Thấm thoát một năm gap year cũng gần trôi qua, mình quyết định dành một tháng để về quê nghỉ ngơi và nạp “vitamin C” từ thành phố biển quê mình. Một tháng ở quê nhà cũng là quãng thời gian tạm lắng để mình tự đo lòng mình, xem mình có thật sự thích nghi được với cuộc sống ở quê không mà quyết định tiếp tục ra đi hay là trở về.
Có những buổi chiều, mình chạy xe về phía biển rồi lặng yên ra ngồi bên bờ ngắm biển về chiều. Ngồi trước biển, mình thấy lòng mình tĩnh lại. Dù cho bao nhiêu năm trôi qua, con người ta có thay đổi như thế nào, thì biển vẫn vậy, vẫn rộng lớn và bao dung một cách hiền từ như lòng mẹ. Từng đợt sóng vỗ ập vào bờ, rồi lại cuốn ra xa, rồi lại ập vào bờ, từng lớp từng lớp sóng không bao giờ mỏi mệt khi gió còn chưa nghỉ. Có những hôm biển chiều nhuộm trong ánh hoàng hôn đẹp hút hồn, cũng có những hôm chỉ là một bầu trời đầy xám xịt.
Trước sự rộng lớn của biển, mình thấy bản thân thật bé nhỏ, chỉ như một giọt nước trong từng đám bọt sóng kia, đang hòa cùng biển người mênh mông. Trăm sông rồi cũng đổ về biển rộng, những lăn tăn của mình ở ngã ba đường sự nghiệp chẳng là gì so với mọi nhánh sông đổ về biển. Đường nào thì chẳng là đường để đi, và đường nào cũng dẫn về La Mã thôi khi cái đích ở cuối con đường đều là sự từ giã cõi đời tạm bợ này. Nghĩ như vậy, mình chợt thấy nhẹ lòng đi và thông suốt hơn.
Từ chối tiếng gọi nội tâm
“Trong vô số bản thể có thể có của mình, con người luôn tìm ra được một bản thể thực sự thuộc về anh ta. Tiếng gọi anh ta tới bản thể chân thực ấy là thứ chúng ta vẫn cho là “thiên hướng”. Nhưng phần lớn con người lại chuyên tâm vào vệc dập tắt thiên hướng và từ chối lắng nghe nó. Họ cố gắng tạo ra tiếng ồn trong nội tâm mình… làm phân tán sự chú ý của bản thân nhằm không phải nghe thấy nó nữa; và họ lừa dối bản thân bằng cách thay thế cái tôi thực sự của mình bằng một con đường đời sai lầm.”
– José Ortega Y Gasset
Tiếng gọi nội tâm (inner calling) hay tiếng lòng hiểu nôm na là lý do tiên quyết khiến bạn tồn tại, phấn đấu, hành động và dành trọn vẹn cả cuộc đời mình để đi theo nó, sống vì nó. Nói cách khác, đó là mục đích sống của bạn khi xuống Trái Đất này. Mỗi chúng ta đều có tiếng gọi nội tâm của riêng mình, đại diện cho một thiên hướng ẩn sâu bên trong mà ta thực sự đam mê và yêu thích, có thể trở thành sự nghiệp cả đời của ta.
Nhưng điều đáng buồn của nền giáo dục Việt Nam là không biết cách giúp cho mỗi học sinh xác định được thiên hướng nghề nghiệp, điểm mạnh và điểm yếu của mỗi em, cũng như không có những chương trình định hướng sự nghiệp phù hợp dẫn tới việc vô số em chọn sai trường học sai ngành, để rồi ra đời đi làm những công việc mình không thật sự yêu thích, không mấy mặn mà, làm chỉ để mưu sinh rồi sống cho qua ngày đoạn tháng. Nếu ước chừng một tỷ lệ nào đó, có lẽ chỉ có khoảng 10% người Việt Nam được làm đúng công việc mình yêu thích, phù hợp với thiên hướng và giá trị sống của họ. Buồn thay 90% còn lại phải dành cả đời để sống trong một chốn địa ngục trần gian với một thứ mình không thích nhưng cứ phải làm đi làm lại hằng ngày.
