Mỗi lần về nhà là mỗi lần thấy xóm buồn hiu hắt, vì nhiều cánh cổng đã bắt đầu khép, và con nít thì đi đâu mất rồi…
Xóm chỉ đơn giản là hai dãy nhà đối diện nhau chạy dọc theo con hẻm, từ đầu hẻm tới cuối hẻm cũng không quá hai chục căn nhà. Nhiều căn nhà nay đã bán, chủ nhà đã dọn đi nơi khác, chỉ còn lại cánh cửa khép vô tình. Và lũ con nít cũng vậy, trốn đâu biệt tăm tìm hoài chẳng thấy. Tôi phát hiện ra rằng, tụi con nít ngày nay, không ru rú ở nhà xem tivi thì cũng chạy ra ngoài tiệm net chơi game. Hình ảnh tụi con nít tụm năm tụm bảy trong những con hẻm buổi ban trưa chỉ còn là hoài niệm.
Cái thời tôi còn là con nít thì xóm nhà nào cũng có con nít ngang lứa mình hoặc lớn hơn vài tuổi. Hồi xưa không có truyền hình cáp, không có máy tính và internet, con nít ngoài chuyện đi học ra không biết làm gì ngoài việc gặp nhau để bày trò chơi đủ kiểu. Những trò chơi phổ biến mà đứa nào cũng biết là chơi năm mười, nhảy lò cò bình dân, lò cò bia ôm, chơi thảy gạch, nhảy dây… Trưa nắng chả có đứa nào dại dột ngủ, ngoại trừ bị ba mẹ thúc ép, còn lại tụi nó đều trốn ra hiên trước nhà để chơi. Cứ đơn giản là ban đầu chỉ một hai đứa chơi, rồi từ từ nhiều đứa khác xúm lại thành ra cả bầy nhắng nhít.
Vui nổ trời phải kể đến trò tạt lon (còn gọi là ném lon hay quăng lon) – một trò chơi kinh điển và thu hút rất nhiều đứa tham gia. Để chơi trò này thì cần một cái lon sữa bò hay lon bia rỗng, vẽ một vòng tròn và đặt lon vào tâm. Từ vị trí cái lon sẽ vẽ một vạch mức cách đó khoảng bốn, năm sải chân. Lũ trẻ đứng ở vị trí cái lon, thi nhau ném dép để phân định đứa bị làm, dép nào gần hoặc dưới mức sẽ thắng, còn đứa nào ném xa mức quá thì bị làm người giữ lon. Những đứa thắng sẽ đứng dưới mức và ném dép vào chiếc lon, nếu không trúng thì phải chạy lên để giữ dép. Những đứa sau phải tiếp tục quăng dép lên, nếu ném trúng và cái lon bay ra khỏi vòng tròn thì những đứa ở trên được cầm dép chạy về.
Đứa giữ lon phải vội vàng chạy đi lượm lon bỏ lại vào vòng tròn và rượt những đứa cầm dép lên, đánh trúng ai thì đứa đó bị thay thế. Cứ thế, những buổi trưa hè trong xóm tôi toàn vang lên những âm thanh lốc cốc, lẻng xẻng của chiếc lon bị dép ném tơi bời. Có nhiều đứa bị làm liên tục mà đừ người ra, thở phì phò vì cứ phải chạy đi nhặt lon liên tục. Đến lúc đuối quá thì những đứa còn lại sẽ “nhân đạo” mà tha cho.
Trò chơi thứ hai không kém phần sôi động là cướp cờ. Sẽ có một đứa già đầu đứng ra chủ quản và chia tụi con nít ra làm hai đội đứng ở hai vạch mức đối diện nhau, ở giữa là một vòng tròn có để nhành cây hoặc cây cờ trong đó. Mỗi đứa sẽ ứng với một số khác nhau, khi đứa cầm đầu đọc lên số nào thì sẽ có hai đứa từ hai đội chạy lên vần nhau mà giựt cờ. Cái hay của trò này là phải biết luồn lách, nhử đối thủ sao cho khéo mà giựt được cờ, tuy nhiên phải đảm bảo không bị đối thủ đánh vào người trước khi chạy vào mức. Vui nhất là mỗi khi cháy nhà, cả hai đội đều ào lên hết không phân biệt số nào, mỗi đứa đều phải canh chừng đối thủ cùng số của mình. Có đứa còn luồn tay qua háng đứa đứng trước mà giựt cây cờ chạy biến về.
Nếu dân gian có câu “mùa nào thức nấy” thì tụi con nít chúng tôi có châm ngôn “ngày nào trò nấy”, mỗi ngày là luân phiên đổi đủ thứ trò chơi khác nhau cho đỡ nhàm. Mấy hôm chơi tạt lon chán rồi thì hôm sau chuyển sang giựt cờ, không thì nhảy dây thun hoặc chơi lò cò. Mùa hè thì có thêm màn bày trò nấu ăn trong những chiếc nồi đất, lò đất bé tí tẹo hoặc đổ bánh căn trong khuôn ấy. Con nít, dầu là ở thành phố hay nông thôn thì nơi đâu cũng có những trò vui bất tận. Chúng có thể chơi say sưa từ trưa đến chiều không ngừng nghỉ, chẳng quan tâm đến trời đã tối sầm lại, chỉ đến khi nào nghe mẹ gọi í ới về ăn cơm thì mới bắt đầu rã đám. Rồi lại luyến tiếc, rồi lại làng xàng nửa muốn chơi tiếp nửa muốn đi về. Xong rồi đến khi chẳng còn mấy đứa thì tự khắc tan đàn xẻ nghé, mạnh ai về nhà nấy.
Xóm tôi bây giờ con nít ít dần đi, vì tụi con nít ngày xưa thì đã lớn mất rồi, đã bay đi tứ tán không bao giờ hội tụ. Có nhiều đứa trong một xóm với nhau mà sau năm, mười năm, tôi đã không còn gặp mặt lại bao giờ. Tụi con nít của xóm hôm nay, toàn những đứa mới biết lững chững bước đi hay những đứa học cấp một, cấp hai. Chúng chỉ biết quanh quẩn trong nhà hay la cà ở những quán game, siêu thị.
Nhà tôi có một cửa sổ từ lầu hai nhìn xuống có thể thấy bao quát con hẻm của xóm. Cách đây năm, bảy năm, tôi ngồi đó và nhìn xuống là thấy lũ trẻ chạy giỡn ton hót vui đùa rộn ràng mỗi buổi trưa chiều. Và bây giờ cũng nơi chiếc cửa sổ ấy, xóm buổi trưa chỉ là những khắc vắng tênh và lặng im, chỉ thi thoảng đôi ba chiếc xe chạy ngang, đôi ba dáng người qua lại. Khi nhà nhà dần đóng kín cửa thì xóm trở nên buồn thiu và lạnh nhạt. Hình như con nít mới chính là linh hồn của xóm, của làng, của phố…