thành hóa thì nhiều thứ đổi dời, bê tông cốt thép đã lấn dần những mảng sân đất trần trụi cho những đứa trẻ chạy rông, những hàng rào dâm bụt hay dây leo kín mít cũng không còn. Những tàng cây dần dần ngã xuống thay vào là nhà cửa được cơi nới ra, vườn chỉ còn là không gian chật ních nằm lọt thỏm trong những ngôi nhà. Mình còn nhớ cách đây rất lâu, khi cây me ngoài hiên nhà ngoại bị đốn đi chỉ vì lý do rất tâm linh đó là…nghe đồn nó có ma. Vậy mà cái lúc cả cây me to đồ sộ đổ ập xuống, mình đã ngẩn ngơ biết chừng nào. Còn đâu những trái me non đầu mùa chấm muối nghe chua chảy nước miếng, những cái lá me non mới trổ bứt ngậm chơi cũng ứa cả ruột gan. Mới hay, mới thấm thía mấy câu thơ của Hữu Thỉnh, nghe nhức cả lòng:

Ta đâu đề phòng từ phía những người yêu
Cây đổ về nơi không có vết rìu…

Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, bạn có thể ủng hộ tác giả qua chương trình Bạn đồng hành hoặc tại đây.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx