Ảnh: Unsplash.com

Hồi còn là sinh viên, mình thường làm freelancer một số công việc là thế mạnh của mình như chụp ảnh, thiết kế, quay phim, dựng phim, viết bài, v.v. để trải nghiệm và xây dựng các mối quan hệ là chủ yếu, chứ chưa bao giờ làm vì muốn kiếm thêm tiền. Khi không ràng buộc bởi tiền, mình có quyền lựa chọn job freelance nào mình thấy thích và phù hợp với bản thân.

Đến quãng thời gian đi làm, mình hầu như không nhận công việc freelancer nào mà toàn tâm toàn ý vào công việc full-time, dù lương khởi điểm của mình cũng như bao bạn sinh viên mới ra trường (mà còn làm trái ngành) chỉ ở mức cơ bản đủ sống. Nhưng chính vì sự toàn tâm toàn ý đó, mình mới sớm phát triển trong công việc chuyên môn và đạt được lộ trình thăng tiến nhanh hơn nhiều bạn trẻ cùng lứa khác. Có một số bạn mình thấy, ngoài thời gian làm việc full-time hay có xu hướng nhận job freelance để kiếm thêm thu nhập, và dành thời gian buổi tối để làm freelance, đôi khi chạy không kịp deadline của khách hàng thì thâm lạm luôn thời gian của công việc full-time. Kết quả là, thu nhập của các bạn tăng thêm thật, nhưng thiếu sự tập trung vào công việc chính, và cũng thiếu luôn thời gian dành cho việc phát triển bản thân hay nghỉ ngơi sau giờ làm.

Đối với mình, quãng thời gian sau giờ làm là khoảng thời gian dành cho việc học tập và nghỉ ngơi, chứ không phải là để “cày bừa” thêm 3-5 tiếng nữa. Nếu quá tập trung vào chuyện kiếm tiền (mà hoàn cảnh của bạn không bắt buộc phải thế), thì bạn rất khó quân bình được đời sống tinh thần của bản thân, và sẽ sớm rơi vào trạng thái chao đảo trong đời, khi cuối cùng thứ bạn theo đuổi là tiền, thay vì là sự trải nghiệm cuộc sống.

Ảnh: Unsplash.com

Gap year, chứ không phải làm freelancer full-time!

Mục đích của mình khi quay trở lại vai trò freelancer trong thời gian gap year là để có được sự an tâm khi có thêm nguồn thu nhập đổ vào “kho dự trữ” (quỹ tiết kiệm), ngay khi dòng tiền chính là lương tháng đã mất. Mục tiêu của mình là chỉ nhận những job ngắn hạn, có thể xử lý trong vài ngày hoặc một tuần là xong hoàn toàn để bàn giao kết quả về cho khách. Và tâm thế của mình khi làm freelancer là tùy duyên tùy hỷ, có việc đến thấy hợp thì làm, không hợp thì từ chối, vì cơ bản là mình đang gap year chứ không phải là làm freelancer full-time.

Có nhiều bạn bị nhập nhằng giữa hai chuyện “gap year” và “làm freelancer full-time”. Gap year, về khái niệm cơ bản, là quãng thời gian “nghỉ giữa hiệp” bạn dành cho chính mình, cũng đồng nghĩa là sau quãng gap year đó bạn có thể quay trở lại đi học hoặc đi làm là một điều chắc chắn. Trong tâm thế của người gap year, chuyện làm freelancer chỉ là một hoạt động nằm trong thời gian gap year của họ, không có tính chất ràng buộc về tài chính quá nhiều. Nhưng làm freelancer full-time lại là chuyện khác hoàn toàn, đó là trường hợp bạn lựa chọn rời bỏ hoàn toàn đời sống công sở với lương tháng và 8 giờ vàng ngọc (chưa cộng thêm mấy giờ OT) để chuyển hướng sang tự làm việc toàn thời gian. Một freelancer full-time cũng có khả năng sẽ quay trở lại công sở một khi công việc freelance không giúp họ kiếm đủ thu nhập để trang trải cuộc sống, nhưng tâm thế của họ là tâm thế làm việc để kiếm tiền, và kiếm được càng nhiều job càng tốt.

Khi tách bạch được hai quan điểm và tâm thế này, bạn sẽ trải nghiệm được thời gian gap year theo một cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn, chứ không phải là lao đầu vào kiếm tiền chỉ vì sự chông chênh do nỗi sợ mất nguồn thu lương tháng đem lại. Có một thực tế là, nếu bạn không phải là một freelancer chuyên nghiệp và có đủ nhiều mối quan hệ đối tác để duy trì thu nhập ổn định ở mức đủ sống, thì chuyện làm freelancer mà đòi kiếm tiền được bằng hoặc hơn mức lương tháng khi còn đi làm full-time là rất khó. Lúc đó, bạn sẽ vật lộn, trầy trật, chật vật, khổ sở, dằn vặt chính mình tại sao thu nhập khi bạn làm freelancer lại còn thấp hơn lúc đi làm, thậm chí còn chẳng đủ đáp ứng chi phí sinh hoạt cơ bản mỗi tháng. Ủa, vậy thì tại sao bạn không quay lại đi làm full-time để được công ty cấp cho nguồn lương tháng ổn định đi, hà cớ chi gap year làm gì?!

Mình có một người bạn cảm thấy bị mắc kẹt với sự bức bối nơi môi trường công sở, và bạn quyết định nghỉ việc để trở thành một freelancer full-time, rời bỏ Sài Gòn để chuyển sang sống ở một thành phố nhỏ ven biển. Bởi từng làm việc cho một số tập đoàn đa quốc gia lớn nên bạn tích lũy được kha khá các mối quan hệ để bắt đầu những dự án freelance bên ngoài. Trong năm đầu tiên bạn làm freelancer, thu nhập của bạn mỗi tháng thậm chí còn cao hơn so với lúc làm full-time. Nhưng ở năm 2020 này, khi trải qua mùa dịch Covid-19, công việc của bạn cũng bị ảnh hưởng khá nhiều và bấp bênh khi nhiều doanh nghiệp giảm bớt ngân sách outsource (thuê ngoài).

Sau đó, bạn quyết định quay trở lại Sài Gòn và đi phỏng vấn ở một số công ty, dự định là quay lại chốn công sở. Nhưng chính trong quá trình này, bạn lại chợt ngộ ra bạn vốn dĩ không thích và không hòa hợp được với cái lồng chim bạn đã cố thoát ra, nên cuối cùng bạn từ bỏ ý định đi làm full-time trở lại. Ở khoảnh khắc này, mình cho rằng bạn đã chính thức kết thúc kỳ gap year, vì bạn đã tìm thấy lối đi riêng sau một thời gian kiếm tìm. Và ở thời điểm gần cuối năm này, khi kinh tế dần ổn định trở lại, công việc freelance của bạn có nhiều khởi sắc hơn và bạn đã quay trở lại quỹ đạo cũ của một freelancer full-time.

Ảnh: Unsplash.com

Tìm việc freelance ở đâu?

Trong giai đoạn gap year, mình mới bắt đầu đi tìm hiểu các job freelance trên mạng thì thấy có 3 nguồn chính như sau:

– Group Facebook chuyên đăng việc freelance: như một cái chợ việc làm quá bát nháo, chỉ cần một tin đăng tuyển thì hàng chục người nhảy vào tranh nhau làm, và giá thì siêu rẻ bèo, như một bài SEO chẳng hạn 1000 từ 30-50k thì mình không tài nào chấp nhận được. Một vấn đề nữa là bạn không phải là friend của người đăng bài nên nhiều khi inbox họ lại không đọc được tin nhắn do đã bị Facebook lọc người lạ, nên muốn nhận được job thì phải nhanh tay inbox và comment. Nhiều khi gặp một job cực kỳ hợp, bạn inbox & comment mà chủ nhân không thèm đọc thì cũng như không.

– Website chuyên đăng việc freelance: tốt hơn group Facebook ở chỗ dự án được mô tả rõ ràng hơn theo quy chuẩn của website đó, giá của từng job cũng tương đối cao hơn, nhưng nhược điểm là bạn phải nạp tiền vào tài khoản thành viên thì mới được chào giá, hoặc phải mua gói subscription để nhận được nhiều tin đăng tuyển chất lượng và được nhắn tin với người đăng. Cái khó nữa là profile của bạn phải rất nổi bật trong lĩnh vực đó (so với các ứng viên khác) và chào giá của bạn phải thấp hơn thì cơ hội nhận được job mới cao khi bidding (đấu thầu).

(Kinh nghiệm xương máu là mình tốn hết mấy trăm ngàn trên một trang và thấy cũng không khác gì khi là thành viên miễn phí.)

– Người quen hoặc người quen của người quen cần tuyển freelancer: đây là nguồn mình nhận định là chất lượng nhất, vì người quen cơ bản đã biết được khả năng và uy tín của mình như thế nào nên không cần phải test lại về chuyên môn hay bidding với bất kỳ ai, và giá lại cực kỳ tốt khi có thể deal theo ý bạn. Nhược điểm là nguồn tài nguyên này rất hạn chế, làm rồi cũng hết, và khi đó chỉ có nhờ họ giới thiệu tiếp nối qua người quen của họ thì mới có job mới.

Ảnh: Unsplash.com

Khởi sự làm freelancer khi gap year

Để có thể kiếm tiền được với nghề freelancer, bạn phải cần xem lại mình có những kỹ năng, kinh nghiệm nổi bật nào mà người khác (doanh nghiệp hay cá nhân) cần nhờ tới bạn. Như mình thì có thể “bán” bản thân được với một số kỹ năng sau:

  • Thiết kế logo, thiết kế banner
  • Thiết kế website doanh nghiệp/blog cá nhân
  • Viết bài SEO, PR
  • Chụp ảnh, quay phim, dựng phim
  • Chạy FB ads, Goolge ads, Zalo ads

Cá nhân mình trong giai đoạn này không đặt nặng việc kiếm tiền, do vậy mình chỉ nhận job nào do người quen giới thiệu mà mình cảm thấy làm nhẹ nhàng, không mất quá nhiều công sức lẫn thời gian. Mình cũng tránh nhận những job mang tính chất dài hạn như chạy marketing từ 1-3 tháng vì sẽ phải hao tâm tổn sức theo dõi quá trình và kết quả, không phù hợp với mục tiêu làm freelancer của mình.

Mình bắt đầu chuyện làm freelancer trong thời gian gap year bằng cách hết sức đơn giản – đi inbox nhẹ cho kha khá bạn bè, người quen trên Facebook, Zalo để thông báo với họ rằng: “Ê, tui đang làm freelancer đó nhen, có thể nhận các job XYZ. Mấy chế khi nào có nhu cầu hay người quen mấy chế có nhu cầu thì hú tui một tiếng nè”. (Mình viết đại ý vậy thôi, chứ tùy người mà câu chữ sẽ thay đổi sao cho phù hợp.)

Việc của mình chỉ là đi gieo hạt, còn cái hạt đó có nảy mầm hay không là chuyện của thời gian. Nhiều khi mình tự rao bán bản thân từ đầu năm rồi, mà tới giữa năm có người mới nhớ tới để liên hệ. Nhưng ít ra bạn có đi gieo thì mới có lúc gặt, còn không gieo thì dĩ nhiên lấy gì mà gặt. Rồi lần hồi, những người thân quen cũng giới thiệu cho mình nhiều mối, và cứ thế mà mình có job freelance lai rai để làm trong suốt quãng thời gian gap year.

Nếu quý vị chân thành tâm muốn biết mình làm freelancer có kiếm được nhiều tiền và có đủ sống không? Xin thưa câu trả lời là không, vì mình làm lấy giá từ thiện chứ không lấy giá trên trời, ai dễ thương thì mình giảm giá mạnh; và tâm thế của mình ngay từ đầu khi làm freelancer là để kết nối và tạo dựng thêm nhiều mối quan hệ chất lượng hơn với bạn bè, người quen (và người quen của người quen) chứ không phải để kiếm tiền. Nếu muốn kiếm tiền thì mình sẽ quay trở lại apply một job full-time nào đó ở rank manager hay director với mức lương tối thiểu trên ngàn đô thì tiền còn nhiều hơn là đi làm hàng tá việc freelance lặt vặt. Hơn hết là, mình đã được đảm bảo cuộc sống gap year bằng quỹ tiết kiệm của bản thân, cho nên mình không phụ thuộc vào chuyện đi làm freelancer để kiếm kế sinh nhai.

Một điểm xin lưu ý cho những bạn nào chưa có nhiều kinh nghiệm làm freelancer, đó là chuyện thanh toán chậm trễ của khách hàng. Lúc cần làm thì họ sẽ sốt sắng gọi điện, nhắn tin, hối thúc bạn làm đủ kiểu, nhưng tới khi bạn vật vã chạy deadline cho họ xong rồi, họ sẽ im ru gà rù luôn. Chuyện tiền bạc là một chuyện hết sức nhạy cảm, mà đi đòi tiền khách hàng là chuyện hết sức tế nhị. Mỗi khách hàng mỗi tính, có người nói chiều anh chuyển khoản cái rồi lu bu quá họ quên, mình nhắc thì bảo mai anh chuyển, rồi mai cũng quên, nhiều khi nhắc năm lần bảy lượt mới nhớ để thanh toán, mà nhắc nhiều quá thì cũng kì. Có người cũng muốn thanh toán sớm cho mình lắm, nhưng gặp phải chế kế toán công ty đó làm việc rề rà nên có khi phải qua 1-2 tháng sau mới trả. Có người thì thậm chí chơi bài chuồn, nhắn tin thì seen không rep, gọi điện thì không bắt máy, nên chỉ có cúng thí cô hồn luôn rồi chờ khi nào họ mở lượng hải hà từ bi thì thanh toán.

Nếu như đi làm full-time, “khách hàng” chính mà bạn phục vụ chính là sếp trực tiếp của bạn, hay trưởng bộ phận các phòng ban khác làm việc với bạn. Nhưng khi đi làm freelancer, khách hàng của bạn là đủ mọi thành phần. Mỗi khách hàng mỗi tính mỗi nết, mỗi job freelancer bạn nhận là mỗi kiểu khác nhau, muôn màu muôn vẻ. Và cũng chính vì vậy mà làm freelancer cũng có cái thú riêng khi một lần nữa bạn lại kiêm thêm vai trò mới – Giám đốc Kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cuộc đời mình.

Đọc tiếp Tập 5: Tận hưởng một kỳ nghỉ dài chưa từng có

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải