Trên thế giới, có nhiều bài kiểm tra tính cách khác nhau như Big Five, DSIC, Enneagram, Color Code,… nhưng mức độ phổ biến hàng đầu toàn cầu và ở Việt Nam thì phải kể đến bài Trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs (hay được gọi tắt là MBTI). Nhắc đến trắc nghiệm tính cách MBTI, hầu như chúng ta ai cũng từng một lần nghe qua hoặc từng trải nghiệm qua bài test này trong môi trường công sở (đối với những ai làm việc tại các tập đoàn nước ngoài) hay qua các ứng dụng làm trắc nghiệm tính cách nhanh trên mạng.

Thông thường, một bài trắc nghiệm MBTI tiêu chuẩn sẽ có khoảng 76 câu hỏi, mỗi câu hỏi chỉ có 2 đáp án cho bạn chọn lựa, sau khi làm xong sẽ cho ra kết quả là nhóm tính cách điển hình của bạn theo 16 nhóm tính cách của MBTI. Ví dụ nhóm tính cách của mình là ISTJ (Logistician – Nhà hậu cần), dựa vào tên nhóm mình có thể xem bản phân tích loại hình tính cách này có những điểm mạnh, điểm yếu nào, tính cách tiêu biểu ra sao và những lĩnh vực phát triển tiềm năng để định hướng môi trường sự nghiệp phù hợp với tính cách của mình.

Một số người bạn của mình cũng từng làm qua bài trắc nghiệm MBTI, nhưng mỗi khi hỏi đến loại nhóm tính cách thì đa số đều ấp úng không nhớ được chính xác 4 chữ cái trong nhóm tính cách của họ là gì, hay có khi lại nhầm lẫn giữa các cặp xu hướng tính cách khác nhau. Với số đông mọi người thì cũng không khác gì, cùng lắm thì họ chỉ nhớ được tên nhóm MBTI của họ và vài đặc điểm nổi bật của nhóm đó. Và khi ấy, cái bạn có được chỉ là kết quả của một bài trắc nghiệm tính cách và nó chết cứng ở đó, chứ bạn hoàn toàn không ứng dụng được MBTI vào đời sống thực tế.

MBTI không chỉ là một bài trắc nghiệm đơn giản cho ra một chỉ số kết quả xem cho vui, biết rồi để đó, mà tính ứng dụng của nó vượt ngoài sức tưởng tượng của bạn rất nhiều. Ở series MBTI Ứng Dụng này, mình sẽ chia sẻ hành trình mình biết đến MBTI cũng như cách ứng dụng nó vào trong đời sống cá nhân để thu nhận được những lợi ích thiết thực.

Trải nghiệm cá nhân với MBTI

Hồi sinh viên, mình theo học khoa Báo chí & Truyền thông, chuyên ngành Phát thanh & Truyền hình để định hướng bản thân sau khi tốt nghiệp đại học sẽ theo đuổi công việc biên tập viên truyền hình tại các nhà đài hay công ty truyền thông chuyên sản xuất các chương trình truyền hình. Thời đại học, mình cũng là Chủ nhiệm một câu lạc bộ truyền thông nổi tiếng ở khu vực phía Nam và đã có nhiều cơ hội thực tập, trải nghiệm cọ xát với nghề.

Ở series Hành Trình Của Một Người Hướng Nội, mình có chia sẻ chi tiết về quá trình rẽ hướng sự nghiệp đầu đời này, bắt nguồn từ việc bản thân mình là một người hướng nội nhưng lại theo học và lựa chọn một con đường sự nghiệp của một người hướng ngoại. Bởi lẽ công việc biên tập viên truyền hình đòi hỏi ở mình sự năng động, quảng giao, phải thường xuyên phỏng vấn và giao tiếp với các nhân vật khách mời, chưa kể lịch trình công việc lại hết sức linh hoạt và không cố định khiến cho mình càng làm càng thấy mất năng lượng, ngày càng bị down mood và cảm thấy mỗi ngày đi làm không còn là một niềm vui mà hết sức nặng nề và mỏi mệt. Mình, giống như một con cá, bị bắt phải leo cây – dẫu cho con cá này đã được trui rèn kỹ năng leo cây trước đó, nhưng nó vẫn thấy leo cây trên cạn không phải là môi trường phù hợp với nó. Và nó cần tìm một hồ nước của riêng mình.

Ở thời điểm ấy, trong mình đang có một sự mâu thuẫn nội tâm rất lớn cùng rất nhiều băn khoăn về tính cách mà bản thân không tìm được câu trả lời, cũng không có một mentor nào chỉ dẫn cho mình. Mình chỉ đơn giản quyết định theo bản năng là mình phải chấm dứt công việc hiện tại, từ bỏ những hào quang lấp lánh của showbiz và rẽ hướng sang một công việc văn phòng bình thường, ổn định – dù cho nó là bất cứ chuyên ngành nào cũng được. Và mình đã rẽ hướng sang làm công việc Content Marketing như thế, và nhân duyên đưa đẩy để câu hỏi lớn nhất đầu đời mình đã được giải đáp một cách vẹn toàn ngay sau đó.

Công ty thứ hai mình làm việc sau khi ra trường hoạt động chính trong lĩnh vực đào tạo. Anh CEO là một chuyên gia đào tạo MBTI có chứng chỉ quốc tế và anh ứng dụng hệ thống phân loại tính cách này ngay trong chính môi trường làm việc của công ty. Thời gian đầu mới làm việc, mình hơi bị khớp khi tham gia vào một số cuộc nói chuyện giờ nghỉ trưa với đồng nghiệp, khi mọi người hỏi về nhóm tính cách MBTI của nhau và bình luận về tính cách kiểu E kiểu I, kiểu P kiểu J của người kia. Lúc đó mình nghe như vịt nghe sấm và không hiểu mọi người đang nói chuyện gì. Sau đó mình mới được sếp cho tham dự một khóa đào tạo về MBTI nội bộ và từ thời điểm ấy mình mới bắt đầu hiểu được “ngôn ngữ” chung trong công ty mà mọi người đang sử dụng.

Có một ưu điểm nổi bật lớn nhất mà mình có thể nhận thấy rõ ràng ở những tổ chức ứng dụng MBTI vào văn hóa doanh nghiệp, đó là các đồng nghiệp thấu hiểu và tôn trọng nhóm tính cách của nhau. Ví như chúng tôi biết bạn nhân viên mới là một người I (hướng nội), chúng tôi sẽ không cố gắng rủ rê bạn tham gia ăn uống tiệc tùng với cả công ty mà sẵn lòng để yên cho bạn làm việc, trong khi bên phòng họp cả công ty đang ăn uống chuyện trò linh đình với nhau. Hay như một bạn I có thể xách laptop sang khu vực quầy bar của công ty để ngồi làm việc một mình, không cần phải ngồi chung với cả team thì cũng không ai ý kiến hay chê trách rằng bạn kém hòa đồng với tập thể. Tất cả những điều này đều diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên, khi mọi người đều sử dụng chung một ngôn ngữ MBTI trong văn hóa doanh nghiệp.

Một tổ chức như trên được xem là lý tưởng về môi trường làm việc, nhưng dĩ nhiên là cũng rất hiếm hoi vì không phải nhà lãnh đạo nào cũng am hiểu về MBTI, và không phải công ty nào cũng có điều kiện để mời chuyên gia về đào tạo cho đội ngũ nhân viên của họ. Như bạn mình làm ở một tập đoàn dược lớn của nước ngoài, phòng HR mỗi năm vẫn cho các nhân viên làm bài trắc nghiệm MBTI chính thức (có trả phí tầm vài chục đô/bài) hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, bạn làm xong thì cũng chỉ biết được kết quả MBTI của mình kèm theo bản kết quả phân tích để tham khảo, và mọi chuyện dừng lại ở đó – làm xong rồi thì cả công ty đều quay trở lại quỹ đạo làm việc như cũ chứ cũng không có thay đổi gì đặc biệt. Cơ bản là vì công ty này chỉ mới áp dụng MBTI ở bề nổi chứ chưa thật sự thổi hồn MBTI vào văn hóa tổ chức.

