Đứng ở vị trí thứ ba trong 4 nhóm xu hướng tính cách MBTI, cặp xu hướng Lý trí (Thinking) và Cảm xúc (Feeling) đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta ra quyết định và hành xử trong đời sống thường ngày. Cặp xu hướng tính cách T & F sẽ lý giải vì sao có những người bên trong họ là cả một bầu trời dạt dào cảm xúc trong khi có những người lại hết sức lý trí và lạnh lùng.
Đặc điểm nhận dạng T & J
Nhóm Lý trí (Thinking) | Nhóm Cảm xúc (Feeling) |
– Có xu hướng sử dụng lý trí trong việc tư duy và ra quyết định, thường tập trung vào tính hợp lý của mọi việc. | – Có xu hướng sử dụng cảm xúc trong việc tư duy và ra quyết định, thường cân nhắc xem điều gì là quan trọng đối với bản thân và người liên quan. |
– Thường phân tách bản thân ra ngoài tình huống để nhìn nhận sự việc một cách khách quan. | – Thường đặt bản thân vào trong tình huống để thấu cảm với người trong cuộc và đưa ra quyết định từ góc nhìn đó. |
– Hướng mục tiêu vào việc tìm ra một nguyên tắc hay khuôn mẫu để có thể áp dụng vào các trường hợp tương tự. | – Hướng mục tiêu vào việc tạo ra một bầu không khí hòa nhã, vui vẻ và đối xử trân trọng với từng cá nhân. |
– Có động lực từ việc phân tích và suy xét thấu đáo một vấn đề để tìm ra được cách giải quyết vấn đề ấy. | – Có động lực từ việc hỗ trợ và tôn trọng những người khác cũng như nhìn thấy những điểm tốt đẹp ở đối phương. |
Xét trên bảng tiêu chí này, mình là một người T thuần chủng điển hình và nổi tiếng với cái sự “không cảm xúc” ngay từ nhỏ. Từ hồi học tiểu học cho tới tận cấp hai, mình hay bị cô giáo lẫn bạn bè nhận xét là “mặt đơ như cây cơ” hay “mặt lạnh như tiền”, bởi mình ít khi biểu đạt cảm xúc của bản thân ra ngoài mà thường tỏ ra lạnh lùng, lãnh đạm và tạo cho đối phương cảm giác hết sức khó gần.

Có một ký ức lúc nhỏ mà mình còn nhớ tới giờ, vào dịp Tết nọ có một bác bạn hàng của ba mình từ Hà Nội vào Nam chơi, lúc ấy bác lì xì cho mình những 500 nghìn đồng – một số tiền phải nói cực khủng đối với một đứa con nít khoảng gần hai chục năm trước, mà trước đó chưa bao giờ có ai lì xì mình số tiền lớn như vậy. Lẽ ra với một đứa con nít bình thường, nó phải nhảy cẫng lên cảm ơn rối rít, riêng mình nhận bao lì xì xong thì tỉnh rụi “Cảm ơn bác” rồi bỏ đi, để lại người bác phương xa với nét mặt chưng hửng như thể vừa gặp sinh vật ngoài hành tinh nào. Trong chuyện học hành cũng vậy, một đứa học sinh bình thường được nhận bằng khen hay giải thưởng, nó sẽ tỏ ra vui mừng hớn hở, nhảy nhót vui sướng đi khoe khắp nơi, còn mình thì lãnh bao nhiêu cái bằng khen hay huy chương, giải thưởng này nọ cũng thấy là chuyện rõ bình thường, có gì đâu mà phải vui tới vậy?
Lên đến cấp ba, như series Viết Hay Không Bằng Hay Viết mình có chia sẻ, tư duy lý trí của mình trội lên thấy rõ qua việc mình rất mạnh về mảng văn nghị luận xã hội, có thể phân tích một vấn đề chặt chẽ, đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Chính cô giáo chủ nhiệm dạy Văn suốt ba năm của mình cũng nhận xét văn của mình có sự logic và tính chính luận, nhưng ngược lại, mình không tài nào đồng cảm được với hoàn cảnh hay số phận của nhân vật cũng như không giỏi thể hiện cảm xúc qua câu chữ, nên thể loại nghị luận văn học không bao giờ mình được cô đánh giá cao. Văn mình viết không bao giờ được dạt dào lai láng cảm xúc như một số bạn nữ khác trong lớp mà đọc lên cứ rạch ròi khô như ngói.
Nhìn lại xuyên suốt quá trình từ lúc đi học tới lúc đi làm, ở những người T thuần chủng như mình luôn tỏ ra một cái vibe khó gần khó ở. Kiểu như đi học đại học, mỗi lần mình lên giảng đường ngồi ở bàn nào là hầu như không có ai dám ngồi chung bàn với mình, bởi mình vừa ít nói mà mặt lại hay đăm chiêu suy nghĩ nên ngồi gần mình thì rất khó nhiều chuyện. Đến khi đi làm cũng vậy, trong khi có những bạn F luôn tỏa ra một trường năng lượng nhẹ nhàng, thoải mái và dễ gây hảo cảm cho những người xung quanh, những người T như mình thuộc thể loại mọi người đều ngại tiếp xúc hay bắt chuyện.

Nhận diện người T & người F trong cuộc sống
a. Biểu cảm và phản ứng
Chỉ cần nhìn vào một cuộc trò chuyện bất kỳ giữa hai người, bạn rất dễ nhận diện ai là người T hay người F thông qua biểu cảm gương mặt của họ. Cùng một câu chuyện, người F lúc thì cười nắc nẻ, lúc thì cau mày, lúc thì há mồm ngạc nhiên, nói chung đủ cả 50 sắc thái biểu cảm hội tụ trên gương mặt họ. Và người F thể hiện cảm xúc không chỉ thông qua biểu cảm mà còn qua trường năng lượng mà họ toát ra, nó sẽ mang cái vibe tràn trề sinh khí, thổi bừng sức sống. Ngược lại, cũng trong cuộc trò chuyện ấy, người T dường như chỉ có một biểu cảm duy nhất cho mọi cảm xúc, ngay cả cười thôi đôi khi tự họ cũng thấy hơi gượng gạo. Và cái vibe của người T toát ra thường là sự lạnh lùng cool ngầu. Một bên như mùa hạ, một bên như mùa đông. Một bên như mặt trời, một bên như mặt trăng.
Đặc biệt, người F còn có một khả năng đặc biệt là biểu đạt cảm xúc qua tông giọng, có thể lúc lên lúc xuống, lúc trầm lúc bổng theo mạch cảm xúc. Chẳng hạn như hôm nọ, mình đi thang máy tòa nhà văn phòng thì bắt gặp một em nhân viên cũ cũng làm chung tòa nhà với mình. Vừa thấy mình bước vào thang máy, em mừng rỡ gọi lớn “Anh Linhhhhhhhhhhhhh” (nhấn mạnh là chữ h kéo dài) như một nốt nhạc được kéo lên quãng tám. Trong khi đó, với một người T như mình, dù là kể một câu chuyện vui cực độ hay một câu chuyện buồn cực hạn, mình có một “năng lực” đặc biệt là kể nó bằng một tông giọng ngang phè phè, không thể hiện một chút sắc thái cảm xúc nào của bản thân cả. Như một chị đồng nghiệp người F của mình từng nhận xét: “Em kể chuyện gì nghe đều đều buồn ngủ ghê”.
Mới hôm trước mình trải qua một sự việc mà cho thấy rõ cách phản ứng của người T và người F. Một khách hàng có viết email phàn nàn về một vấn đề có liên quan đến team mình, mà một chị nọ là người phụ trách chính. Đang ngồi làm việc bình thường, nhận được email đó mình có thể thấy rõ 50 sắc thái biểu cảm trên gương mặt chị, theo kiểu đùng đùng bực mình và nổi giận vì tự nhiên bị dính vào một chuyện phiền phức rắc rối. Ngồi bên cạnh chị mà mình có thể cảm nhận nguồn năng lượng bừng bừng bốc hỏa chị đang tỏa ra. Khi đó, trong cách chị nói chuyện, cả ngữ điệu của lời nói cũng rúng động cảm xúc.
Ngược lại ở một người T như mình, mình tiếp nhận vấn đề với cái đầu lạnh tanh, chỉ thấy nó đơn thuần là một vấn đề khách hàng phàn nàn. Và mình sẽ tư duy theo hướng làm sao giải quyết vấn đề đó cho hợp tình hợp lý giữa các bên, phải report lên ai và chốt lại như thế nào. Xuyên suốt quá trình đó, mình không biểu lộ bất kỳ cảm xúc hay thái độ nào về sự việc cũng như về vị khách hàng nọ, hay những bên liên quan trong nội bộ là người trực tiếp gây ra hậu quả này.
Tuy nhiên, có một điểm mình cũng phải làm rõ để tránh sự hiểu lầm. Không phải vì cơ chế biểu cảm hay phản ứng như trên mà chúng ta đánh đồng là người T “không cảm xúc”, trong khi người F thì “dễ xúc động”. Trên thực tế, một người T như mình vẫn có những lúc rưng rưng nước mắt khi xem một bộ phim cảm động hay khi gặp một hoàn cảnh đáng thương trong đời sống; còn người F vẫn có những lúc dửng dưng tỉnh bơ như thường đối với những chuyện chưa chạm đến tầng cảm xúc của họ. Sự khác biệt nằm ở mức độ biểu đạt cảm xúc của người T thì ít và không thường xuyên, còn người F thì nhiều và thường xuyên hơn.

b. Tiếp nhận phản hồi
Mới hôm nay, mình trải qua một tình huống khá thú vị khi một bạn CTV với dự án của mình nói rằng, chỉ vì một lời nhận xét của mình mà bạn ấy đã buồn suốt mấy ngày trời và không có tâm trạng làm việc gì. Lời nhận xét của mình chỉ đơn thuần là nói rằng bạn chưa có kỹ năng đặt bản thân vào tâm thế của người đọc để nhận ra những lỗi trình bày trong bài viết của bạn. Đây chỉ đơn giản là một lời phê bình khi chất lượng bài viết của bạn chưa đạt tới tiêu chuẩn mà mình yêu cầu. Nếu là một người T, họ tiếp nhận lời phê bình này hết sức nhẹ nhàng bằng cách tự nhủ với bản thân: “Ok fine, mình làm chưa tốt, chưa đạt nên mình sẽ lưu ý và rút kinh nghiệm cho lần sau. Mình còn thiếu sót kỹ năng và cần học hỏi để hoàn thiện bản thân”.
Tuy nhiên, bạn CTV kể trên là người F điển hình nên từ trong thâm tâm bạn rất khó tiếp nhận lời nhận xét này, ngay cả khi bạn biết rằng mình nói đúng và chỉ muốn tốt cho bạn. Không giống như người T thường tự tách bản thân ra khỏi tình huống như “con ruồi đậu trên tường” quan sát mọi chuyện một cách khách quan, người F sẽ hết sức nhập tâm vào tình huống đó và cảm nhận lời nhận xét như vạn tiễn xuyên tâm, cũng như khá nhạy cảm khi cho rằng nó đang đánh vào lòng tự trọng hay con người của bạn ấy.

Hồi mình mới làm sếp, có một bạn follower vì rất thích con người vui vẻ, hài hước mình thể hiện trên Facebook nên mới ứng tuyển vào team để được làm việc trực tiếp với mình. Những ai từng làm việc với mình đều biết cái tính cách T của mình rõ mồn một ra sao, một khi mình nhìn thấy vấn đề gì trong công việc của nhân viên là sẽ góp ý thẳng thắn (thường là chê nhiều hơn khen), vì hiếm ai đạt được tới cái tiêu chuẩn cao mình đặt ra, nhất là những bạn sinh viên mới ra trường. Kết quả là chỉ sau vài tháng làm việc, bạn nộp đơn xin nghỉ với lý do là cảm thấy không phù hợp với cách phản hồi của mình. Bởi bạn là một người F nên phần nào mình hiểu được cái sự khó chấp nhận về mặt cảm xúc của bạn khi kỳ vọng rằng mình trong công việc cũng vui vẻ, hòa đồng như ở trên Facebook.
Ở phía một người T như mình, bản thân mình cũng tự nhận thức được cách phản hồi như vậy sẽ không phù hợp với một số bạn F và cần phải tiết chế lại. Nhưng như mình chia sẻ ở bài trước, xu hướng tính cách giống như việc bạn thuận tay phải và quen sử dụng tay phải, bắt buộc bạn đổi qua dùng quen tay trái thì đòi hỏi thời gian và nỗ lực chứ không thể một sớm một chiều. Là một người T, mình suy nghĩ hết sức đơn giản và rạch ròi rằng: “Mình feedback là vì muốn bạn có không gian để tiến bộ và phát triển hơn, chứ mình đâu rảnh đi vuốt ve cảm xúc của bạn bằng những lời bọc đường. Chi cho mất thời gian quá vậy? Mình làm sếp với cả tá việc chưa đủ mệt hay sao mà còn phải thảo mai với nhân viên?”.
Giữa người T với người F cứ như thể người dưng ngược lối. Một bên người F luôn muốn và đặt kỳ vọng rằng đối phương phải quan tâm tới cảm xúc của họ, trong khi bên người T thì chỉ quan tâm tới việc vấn đề có được giải quyết hay chưa chứ không phải cảm xúc của những người trong cuộc như thế nào.

c. Nhìn nhận tình huống
Gần đây một đứa em trai người F có tâm sự mỏng với mình rằng, em mới chia tay người yêu và đang buồn quá, đau khổ suốt mấy tuần nay rồi, làm cách nào để hết buồn? Nghe câu hỏi này, một người T thuần chủng như mình cũng bó tay không biết phải tư vấn tình cảm cho cậu em thế nào, vì với mình đơn giản hết yêu thì chia tay đường ai nấy đi thôi, hà cớ gì phải đau buồn dữ vậy?
Trong một số vấn đề và tình huống khó khăn trong cuộc sống, người T rất dễ dàng tự vực dậy bản thân một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Nhiều khi họ cũng rớt xuống đáy vực thẳm, nhưng họ tự dặn lòng buồn một chút hay khóc cho đã một đêm rồi thôi, sau cơn mưa thì trời lại sáng và mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Ở người T luôn có xu hướng tự phản tư để xem xét lại bản thân mình đã làm gì sai, nếu quay lại quá khứ thì mình sẽ làm gì để thay đổi theo hướng tốt hơn. Và khi giải quyết triệt để vấn đề đó trong tâm tưởng, họ sẽ dành thời gian và năng lượng cho những kế hoạch, dự định và những mối quan tâm mới trong cuộc sống.
Ngược lại, người F thường có xu hướng đắm mình vào trong chiếc bồn cảm xúc, theo kiểu mỗi ngày phải đi tắm bồn ba lần, để trồi hụp lặn ngụp trong chuyện đau buồn đó, tự dằn vặt bản thân, tự hồi tưởng và nhập tâm vào lại tình huống đã trải qua để rồi cứ triệu hồi cảm giác đau đớn đó lên liên tục. Cơ bản là họ không thể thôi nghĩ về những cảm xúc, cách hành xử của đối phương đối với mình, và họ dễ xúc động mạnh khi bị tổn thương về mặt cảm xúc. Ví như một lời quát to tiếng, một câu trả lời lạnh lùng hay một câu nói có tính sát thương cao có thể làm người F để tâm và đau khổ buồn bã suốt mấy ngày hay thậm chí họ đeo mang cảm xúc đó theo cả đời.
Bởi sự khác biệt rất lớn trong cách nhìn nhận tình huống như vậy nên đôi khi người T thì hết sức vô tư vô tâm, nghĩ gì thì nói thẳng huỵch toẹt ra như vậy chứ chẳng vòng vo Tam quốc, trong khi người F lại vô cùng hữu ý, có thể suy diễn một lời người T nói ra vô vàn sắc thái khác nhau để rồi tự đau khổ, tự ngược bản thân.
Chẳng hạn như một cặp yêu nhau, bạn nữ hẹn bạn nam tối nay đi chơi, người nam là người T trong người đang mệt mỏi nên nhắn lại: “Hôm nay anh mệt nên không đi được”. Tin nhắn này chỉ đơn thuần là bày tỏ trạng thái của bản thân chàng trai, nhưng bạn nữ là người F có thể bị tổn thương chỉ vì một tin nhắn, khi cho rằng bạn trai đã hết yêu mình, phớt lờ mình, không còn quan tâm săn sóc mình như trước nữa. Nếu bạn gái là một người T, bạn ấy cũng có thể nghĩ nhiều và suy diễn điều tương tự, nhưng nó chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ trước một vấn đề, một hiện tượng mà bạn ấy quan sát được ở người yêu của mình một cách rất rạch ròi, chứ không tới mức cảm thấy bức bối khó chịu và bị mắc kẹt bởi mớ cảm xúc tổn thương luẩn quẩn trong người.

d. Sự khác biệt trong mục tiêu
Nếu bạn theo dõi blog của một người T và một người F, bạn sẽ thấy hai giọng văn và phong cách viết khác biệt rõ rành rành. Blog của một người T thuần chủng như mình thường thiên về những bài phân tích, lập luận theo hướng logic, và có một đặc trưng nếu bạn để ý là mình rất thích khám phá và đúc kết các khuôn mẫu, quy luật trong đời sống. Trong khi đó, blog của một vài bạn người F mình quen thì có xu hướng chia sẻ tâm trạng, cảm xúc cá nhân về một khoảnh khắc, một tình huống hay một sự kiện các bạn ấy trải qua nhiều hơn và thường rất sâu trong việc biểu đạt cảm xúc ấy.
Tính cách của sếp người T và người F cũng hoàn toàn khác biệt trong cách định hướng và phát triển đội ngũ. Ví như mình là một sếp người T hay từng làm với các vị sếp người T khác, có một điểm chung dễ nhận thấy là sếp người T thường hay xem trọng việc giải quyết vấn đề và luôn tìm mọi phương cách để hạn chế việc lặp lại một vấn đề hay một lỗi sai. Ví dụ, vấn đề cả team gặp phải là A, sếp sẽ đưa ra một nguyên tắc hay khuôn mẫu để giải quyết các vấn đề tương tự A như A1, A2, A3,… trong tương lai. Thậm chí mình còn từng lập hẳn một website tổng hợp các nguyên tắc làm việc và cách xử lý vấn đề cho tất cả các bộ phận trong công ty cũ.
Nhưng một vị sếp người F mình từng làm việc cùng thì có mục tiêu hoàn toàn ngược lại. Khi trong team xảy ra một vấn đề, chị không bao giờ đặt việc giải quyết vấn đề ấy lên hàng đầu hay xem đó là chuyện cấp bách cần phải làm rốt ráo. Thứ chị quan tâm hàng đầu là cảm xúc của những người trong cuộc về vấn đề ấy, ví như nếu có hai bạn mâu thuẫn và tranh cãi về cùng một vấn đề. Chị sẽ không hành xử như người T ở vai trò người phán xử là xét xem bản chất vấn đề như thế nào, ai đúng ai sai và kết quả cuối cùng thì sao, mà chỉ sẽ lựa chọn cách xử trong ôn hòa và dĩ hòa vi quý, làm sao mà kết quả cuối cùng đạt được là cả hai người trong cuộc không ai bị tổn thương mà đều thấu tình đạt lý. Đây cũng chính là điểm mạnh ở người F mà người T khó có được, là khả năng đặt mình vào trong tình huống để thấu cảm với những người trong cuộc, để rồi đưa ra quyết định và cách hành xử dựa trên sự trân trọng từng cá nhân.

e. Chọn con tim hay chọn nghe lý trí?
Ở người T, một khi họ đã xác định được một lập trường hay nguyên tắc riêng thì bạn rất khó làm họ lung lay ý chí hay thay đổi ý định chỉ vì chút cảm xúc nhất thời. Bởi muốn thuyết phục được họ, thứ bạn cần đưa ra là những lập luận và phân tích thuyết phục hơn sự lựa chọn của họ ở hiện tại. Nhưng người F thì khác, F không đồng nghĩa là họ không có lập trường hay nguyên tắc riêng, bản thân người F cũng có sự phân tích và lý lẽ của riêng họ, nhưng ở phút cuối họ rất dễ xao động và ảnh hưởng quyết định khi bị đối phương tác động cảm xúc.
Ví như một chị bạn của mình, đột nhiên có một người bạn quen liên hệ chị để mượn một số tiền khá lớn đem đi đầu tư. Bản thân chị ấy nhận thức được rõ ràng rằng nếu đem khoản tiền lớn cho mượn đi đầu tư như vậy thì hết sức rủi ro, có thể bị mất trắng, và chị ấy cũng ý thức được rằng cái người bạn đi mượn tiền ấy vốn dĩ không phải là dân đầu tư chuyên nghiệp mà chỉ là tay chơi nghiệp dư thôi. Trong tâm tưởng chị phân tích vấn đề hết sức lý trí như vậy đó, nhưng khi bạn chị gặp trực tiếp trình bày hoàn cảnh rồi nài nỉ mượn tiền, cuối cùng bị lại dễ xiêu lòng và đem một cục tiền lớn cho mượn ngon ơ. Một người quá T như mình khi nghe chị kể chỉ biết cảm thán: “Sao chị dại quá vậy?”. Bởi nếu là mình trong tình huống ấy thì ngay từ phút nghe người kia mở lời mượn tiền mình đã từ chối thẳng thừng rồi chứ không cần nể nang gì, ngay khi đó là mối quan hệ thân sơ đến mức nào.
Dù là người T hay người F, ai cũng có khả năng phân tích một vấn đề bằng lý trí, nhưng cuối cùng lựa chọn nghe theo con tim hay lý trí lại do xu hướng tính cách trội hơn của người ấy chi phối.
3 bình luận
Series này hay quá nha Linh, đúng là MBTI ứng dụng, các ví dụ rất thiết thực, dễ hiểu nè.
Cảm ơn nội dung Linh chia sẻ, thật sự hay và hữu ích! Mình đọc liền mấy bài luôn í 😀 rồi còn tự so sánh bản thân mình ứng với tình huống nào mà Linh đang đề cập nữa =)) mình thấy là minh có nhiều đặc điểm mix giữa 2 nhóm :3
Mix giữa hai nhóm (hay tính cách lai) thực ra lại tốt hơn nhiều so với tính cách thuần chủng đó Hiếu. Cân bằng là mức độ tốt nhất nè, tùy theo tình huống mà chúng ta có thể lựa chọn hành xử theo xu hướng nào 😀