Ảnh: Unsplash.com

Lúc còn đi làm ở một tòa nhà, mình đi thang máy thì vô tình nghe được cuộc trò chuyện của hai bạn trẻ. Một bạn than thở mới lãnh lương đầu tháng mà giờ mới ngày 10 thôi đã xài hết lương và phải đi mượn tiền người khác để xài. Cô bạn kia cũng đồng cảm: “Tao cũng y chang vậy đó”.

Câu chuyện này cũng không lạ lùng gì với các bạn trẻ chốn công sở, vì ở công ty cũ của mình tầm giữa tháng thôi là đã nghe nhiều bạn than thở hết tiền rồi phải chi tiêu dè sẻn các kiểu trong nửa tháng còn lại. Tâm lý chung của người trẻ khi mới đi làm là có lương thì chi tiêu xả láng như đi ăn sang, đi pub đi bar, shopping, mua sắm online, v.v. trong nửa tháng đầu, tới nửa tháng sau thì phải tém tém lại và bắt đầu bài ca hết tiền muôn thuở.

Khi bạn nghỉ việc và quyết định gap year, vấn đề nghiêm trọng nhất mà bạn phải đối diện đầu tiên là mất nguồn thu rất lớn từ lương tháng. Lương tháng chính là dòng tiền đổ vào tài khoản của bạn đều đều hằng tháng như mạch nước duy trì sự sống của bạn. Nếu ví con người như một công ty, thì lương tháng chính là dòng doanh thu mà công ty đó thu vào hằng tháng từ các hoạt động kinh doanh, và doanh thu trừ đi các khoản chi phí (thuê văn phòng, điện nước, trả lương nhân viên, PR – marketing,…) thì cái còn lại chính là lợi nhuận.

Thử tưởng tượng một viễn cảnh hết sức thực tế: Đang yên đang lành tự nhiên dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thế là công ty bạn bị sập nguồn doanh thu vì nguyên cả tháng đó đội sales không chốt được một đơn hàng nào, thế nhưng hàng tá khoản chi phí khác thì công ty vẫn phải trả. Vậy thì, nguồn tiền đó ở đâu mà ra? Ở bối cảnh doanh nghiệp, nguồn tiền đó đến từ tổng lợi nhuận từ doanh thu bán hàng và quỹ dự phòng rủi ro (nếu có).

Ở góc độ cá nhân, khi mất đi nguồn thu chính là lương tháng thì chúng ta phải học cách sống với khoản tiền tích trữ (hay tiết kiệm) mà mình đã để dành được bấy lâu nay.

Ảnh: Unsplash.com

Lập kế hoạch tài chính cá nhân

Kiểm soát chi tiêu trong giai đoạn sau nghỉ việc cực kỳ quan trọng, còn quan trọng hơn cả khi bạn đang có một công việc ổn định. Bởi lẽ khi còn công việc ổn định, bạn có lỡ chi tiêu quá trớn thì cũng không phải lo lắng gì mấy vì cuối tháng sẽ lại có dòng tiền đổ vào tài khoản bạn thôi. Nhưng khi đã mất nguồn thu lương tháng, chỉ cần vung tay quá trán thôi là bạn sẽ rất nhanh chóng rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính khi nguồn tiền cạn kiệt dần.

Để quản lý tài chính cá nhân sau nghỉ việc, mình tiến hành 2 việc sau:

1. Review lại chi tiêu hằng tháng

Bước 1. Mình list ra những thứ phải chi tiền hằng tháng như tiền thuê nhà, hóa đơn (điện, nước, gas), xăng xe, ăn uống, mua sắm, card điện thoại, mỹ phẩm, nhu yếu phẩm, v.v. Sau đó, tiến hành gom nhóm chúng lại theo các cụm có liên quan với nhau. Ví dụ:

  • Hóa đơn: điện, nước, gas, thuê nhà
  • Ăn uống: ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, ăn vặt
  • Di chuyển: xăng xe, gửi xe, sửa xe
  • Mua sắm: quần áo, mỹ phẩm, nhu yếu phẩm

Bước 2. Để dễ hình dung, bạn nên hệ thống lại trên Google Sheet (để xem được online bất cứ đâu thay vì Excel). Trong mỗi hạng mục, bạn cần ghi ra con số tiền cụ thể mà bạn chi ra hằng tháng cho hạng mục đó là bao nhiêu.

Bước 3. Tổng kết lại chi phí sinh hoạt tối thiểu 1 tháng của bạn là bao nhiêu? Như mình chỉ cần khoảng 6 triệu để đáp ứng cho mọi nhu cầu cơ bản.

Lưu ý quan trọng: Chi phí sinh hoạt tối thiểu không tính đến các chi phí mang tính chất ngẫu nhiên và không cố định. Đây là khoản chi phí cơ bản giúp bạn duy trì cuộc sống trong trạng thái bình thường và vừa đủ. Dựa trên chi phí 1 tháng đó thì bạn sẽ tính ra được mình sẽ có thể gap year được bao lâu với số tiền tích trữ hiện có. Ví dụ: Bạn tiết kiệm được 120 triệu / 6 triệu/tháng = 20 tháng.

Mẹo: Sử dụng app MISA trên điện thoại để theo dõi chi tiêu hằng ngày. Ví dụ khi chi tiền khoản nào mình đều nhập liệu lên để biết được đã chi bao nhiêu trong hạn mức chi của nhóm đó và số tiền còn lại trong tài khoản. Bạn nào thuộc tuýp không thích quản lý tài chính quá chi li thế này thì ít nhất cần đảm bảo rằng bạn sẽ xài tiền trong khoảng giới hạn chi phí sinh hoạt tối thiểu hằng tháng chứ không được thâm lạm quá mức.

Việc lập kế hoạch quản lý tài chính thì mình đã áp dụng từ lúc còn đi làm, cho nên sau nghỉ việc mình chỉ tiến hành review lại phần chi phí sinh hoạt tối thiểu vì có nhiều khoản chi tiêu sẽ khác so với lúc đi làm.

Ảnh: Unsplash.com

2. Dự trù ngân sách cho các khoản chi lớn

Trong thời gian gap year, mỗi bạn sẽ có những kế hoạch cá nhân khác nhau. Người thì đi du lịch nước ngoài, người thì muốn tham gia một khóa học nào đó, hay muốn sắm một chiếc máy ảnh để đi chụp ảnh khắp nơi,… Do vậy, bạn cần liệt kê ra càng cụ thể càng tốt các hoạt động chính mà bạn muốn trải nghiệm khi gap year, và dự trù ngân sách tương ứng cho các hoạt động này.

Mục đích chính của việc này là để cho bạn có một cái nhìn tổng quan về việc phân bổ dòng tiền tiết kiệm của mình sao cho hợp lý. Ví dụ như việc du lịch nước ngoài quá tốn kém và làm hao hụt tới 20-30% ngân sách, thì hãy cân nhắc phương án du lịch trong nước để tiết kiệm hơn. Sau đó, hãy tách khoản ngân sách này ra độc lập với số tiền còn lại của bạn, vì số tiền còn lại đó là “kho dự trữ” để đáp ứng cuộc sống cơ bản của bạn trong thời gian tới. Và bạn có thể gap year được bao lâu là tùy vào số tiền trong kho dự trữ này ít hay nhiều.

Cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết

Để tránh lãng phí dòng tiền vào những chuyện không cần thiết, điều quan trọng bạn cần làm là tối ưu hóa (maximize) các khoản chi phí không cần thiết, cái nào cắt giảm được thì cắt giảm tới mức tối đa. Bởi lẽ có những thứ tuy nhỏ nhưng tích tiểu thì thành đại, ví dụ một tuần bạn chỉ order trà sữa tầm 4 lần x  35k/ly  x 1 tháng = 560k/tháng x 12 tháng = 6 triệu 720k. Hãy nhìn vào con số tổng lúc này, và bạn sẽ thấy được mình tiêu tốn mỗi năm bao nhiêu cho chuyện uống trà sữa, hay bất cứ thứ nào khác mang tính chất thỏa mãn cơn khát đường.

Trong thời gian gap year, mình trở về với lối sống tối giản nhu cầu và giản lược những khoản chi tiêu không cần thiết. Chẳng hạn, lúc trước cả ba buổi mình đều ăn ngoài, còn bây giờ mình tự nấu ăn ở nhà (đồ ở quê gửi lên), chỉ đi chợ mua rau củ thì chi phí sẽ giảm xuống rất nhiều.

Bình thường hạn mức mua sách của mình mỗi tháng là 1 triệu. Giờ mình tạm cắt khoản này đi vì quyết tâm đọc hết số sách hiện tại mình chưa đọc trước khi mua sách mới.

Ảnh: Unsplash.com

Lúc đi làm thì tầm khoảng 3 tháng mình lại đi shopping một lần, trong khi thực tế có khá nhiều đồ mình mua về không mặc hoặc mặc một lần thấy không thích thì bỏ xó trong tủ không bao giờ mặc nữa. Đợt mình tổng dọn dẹp nhà cửa sau Tết khi mới gap year, mình phải đem cho bớt gần hai bao tải đồ ở những chỗ cho quần áo từ thiện. Khi gap year thời gian ở nhà nhiều hơn, mình cũng ít ra ngoài giao du với ai, nên trang phục mặc chính chỉ là quần cộc áo thun ở nhà, thành ra cũng tiết kiệm được kha khá tiền mua sắm quần áo. Vì thực tế là có mua đồ đẹp cũng không biết mặc cho ai xem. Với bạn nào bị nghiện shopping, lời khuyên chân thành là mỗi khi bạn nổi hứng muốn mua đồ mới, hãy lôi quần áo cũ ra… xếp lại để thấy được đồ của bạn nhiều khủng khiếp như thế nào.

Và cũng chính vì ở nhà phần nhiều thời gian, nên tiền xăng xe của mình cũng tiết kiệm được nhiều, một lần đổ xăng có khi đi được cả tháng chứ không phải như lúc đi làm tuần nào cũng đổ xăng.

Khi tính nhẩm sơ sơ như vậy, so với lúc đi làm thì tự dưng khoản ngân sách chi tiêu hằng tháng của mình giảm xuống đáng kể, từ trung bình mỗi tháng 6-7 triệu chi phí sinh hoạt cơ bản giờ chỉ còn 3-4 triệu. Số tiền dôi ra thì sẽ giúp kho dự trữ của mình kéo dài tuổi thọ hơn, mình sẽ có nhiều thời gian gap year hơn, hoặc thêm tiền đầu tư vào các kế hoạch cá nhân khác của mình.

***

Quản lý tài chính cá nhân tính ra là phần “khoai” nhất khi gap year, bởi những bạn nào vốn chi tiêu phóng khoáng không thèm nhìn bill và còn không lên kế hoạch tài chính cá nhân thì đảm bảo số tiền bạn tiết kiệm được sẽ không cánh mà bay chỉ sau vài tháng. Mà thói thường những bạn có nết xài tiền kiểu này thì thậm chí còn chẳng có đủ tiền tiết kiệm để mà gap year.

Cho nên nếu bạn đang đi làm, có một công việc ổn định và đang ấp ủ một kế hoạch gap year trong tương lai gần thì hãy tập cho mình thói quen quản lý tài chính cá nhân ngay từ bây giờ. Khi đó, bạn sẽ kiêm nhiệm thêm một vai trò mới – kế toán trưởng của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mang tên Cuộc đời mình.

Đọc tiếp Tập 4: Trải nghiệm công việc freelancer

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.