Gap year là gì? Gap year thường là một năm (hoặc ít hơn 12 tháng) mà bạn quyết định dành riêng cho bản thân để “nghỉ giữa hiệp” trong một quá trình học tập hay làm việc, cho phép bạn thực hiện những kế hoạch khác biệt so với cuộc sống thường nhật của mình.

Trước đây, “gap year” là một từ rất lạ lẫm đối với một người đến từ tỉnh lẻ như mình, bởi lẽ nó là quan niệm mang tính dân chủ tự do chỉ có dân thành phố lớn như Sài Gòn mới có. Có một số bé học sinh trong lớp tiếng Anh mình quen, các bạn nhỏ học xong lớp 12 thì gap year để tham gia các chương trình tình nguyện hoặc các tổ chức phi chính phủ (NGO), hoặc thực hiện một dự án kinh doanh nho nhỏ nào đó. Các bạn sinh viên tốt nghiệp xong cũng tương tự, nhưng sinh viên có thêm tiền bạc tích lũy từ gia đình cho hằng tháng hay từ công việc làm thêm thường gap year để đi du lịch khắp Việt Nam hoặc xuyên quốc gia.

Với những người tỉnh lẻ như mình và nhất là gia đình đến từ tầng lớp lao động bình dân, “gap year” là một khái niệm xa xỉ và là điều quý vị phụ huynh phổ thông không trông đợi ở con em họ. Vì chẳng có bậc cha mẹ nào lại muốn chứng kiến cảnh con mình vừa mới tốt nghiệp THPT thì lại đi rong chơi cả năm mà không học đại học, hay tốt nghiệp đại học xong không lo kiếm việc làm mà lại đi vô ngành “hàng không” – ăn hàng ở không. Chính vì thành kiến đó, rất hiếm những bạn trẻ đến từ tỉnh lẻ dám làm điều gì vượt ra khỏi những khuôn khổ truyền thống nếu cá tính không đủ mạnh và tư duy của nhị vị phụ huynh không đủ thoáng.

Và khi đã đi làm một thời gian, nhìn những bạn đồng trang lứa xung quanh, mình cũng hiếm khi thấy một bạn trẻ nào đó đang có công việc ổn định mà lại quyết định gap year. Thông thường, các bạn chỉ nghỉ việc vì ba lý do chính:

  1. Nghỉ làm full-time chuyển sang làm freelancer để tự do hơn
  2. Khởi nghiệp kinh doanh với ước mơ làm chủ thay vì đi làm thuê
  3. Về quê trồng rau đào ao thả cá nuôi gà sống cuộc đời nhà nông

Còn trường hợp của mình là nghỉ việc sau hơn 5 năm đi làm để dành một năm cho bản thân nghỉ xả hơi theo đúng nghĩa đen.

Ảnh: Unsplash.com

Vì sao mình quyết định gap year?

Trước thời điểm nghỉ việc, mình đang có một công việc ổn định ở một công ty gắn bó 5 năm liên tục kể từ khi ra trường. Mình đi từ vị trí Digital Marketing Executive lên đến vị trí cao nhất là Sales & Marketing Director, nằm trong core team (thành viên chủ chốt) của ban điều hành với mức thu nhập trên $1000 cùng quyền lợi mua cổ phần của công ty. Dưới trướng mình quản lý là 2 team lớn Sales & Marketing, cùng 3 team nhỏ khác là Customer Service, Design, Media với nhân sự khoảng 30 thành viên ở cả hai chi nhánh Hà Nội & TP.HCM.

Kể ra thì có hơi khoe khoang, dù sao thì thành tích của mình chẳng là gì so với nhiều người khác tài giỏi hơn. Ở đây mình muốn cho bạn đọc thấy, mình đang có một công việc ổn định, đang trên đà phát triển với lộ trình thăng tiến mà nhiều người mơ ước, nhưng vì sao mình lại quyết định nghỉ việc?

Khi đang ở trên “đỉnh cao sự nghiệp” của một người trẻ, mình đối diện với hai vấn đề và đây cũng là lý do chính khiến mình quyết định nghỉ việc để gap year:

  • Định hướng của công ty (hay cụ thể là của CEO) không còn phù hợp với định hướng giá trị cá nhân của mình. Ban đầu mình đến với công ty vì đây là một công ty hoạt động trong lĩnh vực mình yêu thích và tập trung vào tạo giá trị X cho cộng đồng. Sau 10 năm hoạt động, công ty dần chuyển hướng sang tập trung vào giá trị Y, nên về bản chất không còn là công ty lúc đầu mà mình lựa chọn.
  • Tính chất công việc Marketing & Sales không phù hợp với những tố chất bản năng mình có – khả năng ngôn ngữ, viết lách – mà thiên về phân tích thị trường, đọc hiểu số liệu để đưa ra quyết định và phải động não tìm ra nhiều cách để tăng trưởng doanh thu và nguồn khách hàng.

Khi cái công việc quen thuộc bạn vẫn thường làm mỗi ngày dần trở nên trống rỗng và vô nghĩa, và công ty hay người sếp bạn lựa chọn ban đầu rồi cũng thay đổi, thì mỗi ngày đi làm không còn là một niềm vui, mà trở thành một gánh nặng. Gánh nặng này không đến từ áp lực do công việc hay do nhân viên của mình đem lại. Bởi lẽ, mặc dù quản lý số lượng và khối lượng công việc lẫn nhân sự thuộc hàng “siêu to khổng lồ” trong công ty, mỗi ngày đến sở làm mình phải ba đầu sáu tay giải quyết từng đầu việc của từng phòng ban, rồi nào training cho nhân viên, tiếp nhận chỉ đạo của cấp trên, xoay đi xoay lại làm việc với các phòng ban khác, nhưng kỹ năng và kinh nghiệm của mình thì thừa sức để cân được hết những chuyện đó.

Gánh nặng tâm lý đến từ việc mình cứ tiếp tục làm đi làm lại một công việc không phù hợp với tố chất của bản thân, không thỏa mãn tiếng nói nội tâm (inner calling), và giá trị cốt lõi của mình với giá trị của sếp trực tiếp theo đuổi không còn tương hợp. Khoảng 3 tháng trước khi nghỉ việc chính thức, công ty mình tổ chức một chuyến đi du lịch cuối năm ở Hạ Long. Sau chuyến đi này về, mình bị một trận sốt nhẹ, và hệ quả là cơn ho kéo dài. Không chỉ một, hai tuần, mà là ho liên tục và dai dẳng trong 3 tháng liền, uống thuốc cũng không khỏi nên mình phải đi bệnh viện chụp X-quang phổi để xem có bị viêm phổi hay không. Nhưng kết quả chụp X-quang cho thấy phổi mình… hoàn toàn bình thường.

Là một người tự học và nghiên cứu về tâm lý, mình hiểu được rằng cơn ho đó không phải là bệnh lý về mặt thể xác, mà thuộc về vấn đề tâm lý. Khi tâm lý mình có nhiều vấn đề ức chế nằm ở đáy sâu tiềm thức, thì chính cơ thể mình đã tạo nên một phản ứng phòng vệ bằng cách tạo ra một cơn ho trường kỳ, như một thông điệp từ tiểu vũ trụ bên trong cơ thể mình nhắn gửi lên não bộ: Đã đến lúc phải dừng lại, không nên tiếp tục ngược đãi bản thân như thế!

Và rồi mình quyết định nghỉ việc, quyết định này mình đã nói với sếp trực tiếp (CEO công ty) ngay vào lúc anh vừa review performance cuối năm cho mình. Sau màn review lương, thưởng cuối năm và đề xuất mua cổ phần, thì mình chốt lại bằng chuyện em muốn nghỉ việc để ở ẩn khiến anh chưng hửng tột độ và ngạc nhiên tột cùng. Mình có nói với anh một ý, hiện tại mình đang ở trong một cái hố rất sâu do mình tự đào, và nếu tự hỏi bản thân “Liệu mình có muốn tiếp tục làm những công việc mình đang làm trong 5-10 năm nữa không?”, thì câu trả lời của mình là KHÔNG.

Câu trả lời của mình có phần phũ phàng và khiến anh sếp bị tổn thương, nhưng mình nhận lỗi về phần mình, chứ không đổ lỗi do công ty hay do sếp nên mình mới nghỉ việc. Dù sao đi nữa hai anh em cũng đã làm việc cùng nhau hơn 5 năm trời, trải qua nhiều chuyện buồn vui trong công việc, nên dẫu có nghỉ việc thì mình cũng muốn ra đi trong nhẹ nhàng để ai nấy đều vui.

Quyết định nghỉ việc của mình không phải là đột ngột, vì mình đã từng có ý định nghỉ việc cách đây 1 năm, nhưng khi chưa kịp nghỉ thì một bạn nhân viên chủ chốt trong team mình đã nghỉ, thành ra mình vẫn phải tiếp tục ở lại và làm tròn trách nhiệm xây dựng đội ngũ cho công ty. Trước khi mình chính thức nghỉ việc, mình cũng tự hào vì là người đã góp phần giúp công ty chuyển mình khi đổi mô hình kinh doanh mới, đem lại doanh thu vượt trội nhất trong lịch sử 10 năm hoạt động. Và khi ra đi, mình để lại một đội ngũ toàn các thành viên cứng cáp với kỹ năng và tư duy cần có, cũng như toàn bộ quy trình, quy chuẩn của gần 50 đầu việc mình đang đảm trách.

Ảnh: Unsplash.com

Người trẻ không dám gap year vì đâu?

Có nhiều bạn trẻ nghe nói tới gap year thì thích lắm, nhưng bảo gap year đi thì không dám. Có ba nguyên nhân chính dẫn tới tâm lý e ngại này.

Một là, nỗi sợ thất nghiệp và thành kiến từ người khác. Công việc là một cái nhãn định hình ta là ai trong mắt gia đình, bạn bè và đám đông. Thử nghĩ tới cảnh khi bạn đi họp mặt một nhóm bạn cũ lâu năm mới gặp, bạn bè hỏi bạn dạo này đang làm gì, bạn có dám mạnh miệng tuyên bố rằng “Mình đang thất nghiệp” không? Nỗi sợ bắt nguồn từ sự lo lắng khi nghĩ đến viễn cảnh tương lai bạn phải đối mặt sau khi nghỉ việc, và đa số là không dám đối mặt với tương lai đó, nên họ lựa chọn tiếp tục làm việc. Dù cho công việc họ đang làm đã chán tới mức muốn stress, và dù cho họ chẳng học hỏi được thêm gì mới hay tìm thấy cảm giác thỏa mãn trong công việc.

Hai là, tâm lý bầy đàn của đám đông. Theo tâm lý học tiến hóa, con người chúng ta từ thời nguyên thủy vốn đã quen sống theo bầy đàn. Việc tách rời khỏi bầy đàn của mình cũng đồng nghĩa với việc đối diện với nguy hiểm và cái chết. Bạn có thể bị một con cọp beo hổ báo nào đó trong rừng xơi thịt khi đi một mình, và có khi bạn sẽ cô đơn quẫn bách mà chết. Và tâm lý này được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, in sâu trong phần tiềm thức của con người theo lý thuyết về vô thức tập thể của Carl Jung. Cho nên ở cuộc sống hiện đại, tự thân công việc và chốn công sở luôn toát ra một thứ ma lực thần kỳ hấp dẫn mọi người. Hình ảnh một người nhân viên mẫn cán sáng cắp cặp đi làm, chiều đi về nhà đã trở nên quen thuộc trong tâm lý đám đông.

Khi đám đông mỗi ngày đều đi làm, còn bạn ở nhà chơi thì chính là bạn đang “lạc bầy”. Và tâm lý lạc bầy này sẽ khiến bạn dễ rơi vào phức cảm của sự lạc lõng, bị bỏ rơi, bị tụt lại phía sau người khác, lúc đó nhiều nỗi sợ lại dấy lên. Đa số sẽ không vượt qua được tâm lý này khi nghỉ việc, nên thường là họ sẽ sớm tìm một công việc khác để nhanh chóng quay lại công sở.

Cuối cùng, nghỉ việc rồi lương tháng đâu mà sống? Có nhiều người đi làm lâu năm tự nhận mình là “tù nhân lương tháng”, lương tháng như một thứ heroin mà một khi đã nghiện thì rất khó dứt ra được, bởi có cảm giác nào háo hức kích thích bằng chuyện nghe điện thoại ting ting báo lương được chuyển vào tài khoản vào mỗi cuối hay đầu tháng?

Những bạn trẻ mới đi làm thường cũng rất ít để tâm tới chuyện quản lý tài chính cá nhân, thành ra có những người đi làm được 2-3 năm rồi mà hỏi tiền tiết kiệm để dành được bao nhiêu thì chỉ biết cười bẽn lẽn. Bởi tiền lương mỗi tháng nhận được hầu như đều đổ hết vào chuyện mua sắm, ăn uống, du lịch, tiệc tùng,… toàn những chuyện mang tính hưởng thụ cá nhân. Một số bạn có hoàn cảnh đặc biệt thì còn phải trích tiền lương mỗi tháng gửi về gia đình hay lo cho em út đi học đại học. Chính vì lẽ đó, nên tiền tiết kiệm mới không có, các bạn không có sẵn một khoản dự phòng từ 3 đến 6 tháng để có thể mạnh dạn nghỉ việc, huống hồ chi là gap year nghỉ cả một năm trời.

Sở dĩ mình có thể quyết định nghỉ việc một cách nhẹ hều, từ bỏ hết mọi hào quang về thu nhập, danh hiệu, quyền lực mình đang có cũng là vì đã tiết kiệm được một khoản kha khá sau 5 năm đi làm. Một khoản đủ để mình sống nhẹ nhàng khỏe re trong khoảng 3 năm không cần đi làm mà chỉ ăn hàng ở không cũng được. Và lời khuyên của mình hay nhiều chuyên gia tài chính đã nói rất nhiều, đó là bạn chỉ nên nghỉ việc khi đã tiết kiệm được một khoản dự phòng đủ cho bản thân sống thoải mái trong khoảng 6 tháng. Còn nếu bạn muốn gap year thì con số nên nhiều hơn, bởi khi có được tự do tài chính trong ngắn hạn thì bạn mới không bị ràng buộc về mặt tâm lý.

Khi không có sự chuẩn bị kỹ càng này, dù bạn có quyết định gap year thì rồi cũng sẽ vội vàng sớm quay trở lại công sở, hoặc chuyển sang cuộc sống của một freelancer toàn thời gian thay vì gap year đúng nghĩa.

Đọc tiếp Tập 2: Nghỉ việc rồi thì làm gì?

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

6 bình luận

  1. Long Tran Trui Phản hồi

    Gap year bạn nhắc đến cần có sự chuẩn bị về mặt tài chính, tuy nhiên việc này sẽ hạn chế rất nhiều đối với câc đối tượng khác như sinh viên, học sinh thpt. Vậy nên khái niệm Gap Year hiện tại không chỉ gói gọn việc nghỉ ngơi, hưởng thụ, mà còn là việc tìm hiểu chính mình. Gap Year theo quan điểm mình nghĩ là khoảng thời gian sống cho chính mình, làm bất kì việc gì mình thích và dùng đồng tiền đó để trải nghiệm những điều mình mơ ước.
    Gap Year là sống trọn vẹn cho bản thân khoảng thời gian đó

    • Chơn Linh Phản hồi

      Series Gap year này mình viết cho đối tượng độc giả là người trưởng thành, đã đi làm một thời gian, chứ mình U30 quá tuổi học sinh sinh viên lâu rồi bạn ạ ^^

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.