Ai một thời đọc truyện Doraemon đều biết đến series truyện dài với những cuộc phiêu lưu kỳ thú, mỗi tập là một chủ đề khác nhau. Nếu như ở tuyển tập truyện ngắn mỗi tập chỉ mang tính chất giới thiệu các bảo bối thần kỳ của Doraemon thì truyện dài là một hành trình đầy sống động của bộ ngũ Doraemon, Nobita, Jaian, Suneo, Shizuka vào các thế giới kỳ ảo với sự xuất hiện của combo rất nhiều loại bảo bối khác nhau.

Với series truyện dài Doraemon thì hầu như tập nào mình cũng thích, mỗi tập sẽ có một ấn tượng riêng, như tập “Nobita và 3 chàng hiệp sĩ mộng mơ” phản ánh một điều mà bao nhiêu đứa nhỏ hằng mơ ước – làm thế nào để chu du vào những giấc mơ đẹp và trở thành anh hùng trong những giấc mơ đó?

Kể lại một chút về cốt truyện tập này cho những bạn nào chưa đọc hoặc đọc đã lâu rồi nên không nhớ chi tiết, Nobita là một cậu bé hậu đậu đi học thì suốt ngày bị thầy la vì tội đi trễ và không làm bài tập, bị bạn bè ăn hiếp, về đến nhà thì lại bị mẹ mắng nên cậu bé quá chán nản với thực tại u ám đó và tìm vào những giấc mơ để được an ủi. Nhưng mộng đẹp thường không kéo dài và hay kết thúc dang dở vào những khoảnh khắc đang đà gây cấn khiến Nobita rất tiếc nuối, do vậy Doraemon mới dùng bảo bối là “máy tạo giấc mơ theo đơn đặt hàng” để Nobita được thỏa ước nguyện.

Với bảo bối này, Nobita có thể chọn trước các băng video câu chuyện có sẵn, tự ấn định nhân vật mình sẽ nhập vai trong mơ và có thể đeo “ăng-ten giấc mơ” cho nhóm bạn của mình để họ cùng trải nghiệm giấc mơ giống Nobita. Một nhân vật ở phe ác quỷ trong thế giới giấc mơ cố ý trốn ra ngoài để đi tìm cậu bé hậu đậu nhất thế giới là Nobita và gieo vào tâm trí cậu cuốn băng “3 chàng hiệp sĩ mộng mơ”, mục đích để cậu bé hậu đậu nhất thế giới Nobita có nhập vai trong mơ thì cũng không tiêu diệt được phe ác quỷ và chúng sẽ thống trị thế giới trong mơ.

Sau đó, Doraemon nhận được quảng cáo từ thế kỷ 22 về cuốn băng này và Nobita nằng nặc đòi mua cho bằng được. Từ đó, cuộc phiêu lưu của chàng hiệp sĩ mũ bạc Nobita, 2 hiệp sĩ Suneo, Jaian cùng phù thủy Doraemon đi giải cứu công chúa Shizuka ở đất nước Yume-rume bắt đầu.

Giải mã các ý nghĩa biểu tượng trong truyện

1. Thế giới đảo ngược trong giấc mơ

Khi mới bật cuốn băng “3 chàng hiệp sĩ mộng mơ” để nhập mộng, bối cảnh đầu tiên Nobita bắt gặp vẫn là cảnh đời sống thực của mình và để đi đến xứ sở thần thiên thì cậu phải đi qua một đường hầm mây màu hồng (pink dream) do tiên nữ Shizuku dẫn đường. Hình dáng của tiên nữ này là nhân vật Shizuka thu nhỏ và có cánh, dựa trên nguyên mẫu gốc của nhân vật cô tiên Tinker Bell trong truyện Peter Pan.

Peter Pan là một nhân vật hư cấu của nhà văn James Matthew Barrie được sáng tác năm 1888, sau đó được xuất hiện nhiều trong các tác phẩm hoạt hình của Walt Disney. Trong truyện, Peter Pan là một cậu bé không bao giờ lớn sống tại xứ sở thần tiên Neverland cùng cô tiên Tinker Bell, và trong một chuyến du ngoạn London thì Peter Pan vô tình quen biết cô bé Wendy nên đã rủ rê cô đến Neverland cùng sống với mình. Mặc dù chưa thể kiểm chứng nhưng có thể nói, tập truyện “Nobita và 3 chàng hiệp sĩ mộng mơ” được lấy cảm hứng từ Peter Pan khá nhiều.

Trong lúc dẫn Nobita đi qua xứ sở thần tiên, tiên nữ Shizuku mới tiết lộ chúng tôi khó khăn lắm mới chọn bạn trong hàng triệu trẻ em trên thế giới, bởi vì thế giới trong mơ vốn hoàn toàn trái ngược với thế giới thực, nghĩa là dở sẽ thành giỏi, nên Nobita được chọn chỉ vì cậu là người hậu đất nhất chứ không phải người đặc biệt. Thật vậy, thế giới trong mơ của những đứa trẻ luôn là một thế giới đảo ngược với thực tế bên ngoài, như Nobita ngoài đời hậu đậu nhưng trong mơ luôn đóng vai anh hùng, còn Jaian ngoài đời hát dở như bò rống nhưng trong mơ lại thấy mình là ca sĩ nổi tiếng đi lưu diễn khắp thế giới. Đó cũng là những ước ao thầm kín từ trong tiềm thức của những đứa nhỏ và sẽ được kích hoạt khi chúng bước vào giấc mơ.

2. Khó khăn thử thách người có mệnh lớn

Trong giấc mơ, Nobita tuy được định số phân cho vai anh hùng nhưng không phải vừa nhập mộng đã trở thành anh hùng. Cậu bị cuộc đời hành cho lên bờ xuống ruộng, từ đánh thua hiệp sĩ Suneo rồi thành người hầu của Suneo, xong rồi Suneo đánh thua hiệp sĩ Jaian nên Nobita thành người hầu của cả hai, phải è cổ ra vác hành lý và đi theo phục vụ Suneo và Jaian.

Khi thấy Nobita vừa đi vừa kêu cứu, Doraemon đang ngồi ở đời thực quan sát diễn tiến giấc mơ qua màn hình cũng bình luận: “Biết sao được, đây là diễn biến của câu chuyện mà, nhưng như vậy cũng tốt. Phải để cho Nobita chịu cực khổ thì sau này mới bỏ được cái tính ỷ lại vào người khác.”

Đến khi Suneo và Jaian đến được cây đại thụ trong truyền thuyết, cả hai đua nhau xem ai leo lên trước để lấy được bộ áo giáp và thanh gươm thần. Theo truyền thuyết, ai sở hữu được hai bảo vật này trên đỉnh ngọn cây thì sẽ trở thành hiệp sĩ mũ bạc nhận lãnh sứ mệnh chiến đấu với quỷ vương Odonro để bảo vệ vương quốc. Với tài cán của Nobita thì cậu không thể nào đọ lại Suneo và Jaian về sức, tuy nhiên khi Suneo bắt Nobita ra bờ sông lấy nước vì cậu vô tình vớt được mặt trăng bị xì hơi nên rớt xuống sông. Nobita nhanh trí thổi mặt trăng lại (y như thổi bong bóng má ơi) rồi cột dây để đu đưa lên trời giành được bảo vật. Hóa ra mọi chuyện đều đã được tạo hóa an bài.

Mô-típ anh hùng chịu mệnh phải trải qua nhiều khó khăn thử thách trong cuộc sống là một mô-típ có tính chất quy luật trong lịch sử nhân loại Đông Tây kim cổ. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Trời lại bày ra cảnh trớ trêu đày ải người chịu mệnh? Đây là một định luật và cũng là thiên ý, trước khi trao mệnh lớn cho người nào thì người đó cũng phải chịu cảnh ba chìm bảy nổi để lịch duyệt chuyện đời và am hiểu thế thái nhân tình, cũng như được trui rèn ý chí và khả năng ứng phó với nghịch cảnh. Có như thế mới đủ tài năng và đức độ nhận lãnh sứ mệnh khi thời cơ đến.

3. Những anh hùng trong thế giới ảo

Trước cuốn băng “3 chàng hiệp sĩ mộng mơ”, các băng video khác Nobita chọn để nhập vai trong giấc mơ đều là vai anh hùng đánh nhau với quái vật, giải cứu công chúa rồi sống bên nhau hạnh phúc trọn đời. Có lúc bực quá Doraemon cũng phải la làng: “Tại sao cậu cứ trốn trong những giấc mơ vô bổ mà không tập trung sống thực trong hiện tại?”

Hồi mình đi học tiếng Anh thời sinh viên, cô giáo dạy tiếng Anh của mình có một cậu con trai nuôi sống chung nhà mới học cấp hai, cậu bé tạng người khá mập mạp và thuộc diện mọt sách, yếu đuối nên hay bị bạn bè trong lớp bắt nạt. Chính vì trong thế giới thực cậu bé không được tự tin, cũng như không được bạn bè nể trọng nên cậu dành rất nhiều thời gian vào thế giới ảo để chơi game và cuối cùng bị nghiện game lúc nào cũng không biết. Cô giáo của mình lúc đó cứ hay than thở, hồi xưa nó chưa biết chơi game thì ngoan biết bao nhiêu, đến bây giờ vì mê game mà nhiều khi bỏ bê học hành, còn hay cãi lại lời cô. Có bữa bị cấm chơi game thì còn nổi quạu đánh chó mắng mèo trong nhà.

Nghe mấy đứa nhỏ học chung lớp tiếng Anh kể lại (tụi nhỏ từng tới nhà cô chơi nên biết con cô), cậu bé này đầu tư khá nhiều tiền để mua vật phẩm trong game lên tới mấy triệu bạc, mà toàn nhịn ăn sáng để dành mua. Hỏi ra thì lý do cũng khá đơn giản và rất con nít, vì cậu bé không muốn bạn bè xem thường trong thế giới ảo, trong game thì mình phải “pro” hơn tụi nó để thể hiện đẳng cấp nên có vật phẩm gì mới ra cậu cũng ráng dành tiền để mua cho bằng được.

Có một thực tế về mặt tâm lý học hành vi: những người phải bám víu thế giới ảo là những người thiếu tự tin với thế giới thật, họ cảm thấy mình không được thừa nhận, không được tôn trọng nên họ phải tìm đến một thế giới ảo. Còn những người thừa tự tin ở thế giới thật, họ sẽ mất thời gian cho thực tại chứ không lãng phí thời gian để đắm chìm trong thế giới ảo.

Như mấy cậu nhóc chung lớp tiếng Anh với mình lúc đó cũng mê chơi game nhưng không tới mức độ “nghiện”. Vì các nhóc này đều là học sinh trường chuyên, thành tích học tập cao, ý thức rất sớm về việc học hành nên trong tư duy của tụi nhỏ khi nào học là học mà chơi là chơi. Có một quan niệm thú vị mà các nhóc này từng chia sẻ với mình: “Nếu bạn chơi game mà không có tiền để nạp để có được các vật phẩm cao cấp thì hãy cứ bỏ thời gian ra cày thôi, lúc đó bạn sẽ có được những trải nghiệm mà mấy đứa nạp tiền không bao giờ có.” Vốn dĩ các cậu nhóc này trong đời sống thật thì rất tự tin và tài năng nên mới không cần phải chứng tỏ mình trong đời sống ảo.

Quy luật tâm lý thực – ảo ở trên không chỉ riêng con nít mà người lớn cũng gặp phải. Có lần, khi có việc cần trao đổi với một bạn nhân viên, mình tới chỗ ngồi của bạn thì bắt gặp bạn đang ngồi chơi game say mê, trong khi còn một nùi task tới deadline chưa làm. Lúc nhìn thấy mình thì bạn hết hồn, lật đật vội tắt màn hình game để quay trở lại làm việc. Mình cũng ngó lơ cho qua và xem như không thấy gì để giữ tự trọng cho bạn. Sau này khi có dịp ngồi review performance, mình mới nhắc lại sự việc ngày hôm đó. Khi ấy, bạn mới trải lòng chuyện bạn sa đà vào game cũng vì áp lực tài chính, áp lực từ gia đình, cuộc sống của bạn có quá nhiều mỏi mệt nên bạn tìm niềm vui phút chốc trong thế giới ảo.

Ngẫm lại mới thấy, trừ trường hợp những bạn chơi game để giải trí theo kiểu chơi cho vui thì những bạn nghiện game đa phần đều gặp phải vấn đề tâm lý trong đời sống. Người thì bị bạn bè bắt nạt, người thì bị gia đình xem thường, người thì cuộc sống quá nhiều áp lực nên dấn thân vào thế giới ảo để be the hero, be the best hóa thân thành hình tượng họ mong muốn, có thể quật cường đánh bại bất cứ ai và ai ai cũng phải nể phục họ… trong game. Họ nuôi dưỡng hào quang của mình trong thế giới ảo, và quên đi sự khắc nghiệt của đời sống trong thế giới thật.

Mọi thứ trên đời đều có tính hai mặt, như game cũng có mặt tốt và mặt xấu. Mặt tốt game sẽ giúp chúng ta giải trí, rèn luyện được tư duy, óc quan sát, phân tích tình huống, tư duy chiến lược trong thế giới giả lập. Nhưng khi chơi quá đà và chìm đắm nhiều vào thế giới ảo thì thành nghiện. Các nhà phát hành game vốn dĩ rất am hiểu về tâm lý học nên mỗi game họ thiết kế đều cài cắm những công thức gây nghiện mà những ai nếu không có sự tự chủ và kỷ luật với bản thân tốt thì rất khó dứt ra được.

Nếu bạn lựa chọn chơi game để giải trí thì có thể suy nghĩ lại, vì muốn giải trí thì có rất nhiều hình thức khác bổ ích để giải trí chứ không nhất thiết phải chơi game. Mình thì quan niệm chỉ nên chơi những game nào giúp bạn luyện được một skill cụ thể và cần thiết mà bạn sẽ dùng tới trong thực tại, còn để cho vui thì vẫn còn nhiều thú vui khác lắm.

Hãy nhớ rằng, thời gian và sức khỏe là 2 thứ quý giá của đời người, là phương tiện để đạt được nhiều đích đến tốt hơn trong cuộc sống của chính bạn. Như trong truyện “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” của Cửu Bả Đao có câu: “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy một lần nữa.” Nhưng chắc chắn không ai quay lại tuổi trẻ để có nhiều thời gian hơn chơi game lần nữa đâu nhỉ?

Cuộc đời vốn dĩ là một trò chơi lớn, sao không chơi cho hết mình trong thực tại mà lại bỏ lớn lấy nhỏ làm vui.

Cuối cùng, còn một hình ảnh biểu tượng trong “Nobita và 3 chàng hiệp sĩ mộng mơ” mình rất ấn tượng chính là trái trí tuệ. Để dẫn dụ Nobita bước chân vào thế giới ảo của “3 chàng hiệp sĩ mộng mơ”, tên tay sai của quỷ vương Odonro hóa thân thành một ông lão tặng cho Nobita một trái trí tuệ y như trái cherry. Khi Nobita ăn vào thì đầu óc bỗng nhiên hết u mê, trở nên tỉnh táo, sáng suốt lạ thường và có thể giải được hết các bài tập về nhà thầy giao, kể cả các bài khó.

Tuy nhiên, trái trí tuệ chỉ có công dụng trong thời gian ngắn hạn. Khi gặp lại ông lão, Nobita hỏi xin thêm mấy trái trí tuệ thì ông lão bảo: “Rất tiếc ta đã hết rồi. Nếu cháu muốn ăn tiếp tại sao không tự đi tìm?”

Câu trả lời của ông lão, hay nói đúng hơn là thông điệp của tác giả Fujiko F. Fujio khiến mình bị mind-blowing ̣(chấn động, sững sờ). Bởi lẽ ta không thể ngồi một chỗ đợi người khác đến ban phát trí tuệ cho mình mà phải tự thân vận động đi tìm, và ta không thể đi tìm trí tuệ ở nơi người khác mà chỉ có thể đi tìm trí tuệ ở chính nơi mình. Mọi yếu tố khác bên ngoài như con người, hoàn cảnh chỉ là phương tiện dẫn dụ để chúng ta đạt đến cảnh giới của trí tuệ bên trong tâm trí mình. Nếu ta không xem mình là ngọn đuốc thì bao nhiêu vị thầy giỏi đến thắp lửa lên cho ta cũng chẳng thể nào cháy được.

Trong truyện, ông lão đánh lừa Nobita rằng trái trí tuệ chỉ có trong thế giới của “3 chàng hiệp sĩ mộng mơ”. Nhưng trong đời sống thực, chúng ta chỉ có thể tìm được trái trí tuệ khi vượt qua được những khó khăn, thử thách mình gặp phải ở đời chứ không phải lúc đắm chìm trong những trận chiến, các màn chơi thăng cấp trong thế giới ảo. Như Nobita muốn hết u mê, phải biết tỉnh mộng hão huyền bước ra khỏi thế giới ảo mà tỉnh táo đối diện với những thử thách thật ngoài đời.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.