Hồi sau Tết vài tháng, mình có một cuộc họp mặt với nhóm bạn cũ. Bạn bè cũ lâu ngày mới gặp lại thì chủ đề mở đầu câu chuyện thường là công việc dạo này thế nào, rồi mới tới chuyện gia đình đối với những ai đã kết hôn. Ở cái lứa tốt nghiệp ra trường đã hơn 6 năm như mình, đa số bạn bè cùng trang lứa đã có vị trí ổn định ở các công ty và thường là ở vị trí Team Lead hay Manager trở lên.
Khi biết chuyện mình gap year thì mọi người đều tỏ ra khá ngạc nhiên, vì trước đó ai cũng biết mình gắn bó với công ty cũ khá lâu trong khi bạn bè mình thì nhảy việc ít nhất 3-4 công ty. Nói đến hai từ “gap year”, không phải ai cũng hiểu đúng và cái nhìn cởi mở với nó, một số bạn với tư duy cũ kỹ vẫn còn nhiều định kiến khi cho rằng gap year đồng nghĩa với thất nghiệp, là gia nhập vào giới “ăn hàng ở không” – dù thực tế theo đúng nghĩa đen nó là như vậy, nhưng theo hướng tích cực và là sự lựa chọn chủ động.
Khi bạn nói rằng bạn đang gap year, họ sẽ cho rằng bạn đang nói giảm nói tránh cho việc bạn đang thất nghiệp. Và khi bạn thất nghiệp, đồng nghĩa vị thế của bạn trong vòng bạn bè sẽ bị rớt hạng và lời nói của bạn không còn có trọng lượng. Ví dụ khi thảo luận một vấn đề gì đó liên quan tới chuyên môn công việc, anh bạn A đang làm trưởng phòng công ty này, cô bạn B đang làm quản lý ở công ty nọ, vị thế của họ khi đó là ngang hàng và họ có nhiều chủ đề chung liên quan đến thực tiễn công việc để nói với nhau, còn bạn sẽ có cảm giác như mình bị cho ra rìa. Đó cũng chính là cảm giác mình đã trải qua trong cuộc nói chuyện hôm ấy.
Những người không đủ cởi mở, họ sẽ không bao giờ thấy chuyện một người đang có công việc ổn định, nghỉ việc đi gap year là một câu chuyện gì đó hay ho thú vị để tìm hiểu. Đôi lúc họ sẽ mỉa mai châm chọc bạn bằng vài câu nói bâng quơ, kiểu như thế nghỉ cả năm rồi đã đi du lịch được những đâu, hay nghỉ ở nhà cả ngày mà không thấy chán hả, rồi khi nào tính tìm việc lại? Câu hỏi thứ ba là câu hỏi thể hiện sự “não tàn” nhất của người bạn mình, khi đặt một câu hỏi hết sức vô duyên cho một người đang gap year, và nó thể hiện là bạn không để tâm những gì mình nói trước đó về mục đích gap year của mình.
Lúc đó mình không nóng tính tới mức lộn cái bàn rồi đùng đùng bỏ đi về, nhưng mình cũng chẳng việc gì phải cả nể mà nói thẳng ra cho bạn thấy sự vô duyên trắc nết của bạn, để lần sau bớt hỏi những câu thừa thãi vô duyên ấy. Và dĩ nhiên, sau đó bạn cũng không có cửa nằm trong vòng bạn bè của mình mà chỉ thuộc nhóm chơi xã giao, ai đau thì tự đi bệnh viện.

“Come out” với gia đình và người thân
Khi bạn lựa chọn gap year, bạn sẽ rơi vào tình huống như mình kể ở trên vì bạn vẫn còn bị ràng buộc trong những mối tương giao xã hội như bạn bè, người thân, bà con họ hàng, hàng xóm láng giềng,… Trừ khi bạn quyết định bỏ lên một vùng núi nào đó ở ẩn suốt cả năm trời thì mới hy vọng không bị gặp phải những tình huống cắc cớ như vậy.
Đó cũng là lý do vì sao mình quyết định không về quê trong thời gian gap year, vì các bậc phụ huynh sẽ rất khó chấp nhận cảnh con cái mình đang tuổi gầy dựng sự nghiệp mà suốt ngày chỉ thấy nó ở nhà, và hàng xóm láng giềng đi ra đi vào gặp mặt thì lại hỏi đủ thứ chuyện như giờ con làm ở đâu, lương bao nhiêu, tại sao lại nghỉ việc, rồi khi nào kết hôn, v.v.
Như chuyện mình nghỉ việc gap year thì mình cũng không chia sẻ với gia đình, mãi tới khi nửa năm trôi qua thì mình mới báo cho mẹ mình biết. Mẹ mình là người khá cởi mở nên dễ dàng chấp nhận được chuyện mình nghỉ việc và cũng không quan tâm lắm chuyện mình nghỉ rồi thì làm gì, miễn sao mình thấy vui là được. Còn ba mình thì lại khá cứng nhắc, không quan tâm tới lý do vì sao mình nghỉ việc, mà chỉ tập trung vào chuyện đang làm vị trí cao lương cao mắc mớ gì nghỉ?
Một số người thân như anh chị em họ hàng của mình, khi biết chuyện cũng đặt câu hỏi tương tự, vì sao công việc đang tốt mà lại nghỉ, sao không ráng làm thêm vài tháng nữa tới Tết để lãnh lương thưởng cuối năm rồi nghỉ? Chưa một ai hỏi mình về lý do vì sao mình nghỉ việc, sếp hay công ty có đối đãi tốt với mình không, hay công việc có căng thẳng áp lực quá không, v.v.
Với những người lao động phổ thông như ba mình hay một số người thân, bạn bè, vấn đề họ quan tâm chỉ mới dừng lại ở tầng thứ hai của Tháp nhu cầu Maslow, đó là nhu cầu được an toàn về mặt việc làm và tài sản. Trong quan điểm của họ, có công việc lương cao và có chức vị cao trong công ty thì đồng nghĩa với sự an toàn, ổn định. Các bậc phụ huynh sẽ có cái để tự hào về con cái khi đi khoe với bạn bè thân hữu, còn người trưởng thành sẽ có cái để khoe với nhau trong những cuộc hàn huyên. Nhưng nhu cầu của mình thì không dừng lại ở tầng thứ năm – nhu cầu thể hiện bản thân – mong ước có thể làm được tất cả những gì mà người đó có khả năng, để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Nó vượt thoát khỏi năm tầng của tháp nhu cầu, đi tới tầng thứ sáu và cũng là tầng mà cuối đời Maslow mới khám phá ra – tầng siêu việt hướng tới lòng vị tha và tâm linh.
“Siêu việt đề cập đến mức độ cao nhất và toàn diện nhất hoặc toàn diện nhất của ý thức con người, hành xử và liên hệ, như là kết quả chứ không phải là mức độ trung bình, đối với người khác, đối với con người nói chung, đối với các loài khác, đối với tự nhiên và đối với vũ trụ”. (Theo Wikipedia)
Lẽ vậy, một khi đã không cùng đẳng cấp về mặt tư duy thì rất khó để hiểu được quan điểm của nhau. Người ở tầng cao hơn thì có thể hiểu được quan điểm của người ở tầng dưới, nhưng vế ngược lại thì sẽ không bao giờ xảy ra, vì đó là thứ quá tầm hiểu biết thông thường của họ.

