Khi mình viết những dòng này, Sài Gòn đã vào những tháng cuối năm, khi ngoài đường đã bắt đầu nghe rộn ràng tiếng nhạc Giáng sinh vang lên ở một vài con phố. Thời điểm này năm ngoái cũng là lúc mình chính thức nộp đơn nghỉ việc cho HR, và thời gian 45 ngày còn lại là quãng thời gian bàn giao công việc.
Theo lẽ thường, hiếm có người nào nghỉ việc mà lại chọn nghỉ ngay thời điểm trước Tết, đa số đều chọn nghỉ sau Tết để còn được nhận thưởng Tết và lương tháng 13. Trường hợp của mình có lẽ cũng thuộc của hiếm, vì với mình tiền lúc đó đã không còn quan trọng, mình chỉ muốn nghỉ việc càng sớm càng tốt và rời xa chốn công sở. Nghỉ việc ở thời điểm trước Tết cũng đồng nghĩa với việc mình có khả năng không được xét thưởng Tết nếu công ty quá rạch ròi, nhưng may mắn là sếp cũ của mình vẫn duyệt thưởng cho mình 2 tháng lương xem như một lời cảm ơn từ phía công ty dành cho mình.

Khi mình ra đi, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ ở lại. Như khi sếp đăng tâm thư thông báo chuyện mình nghỉ việc lên mạng nội bộ của công ty, tối hôm đó nhiều đồng nghiệp rất sốc vì không ai tin được chuyện mình quyết định nghỉ việc. Ai cũng nghĩ mình sẽ gắn bó với công ty lâu hơn, và ai cũng nghĩ họ sẽ nghỉ việc trước mình chứ không tin rằng có ngày mình nghỉ trước họ. Có anh đồng nghiệp trằn trọc thức trắng đêm, có chị đồng nghiệp bỏ dở bữa cơm tối ngồi thất thần, có cô bạn nằm khóc hu hu, và còn nhiều lời tình thương mến thương của nhiều bạn đồng nghiệp khác nhắn gửi, mà sáng hôm sau khi ngủ dậy mở Messenger ra mình thấy ngập tràn toàn tin nhắn.
Kết thúc ngày làm việc cuối cùng, mình cũng thu dọn đồ đạc, ăn tiệc chia tay với công ty, và chính thức về quê nghỉ Tết.
Đối diện với cảm xúc sau nghỉ việc
Sau kỳ nghỉ Tết 2 tuần như mọi năm (công ty cũ mình thường nghỉ Tết tới nửa tháng), mình vẫn quay lại Sài Gòn như chưa hề có cuộc chia ly. Chuyện nghỉ việc mình không tiết lộ cho gia đình, người thân hay bất cứ bạn bè nào biết. Cơ bản là vì mình không thích sự can thiệp quá nhiều của người khác vào cuộc sống riêng tư của mình. Và gia đình, người thân thì không có cùng quan điểm nên dễ dẫn tới sự bất đồng ý kiến, phán xét quyết định của mình. Ví như mình chia sẻ chuyện nghỉ việc thì ba mẹ mình sẽ hết sức lo lắng và có hàng tá câu hỏi để hỏi, và mình thì không có nhu cầu trả lời.
Cuộc sống của mình là do mình quyết định, và mọi lựa chọn dù kết quả có ra sao cũng là do mình tự chịu trách nhiệm. Khi mới trở lại Sài Gòn, tâm trạng của mình có một sự bất-an-không-hề-nhẹ và vài phần hoang mang khi lên Facebook thấy bạn bè ai ai cũng đi làm vui vẻ, pose hình đầu năm ở công ty trong khi mình lại ngồi ở nhà. Cảm giác đó rất đáng sợ, đáng sợ khi bạn thấy bản thân trở nên vô dụng, và tâm lý bị “lạc bầy” khỏi đám đông.

Nhưng sau đó mình đã tự vấn bản thân: Vì sao mình phải sống giống như bao người khác? Vì sao mình phải đi theo những chuẩn mực chung của đám đông như tốt nghiệp đại học, đi tìm một công việc ổn định, nhận lương đều đều hằng tháng, bận rộn chạy theo guồng quay của cuộc đời nhưng kết quả là đi tưới cây cho người khác trong khi cái cây của mình thì ngày một khô héo? Sức khỏe thì đi xuống, công việc lúc nào cũng đầy áp lực, không có thời gian dành cho bản thân và gia đình, sở thích cá nhân cũng từ bỏ, v.v.
Đó là tất cả những gì mình đã đối diện và trải qua trong suốt thời gian trước khi nghỉ việc. Đến khi nghỉ rồi thì lực hấp dẫn của bầy đàn và chuẩn mực của đám đông vẫn cứ hút mình lại và làm dấy lên trong lòng mình nỗi sợ hãi. Nhưng khi bạn sợ hãi, hãy nghĩ đến lý do vì sao bạn nghỉ việc, và hãy tin rằng quyết định của bạn là đúng đắn.
Khởi động bằng kế hoạch gap year
Khi nghỉ việc, bỗng dưng mình trở thành “tỷ phú thời gian” và hoàn toàn không có khái niệm ngày làm việc với ngày cuối tuần, vì ngày nào cũng như cuối tuần. Không còn những ngày thứ Hai ám ảnh hay phải đợi mòn mỏi tới thứ Sáu mới cảm thấy được giải thoát. Hồi mới đi làm, công việc còn nhẹ nhàng và mọi thứ còn phù hợp thì mỗi ngày đi làm là một niềm vui. Nhưng khi bạn và bản chất công việc không còn hợp nhau nữa, thì không có ngày nào là ngày vui, mà bạn chỉ vác xác đi làm đúng nghĩa và lúc nào cũng mong ngóng mau mau cho đến cuối tuần để giải thoát khỏi công sở.
Có một điều mình nhận thấy là khi nghỉ việc rồi, mình cảm giác thời gian trôi chậm hơn x2 lần so với lúc đi làm. Khi đi làm 8 tiếng mỗi ngày, cảm giác thời gian trôi qua rất nhanh, về tới nhà thì trời cũng đã tối, chẳng còn kịp làm gì thì đã đến giờ đi ngủ. Nhưng khi bạn ở nhà cả ngày, bạn không còn bị đóng khung trong 8 giờ vàng công sở mà ngày như dài ra tới tận 16 tiếng (trừ 8 tiếng đi ngủ) nên cảm giác thời gian trôi qua cực kỳ chậm. Chưa kể, bạn còn không phải mất thời gian di chuyển trên đường rồi kẹt xe các kiểu lúc đi lúc về nên quãng thời gian tiết kiệm được dôi ra nhiều hơn.

Việc quan trọng nhất sau khi nghỉ việc với mình là planning – lên kế hoạch và đặt mục tiêu cho quãng thời gian sắp tới, vì một quãng dài không kế hoạch là một quãng thời gian vô định và không giúp ích gì cho cuộc đời bạn cả nếu chỉ vui chơi cho qua ngày đoạn tháng. Có hai việc quan trọng mình đã làm:
1. Lập thời khóa biểu tuần
Mình lập một thời khóa biểu tuần trên Google Sheets (bạn cũng có thể lập trên Goolge Calendar) để thực hiện những mục tiêu mình muốn làm trong thời gian gap year. Thời khóa biểu của mình vẫn bám sát theo khung giờ làm việc hằng ngày do mình muốn tạo ra một routine ở nhà y như đi làm, để có gì sau này quay trở lại công sở thì cũng nhanh chóng thích nghi được liền chứ không bị trật nhịp do… trái “múi giờ”.
Mình rất chú trọng vào việc phát triển bản thân nên thời khóa biểu của mình hầu hết các hoạt động đều tập trung vào khoản này. Tùy theo mỗi bạn sẽ có những mối quan tâm khác nhau trong đời sống, cho nên thời khóa biểu bên dưới của mình chỉ mang giá trị tham khảo.
Một tuần của mình bao gồm 5 ngày làm việc + 2 ngày cuối tuần, được chia làm 4 section chính:
- Section 1 (06:00 – 07:00): work out. Mình đến phòng gym 3 ngày 2-4-6, các ngày còn lại là tùy chọn (có hứng thì đi, không thì ở nhà). Điều đầu tiên mình làm sau nghỉ việc là đăng ký lại thẻ tập gym ở một phòng tập gần nhà sau 5 năm trời, và cũng xui xẻo là tập được 2 tháng thì gặp trúng ngay mùa dịch Covid-19 nên phòng gym đóng cửa hết 1 tháng trời.
- Break (07:00 – 08:00): breakfast. Ăn sáng và vệ sinh cá nhân. Ngồi thiền buổi sáng.
- Section 2 (08:00 – 11:00): working time. 3 tiếng này mình phân bổ 1,5 tiếng dành cho việc đọc sách (input) và 1,5 tiếng dành cho việc viết lách (output). Nhờ section này mà mình đã xử lý được kha khá sách tồn kho mua bấy lâu này chất chồng chưa đọc, và những bài viết bạn đọc được trên blog mình suốt một năm qua cũng từ quãng này mà ra.
- Break (11:00 – 12:00): lunch. Mình tự nấu ăn tại nhà, hôm nào lười thì mua đồ ăn ngoài.
- Section 3 (13:00 – 18:00): working time. 5 tiếng này mình dành 2 tiếng cho việc nghiên cứu tâm linh và 3 tiếng cho việc học chuyên môn. Thời gian này mình sẽ hệ thống lại toàn bộ các kiến thức và kỹ năng làm việc mình có, xác định xem điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là gì và lấp đầy những lỗ hổng.
- Break (18:00 – 19:00): dinner. Mình thường nấu ăn cho cả hai buổi trưa và tối, nên tối sẽ hâm lại đồ ăn từ trưa và sau đó là tắm rửa.
- Section 4 (19:00 – 22:00): study time. 3 tiếng này mình dành cho việc tự học như học ngoại ngữ, học một kỹ năng mới mà mình quan tâm.
2 ngày cuối tuần là khoảng thời gian mình cho phép bản thân xõa để vui chơi, tận hưởng nên không có routine cụ thể, xem như quỹ thời gian đó muốn dùng như thế nào là tùy mình.
Nhiều bạn không quen với việc lập kế hoạch và làm theo lịch trình thì có thể bị “sang chấn tâm lý” nhẹ khi nhìn vào thời khóa biểu trên của mình. Sở dĩ mình khuyến khích việc viết ra một thời khóa biểu cụ thể là để bạn kiểm soát được việc bạn dùng thời gian trong mỗi khung giờ sao cho hợp lý, cũng như nắm rõ được những việc bạn làm sẽ phục vụ cho mục đích cụ thể nào của bạn.
Dĩ nhiên là không phải lúc nào mình cũng bám sát được thời khóa biểu 100%, mà sẽ có những hôm trễ nãi, trì hoãn hay bị lệch pha các section với nhau. Nhưng có một thời khóa biểu cụ thể sẽ giúp mình biết được giờ nào thì làm gì, còn làm hay không là lựa chọn của mình.

2. Đặt mục tiêu theo từng tháng
Ở vai trò quản lý, mình thường phải quản lý các dự án và đặt ra mục tiêu hằng tháng cho team. Khi quản trị bản thân, mình cũng xem cuộc đời mình là chuỗi các dự án cần phải làm để giúp bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn, chứ không phải sau một kỳ gap year thì sẽ trở nên lầy lội hơn.
Mục tiêu tháng ở đây là những dự án mình đặt ra, giới hạn trong khoảng 3-5 dự án/tháng, vì mỗi dự án đều cần thời gian thực hiện và có nhiều nhiệm vụ nhỏ kèm theo. Ví dụ một số dự án mình đề ra cho bản thân trong tháng đầu tiên sau nghỉ việc:
- Làm lại resume (Anh – Việt) & portfolio. Resume ở đây mình tự thiết kế theo style của mình, còn portfolio phải tổng hợp các sản phẩm mình đã làm trong thời gian qua và trình bày lại cho đẹp.
- Làm lại profile Linkedin. Trước giờ mình chưa đầu tư cho mạng xã hội việc làm Linkedin nhiều lắm nên thời gian này mình cũng nghiên cứu thêm để tìm kiếm cơ hội việc làm từ các công ty global.
- Thiết kế resume website. Sau khi hoàn tất bản bản resume, mình thiết kế một website riêng cho profile của mình để tạo ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên với nhà tuyển dụng.
Kể ra thì cũng có hơi ngược ngạo, khi mình đã từ bỏ một công việc ổn định chốn công sở để gap year, nhưng điều mình làm trong tháng đầu tiên lại là đi làm lại resume, portfolio để tính chuyện quay lại công sở trong tương lai gần. Thường thứ gì mình không thích làm nhất thì mình sẽ luôn ưu tiên làm trước để giải quyết cho xong (lúc đó tâm thế mới nhẹ nhàng, không phải bận tâm nghĩ nhiều). Việc chuẩn bị trước profile như trên sẽ giúp mình:
- Có sẵn resume & portfolio để apply các công việc freelance
- Có thể dễ dàng apply ngay lập tức khi gặp job phù hợp
Nếu chủ quan đợi nước tới chân mới nhảy, nhiều khi một job ngon xuất hiện ngay trước mắt, bao nhiêu người nhăm nhe, mà lúc đó bạn mới lo đi làm lại resume, tổng hợp portfolio thì cơ hội có khi đã thuộc về người khác mất rồi. Mình luôn tin rằng những gì làm bằng cái tâm sẽ chạm đến cái tâm, và sự chỉn chu sẽ luôn có giá trị riêng của nó.
Các tháng sau đó, mỗi tháng mình đều đặt mục tiêu riêng cho từng tháng và triển khai thành các nhiệm vụ như đang quản lý dự án của một công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mang tên Cuộc đời mình.
***
Lão Tử có câu “Hành trình vạn dặm khởi đầu từ một bước chân”. Khi bạn thực hiện được 2 phần việc kể trên – lập thời khóa biểu tuần & đặt mục tiêu tháng thì xem như bạn đã tạo được một cái đà vững chắc để bước những bước chân đầu tiên trên hành trình gap year của mình.
5 bình luận
Vô tình biết tin Linh nghỉ lúc trò chuyện về dự án GSR, đã khá buồn vì từ nay có thể chẳng bao giờ được gặp nhau nữa.
Nhưng rồi, một thời gian sau, kết nối lại với nhau qua câu chữ, thấy cuộc đời vô thường được mất.
Cảm ơn Chơn Linh ^^
Cảm ơn anh. Em vừa nghỉ việc và chưa biết tiếp theo sẽ làm gì, lại đúng dịp dịch Covid. Có lẽ mọi thứ đều có một mối duyên.
Hi vọng sau khi đọc xong series này em sẽ thấy nhẹ nhàng hơn và chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho những ngày tháng sắp tới nhé 😀
Cảm thấy như tìm được một tiếng nói chung khi đọc bài viết của anh. Bản thân em cũng đã vừa đưa ra quyết định nghỉ việc ở một môi trường mà theo đánh giá mặt bằng chung của tất cả mọi người là “ổn” nếu không muốn nói là hoàn hảo, từ mức lương, chức vụ, địa vị, bổng lộc. Nhưng cũng như anh, em đã trải nghiệm cái sự:
“Sức khỏe thì đi xuống, công việc lúc nào cũng đầy áp lực, không có thời gian dành cho bản thân và gia đình, sở thích cá nhân cũng từ bỏ, v.v. Đó là tất cả những gì mình đã đối diện và trải qua trong suốt thời gian trước khi nghỉ việc. Đến khi nghỉ rồi thì lực hấp dẫn của bầy đàn và chuẩn mực của đám đông vẫn cứ hút mình lại và làm dấy lên trong lòng mình nỗi sợ hãi”
Cái sự trong dấu ngoặc kép đó nó cũng khiến em sợ và lung lay khá nhiều trước khi đưa ra quyết định, dù có được đề xuất tăng lương ở lại. Tuy nhiên em đã quyết ra đi. Nhiều đồng nghiệp bất ngờ và luôn hỏi em rằng “đã tìm được việc tốt hơn à?”. Hình như nhiều người nghĩ rằng phải tìm được cái gì dự phòng tốt hơn thì mới dám nghỉ.
Thực ra em đã có kế hoạch sẽ làm cái mà em muốn, là đi tưới cây cho em thay vì tưới cho người khác. Em cũng đã vẽ ra một bản kế hoạch tương tự như anh. Mấy ngày gần đây, đôi khi em vẫn còn rất hoài nghi về lựa chọn của mình, cho đến khi đọc được bài viết này của anh. Rất cảm ơn anh!
Cám ơn em đã chia sẻ. Viết ra cũng là một cách để nhẹ lòng mình hơn. Em có thể đọc hết 10 tập series này để lượm lặt thêm chút ít kinh nghiệm cho hành trang phía trước nhen. Khi kết thúc kỳ gap year, nếu có gì thú vị nhớ quay lại kể anh nghe (nếu quỡn) ^^.