Retouch: Thành Linh

Còn lại nơi ấy mắt biếc
còn lại nơi ấy luyến tiếc
còn lại nơi ấy bao ước mơ tan vào nhau…

Đôi khi ta muốn trốn, trốn vào cái tuổi thơ dĩ vãng. Những trò chơi trốn tìm ngày bé, người đi trốn kẻ đi tìm. Bao giờ cũng bắt được nhau trong cái ngỡ ngàng, sợ sệt và hớt hải. Ta luôn muốn làm kẻ chạy trốn hơn là người đi tìm. Và có khi ta lặng im trong một góc không ai tìm kiếm được ta, cứ ở yên đấy và chờ được người đi tìm giải thoát. Có khi, ta cứu bạn một lần, bạn cứu ta lại, như thế là sòng phẳng. Có khi vì bạn là em ta, là chị, là anh ta nên ta phải cứu hay họ sẽ cứu ta lại. Rốt cuộc, chúng ta lại nợ nhau trong những mối quan hệ ở đời.

Ta thích trốn vào một góc nhà kho, chui vào những xó xỉnh tăm tối và ngồi lặng im đợi chờ. Khi ta hời hợt và muốn giành phần thắng, ta giấu mình vào những hàng rào hoa dâm bụt, để cây có thể che mất một phần thân thể mình, để ta có thể ùa ra bất cứ lúc nào, và ta thắng. Thích cái hàng rào dâm bụt, vì trong những lúc đợi chờ, có thể vặt lá, bứt bông, ngồi vạch lá tìm sâu đúng nghĩa. Tuy là kẻ đi trốn, nhưng ta luôn sợ cái cảm giác không ai tìm được mình. Lúc đó, ta chơi vơi và lạc lõng lắm, chỉ muốn rấm rức khóc và chạy ùa ra, nhưng ta vẫn cứ ngồi im và…đợi.

Những nơi hò hẹn
những gương mặt quen
và ta nhớ ơi là nhớ.. vui buồn thuở xưa mộng mơ.

Hàng rào – bạn và ta vẫn thường chui qua lại giữa hai nhà qua cái lổ hỗng của hàng rào dâm bụt này. Cái lổ hỗng là bí mật, chỉ vạch lá ra mới biết, và thường chỉ có… chó mới chui. Ta vẫn hay trốn bạn trong cái hốc quen này và đợi bạn tìm ra ta. Những trò chơi bí mật của trẻ nít, đều quẩn quanh chốn này. Nhớ con nhỏ hàng xóm vẫn hay bày trò bán đồ hàng, bạn luôn là người khách hào phóng khi hết ăn phở tới mì, hủ tiếu, bún bò mà tiền chỉ toàn lá và lá.

Bạn có nhớ những ngày trời mưa mình chạy long nhong dưới những vũng sình lầy, tạt nước vào nhau, núp vào những lùm cây và rung thật mạnh để nước rơi xối xả xuống đầu. Mình thích cái cảm giác đứng trong hiên nhà, leo lên cái lan can ngóng tìm bạn nơi bên kia hàng rào, dù khoảng cách chẳng là quá xa. Mình thích chống cằm, nhón chân và tựa vào lan can xem mưa bắt đầu rơi như thế nào, nó rớt xuống mặt mình ra sao. Và mình đợi tiếng í ới của các bạn lôi mình vào những cuộc vui dưới mưa, của những trò chơi muôn thở trong ánh mắt trẻ nít tinh ranh.

Ảnh: Thành Linh

Mình nhớ những khi mưa tạnh, trời se sắt lạnh đến nhường nào. Bạn và mình mặc áo ấm đi lón nhón qua những vũng sình tới nhà nhau. Nhớ cái thằng nhỏ lóc chóc mang dép người lớn để trượt chân té, người nhớp nháp bùn sình và về nhà bị ăn mắng ra sao.

Những điều ngày xưa ấy, mình vẫn nhớ. Mình là người đa cảm, những gì đã trải qua không đủ phai nhạt để biến mất vào một khoảng không nào đó. Mình luôn ghi nhớ kỉ niệm, và khắc nó vào một ngăn nhỏ trong tim. Còn bạn, và các bạn lớn lên từng ngày, và nhạt phai dần, và có lẽ không lưu luyến gì những ngày đã qua.

Cái hàng rào ngày nào đã tan thành bọt mưa bong bóng, ai đó đã lấy đi và san lấp bằng hàng rào lưới sắt bê tông. Bạn và mình khi trở lại, đều không có chỗ để chơi trốn tìm, nên ta đành hụt hẫng khi nhìn nhau. Mình không đủ bé để chống cằm tựa vào lan can nhìn mưa, mà đã có thể leo lên đó ngồi gọn lỏn nhìn xa xăm. Mưa thì vẫn như ngày nào. Vẫn cứ rớt qua tay, qua kẽ mắt mình, nhưng những thứ mình cố gắng níu lại đã tan đi mất rồi.

Khi xưa trời mưa ướt, ta thường hong khô bên bếp lửa người lớn châm trong nhà. Nhưng giờ ta ướt, quạt có hong khô được hơi ấm ngày xưa?

Ta muốn hong khô lại kỉ niệm, để nó đừng ướt, đừng nhoèn nhoẹt thành những trang giấy như ta.

Và ta đi.. đến chân trời xa
để một ngày ta sẽ quay về nhà…

(Bài có sử dụng lời ca khúc “Nơi ấy” của tác giả Hà Okio để minh họa)

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải