Chinh chiến qua nhiều mặt trận, dũng sĩ vẫn diệt task đều đều và nghĩ rằng mình vẫn đang làm tốt nhiệm vụ được đại tướng giao phó. Nhưng người ngoài nhìn vào sẽ thấy dũng sĩ ngày càng diệt task chậm hơn, số lượng task diệt được cũng ít hơn trước, trong khi với kinh nghiệm chiến đấu đó thì kết quả lẽ ra phải ngược lại.

Trong chốn công sở cũng vậy, khi đi làm một thời gian đủ lâu để hiểu được bản chất công việc, nắm được tường tận công việc mình đang làm nhưng kết quả thực tế cho thấy công việc đang ngày một trì trệ, không có sự phát triển nào mang tính nhảy vọt, không làm cho sếp thấy thỏa mãn mà lại complain (phàn nàn) nhiều hơn. Đó là lúc “anh ơi, nên dừng lại”.

Dừng lại không phải là nghỉ việc, mà là để… mài gươm.

Vì sao gọi là mài gươm thì xin kể quý vị nghe một câu chuyện ngụ ngôn đã được Chơn Linh cải biên lại:

Theo nhiệm vụ từ đại tướng phân phó, hằng ngày mỗi dũng sĩ trong binh đoàn phải tấn công một doanh trại để tiêu diệt bọn task, cuối ngày về báo cáo lại số lượng task mỗi dũng sĩ tiêu diệt được. Cuối mỗi tuần, đại tướng sẽ công bố top 10 dũng sĩ trong tuần và top 3 dẫn đầu sẽ được khen thưởng. Có anh Dũng Văn Sĩ là người rất tự tin vào năng lực bản thân, đao pháp xuất ngoại siêu quần (vượt khỏi những người xung quanh).

Anh Dũng Văn Sĩ đang chạy như ngựa vào rừng diệt task.

Ngày thứ Hai đầu tiên trong tuần, anh Dũng Văn Sĩ dẫn đầu bảng về thành tích diệt task, nhưng từ từ qua thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm rồi thứ Sáu, thành tích của anh tụt hạng dần ra khỏi top 10 mà anh cũng không hề hay biết. Anh vẫn cứ đinh ninh mình sẽ nằm trong top 3 như đinh đóng cột.

Mãi đến cuối tuần, đến khi đại tướng công bố danh sách thì anh Dũng Văn Sĩ mới thất vọng khi biết mình nằm ở thứ hạng 11. Rầu rầu vì bị rớt bảng xếp hạng next top dũng sĩ, anh tìm đến đại tướng để hỏi cho ra lẽ:

– Thưa đại tướng, thần rất tự tin vào đao pháp của mình, ở binh đoàn này thần tự xưng mình thứ hai thì không có ai dám nhận là thứ nhất, ấy vậy mà sao thần càng xông pha ra chiến trường thì thành tích lại càng giảm sút. Lẽ nào thần đã có tuổi rồi sao?

– Những gì ngươi vừa nói không sai chút nào, ta rất hoan nghênh sự tự tin của ngươi. Nhưng thử nhớ lại xem, lần cuối cùng nhà ngươi mài sắc lưỡi gươm của mình là lúc nào?

Tới phần giải truyện, anh Dũng Văn Sĩ trong câu chuyện trên cũng chính là điển hình của nhiều người chốn công sở – họ có khả năng tự nhận thức tốt về bản thân, nhưng nhận thức cao quá thành ảo tưởng sức mạnh. Bạn có năng lực, có sự tự tin, điều đó tốt, nhưng hãy nhớ một điều quan trọng là bạn có tạo ra được kết quả gì rõ ràng với năng lực và sự tự tin đó không? Hiệu quả công việc và kết quả cuối cùng mới nói lên bạn là ai, còn bạn tài giỏi như thế nào đó là chuyện của riêng bạn. Có tài mà không mài ra dùng được thì cũng vô dụng.

