Hồi mới chuyển hướng rẽ ngành sang làm Marketing, mình bắt đầu từ một vị trí nhỏ là làm Content Marketing. Mới vô được tầm 2 tháng, chị làm chung team và cũng là người hướng dẫn của mình nghỉ việc nên những việc của chị để lại, mình là người tiếp nhận. Sau đó, sếp tuyển thêm một bạn khác chuyên phụ trách chính về website, bên cạnh một bạn chuyên về chạy quảng cáo làm việc tại nhà. Rồi làm được tầm nửa năm, bạn mới tuyển cũng nghỉ luôn, và mình lại tiếp tục lãnh phần việc bạn để lại. Sau đó thì bạn chạy quảng cáo cũng nghỉ nốt, và mình cân hết việc cả team trong khoảng gần 1 năm trời.
Sau quãng thời gian trên, team bắt đầu tuyển thêm nhiều nhân sự mới cho nhiều vị trí nhỏ hơn (có Content, Digital, Customer Care, Design, Media), và mình lên làm Team Lead, và rồi trở thành Marketing Manager của một team nhỏ 5 bạn. Những tưởng công việc chỉ dừng lại ở đấy thôi, sau đó sếp lại “nhờ” mình quản lý tiếp Sales team khoảng hơn 10 bạn ở cả 2 vùng miền, và team nào cũng là team đập đi xây lại từ những bước đầu để tái cơ cấu. Quản lý Sales team là công việc khá thử thách với muôn vạn chính sách kèm một ngàn lẻ một câu hỏi vì sao phải giải đáp. Chưa dừng lại ở đó, từ từ có thêm nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác từ một số bạn nhân sự chủ chốt nghỉ việc, thế là mình cũng bao thầu luôn.
Khối lượng công việc của mình, ban đầu như cái dĩa có hai chén bánh bèo, từ từ chậm chậm thành một rổ bánh bèo, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh gói có thể gánh đi bán được hồi nào hổng hay. Với workload (khối lượng và số lượng công việc) nhiều như vậy, đòi hỏi mình cần có kỹ năng multi-tasking (đa nhiệm) và xử lý công việc hiệu quả để đảm bảo workflow (dòng chảy công việc) giữa các bộ phận hay giữa các nhiệm vụ phải diễn ra sao cho thật trôi chảy và suôn sẻ. Workflow nếu điều phối không tốt sẽ như vô số viên đá tảng cản đường, khiến dòng chảy công việc trở nên ùn ứ, tắc nghẽn, có thể quay ngược lại thành sóng thần ập vô bản mặt.
Trong quá trình làm việc với nhiều bạn nhân viên trẻ, có một số bạn có kỹ năng và tố chất tốt, sẽ được ưu ái đào tạo và giao thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng. Nhưng số đông các bạn trẻ mình gặp, khi rơi vào trạng thái multi-tasking đều như bị lật thuyền, bị sóng đánh chòng chành chới với, làm mọi thứ loạn xà ngầu hết lên, và tự nhiên trở nên kém hiệu quả lúc nào không hay biết.
Nhớ lại cảm giác khi phải đối diện với một nùi task phải xử lý mỗi ngày ở thời gian đầu, mình hay tự ví mình như một dũng sĩ, mà mỗi ngày đi làm như ra chiến trận tiêu diệt hàng chục con mẹ quỷ task hung hiểm. Chỉ có giết được nó, mới cảm thấy được nhẹ nhàng, mới thấy được quang cảng tươi sáng ở phía trước đang đợi chờ (lạc quan vậy thôi chứ task mãi mãi không bao giờ chết hết, trừ khi nghỉ việc nhen).
Ở series Dũng Sĩ Diệt Task này, mình sẽ lần lượt chia sẻ các bí kíp “diệt task” của Chơn Linh trong vai trò dũng sĩ chứ không phải tiên nhơn, để quý vị khán giả có thể lượm nhặt bỏ túi được vài bửu bối hữu hiệu mà ứng dụng vào công việc để có một tương lai tươi sáng hơn, không bị task dí task dìm xuống nước hay task đè như núi đè.
Ban đầu tính biên trong một bài mà biên tới đây đã thấy dài quá nên mần thành series, chia thành nhiều tập nhỏ cho quý vị xem từ từ.
*Trong các series phim truyền hình của Mỹ, Pilot thường là tên của tập phim thử nghiệm đầu tiên (pilot episode) để chào hàng các nhà đài. Pilot ở đây không hiểu theo nghĩa đen là “phi công”, mà là tập phim giới thiệu bối cảnh và tuyến nhân vật chính của bộ phim. Thông qua tập phim Pilot, các nhà đài sẽ đánh giá được sức hấp dẫn của series và quyết định có nên đầu tư chi phí cho các tập tiếp theo của bộ phim hay không.
*Xem tiếp Dũng Sĩ Diệt Task – Tập 2: Trảm task trừ yêu, tiêu diệt yêu quái