Cá nhân mình là một người mê đắm trong thế giới của sách ngay từ những ngày còn nhỏ, rồi đến cấp ba thì lại học chuyên Văn, lên đại học không biết chọn ngành nào nên đi học Báo chí, đến khi ra trường lại đi làm Marketing hết 5 năm trời. Nhìn lại một chặng đường dài mình đã trải qua từ nhỏ tới lớn, thứ luôn xoay quanh cuộc sống của mình ở bất cứ thời điểm nào bất cứ nơi nào chính là SÁCH. Mình còn nhớ lúc đi đại học mình đã chọn nguyện vọng 2 là ngành Xuất bản của một trường nọ, và mình đậu cả 2 nguyện vọng, nhưng cuối cùng lại chọn học Báo chí thay vì Xuất bản. Và mình phải đi đường vòng mất 5 năm trời để cuối cùng có cơ duyên trở thành cộng tác viên biên tập sách của một công ty xuất bản nọ trong năm nay, và nhận được lời mời về làm biên tập viên chính thức hồi giữa năm.
Nhưng ở khoảnh khắc đó, mình đã từ chối nghe theo tiếng gọi nội tâm, và cũng từ chối luôn lời mời. Việc rẽ sang một ngành mới có quá nhiều bất cập với một người cầu toàn như mình, như lương thì thấp, tương lai của ngành không mấy sáng sủa, kinh nghiệm mình chưa có nhiều nên phải khởi đầu từ xuất phát điểm,… Tuy nhiên, trong khá nhiều giấc mơ thời điểm ấy, mình thấy cảnh mình và chị sếp sau này đang ngồi làm việc chung một văn phòng, trao đổi chuyện công việc với nhau (mà sau này đều diễn ra chính xác như vậy). Những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại như một thông điệp nhắn gửi mình rằng, đây chính là dòng chảy của mình, và mình hãy đón nhận nó.
Dù thông điệp từ vô hình nhắn gửi là thế, nhưng với sự cố chấp của bản thân, mình bỏ qua tiếng gọi nội tâm lẫn khước từ dòng chảy đó, mà tiếp tục một quãng nghỉ liên tục trong mấy tháng sau đó và kết thúc bằng một tháng cuối cùng về quê để suy ngẫm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng: Mình sẽ làm gì tiếp với đời mình?

Hãy nở rộ theo cách của bạn
Trong mỗi con người đều tồn tại một hạt giống gọi là thiên hướng. Hạt giống ấy mỗi người mỗi khác nhau, và nó luôn muốn nảy mầm, bừng lên sức sống và nở rộ hết mọi tiềm năng vốn có bên trong ta. Sứ mệnh cuộc đời mỗi người là giúp cho hạt giống ấy sinh trưởng và nở hoa – điều này thể hiện qua những việc bạn làm và di sản bạn để lại khi kết thúc cuộc đời này.
Thế nhưng, đa số chúng ta đều kiềm hãm sự phát triển của hạt giống ấy bằng rất nhiều rào cản. Rào cản từ cha mẹ khi định hướng sự nghiệp cho con cái theo ngành nghề nào dễ kiếm tiền, rào cản từ xã hội khi buộc ta phải chọn ngành nghề nào được số đông xem trọng, và rào cản từ chính bản thân khi so sánh với người xung quanh để chọn làm một công việc không thua kém ai. Những rào cản đó như những tấm màn che phủ hạt giống, không để nó hứng chút ánh nắng mặt trời hay chút sương chút gió nào để mà tưởng trưởng, để rồi nó cứ mắc kẹt trong mạch đất ấy mà loay hoay cả đời không thể nào bung nở được.
Nếu bạn từng giống mình, từng chọn sai ngành nghề để học, từng làm công việc bản thân không mấy yêu thích và cảm thấy bức bối với cảm giác ấy, có lẽ bạn đã lựa chọn đi một con đường không phù hợp. Chính vì chúng ta đang sống không đúng với thiên hướng tự nhiên của mình nên ta như người đi ngược dòng chảy, càng đi thì sóng đánh càng lớn và ta càng thụt lùi khi có quá nhiều lực cản. Có một số biểu hiện để biết bạn biết rằng mình có đang đi đúng dòng chảy trong công việc hay trong cuộc đời:
- Ước vọng và đam mê của bạn dần phai nhạt, bạn đi làm chỉ vì cuối tháng muốn lãnh lương chứ đi làm chẳng có gì vui.
- Niềm vui và thành quả lại là những thứ bạn kiếm tìm ở ngoài công việc, chứ không phải từ trong công việc bạn đang làm.
- Bạn không có động lực nào để học hỏi, trau dồi chuyên môn của mình, do vậy bạn thiếu sự chú ý cần thiết đến những điều đang thay đổi hay diễn ra trong lĩnh vực của mình – điều này sẽ khiến bạn ngày càng thụt lùi.
- Ở những thời khắc mang tính quyết định trong cuộc đời, bạn lúng túng bắt chước theo những gì người khác hay số đông đang làm vì bạn không cảm nhận được tiếng gọi nội tâm chỉ đường dẫn lối cho mình đi đúng hướng.
Khi chối bỏ tiếng gọi nội tâm và khước từ dòng chảy, bạn phá vỡ mối dây liên kết với sứ mệnh của bản thân, và bạn dần đi ngược dòng, đi chệch hướng để dẫn đến một cuộc sống không mấy vui vẻ, một kết cục bạn không mong muốn trong kiếp sống này.
Sau gần một tháng ở nhà nghỉ dưỡng và tĩnh tâm suy nghĩ, mình chợt ngộ ra rằng: Nếu cứ tiếp tục đứng ở giữa ngã ba đường mà phân vân thì câu chuyện cuộc đời mình sẽ không dẫn đến một hồi kết nào cả, thời gian vẫn cứ trôi còn mình thì vẫn mãi đứng yên một chỗ. Lẽ vậy, mình quyết định bước tiếp bằng cách lựa chọn một trong hai ngã rẻ – công việc biên tập viên sách – mà mình nghĩ là phù hợp với thiên hướng, giá trị sống của mình nhất trong thời điểm hiện tại. Và kỳ gap year của mình cũng chính thức kết thúc từ thời điểm này.
Kết quả sau gần 3 tháng làm việc, mình hoàn toàn cảm thấy hài lòng với lựa chọn đó khi được thực sự sống trong dòng chảy mà mình đã tìm kiếm bấy lâu nay. Dù môi trường mới có nhiều điểm còn bất cập, nhưng được thứ này thì phải chấp nhận mất thứ khác, và mình bằng lòng chấp nhận để trải nghiệm con đường này. Bây giờ, mình lại trở về cảm giác mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Mình được làm việc mình thích, được yêu việc mình làm và được thỏa mãn những năng lực tiềm tàng của bản thân. Hạt giống của mình đã bắt đầu nảy mầm và bung nở sau hơn hai mươi mấy năm ngủ vùi dưới mặt đất.

Kết lại một mùa gap year
Nhớ lại thời điểm giáp Tết này cách đây một năm, cũng là lúc mình nộp đơn xin nghỉ việc và đang bàn giao công việc lại trước khi nghỉ Tết. Quyết định nghỉ việc là quyết định mình cảm thấy đúng đắn nhất trong thời điểm ấy để giải thoát mình ra khỏi chiếc lồng tù túng bí bách mình tự chui vào để trở về là một chú chim tự do.
Gap year cho mình hiểu thế nào là cảm giác tự do thực sự của một chú chim trời. Mình trở thành tỷ phú thời gian và tự quản trị cuộc đời theo cách của mình. Mình tách biệt khỏi đám đông và không sống trong dòng thời gian của bất kỳ ai.
Một năm nghỉ ngơi và sống chậm đã giúp mình thay đổi rất nhiều về nhận thức, tư duy và trở nên sâu sắc, chín chắn hơn rất nhiều so với trước đây. Mình như chú sâu đã được lột xác thành bướm, như hạt mầm đã vươn mình mọc thành cây bung nở thành hoa. Mọi thứ mơ hồ trước mắt giờ đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, mình biết mình phải làm gì tiếp theo với đời mình và nên đi con đường nào, nên tập trung vào những việc gì và nên dành thời gian để làm gì.
Chính bản thân mình cũng không đoán định được liệu con đường hiện tại của mình có phải là một hướng đi đúng đắn hay không. Ai biết được? Nhưng sau 3-5 năm nữa, nếu lỡ đi làm không còn thấy vui và công việc một lần nữa lại trở thành chiếc lồng giam hãm mình, thì có ngại gì đâu mà không gap year thêm một năm nữa để dừng lại sống chậm và suy ngẫm lại về cuộc đời.
Tập 10 cũng là tập cuối khép lại series Gap year – Một năm sống chậm. Cám ơn những bạn đọc đã đồng hành cùng mình trong suốt 10 tập qua, một hành trình kéo dài một năm trong vỏn vẹn 10 tập phim qua câu chữ. Mình hy vọng rằng series này sẽ giúp ích cho những bạn nào đang ấp ủ kế hoạch gap year trong thời gian tới, hay đang rơi vào hoàn cảnh bị mắc kẹt nơi công sở và muốn giải thoát bản thân, hay đang đi ngược dòng chảy và muốn đi tìm đúng dòng chảy của riêng mình.
Nếu nhờ series này bạn đưa ra những quyết định mang tính thay đổi cuộc đời hoặc trải nghiệm một kỳ gap year nhiều màu sắc, đừng ngại chia sẻ với mình qua email:
oliver.linhnguyen@gmail.com
Chúc bạn sẽ được nở rộ và sống một cuộc đời như bạn mong muốn.
4 bình luận
Chào anh Linh.
Từ rất lâu rồi khi em theo dõi series này. Em đã nung nấu ý định học theo anh vào một ngày nào đó. Nhưng không có dũng khí.
Gần đây em bất ngờ rơi vào cảnh thất nghiệp. Và em lại quay lại đọc từng câu từng chữ trong bài của anh.
Khởi đầu khác nhau. Anh chủ động còn em thì bị động. Nhưng em hi vọng kết thúc kỳ nghỉ này em cũng tìm ra được dòng chảy của mình – như điều anh đã làm được. Bài viết của anh giúp em nhận ra nhiều thiếu sót ở bản thân mà em không hề hay biết đồng thời làm em phấn chấn hơn trong khoảng thời gian này.
Cảm ơn anh Linh
Hi Ngọc,
Thất nghiệp không phải là mất tất cả. Em hãy tin một điều rằng, dù mỗi năm em đổi sang làm một công ty khác thì từ đây tới hết đời em cũng không làm hết được số lượng công ty ở VN ^^ Bởi vậy nên đừng quá lo lắng hen mà cứ tận hưởng thời gian nghỉ ngơi vài tháng rồi quyết định tiếp em nhé.
MÌnh đã đọc hết seri một năm sống chậm này của Chơn Linh. Rất mong muốn có thể chủ động lựa chọn 1 năm sống chậm như bạn mà vẫn chưa có đủ dũng khí lẫn điều kiện để thực hiện. Cảm ơn bạn vì các bài viết rất đều đặn trên blog. Mình vẫn theo dõi các bài viết này mỗi tuần.
Nếu Uyên chưa đủ dũng khí gap year 1 năm thì có thể gap 2-3 tháng nghỉ chơi sau giai đoạn nghỉ việc cũng được nhen. Xem như thưởng cho phiên bản trưởng thành một kỳ nghỉ hè muộn ^^