Trong bộ phim Doctor Strange In The Multiverse Of Madness, Doctor Strange đến tìm phù thủy Wanda để nhờ giúp đỡ bảo vệ America, một cô bé có năng lực đặc biệt là có thể xuyên không đến bất kỳ vũ trụ nào nhưng lại không kiểm soát được năng lực của mình. Chính vì khả năng đặc biệt này mà America bị một số quái vật truy lùng hòng chiếm đoạt được năng lực ấy với dã tâm làm bá chủ đa vũ trụ. Khi ấy, Wanda mới hỏi Doctor Strange: “Nếu trong một vũ trụ khác, anh có một cuộc sống hạnh phúc hơn, liệu anh có muốn đến đó?”.

Giống như phù thủy Wanda, ai trong chúng ta hẳn cũng có những điều bất như ý trong cuộc sống hiện tại khiến chúng ta không hạnh phúc. Chẳng hạn người thì quá mập, người thì quá lùn, người thì chẳng có tài năng gì nổi bật, người thì lại quá nghèo,… Và đôi lúc chúng ta sẽ tự hỏi: Ở một thế giới khác, khi chúng ta đã được bù đắp phần khuyết thiếu ấy, liệu rằng chúng ta có hạnh phúc hơn chăng?

Trong bộ truyện tranh Doraemon, cậu bé Nobita hậu đậu luôn thua kém bạn bè trong nhiều mặt và có một số tật xấu của con nít, chính những điều ấy làm cuộc sống của Nobita luôn khổ sở và cậu chỉ ước ao mình phải không vật lộn với chúng nữa. Lúc này, Doraemon mới ra tay giúp đỡ Nobita bằng một bảo bối thần kỳ có quyền năng rất mạnh – tủ điện thoại yêu cầu (hay còn gọi là tủ điện thoại nếu như).

Tủ điện thoại yêu cầu

Món bảo bối này xuất hiện trong khá nhiều tập truyện ngắn Doraemon, mang hình dáng của một chiếc tủ điện thoại công cộng. Người sử dụng chỉ cần bước vào trong, nhấc ống nghe và nói lên điều ước của mình, đến khi bước ra thì thế giới đã thay đổi đúng theo ý nguyện của họ.

Lần đầu tiên món bảo bối này xuất hiện là trong một dịp Tết, khi bọn trẻ con đều chơi thả diều và đánh cầu lông, riêng Nobita vì quá dở hai môn này nên nhờ Doraemon giúp đỡ. Doraemon mới lấy chiếc tủ điện thoại yêu cầu ra để Nobita thực hiện điều ước về “một thế giới không có thả diều và đánh cầu lông”. Trong thực tại mới ấy, Nobita lại là người đầu tiên phát minh ra hai trò chơi này với cách chơi không giống ai – thả diều xoay mòng mòng dưới đất chứ không bay được lên trời và ai đánh cầu lông trượt thì được tính là thắng còn người đánh trúng lại bị quẹt mực trên mặt.

Trong những lần khác, Nobita từng dùng bảo bối này để yêu cầu “một thế giới không cần phải trả tiền”, khi đó mua một món đồ có nghĩa là người bán phải đưa tiền ngược lại cho người mua, người bị cướp phải nhận tiền của kẻ cướp. Nobita cũng từng muốn “một thế giới không có gương soi”, “một thế giới thích chơi dây”, “một thế giới có giá cả giảm giá bằng 20 năm trước” và cũng từng muốn “cả thế giới tôn trọng và hoan nghênh những người hay ngủ”. Bất cứ yêu cầu nào thực hiện bởi bảo bối này đều có thể được khôi phục lại nguyên trạng bằng cách yêu cầu “Hãy làm cho mọi thứ trở lại như cũ”. Đó cũng là câu kết trong những tập truyện ngắn mà Nobita có sử dụng món bảo bối này.

Cánh cổng kết nối các vũ trụ song song

Thoạt tiên, độc giả tưởng rằng tủ điện thoại yêu cầu này chỉ như một phiên bản của chiếc đèn thần thời hiện đại, có công dụng hiện thực hóa điều ước của người yêu cầu mà thôi. Nhưng ở bộ truyện dài tập 5 – Nobita lạc vào xứ quỷ, một lần nữa Nobita lại sử dụng bảo bối này để yêu cầu một thế giới có phép thuật. Trước khi thực hiện điều ước, hai đêm trước đó có một hiện tượng lạ xảy ra là Doraemon nhặt được một bức tượng Doraemon bằng đá ngoài bãi rác, sau đó Nobita cũng nhặt được một bức tượng Nobita bằng đá từ trên cây rớt xuống. Cả hai đem hai bức tượng về để sau sân nhà thì trong đêm mưa gió bằng cách nào đó hai bức tượng lại lẻn được vào nhà.

Khi điều ước của Nobita trở thành hiện thực, thế giới văn minh hiện đại bỗng nhiên trở thành thế giới phép thuật nơi mọi người đi học, đi làm bằng chổi thần hay thảm bay, sử dụng thần chú để điều khiển đồ đạc hay nấu ăn, và quảng cáo trên TV cũng là những món đồ phép thuật. Trong thực tại mới này, Nobita vẫn là một phiên bản hậu đậu không biết dùng phép thuật và thậm chí không bằng cả một đứa con nít lớp một. Ở diễn biến tiếp theo của câu chuyện, quỷ vương cùng bọn ác quỷ trở lại sau 300 năm để tiêu diệt loài người. Bộ ngũ Doraemon, Nobita, Shizuka, Suneo, Chaien cùng Miko – con gái của một vị tiến sĩ đã tiên tri được sự trở lại của quỷ vương – đã kề vai sát cánh chiến đấu với lũ quỷ.

Khi cuộc chiến giữa hai bên lên đến cao trào, cả Shizuka, Suneo, Chaien cùng hai cha con Miko đều bị bọn quỷ bắt nhốt dưới sào huyệt và sắp sửa bị làm thịt, riêng Doraemon và Nobita may mắn thoát nạn được. Tuy nhiên vì chiếc tủ điện thoại yêu cầu đã bị mẹ Nobita vứt ở bãi rác và bị chôn lấp trong cả tấn rác nên cả hai không thể biến thế giới trở về như cũ. Giải pháp lúc đó là dùng cỗ máy thời gian quay trở lại quá khứ để nhắn nhủ Nobita trong quá khứ bỏ ngay ý định thực hiện điều ước. Nhưng quỷ vương phát hiện điều này nên đã cử quỷ dạ xoa đi theo và hóa phép biến cả hai thành đá ngay trước khi kịp về tới nhà, và đây cũng chính là nguyên nhân vì sao ở phần đầu truyện lại có sự xuất hiện của hai bức tượng Doraemon và Nobita bằng đá.

Ở thế kỷ 22, Doraemi nhận được chuông báo nguy khẩn cấp nên tìm về gặp anh mình và hóa giải cho hai bức tượng đá trở về bình thường. May mắn thay, Doraemi cũng có một chiếc tủ điện thoại yêu cầu tương tự và Nobita chỉ cần bước vào yêu cầu thế giới trở lại như cũ là câu chuyện sẽ kết thúc tại đó. Nhưng vào lúc này, một nan đề đặt ra là: Nếu thế giới trở lại như cũ, Nobita và nhóm bạn sẽ thoát khỏi bạn quỷ dữ (vì giả định thế giới phép thuật mất hiệu lực), vậy thì hai cha con Miko ở thế giới phép thuật sẽ ra sao?

Doraemon và Doraemi trả lời đại ý rằng hai thế giới vẫn tồn tại song song, chuyện của thế giới phép thuật thì nên để họ tự giải quyết, và có thể hai cha con Miko sẽ tìm được cách thoát khỏi tay bọn quỷ và giải quyết được thảm họa. Câu trả lời của anh em Doraemon chính là một cách giải thích về đa vũ trụ (multiverse) mà các bộ phim siêu anh hùng của Marvel hay DC vẫn thường hay đề cập đến. Như vậy, hóa ra tác dụng thực sự của chiếc tủ điện thoại yêu cầu không phải là thay đổi thực tại như chúng ta vẫn nghĩ ở các tập truyện ngắn, mà nó chính là cánh cổng kết nối đến các vũ trụ song song. Điểm khác biệt lớn nhất trong phiên bản Doraemon so với phiên bản của Marvel hay DC là ở thế giới song song mà Nobita và Doraemon đến sau khi bước ra từ tủ điện thoại (người biết về điều ước đầu tiên như Doraemon, dù không bước vào tủ điện thoại, cũng không bị ảnh hưởng mà đến cùng thế giới với Nobita), thế giới ấy không có sự tồn tại của phiên bản đối ứng của Nobita hay Doraemon, tức không có sự hiện diện của hai cặp Nobita và Doraemon cùng lúc trong thế giới ấy.

Lý giải điểm này, mình cho rằng cơ hồ bộ đôi tác giả Fujiko F. Fujio chỉ đưa ra và lồng ghép giả thuyết về đa vũ trụ trong bộ truyện Doraemon để gợi mở một góc nhìn mới mẻ cho người đọc, với giả định là khi mở ra cánh cửa bước vào đa vũ trụ thì mặc định là thế giới song song ấy sẽ không có phiên bản đối ứng. Bởi nếu có, việc xử lý mối quan hệ giữa hai bên là một bài toán hóc búa cần phải giải đáp và như vậy sẽ phát sinh nhiều chi tiết thừa, kéo dài thời lượng tập truyện mà không cần thiết. Khi loại bỏ đi thân phận nhân vật đối ứng ở đa vũ trụ, các nhân vật trong vũ trụ chính mới có thể tự do trải nghiệm thế giới mới.

Đa vũ trụ trong những cuộc phiêu lưu khác

Cá nhân mình là một fan cứng của hai tác giả Fujiko F. Fujio, nên ngoài bộ truyện Doraemon mình còn sưu tầm gần như trọn bộ các bộ truyện tranh khác của hai ông như Cuốn từ điển kỳ bí, Siêu nhân Mami, Nhóc Bakeru, Ninja Quytaro, Cậu bé siêu nhân,… Nếu đọc đủ nhiều các tác phẩm của hai tác giả 3F, độc giả sẽ nhận ra một mô-típ nhân vật gần như lặp lại ở tất cả các bộ truyện: một nhân vật chính hậu đậu, một nhân vật có khả năng siêu phàm, một bạn nam/bạn nữ mà nhân vật chính ái mộ, hai người bạn nối khố khác chơi rất thân. Tất cả hợp lại tạo thành một bộ ngũ nhân vật xuyên suốt các phẩm của hai ông. Đó là trong vũ trụ truyện tranh của Fujiko F. Fujio nói chung.

Trong vũ trụ Doraemon nói riêng, quy mô đa vũ trụ ở thế giới này còn rộng lớn và khủng khiếp hơn gấp nhiều lần so với đa vũ trụ của Marvel hay DC. Điều này được phản ánh rõ nét qua bộ truyện dài 27 tập của Doraemon, với mỗi tập là một cuộc phiêu lưu vào một thế giới mới khiến bất kỳ đứa trẻ nào cũng mê mẩn. Trong những cuộc phiêu lưu này, khi bộ ngũ Doraemon, Nobita, Shizuka, Suneo và Chaien du hành đến một thế giới khác thì ở đó sẽ có một số nhân vật rất giống các thành viên trong nhóm, ngoại trừ trang phục hay kiểu tóc được vẽ khác biệt thấy rõ để độc giả không bị lẫn lộn hai nhóm này.

Ví dụ ở tập 15 – Lạc vào thế giới côn trùng, bộ ba nhân vật trong thế giới này giống hệt Nobita, Suneo và Chaien:

Ở tập 16 – Hành trình qua dải ngân hà, nhóm bạn ba người ở thế kỷ 22 rất giống với Shizuka, Suneo và Chaien.

Ở tập 20 – Truyền thuyết về vua mặt trời Nobita, Nobita tình cơ rơi vào Vương quốc Mặt Trời Mayana. Ở đó cậu gặp Teio – hoàng tử của vương quốc – có nét mặt giống cậu y hệt.

Cuối tập truyện này, Nobita và các bạn phải chia tay với Teio vì lối đi giữa hai xứ sở bị ngắt. Có thể nói đây là tập phản ánh rõ nét tính chất đa vũ trụ và cánh cổng kết nối giữa các thế giới khi Nobita tìm thấy một phiên bản khác của chính mình.

Ở tập 21 – Du hành đến vương quốc loài chim, Nobita lại tìm thấy một phiên bản khác của mình là cậu nhóc Giuse, một người chim cũng hết sức hậu đậu và vụng về không kém Nobita.


Mình điểm qua sơ sơ vài tập như vậy để độc giả thấy được tính đa vũ trụ trong bộ truyện Doraemon được nhóm tác giả cài cắm đa dạng và hấp dẫn như thế nào.

Vũ trụ ngoài kia vẫn còn là một thế giới đầy bí ẩn mà khoa học thế kỷ 21 mới chỉ khám phá được một phần nhỏ. Liệu thế giới song song hay đa vũ trụ có tồn tại không? Niềm tin là tùy ở mỗi người, nếu bạn tin thì đời sống của bạn có thêm màu sắc và nhiều chiều thú vị hơn. Còn thực tế ra sao, hãy ráng đợi đến… thế kỷ 22 mới biết!

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.