Bà Katherine Cook Briggs, “mẹ đẻ” của MBTI

Lịch sử phát triển MBTI

Nguồn gốc của bài Trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs bắt nguồn từ lý thuyết phân loại tính cách trong cuốn Psychological Types của nhà thần kinh học, nhà tâm lý học lỗi lạc Carl Gustav Jung được xuất bản năm 1921. Dựa trên cơ sở này, bà Katherine Cook Briggs cùng con gái là Isabel Briggs Myers mới phát triển nên thành Chỉ số phân loại Myers-Briggs và được công bố vào năm 1962.

Câu chuyện phát triển MBTI của bà Briggs cũng rất thú vị. Bản thân bà tự nhận thấy rằng bà và chồng có những cách phản ứng khác nhau trong cuộc sống, và trong hai đứa con của bà thì một đứa khép kín hơn đứa còn lại. Từ sự quan sát này mà bà bắt đầu để tâm nghiên cứu và cùng con gái tạo ra một hệ thống phân loại tính cách để lý giải cho câu hỏi tại sao mỗi người trên thế giới đều có cá tính khác nhau, không ai giống ai.

Briggs cho rằng cách mọi người phản ứng khác nhau trong cuộc sống là xu hướng bẩm sinh và khó thay đổi. Chúng là những tâm tính bẩm sinh cần được công nhận và thích nghi. Cách nhìn nhận của bà về sự khác biệt tính cách giữa người với người rất nhân văn: “Bất kể bạn là ai hay bạn thể hiện như thế nào trong cuộc sống, hành vi của bạn nên được chấp nhận là bình thường”. Nếu bạn là một người hướng nội khép kín và nhút nhát, những người xung quanh nên để ý điều đó khi xử sự với bạn, và họ nên tôn trọng bạn thay vì thúc ép bạn phải hướng ngoại lên, phải hòa đồng với mọi người đi chứ.

Hai mẹ con bà Briggs khi còn trẻ.

Theo quan điểm của hệ thống này, cách bạn phản ứng với cuộc sống là dấu chỉ cho thấy bạn là ai và bạn không cần phải xấu hổ về điều đó, dù cho bạn thuộc bất kỳ nhóm tính cách nào. Thay vì cố gắng thay đổi con người mình theo những gì người khác và xã hội kỳ vọng ở bạn, bạn nên học cách chấp nhận và sống chung với những tính cách bẩm sinh của bản thân, ngay cả khi những nét tính cách này có điểm hạn chế nhất định.

Sau hơn 60 năm nghiên cứu và phát triển, dù cho tính chính danh của bài trắc nghiệm tính cách MBTI vẫn còn gây tranh cãi với cộng đồng khoa học trên thế giới, không thể phủ nhận một điều rằng MBTI vẫn là một công cụ phân loại tính cách phổ biến hàng đầu trong môi trường doanh nghiệp và tổ chức để xác định những điểm khác biệt về tính cách. Trên thế giới, mỗi năm vẫn có hàng triệu bài trắc nghiệm MBTI được thực hiện và bài kiểm tra này đã được phổ biến ở hàng chục quốc gia.

Và một lần nữa, MBTI không chỉ dừng lại ở một kết quả, một chỉ số biết rồi để đó, mà tính ứng dụng của nó còn nhiều hơn như thế. Lần hồi trong những tập sau, mình sẽ chia sẻ chi tiết cách ứng dụng MBTI vào đời sống thực tế.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải