Trong 4 nhóm xu hướng tính cách MBTI, cặp xu hướng Nguyên tắc (Judging) và Linh hoạt (Perceiving) đứng ở vị trí thứ tư để cấu thành nên một nhóm tính cách MBTI đặc trưng, ví dụ như ISTP hay ENFJ. Vậy vì sao mình lại viết về cặp này đầu tiên thay vì viết về cặp Hướng nội (I) và Hướng ngoại (E)? Đơn giản là vì trong series Hành trình của một người hướng nội, mình đã viết khá sâu và chi tiết về cách nhận diện cặp xu hướng tính cách này, nên mở đầu một series mới mà viết lại thì không chỉ nhàm chán với bản thân mình mà còn nhàm chán với bạn nào thường xuyên đọc blog mình. Do vậy, mình quyết định đảo ngược vị trí để chia sẻ về cặp P – J đầu tiên.
Nếu bạn nào đã từng thắc mắc, vì sao có người làm việc gì cũng mau mắn, rốt ráo, nhanh gọn lẹ, trong khi có người thì làm trong tâm thế túc tắc, từ từ, chậm xíu có sao đâu, thì cặp xu hướng đối lặp P – J sẽ lý giải cách thức chúng ta hành động và định hướng bản thân đối với thế giới bên ngoài.
Đặc điểm nhận dạng P & J
Ở mỗi nhóm tính cách, mình sẽ liệt kê ra một số đặc điểm chính để bạn nhìn vào là có thể xếp được bản thân ngay vào nhóm nào.
Nhóm Nguyên tắc (Judging) | Nhóm Linh hoạt (Perceiving) |
– Có xu hướng sống một cách nguyên tắc, làm mọi thứ theo kế hoạch và trật tự. | – Có xu hướng sống linh hoạt, làm mọi thứ một cách tự do, không gò bó. |
– Có mong muốn kiểm soát và quản lý cuộc sống của mình. | – Có mong muốn thuận theo và trải nghiệm cuộc sống hơn là kiểm soát nó. |
– Muốn ra quyết định và giải quyết mọi chuyện một cách nhanh chóng, kết thúc sớm để còn dành thời gian làm những việc khác. | – Trì hoãn việc ra quyết định và giải quyết mọi chuyện chậm đến mức có thể và thường quyết định vào phút cuối cùng. |
– Có động lực từ việc mọi chuyện trong cuộc sống diễn ra theo đúng kế hoạch và sự trù tính của họ. | – Có động lực từ khả năng ứng biến, tháo vát của bản thân trước áp lực ở giây phút cuối. |
Trong việc nhận định nhóm xu hướng tính cách MBTI, nhiều người hay hiểu nhầm là một cá nhân chỉ có một nhóm tính cách cố định, ví dụ như 100% thuần P hay thuần J. Tuy nhiên, việc phân loại tính cách sẽ chia làm các mức độ khác nhau, mà theo cách gọi mình ước định thì tạm chia thành 3 mức độ như sau:
- Tính cách thuần chủng: nhóm tính cách trội chiếm từ 90-100% so với nhóm tính cách đối lập.
- Tính cách bình thường: nhóm tính cách trội chiếm từ 60-80% so với nhóm tính cách đối lập.
- Tính cách lai: là sự pha trộn giữa hai nhóm tính cách đối lập theo một tỉ lệ 50-50 hay 40-60, ví dụ như 40% P và 60% J, tức bạn vừa thấy mình có những đặc điểm của người P mà cũng thấy cả những đặc điểm của người J.
Để biết chính xác tỉ lệ phần trăm này, thông thường bạn phải làm một bài trắc nghiệm MBTI được thiết kế đặc biệt để cho ra kết quả đầu ra là tỉ lệ phần trăm tương ứng của mỗi nhóm tính cách. Hình thức này thường là trả phí dịch vụ do một số tổ chức, công ty đào tạo phát triển. Còn bài trắc nghiệm MBTI miễn phí trên mạng thường chỉ cho ra kết quả là nhóm tính cách cuối cùng của bạn, ví dụ như ISTJ. Trên thực tế, việc biết chính xác con số này không quá quan trọng, mà bạn chỉ cần nhìn vào bảng đặc điểm nhận dạng bên trên là đã tự xếp được mình thuộc nhóm nào (nếu thuần chủng) và thấy được mình thiên về bên nhóm nào (nếu lai).
Cá nhân mình thuộc nhóm J thuần chủng, có thể gọi là siêu J, vì tính chất J của mình nổi trội tới mức ai chơi chung hay làm việc với mình đều thấy nó hiển hiện rõ ràng. Có những nhóm tính cách của chúng ta là do bẩm sinh tự nhiên mà có ngay từ nhỏ, cũng có những nhóm tính cách được hình thành do môi trường giáo dưỡng và giáo dục ở gia đình, trường lớp, xã hội (mình sẽ lý giải chi tiết vấn đề này ở một tập khác trong series này).
Như tính cách J của mình thuộc dạng bẩm sinh và biểu hiện rất rõ ngay từ nhỏ, điển hình nhất là việc mình luôn thích sắp xếp mọi thứ trong tầm mắt của mình sao cho trật tự, ngăn nắp và thẳng thớm nhất có thể (một dạng nhẹ của chứng OCD – rối loạn ám ảnh cưỡng chế). Một chuyện rất buồn cười vào năm mình học mẫu giáo, khi đó cả nhà tắt đèn đi ngủ rồi nhưng có để đèn ngủ, mình đang nằm thì ngước lên thấy chiếc cặp con gấu treo trên móc chưa kéo khóa lại. Thế là mình lồm cồm bò dậy đi kéo cái khóa cặp cho ngay ngắn rồi mới an tâm ngủ được. Hay từ lúc nhỏ xíu, mỗi khi về nhà thấy ai kéo tủ mà chưa đóng lại hoặc để dép không ngay ngắn là mình phải đóng, phải xếp cho ngay hàng thẳng lối thì mới cảm thấy thoải mái được.
Nhận diện người P & người J trong cuộc sống
Cái hay của việc học và hiểu về hệ thống phân loại tính cách MBTI nằm ở chỗ, bạn không chỉ hiểu rõ hơn và tự lý giải được những cơ chế tính cách ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ và hành động trong cuộc sống, mà bạn còn có thể đọc vị được tính cách của người khác dựa trên những đặc điểm nhận dạng điển hình của nhóm tính cách đó.

a. Chuyện giờ giấc
Trong một cuộc hẹn tụ tập bạn bè, người J là người lúc nào cũng đến đúng giờ và thậm chí còn đến sớm từ 15-30 phút trước cuộc hẹn để chuẩn bị cho bản thân tâm thế tốt nhất, trong khi người P luôn sát giờ mới tới và phần lớn là trễ từ 10 phút cho tới cả tiếng hay vài tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Như mình mỗi khi tụ họp với nhóm bạn đại học, lúc nào mình cũng tới sớm trước 10-15 phút và ngồi đó chờ mòn mỏi tới lố giờ hẹn mà vẫn chưa thấy tụi bạn đến, trăm lần như một, và thậm chí có đứa tới gần sát giờ hẹn mới báo bận việc đột xuất nên không đi nữa.
Trong chốn công sở, rất dễ để nhận diện người J qua chuyện giờ giấc đi làm. Như đợt rồi mình đi gặp một cô em người P và nghe em kể về một em người J khác mà tụi mình đều có quen nhau, em P bảo rằng cái bạn J ấy lúc vào công ty em thì ngày nào cũng đi làm đúng giờ không trượt phát một nào, tới khi hết giờ làm là tự động đứng lên thu dọn đồ đi về chứ không có chuyện nấn ná, xàng xê ở lại thêm. Mình nghe mà bật cười vì cùng là người J thuần chủng với nhau nên cái biểu hiện được xem là kì quặc với em người P đó thì với mình hết sức bình thường, và mình cũng là một nhân vật “nổi tiếng” ở bất cứ công ty nào mình đi làm bởi chuyện thường hay đến công ty sớm nhất và đi về cũng đúng giờ nhất.
Ví như công ty mình 8 giờ vào làm thì tầm 7 giờ 50 mình đã có mặt, ăn sáng, bật máy tính sẵn sàng để 8 giờ là ngồi vào làm việc. Ngược lại, nhiều đồng nghiệp từ quãng 8 giờ tới 9 giờ mới tà tà đi lên, lúc đó còn ngồi ăn sáng, pha cà phê, đi qua đi lại tám chuyện một hồi rồi mới ngồi vào bàn làm việc. Chung quy ở đây không có chuyện ai đúng ai sai, mình cũng không phê phán người P từ góc độ của người J mà tùy vào văn hóa công ty bạn thoải mái tới mức nào.

b. Chuyện du lịch
Trong chuyện đi du lịch hay đi chơi xa, người J sẽ thích lên kế hoạch từ sớm về chuyện sẽ đi đâu, ăn gì, chơi gì, đem theo món đồ nào và có khi đã xếp đồ đạc hành lý từ trước cả tuần hay cả tháng. Họ sẽ tìm hiểu trước thông tin và khảo sát địa điểm, giá cả cũng như hỏi thăm kinh nghiệm từ những người quen để trang bị cho mình đầy đủ thông tin thì mới có thể an tâm lên đường. Ngược lại, người P không thích bị gò bó trong những kế hoạch quá rập khuôn và cứng nhắc như vậy, họ thích tự do trải nghiệm và khám phá mà không cần tuân theo bất cứ kế hoạch nào, và chuyện xếp đồ đạc ngay trước buổi tối hay sáng hôm đi chơi là hết sức bình thường (việc gì phải vội?).
Bởi vậy khi bạn rủ một người J như mình đi du lịch mà bạn bảo không có kế hoạch lịch trình gì hết, tới ngày đó lên xe hay lên máy bay đi thôi là mình đã bái bai thẳng cánh. Với người J, sẽ không có chuyện ngày mai bạn đi chơi hay đi ăn uống mà tối nay mới rủ sát rạt như vậy, họ sẽ cảm thấy khó chịu khi mọi chuyện vốn không nằm trong kế hoạch của họ và chẳng theo trật tự gì cả. Người P thì ngược lại, bạn rủ họ càng xa thì có khả năng tới gần đó họ thay đổi ý định càng nhiều, vì có rất nhiều biến số linh hoạt luôn phát sinh trong đời sống của người P mỗi ngày. Và người P cảm thấy rất nhẹ nhàng thoải mái với chuyện ai đó rủ họ đi chơi sát giờ, miễn là họ có hứng thì rủ giờ nào họ cũng đi được.

c. Chuyện xử lý công việc
Trong công việc, người J là tuýp thích sắp xếp kế hoạch làm việc và phân bổ thời gian sao cho giải quyết được nhiệm vụ đúng hạn, thậm chí còn sớm hơn deadline rất nhiều và sở thích của họ là “xử” được càng nhiều việc càng nhanh càng tốt. Người P là tuýp siêu bình thản trước deadline, nhiều khi trước deadline một tuần nhiều khi bạn còn chưa thấy họ đụng tay vào công việc, nhưng tới sát deadline vài ngày hay thậm chí một ngày họ mới dồn hết tâm sức để xử cho xong nhiệm vụ đó. Khoái cảm của người P nằm ở chỗ thích đặt bản thân vào áp lực và phải hoàn thành sát nút thì mới cảm thấy thỏa mãn, và hệ quả cũng thường là trễ deadline do thực tế công việc khác xa với những gì họ tưởng tượng nên dẫn tới làm lố thời gian.
Ví như trong công việc biên tập viên sách của mình, thông thường khi biên tập xong một cuốn sách, chờ bộ phận thiết kế dàn layout xong thì BTV mới lấy layout đó gửi đi đăng ký giấy phép với nhà xuất bản. Khi có giấy phép và xuất in sách, đợi tới khi sách in về kho thì BTV mới lập phiếu gửi sách tặng cho dịch giả. Thông thường giữa các đầu việc này cách nhau một quãng tương đối xa, từ vài tuần đến vài tháng, với người J như mình thì ngay khi biên tập xong một cuốn sách mình đã soạn sẵn mẫu file/mẫu email đăng ký giấy phép lẫn file gửi sách tặng từ sớm, để tới đúng thời điểm đó chỉ cần đính kèm file hay bấm nút gửi một phát là xong. Nhưng các bạn đồng nghiệp người P thì sẽ khác, thường sẽ tới đúng lúc xong đầu việc này và tới đúng đầu việc đó thì các bạn mới làm chứ không làm sẵn trước như mình. Dĩ nhiên mỗi cách làm của người P hay J đều có cái hay cái dở riêng, miễn sao bạn thoải mái khi làm và đừng làm sai là được.

d. Chuyện giải quyết vấn đề
Nhớ đợt có quy định chuyển đổi sang thẻ CCCD mới có gắn chip điện tử, dù cho CMND cũ của mình chưa hết hạn nhưng sớm hay muộn cũng phải đổi thì một người J như mình quyết định đổi càng sớm càng tốt ngay đợt đầu từ tháng 4/2021 khi mình về quê nghỉ lễ. Đợt đó mình về nhà mất một buổi sáng chờ đợi mới làm xong, tầm 1 tháng sau thì có CCCD chuyển phát từ quê vào Sài Gòn. Sau khi có CCCD mới, mình tiến hành đi đổi thông tin một loạt với bộ phận HR công ty, lên các ngân hàng mình mở tài khoản cập nhật lại, rồi nhân tiện đến cơ quan chức năng để photo công chứng một loạt bản để sẵn khi cần dùng. Với người J, việc có thể chủ động xử lý trước cả tá việc hành chính lắt nhắt như thế đem lại một cảm giác hết sức thỏa mãn, mà càng để lâu không làm thì trong người cứ thấp thỏm lo âu mãi không thôi.
Nhóm bạn mình đa số là người P thì ngược lại, khi nghe mình kể chuyện trên thì sẽ cảm thán: “Ủa sao làm chi sớm vậy? Để từ từ rồi làm cho đỡ đông khỏi phải chờ đợi”. Và tới giờ gần giáp một năm tròn thì nhóm này vẫn chưa ai đổi sang CCCD mới vì thấy không cần phải làm sớm như vậy, đợi tới khi hết hạn bắt buộc phải làm thì đi đổi vẫn chưa muộn. Tương tự, vụ đi tiêm vaccine Covid-19 cũng vậy, khi có lịch tiêm ở khu phố thì mình đã đăng ký từ sớm và đi ngay buổi đầu tiên, dù xếp hàng dài dằng dặc cả tiếng đồng hồ mới tiêm được nhưng cảm giác là một trong những người được tiêm sớm nhất khiến mình cảm thấy an tâm hơn. Tính chất của người J luôn thích kiểm soát cuộc sống một cách chủ động.

e. Chuyện thói quen
Người P luôn thích được trải nghiệm những thứ mới mẻ, bất ngờ, khó đoán định được trong cuộc sống nhưng người J thì lại thích những gì quen thuộc, cố định, đã biết trước. Ví như chuyện ăn sáng, nếu mình đã thích ăn bánh mì ở một hàng nào đó thì người J như mình có thể ăn sáng bằng bánh mì liên tục suốt mấy tháng trời mà không ngán. Cũng như mỗi tuần mình sẽ có xu hướng ăn đi ăn lại những món ăn quen thuộc của những hàng quán quen theo một kế hoạch mình hình dung trong đầu, hay mỗi ngày đi làm thì mình đã xác định được bữa sáng, bữa trưa, bữa tối hôm nay mình sẽ ăn gì rồi chứ không phải tới giờ ăn rồi mới suy nghĩ bữa nay mình ăn gì như người P.
Chính vì cái cảm giác quen thuộc này mà người J có xu hướng gắn bó với một món đồ, một nơi chốn, một mối quan hệ rất lâu mà không thích có sự biến động hay thay đổi. Như mình có thể dùng một chiếc bàn gấp từ thời ở kí túc xá cho tới tận bây giờ hơn chục năm, hay dùng một chiếc smartphone từ lúc mới ra trường cho tới giờ là 7 năm không đổi vì không có nhu cầu mua mới. Ngược lại những bạn người P chỉ cần có một lý do bất kỳ và khi có đủ điều kiện thì sẵn sàng mua một món đồ mới để trải nghiệm những cảm giác mới.
Khi đi đường cũng vậy, người J có xu hướng đi theo những tuyến lộ trình mình đã quen thuộc, đã biết đường và rất sợ cảm giác lạc đường khi đi vào những con đường lạ lẫm. Như lộ trình đi học đi làm của mình hơn chục năm gần như bất biến. Còn người P sẽ có xu hướng thích đổi gió trải nghiệm những cung đường mới hay thậm chí… đổi công ty xoành xoạch để trải nghiệm môi trường làm việc mới, đồng nghiệp mới, trong khi người J đã gắn bó với công ty nào là có xu hướng làm 5-10 năm hay có khi là nửa đời người với công ty ấy.

f. Chuyện nguyên tắc sống
Cuộc sống của người J được định hình bằng những nguyên tắc sống và hệ giá trị cá nhân, đôi khi khá cứng nhắc, mà nếu ai vượt giới hạn hay vi phạm nguyên tắc của họ thì người J khó lòng chấp nhận được, thậm chí có khi sẵn sàng cắt đứt quan hệ. Như mình có những nguyên tắc nhất định trong việc cho mượn tiền, kết bạn trên Facebook hay chọn bạn mà chơi, và những ai không thỏa điều kiện của mình thì đừng nghĩ tới chuyện kết giao với mình. Có khi chỉ vì một hành động bán đứng bạn bè mà mình sẵn sàng block một người bạn trên Facebook và block luôn họ ngoài đời thực.
Nói như vậy không có nghĩa là người P không có những nguyên tắc và hệ giá trị riêng của họ, mà cơ bản là họ rất linh hoạt trong từng tình huống khác nhau để quyết định sẽ hành động và ứng xử như thế nào, chứ không quá cứng nhắc trói buộc bản thân vào một bộ nguyên tắc sống như người J.
***
Mỗi nhóm tính cách đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Do dung lượng tập này đã khá dài, mình sẽ dành trọn tập 7 để phân tích về điểm mạnh lẫn điểm yếu của 4 nhóm xu hướng tính cách. Ở các tập đầu, bạn đọc chỉ cần nắm được những đặc điểm nhận dạng cơ bản và biết được mình thuộc nhóm tính cách nào, ở mức độ thuần chủng hay lai là đã đủ.
3 bình luận
Cảm ơn Linh vì bài phân tích rất chi tiết. Mình làm bài MBTI nhiều lần rồi và lần gần nhất có sự thay đổi. I, N và J giữ nguyên, chỉ đổi từ F sang T. Cũng đúng vì hiện tại mình sống lý trí, thích lập kế hoạch hơn trước. Đọc những đoạn mô tả về J cứ như đang tả mình ? Tớ cũng thích kiểm soát, hay lo xa và tự thấy mệt vì tính cách này của mình. Tuy nhiên J của tớ không đến nỗi thái quá. Giờ thì đã biết vì sao có một số người mình thấy rất hợp gu, một số người tự nhiên mình không ưa dù họ chẳng làm gì mình ?
Xu hướng tính cách nào mà cực đoan quá cũng không tốt ấy Nga. Như mình siêu J mà qua thời gian biết tiết chế dần, chứ thấy có mấy bạn J mình thấy có những việc có thể đợi từ từ được nhưng không đủ kiên nhẫn toàn thúc người khác nhanh lẹ gấp cho thỏa cái tính của các bạn ấy 😀
Em thấy được là bản thân mình là người lai giữa J và P. Về quy định giờ giấc hẹn, thói quen và nguyên tắc sống thì giống người J. Còn về dealine thì đúng là nước đến cổ em mới nhảy luôn, có cố thế nào thì làm được 80% cái để đó, 20% công việc còn lại đợi đến mai là hạn thì vắt chân lên cổ hoàn thành nốt.