Người khôn chớ đến chốn lao xao
Trong thời gian gap year, mình quyết định chỉ tìm đến nơi vắng vẻ chứ không đến chốn lao xao để hạn chế tối đa những cảm xúc tiêu cực không đáng có từ người khác đem lại cho mình. Mình cắt đứt hết những mối quan hệ bạn bè, không nhận bất cứ lời mời đi ăn uống cà phê hội họp nào. Mình tự cách ly chính mình ra khỏi guồng quay vọng động của các mối quan hệ xã hội để trở về trò chuyện với chính mình và làm bạn với chính mình.
Có những bạn sẽ thấy lựa chọn của mình có phần cực đoan, nhưng thử nghĩ xem những mối quan hệ bè bạn không đủ thân thiết để thấu hiểu phần giá trị sống của nhau, thì có gặp nhau cũng chỉ dừng lại ở chuyện tâm sự chuyện công việc, tình cảm cá nhân, hay khoe với nhau người này mới được thăng chức, người kia mới được tăng lương. Chính cái hào quang thăng chức hay tăng lương của bạn bè mới là thứ đáng sợ. Nó sẽ khiến bạn có cảm giác bị tụt lại phía sau trong khi người khác đang lao vùn vụt về phía trước.
Dù bạn biết rằng mình không cần phải so sánh bản thân với người khác, nhưng khi rơi vào một cuộc trò chuyện như thế và tiếp nhận (input) những thông tin như thế, bạn chẳng thể nào không so sánh được. Lúc đấy, bạn lại bắt đầu tiếc nuối về lựa chọn nghỉ việc của bản thân, và có rất nhiều câu “Lẽ ra…” xuất hiện. Lẽ ra mình có thể được thăng chức nếu ở lại làm thêm một vài năm nữa. Lẽ ra mình có thể được tăng lương nếu làm thêm vài tháng nữa thôi.
Nhưng gượm đã, nếu quay lại thời điểm trước lúc bạn nghỉ việc, hãy nhớ lại hằng hà sa số cảm xúc tiêu cực mà bạn đã dồn nén và chịu đựng từ gã sếp khó ưa chế sếp khó chiều và những đồng nghiệp khó ở cùng môi trường làm việc khó chấp nhận được, thì câu đúng nhất bạn phải thốt ra là: “Lẽ ra mình phải nghỉ việc sớm hơn!”.
Thứ mình tìm kiếm trong thời gian gap year là một thứ gì đó sâu sắc hơn về mặt giá trị trong những mối quan hệ. Mình muốn có những cuộc trò chuyện sâu sắc dựa trên nền tảng của sự thấu hiểu và trao đổi giá trị cho nhau, chứ không phải những cuộc gặp mặt chỉ để cập nhật thông tin dạo này tụi mình đang sống ra sao.
Năm 20 tuổi, thứ bạn quan tâm có thể là hình thức mẫu mã; nhưng đến năm 30 tuổi, thứ bạn quan tâm lại là phẩm cách và chất lượng – không chỉ trong chuyện mua sắm mà còn trong các mối quan hệ.
Khi lựa chọn gap year, bạn đã chọn bước ra khỏi hệ quy chiếu thông thường của xã hội. Do vậy, hãy ngừng so sánh bản thân mình với sự phát triển của người khác vì cơ bản bạn và họ vốn không ở trên cùng hệ quy chiếu. Trục tung duy nhất trên hệ quy chiếu đó là chính bạn, trên sự phát triển không ngừng mỗi ngày của bạn qua từng nấc thời gian. Bạn sau một kỳ gap year có thay đổi gì so với lúc bắt đầu? Hành trình này bạn phải tự mình thể nghiệm và chiêm nghiệm lấy.
2 bình luận
Cám ơn em về những bài viết này…nó đã cho chị đủ dũng khí để buông bỏ cái gọi là heroin “lương tháng”. Ch mong là cũng sẽ được gap year như em để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, con cái và bản thân.
Chào chị,
Em chúc chị vững gan bền chí đi tiếp với lựa chọn của mình nhé. Trong đợt gap nếu có chuyện gì vui có thể quay lại kể em nghe nhe ^^