Có bao giờ bạn thắc mắc không biết dòng dõi của mình có thuộc dạng danh gia vọng tộc thời phong kiến không?

Trong truyện ngắn “Cố lên, cụ cố!”,  Suneo (Xêkô) khoe khoang cùng nhóm bạn chuyện cụ tổ của mình trước đây đã từng lập công trạng hiển hách khi cứu nguy cho tướng quân nên được phong cho chức tổng quản (chỉ đứng sau mỗi tướng quân) và được ban tặng 2 thanh kiếm quý làm vật gia bảo. Nobita có phần ganh tị nên về hỏi bố mình tổ tiên nhà Nobi trước đây làm nghề gì và nhận được câu trả lời các cụ là thợ săn, sống bằng nghề săn bắn.

Bất bình trước chuyện tổ tiên nhà Nobi chỉ làm nghề tầm thường đến thế, Doraemon và Nobita dùng cỗ máy thời gian đi ngược về thời chiến quốc với dự định giúp cụ cố của mình lập được công trạng lớn, vì thời bấy giờ ai lập được công trạng đều có thể trở thành quan lại của triều đình. Oái ăm thay, cụ cố của Nobita lại là một người nhát cáy, tuy là thợ săn nhưng chỉ dám săn bắn những con vật hiền lành như chim, chuột, thỏ chứ gặp thú dữ như lợn lòi thì chỉ biết quăng cung tên bỏ chạy. Tới khi Doraemon và Nobita khuyến khích cụ cố nên xông pha ra trận lập chiến công thì cụ lại trốn tịt trong nhà vì sợ binh đao.

Ngược lại hoàn toàn với cụ cố nhà Nobi, cụ cố Sunemaru của nhà Suneo là một võ sĩ dũng cảm khi có thể bắn chết được lợn lòi và quyết tâm trận này lập được chiến công lớn. Đứng trước tình thế này, Doraemon quyết định cho Nobita đóng giả cụ cố của mình và dùng một số bảo bối thần kỳ như chong chóng tre, áo choàng trong suốtbao tay siêu phàm để bắt cho được tướng quân bên địch, lập công trạng thay cho cụ cố. Ai dè, cậu nhóc Nobita hậu đậu thế nào lại đi bắt nhầm tướng quân phe mình giao cho phe địch, sau đó mới phát hiện ra cụ cố Sunemaru nhà Suneo cũng bị bắt nên giải cứu luôn cho cả hai người.

Kết truyện, Nobita bàn giao lại các món bảo bối cho cụ cố của mình, dặn cụ đi tới địa điểm giải cứu cho và báo mọi người biết mình đã cứu tướng quân và Sunemaru. Ai ngờ đâu khi trở về thế kỷ 20, lịch sử vẫn không thay đổi, cụ cố nhà Nobi vẫn là thợ săn. Hóa ra thay vì tới lãnh công trạng, cụ cố Nobita lại đi dùng bảo bối đó đi săn thú dữ, còn cụ cố Sunemaru nhà Suneo thì lợi dụng cơ hội đó nhận công về mình và được khen thưởng.

Trước khi bàn về chủ điểm chính trong tập truyện này, có một góc nhìn về mặt lịch sử của mèo máy thế kỷ 22 Doraemon rất uyên thâm: “Trong chiến tranh, phe nào chẳng cho mình là chính nghĩa cơ chứ. Cậu chỉ cần bắt sống tên thủ lĩnh ở gần rồi giao cho thủ lĩnh của phe bên kia là coi như chiến tranh kết thúc.”

Nhìn lại lịch sử nhân loại, bất kỳ phe nào trong các cuộc chiến tranh cũng tự nhận mình là chính nghĩa, nhân danh công lý hay mệnh Trời, nhưng rốt cuộc bao giờ cũng có bên thua bên thắng, và lịch sử sẽ được viết lại theo góc nhìn của bên thắng cuộc. Chiến lược quan trọng nhất trong mọi cuộc chiến là làm sao tiêu diệt được đầu sỏ của phe địch thì tự khắc cả binh đoàn sẽ tan rã như rắn mất đầu dù binh giới và khí lực mạnh đến cỡ nào.

Quay trở lại phân tích câu chuyện, chúng ta sẽ thấy số mệnh đã ấn định cho cụ cố của Nobita và Suneo thuộc 2 giai tầng khác nhau trong xã hội: cụ cố Nobita là thợ săn, thuộc về lớp thứ dân còn cụ cố Suneo là võ sĩ, thuộc về lớp quan lại. Xuất phát điểm về xuất thân tuy khác nhau, nhưng khi đưa vào hoàn cảnh thời chiến thì cơ hội đối với cả hai là như nhau khi ai lập được công trạng lớn với đất nước thì sẽ đều được vinh hiển, nhận bổng lộc từ triều đình. Đích đến trong cuộc đời của 2 cụ cố cũng là điều lịch sử ghi nhận lại, đó là điều đã được số mệnh an bài trong kịch bản cuộc đời 2 cụ.

Trong truyện, mặc dù Doraemon và Nobita cố gắng can thiệp để cải sửa mệnh số cụ cố nhà mình nhưng người tính không bằng trời tính, biến số lịch sử tuy được thêm thắt vào một số sự kiện (Nobita thế thân lập công trạng thay cụ cố) nhưng kết quả cũng bằng không, khi mọi thứ vẫn quay trở lại đúng quỹ đạo như nó phải là.

Người xưa cũng có câu “nhân định thắng thiên”, ý nói ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm của con người có thể chiến thắng được số phận. Chính tính cách của một người sẽ góp phần lớn tác tạo nên số phận của người đó (chủ quan), bên cạnh tính định số của số mệnh (khách quan). Như cụ cố Nobita bản tính vốn là một người nhát gan, chỉ thích làm việc nhỏ, không thích bon chen chuyện quan trường nên dù cuộc đời có trao vào tay bao nhiêu cơ hội thì cũng sẽ để vụt mất, trong khi cụ cố của Suneo là người có tính cách đối lập hoàn toàn nên mới giành được cơ hội về tay mình.

Câu chuyện về 2 cụ cố nhà Nobi và Suneo là điển hình cho câu nói giàu nghèo có số và tính cách tạo nên số phận. Tuy nói giàu nghèo có số nhưng sự giàu có cũng chia làm 2 trường hợp:

  1. Giàu từ trong trứng nước: do gia tộc tích lũy của cải nhiều đời hay đời cha mẹ giàu có nên con cái sanh trưởng trong môi trường này được thụ hưởng sự xa hoa quyền quý đó. Họ thừa hưởng gia sản từ cha mẹ, tiếp tục phát triển sự nghiệp của gia đình hoặc theo đuổi sự nghiệp cá nhân nên đã giàu thì sẽ càng giàu thêm. Tuy nhiên, vàng có chất cao như núi mà chỉ biết hưởng thụ thì ăn hoài cũng lở. Đại biểu cho trường hợp này là thiếu gia Vương Tư Thông – một cậu ấm có cha là tỷ phú hàng đầu Trung Quốc, được cha cho tiền ra khởi nghiệp nhưng vì ăn chơi tiêu xài trác táng (nổi nhất là vụ mua đồng hồ Apple Watch mạ vàng cho chú chó cưng) nên cuối cùng bị sạt nghiệp và bị tòa án đóng băng toàn bộ tài sản vì nợ nần.
  2. Giàu từ hai bàn tay trắng: sinh trưởng trong hoàn cảnh nghèo khó hoặc cha mẹ thuộc tầng lớp lao động bình dân, đủ ăn đủ mặc chứ không tới mức được cấp sổ hộ nghèo. Nhóm này tuổi thơ nếm trải nhiều chuyện nghèo khổ tủi nhục hoặc không chấp nhận sống một cuộc đời bình bình nên luôn nung nấu ý định làm giàu và nỗ lực phấn đấu đi lên bằng con đường học tập để cải sửa số phận của mình, và cuối cùng ra đời kinh doanh, đầu tư thành công, gầy dựng nên sự nghiệp rồi gia nhập tầng lớp người giàu. Câu chuyện vượt khó làm giàu của các doanh nhân ngoài xã hội từ cổ chí kim thì rất nhiều nên không cần ví dụ.

Quy luật làm giàu cơ bản là muốn “giàu” trước hết phải “làm”, chứ không phải tự dưng ngồi đó không làm gì rồi sự giàu có sẽ ập vô bản mặt như trúng số. Ngay cả trong chuyện trúng số, muốn trúng số thì trước hết cũng phải mua vé số thường xuyên (làm) thì mới có ngày may mắn được trúng số (giàu). Cái sự nghèo hay giàu ở xuất phát điểm về cơ bản cũng là do số phận định đoạt, bởi lẽ không ai được lựa chọn hoàn cảnh mình sinh ra. Nhưng một người đã giàu sẵn mà không biết làm (giữ tiền và để tiền đẻ ra tiền) thì sự giàu có cũng sẽ lở như núi, có khi giữa đời hoặc cuối đời nghèo mạt rệp. Ngược lại, một người vốn dĩ nghèo nhưng biết làm (kiếm tiền và tích lũy tiền) thì có thể chuyển hóa thành số giàu.

Hiểu về quy luật định mệnh thì nên biết rằng định mệnh không phải là một hằng số bất biến, mà biến số của số phận nằm ở sự rèn giũa tính cách của mỗi người.

Kể một chuyện người thật việc thật minh họa bài này. Cô bạn mình có một người chú quen (không phải họ hàng), ngày xưa một thời nghèo khó nên ăn nhờ ở đậu nhà bạn, được ba mẹ của bạn cưu mang giúp đỡ và cho tiền xài. Sau này, người chú đó trưởng thành và được gia đình bên Mỹ đón sang bên đó sống, làm kinh doanh nên cuộc sống cũng tương đối sung túc, sau này hai bên vẫn giữ liên lạc và người chú lâu lâu gửi tiền về cho ba mẹ người bạn này để tri ân.

Vì muốn trả ơn ngày xưa nên người chú này có nói với gia đình bạn muốn bảo lãnh bạn sang Mỹ để sinh sống, hứa hẹn sẽ lo cho bạn chỗ ăn ở và học hành cho đến khi ổn định. Tầm vài tháng sau đó người chú này về Việt Nam, nhưng trong chuyến đi vì một số chuyện gia đình mang tính chất cực đoan (sẽ kể khi có dịp trong một bài khác liên quan) nên người chú này lựa chọn cái chết bằng cách treo cổ tự tử, bỏ lại gia đình vợ con bên Mỹ. Kết cục, chuyện bảo lãnh đi Mỹ của người bạn mình cũng bị chìm xuồng và trôi vào dĩ vãng.

Người chú này xuất phát điểm vốn dĩ nghèo khó, sau đó sang Mỹ cũng phải trầy trật để vươn lên giàu có, nhưng cuối cùng tài sản, tình thân bị mất hết nên mới dẫn tới chuyện nghĩ quẩn. Còn người bạn mình, lẽ ra sẽ có một tương lai xán lạn hơn nhưng cuối cùng mọi chuyện không thành, xem như không có số xuất ngoại đổi đời.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải