Ảnh: Unsplash.com

Một chị người quen của mình kể lại, một bạn nhân viên của chị bị trầm cảm chuyện gia đình nên mất tập trung và chểnh mảng trong công việc. Thế là chị cho phép bạn lên Đà Lạt vài tháng để làm việc từ xa, không cần phải lên văn phòng. Tưởng rằng khi lên ở một homestay nhỏ trên Đà Lạt, trở về sống hòa hợp với thiên nhiên thì tâm trạng của bạn sẽ khuây khỏa và kết quả làm việc sẽ tốt hơn. Nhưng thực tế thì ngược lại hoàn toàn.

Khi không còn tám giờ vàng công sở kiểm soát, không còn ngồi cạnh sếp và đồng nghiệp trong văn phòng, bạn trở nên “lầy lội” hơn về lối sống và trượt dài suốt mấy tháng ở ẩn trên Đà Lạt. Bởi lẽ, không có những mối dây ràng buộc vô hình về kỷ luật, bạn trở nên thiếu kỷ luật với bản thân. Chẳng hạn như bạn thức tới hai ba giờ sáng để coi phim rồi ngủ nướng tới tận trưa hôm sau, để rồi khi thức dậy thì cảm thấy dằn vặt về bản thân, cảm thấy mình là một đứa tồi tệ. Mớ cảm xúc hỗn độn đó cứ quanh đi quẩn lại và dìm bạn lại xuống đáy. Hóa ra chuyến đi lên Đà Lạt đó không giúp bạn khá hơn là bao nhiêu, và Đà Lạt cũng chỉ là một thành phố du lịch an tĩnh chứ không phải là mảnh đất có thể giúp bạn cải hóa tâm hồn mình.

Mình kể ra câu chuyện trên để bạn thấy một điều rằng, sự trì hoãn là điều mà ai cũng phải đối mặt, đặc biệt là khi bạn gap year và trở thành tỷ phú thời gian của cuộc đời mình. Nhưng việc đối mặt với nó như thế nào thì lại tùy thuộc vào tính cách của mỗi người.

Ảnh: Unsplash.com

Thức khuya và ngủ nướng

Bình thường lúc còn đi làm công sở, buổi tối mình thường đi ngủ sớm lúc 11 giờ và buổi sáng dậy tầm khoảng 6 giờ. Công ty cũ mình bắt đầu làm việc lúc 9 giờ sáng nên mình có 2 tiếng dành cho bản thân trước giờ làm, và 1 tiếng còn lại dành cho việc di chuyển vì chỗ mình ở khá xa chỗ làm. Tính ra thì khi đi làm, trừ hết thời gian làm việc, thời gian đi lại, thời gian ăn uống vệ sinh cá nhân,… thì trung bình mỗi ngày mình chỉ còn lại khoảng 5 tiếng dành cho bản thân. 5 tiếng đó lại phân thành 2 tiếng buổi sáng và 3 tiếng buổi tối, nên tính ra thời gian khá ít ỏi để tận dụng cho những việc khác mà mình muốn làm.

Lúc mới gap year, mình cũng từng đặt ra mục tiêu buổi sáng dậy sớm 5 giờ để đi tập yoga rồi tối đi ngủ sớm trước 11 giờ cho đẹp da. Nhưng thú thật là mục tiêu này không bao giờ thực hiện được, vì lý do chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan là do sự trì hoãn của mình, khách quan là lúc mình muốn học yoga thì bên phòng tập đóng cửa một tháng liền do dịch Covid. Thời điểm sau Tết dịch bệnh còn gây hoang mang dân tình nên dù có mở cửa lại thì mình cũng không dám quay trở lại phòng tập vì có quá nhiều rủi ro khi tiếp xúc với máy móc và một cơ số người trong không gian kín. Sau đó thì mình chỉ cố gắng đi ngủ sớm, chứ không cố gắng dậy sớm, vì câu hỏi đặt ra là: “Dậy sớm để làm gì?”.

Ví như ở thời điểm hiện tại, khi mình đã kết thúc kỳ gap year và quay trở lại đi làm chính thức, chỗ làm mới của mình bắt đầu làm việc lúc 8 giờ sáng. Mình mất hết 1 tiếng chạy xe đi làm, nên mình mới tập dậy sớm từ lúc 5 giờ để dư dả được khoảng 2 tiếng để ngồi thiền, đọc sách trước giờ làm. Ở tình huống này, mình có một lý do cụ thể để dậy sớm, nhưng khi gap year thì mình đã là tỷ phú thời gian rồi, 24 giờ hoàn toàn thuộc sở hữu của mình. Cho nên chuyện dậy sớm hơn vài tiếng để dư ra vài giờ với mình không có nhiều khác biệt. Giống như nếu bạn cho rằng có 10 tỷ đã là giàu, thì chuyện có thêm 1-2 tỷ nữa cũng không giúp bạn giàu hơn bao nhiêu.

Tuy nói là ngủ nướng, nhưng mình chưa bao giờ nướng khét lẹt tới trưa rồi dậy kết hợp ăn sáng luôn với ăn trưa như một số bạn. Việc thức tới gần sáng rồi ngủ tới trưa mình không khuyến khích, vì không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn tạo cảm giác thấy bản thân lãng phí hết nửa ngày trời. Khi tỉnh dậy thì cũng chẳng còn mood để làm được chuyện gì, vì ăn trưa xong thì bạn lại sẽ thấy… buồn ngủ tiếp. Sức khỏe giống như một ngân hàng, bạn vay bao nhiêu thì phải trả bấy nhiều, nếu thâm lạm vào quỹ sức khỏe thì bạn sẽ sớm thấy hậu quả rõ ràng khi tuổi còn trẻ mà sức khỏe ngày càng yếu dần đều.

Thông thường mình chỉ ngủ tới tầm 8 giờ sáng và sửa soạn vệ sinh cá nhân, tập thể dục nhẹ rồi ăn sáng, sau đó là bắt đầu một ngày mới lúc 9 giờ theo khung lịch trình của mình. Thay vì trước đây dành ra 8 giờ đi làm văn phòng, bây giờ mình dành ra 8 giờ đó để tái tạo và xây dựng lại cuộc đời mình dựa trên các mục tiêu mình đã đặt ra.

Ảnh: Unsplash.com

Chán chả buồn làm!

Trong thời gian gap year, có thể bạn đặt ra cho mình rất nhiều mục tiêu và kế hoạch lớn lao, nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện thì nhiều khi chán chả buồn làm. Cái sự chán chủ yếu đến từ việc bạn không có lý do gì để làm nó sớm trong khi thời gian bạn đang có rất nhiều.

Như lúc mình còn đi làm, mình có thể quản lý rất nhiều dự án và bộ phận cùng lúc, mỗi ngày đối diện với nhiều nhiệm vụ lớn nhỏ khác nhau nhưng mình có thể vận hành mọi thứ trơn tru vì luôn có deadline cho từng đầu việc. Nếu công việc bị nghẽn lại ở phần nào thì cả flow sẽ không thể nào chạy được. Do đó mình phải luôn xoay sở và thúc ép bản thân liên tục để quán xuyến được mọi việc.

Có một số mục tiêu, nếu là mình của bình thường thì có thể xử lý rất nhanh, nhưng mình của gap year thường sẽ kéo dài nó ra gấp 2-3 lần thời gian cần thiết. Ban đầu mình cũng thấy tự xấu hổ với chính mình, nhưng sau đó mình lại tự biện hộ rằng nếu làm cho nhanh cho sớm, thế thì hết việc để làm chẳng phải lại chán hơn à? Gap year không vội được đâu, nên mình cứ từ từ mà sống chậm. Ví dụ như mình ấp ủ viết một bản thảo sách tầm khoảng 1 tháng (50% mình đã hoàn thiện trước đó), nhưng thực tế phải mất 3 tháng mình mới viết xong được.

Ở thời điểm Covid bùng phát, nhiều bạn bè mình cũng được công ty cho làm việc ở nhà. Đa số thường rất dễ rơi vào trạng thái lầy lội khi không ai kiểm soát, vì thực tế là không gian ở nhà sẽ tạo cho bạn cảm giác muốn nghỉ ngơi hơn là muốn làm việc. Đây cũng là yếu tố tâm lý do môi trường có thể tác động tới cảm hứng làm việc của bạn. Để tách bạch sự giao thoa giữa hai môi trường, mình thường dọn dẹp bàn làm việc ở một góc riêng sao cho nghiêm trang, gọn gàng, tránh chuyện ngồi làm việc trên giường để cơ thể không bị sao nhãng.

Ảnh: Unsplash.com

Không theo được thời khóa biểu

Mình biết có những bạn siêu kỷ luật với bản thân tới nỗi có thể lập ra một thời khóa biểu trên Google Calendar theo theo lịch trình từng giờ, từng ngày liên tục mỗi tháng với từng hạng mục công việc cụ thể, rõ ràng. Mình thì thuộc trường phái “nửa nạc nửa mỡ”, vẫn lập ra thời khóa biểu đàng hoàng, nhưng việc có theo được thời khóa biểu đó hay không thì tùy cảm hứng.

Nói vậy không phải là vì mình dễ dãi với bản thân, vì thói quen và hình ảnh trước đây của mình là một người luôn nhất nhất tuân thủ với kế hoạch đã đề ra. Mình cực kỳ khó tính và siêu khắc kỷ với bản thân, nhưng khi gap year thì mình cho phép bản thân sống dễ dãi hơn theo bản năng thay vì sống theo kỹ năng. Mục đích là để buông thư phần thân và tâm của mình nhiều hơn, không gò bó vào trong những khuôn khổ định sẵn như thói quen trước giờ.

Có những ngày mình có thể nằm dài đọc sách từ sáng tới chiều tối và bỏ bê các kế hoạch khác. Cũng có những ngày mình chỉ ngồi xem phim, xem từ phim nọ qua phim kia, xem mấy bộ phim truyền hình vài chục tập tới nỗi hết biết xem gì. Thực sự, khi buông bỏ phần kế hoạch mà sống toàn tâm toàn ý trong việc gì đó, dù là sở thích hay đam mê cá nhân, nó cũng giúp mình dễ đi vào trạng thái dòng chảy (flow) hơn rất nhiều. Thử nhớ lại xem, lần cuối cùng bạn có thể say mê làm một việc gì đó mà quên mất thời gian đang vùn vụt trôi qua là khi nào?

Khi mình chuyển hóa nhận thức về sự nguyên tắc và linh hoạt, mình tìm được điểm trung hòa ở giữa để tạo nên sự trung dung cho bản thân. Có một điểm thú vị mình ghi nhận là sau quãng thời gian gap year, khi xuống núi lại hòa nhập với cộng đồng mạng xã hội, một số bạn quen hay đọc những gì mình viết có bảo thấy mình khác quá, khác lúc trước rất nhiều. Cái khác ở đây là thấy mình trẻ hơn, tươi vui hơn, yêu đời hơn, thậm chí có bạn còn inbox nói riêng mình vụ này, vì trước đó mỗi lần bạn inbox mình thì đều rất sợ vì cái sự khó tính của mình. Từ hình ảnh một người anh khó tính đầy nghiêm khắc, những bạn nhỏ mình quen giờ lại nhìn thấy một hình ảnh hoàn toàn khác của mình.

***

Gap year về bản chất vốn là một quãng thời gian để bạn nghỉ xả hơi sau nhiều năm học hành hay làm việc căng thẳng. Cho nên bạn không cần phải biến gap year của mình thành một năm căng thẳng không kém với hàng tá mục tiêu, kế hoạch đao to búa lớn rồi gò ép bản thân phải chạy đua thành tích khi vốn dĩ không ai quan tâm đo lường thành tích của bạn.

Chính vì vậy, tâm thế của mình khi gap year là tâm thế của một người rong chơi bên đời, giống như khi mình là tỷ phú thời gian thì việc gì phải tiếc nuối vài giờ hay vài chục giờ mình lỡ đánh mất. Và khi đã là tỷ phú rồi thì hà cớ chi phải chộn rộn lao đầu vào một núi việc chi cho mệt người?

Đọc tiếp: Tập 7 – Ngừng so sánh với người khác

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.