Và cốt lõi của câu chuyện là, muốn hiệu quả thì bạn phải nhận thức được thực trạng lưỡi gươm của mình có đang bị cùn hay không, ngay cả khi nó không cùn thì lâu lâu cũng phải mài lại cho sắc. Giống như đi xe máy, dù xe vẫn đang chạy ngon lành nhưng vài ba tháng cũng phải đi bảo trì tra dầu thay nhớt, chứ cứ chạy liên tục như vậy mà không bảo trì thì cũng có ngày đùng một phát hư tè le đủ thứ.

Lý do chính đa số mọi người không nhận ra lưỡi gươm của mình bị cùn là vì tầm nhìn hạn hẹp, họ tự giới hạn bản thân trong vòng tròn làm việc của riêng mình mà không có sự so sánh với người khác. Ví như anh Dũng Văn Sĩ, anh có một điểm tốt là toàn tâm toàn ý trong công việc của mình và không so sánh với các dũng sĩ khác, nhưng đó ngược lại cũng là điểm yếu của anh khi không nhìn ra được sự chênh lệch trong số lượng task mình diệt so với các dũng sĩ khác xung quanh. Nếu có óc quan sát và biết để ý một chút, anh sẽ nhìn ra được sự chênh lệch rõ ràng và cần phải nỗ lực nhiều hơn để cải thiện kết quả của mình những ngày sau.

Ở chốn công sở, sẽ thiệt thòi cho những ai khi vị trí bạn làm việc chỉ có mỗi bạn làm bá chủ độc tôn, không có đồng nghiệp ở cùng vị trí để thấy rõ được tính cạnh tranh trong công việc. Chẳng hạn có 2 bạn designer nhận được 2 task có tính chất tương đương nhau, bạn nào xử lý được nhanh hơn mà kết quả khiến sếp hài lòng hơn sẽ được sếp đánh giá cao hơn về mặt performance. Nếu trong team chỉ có 1 bạn thì không có đối tượng để so sánh, ngay cả khi bạn làm rất chậm thì chính bạn cũng không ý thức được điều này, cho đến khi bị sếp complain về việc chậm tiến độ.

Nếu gặp sếp không đủ chuyên môn thì bạn có thể “qua mặt” được sếp, không bị sếp complain nhưng về lâu dài bạn sẽ hình thành một thói quen làm rề rề từ từ chậm hơn so với năng lực và tốc độ xử lý vốn có của bạn. Cho đến khi bạn nghỉ việc, bạn chuyển sang một công ty khác và lúc này xuất hiện đối thủ cạnh tranh trong cùng vị trí. Đây là lúc bạn bị lãnh đạn từ thói quen làm việc đã xây trước đó của mình.

Muốn lưỡi gươm của mình được sắc bén, bạn phải mài trên 3 thì sau:

1. Thì quá khứ

Review lại những task mình đã diệt trong quá khứ để hồi tưởng lại thời kỳ huy hoàng – làm gì cũng hiệu quả, nhanh chóng, được khen ngợi và thời kỳ hắc ám – làm gì cũng trì trệ, trễ deadline, bị chê lên chê xuống. Ở trong thời kỳ hắc ám, đâu là nguyên nhân gây ra hậu quả trên? Đi tìm đầu mối nguyên nhân và tìm cách loại trừ các nguyên nhân đó trong công việc hiện tại.

Đồng thời, như tập 4 đã nói, bạn cần học cách sống tối giản trong công việc bằng cách cắt bỏ đi những việc dư thừa, kém hiệu quả để có nhiều thời gian hơn dành cho việc xử lý những task nặng và lâu, khó tiêu diệt trong một sớm một chiều.

Trăm con lâu la không bằng một thằng trùm cuối. Muốn lên level cao trong công việc thì phải tích lũy kinh nghiệm diệt được càng nhiều trùm cuối càng tốt chứ không nên mất thời gian suốt ngày rượt theo đám lâu la.

2. Thì hiện tại

Nếu không biết mình đang đi nhanh hay đi chậm thì có 2 cách:

  • (1) So sánh mình với đồng nghiệp trong cùng vị trí, xem ai đạt được nhiều thành quả hơn, performance ai nổi trội hơn. Nếu thấy mình đang tụt hậu thua xa người ta thì phải co giò lên mà chạy theo cho kịp.
  • (2) Rón rén nhỏ nhẹ bỏ nhỏ hỏi thăm sếp, dạo này có điểm nào em làm chưa tốt hay khiến sếp không hài lòng thì cứ feedback thẳng, em sẽ rửa tai lắng nghe. Những feedback này mới mang tính trực diện và cần thiết để bạn nhận ra điểm yếu của mình mà có kế hoạch cải thiện.

3. Thì tương lai

Bạn cần phải tối ưu hóa và tiết kiệm quỹ thời gian cho mình chốn công sở. Quỹ thời gian này nên dành cho công tác R&D (research & development) – nghiên cứu và phát triển. 

Giống như một nhà đầu tư, bạn cần phải học cách đọc tín hiệu và đoán trước thị trường thông qua việc tổng hợp những dữ kiện thực tế. Trong công việc cũng vậy, bạn cần phải nhìn ra được những kế hoạch đường dài trong phạm vi của team hay của công ty, và có sự chuẩn bị trước để khi tới đúng lúc đúng thời điểm là lấy hàng trong túi ra dùng được ngay.

Ví dụ một bạn làm Content Marketing, chuẩn bị cho tương lai là thu thập và lưu trữ các content, idea hay ho liên quan tới lĩnh vực bạn đang làm. Tới khi chạy một chiến dịch mới nào đó, bạn chỉ cần lấy trong kho dữ liệu của mình ra dùng, chứ không phải vật vã đi tìm hay suy nghĩ nát óc mới ra.

Hay một bạn làm Video Editor, tính chất công việc phải làm các TVC, trailer giới thiệu chương trình… thì nhân lúc rảnh rỗi phải cất công đi sưu tầm project, tải materials đa dạng các chủ đề để dành. Ví dụ nếu biết được cuối năm công ty sẽ tổ chức event đó thì nên tìm hiểu trước event đó về chủ đề gì, và bây giờ rảnh lo tìm trước material liên quan là vừa. Tới lúc bắt tay vào làm thì việc nặng 10 phần cũng nhẹ được 3 phần còn 7, hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào sự chuẩn bị của bạn công phu và chu đáo đến đâu.

Nắm được cách tư duy đường dài này và có sự chuẩn bị tốt cho tương lai, thì dẫu tương lai sóng gió chập chùng cỡ nào bạn cũng an tâm hơn nhiều phần, không cần phải lo sợ phong ba bão tố ập tới bất chợt. Như một người phòng xa mà chuẩn bị hết các thiết bị gia cố nhà cửa, thì bão có tới cũng không thấy sợ.

Khẩu quyết của bài học mài sắc lưỡi gươm này là sự dừng lại và chiêm nghiệm về công việc của mình, để xem mình đã đi tới đâu, đi được bao xa, đi nhanh hay đi chậm. Và ngó tới ngó lui ngó xuôi ngó ngược xem những người xung quanh mình họ đi như thế nào. Xin nhớ rằng so sánh không phải để tủi thân hay đố kị, mà biết được vị trí của mình ở đâu so với người khác mà phấn đấu hơn.

Ngoài chuyện mài sắc lưỡi gươm thì dũng sĩ còn cần mua gươm sơ cua để gãy cây này thì có cây khác lấy ra dùng được liền.

Gươm sắc cũng có lúc cùn
Đem mài cho bén là dùng được ngay
Gươm cùn mà cứ xài nhây
Đứt tay uốn ván là xây mộ phần


Xem tiếp Dũng Sĩ Diệt Task – Tập cuối: Muốn độ ta phải diệt task

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải