Thử nhìn vào bức ảnh trên, khi một người nhìn lên bầu trời đêm đầy sao, sẽ có hai kiểu người hoàn toàn khác nhau. Một người nhìn lên trời và có xu hướng tìm kiếm một chòm sao cụ thể nào đó, chẳng hạn như sao Bắc đẩu đang nằm ở hướng nào, gồm bao nhiêu ngôi sao và danh pháp khoa học của nó là gì. Trong khi đó, người còn lại cũng nhìn những vì sao trên bầu trời, nhưng lại có xu hướng nhìn thấy cả dải thiên hà với hằng hà sa số ngôi sao và mối liên kết giữa con người và vũ trụ.
Hai xu hướng tìm hiểu và nhận thức về thế giới đó cũng phản ánh tính chất đặc trưng hai của cặp xu hướng tính cách nằm ở vị trí thứ hai trong 4 nhóm MBTI: nhóm Giác quan (Sensing) và Trực giác (iNtuition). Cặp xu hướng tính cách S & N này sẽ giải mã vì sao có những người có trí tưởng tượng bay cao bay xa trong khi có những người lại hết sức thực tế tới mức rạch ròi, chi tiết.
Đặc điểm nhận dạng S & N
Nhóm Giác quan (Sensing) | Nhóm Trực giác (iNtuition) |
– Có xu hướng “mắt thấy tai nghe” thì mới tin. Cẩn thận và kỹ lưỡng khi nhận định hay kết luận một vấn đề. | – Có xu hướng tin vào trực giác của bản thân. Nhanh chóng đưa ra kết luận và làm theo linh cảm. |
– Thích tiếp nhận những thông tin cụ thể, rõ ràng và chi tiết đang thực sự diễn ra. | – Thích tiếp nhận thông tin bằng cách nhìn vào bức tranh toàn cảnh và mối liên kết giữa các dữ kiện. |
– Hướng tới những điều thực tế ở hiện tại. | – Hướng tới những khả năng trong tương lai. |
– Có khả năng quan sát và ghi nhớ tốt các chi tiết. | – Có khả năng tưởng tượng và sáng tạo phong phú. |
– Thích tìm hiểu khái niệm và lý thuyết thông qua quá trình thực hành. | – Thích tìm hiểu khái niệm và lý thuyết trước rồi mới bắt tay vào thực hành. |
Trong 4 cặp xu hướng tính cách MBTI, nếu như ở 3 cặp kia mình đều thuộc loại tính cách thuần chủng (chiếm từ 90-100% so với nhóm tính cách đối lập) thì riêng cặp S-N này mình lại thuộc loại tính cách lai theo tỉ lệ kiểu 49 gặp 50 cũng ngang ngửa nhau. Khác với nhóm tính cách thuần chủng hay tính cách bình thường sẽ thấy bản thân có hầu hết các đặc điểm của một nhóm, nhóm tính cách lai sẽ thấy cả hai đặc điểm dàn đều như thể hai chân hai hàng, ở nhóm nào cũng thấy mình trong đó.
Ở tập trước khi mình viết về cặp xu hướng T & F, có một bạn đọc nhận định rằng việc phân chia rạch ròi như vậy chỉ mang tính chất tương đối và rằng mình đang tự quy kết cho mình là người T để nhằm chứng minh lý thuyết mình đang nói và tự làm hài lòng chính mình. Đây là một góc nhìn của người có tính cách lai, bởi bạn có những đặc điểm nằm ở cả hai xu hướng tính cách thì không có nghĩa rằng người khác thuần chủng về một xu hướng tính cách nào là bất hợp lý. Dĩ nhiên lăng kính MBTI chỉ là một lý thuyết, một quan điểm về phân loại tính cách của hai mẹ con nhà Myers-Briggs, và trong phạm vi series MBTI Ứng Dụng này thì mình chỉ đang cung cấp cho độc giả một công cụ, một góc nhìn để thấu hiểu bản thân, bên cạnh rất nhiều công cụ khác.
Giống như trong bài viết gần đây mình chia sẻ về câu chuyện “Sự nhạy cảm đến từ những tổn thương“, một số bạn có thể thắc mắc và đặt vấn đề rằng: Vì sao mình là một người T thuần chủng nhưng lại có năng lực đọc vị cảm xúc và nhạy cảm với xúc cảm của người khác như vậy? Vấn đề nằm ở chỗ, tuy mình sở hữu năng lực đó nhưng mình vốn không có nhu cầu đồng cảm hay thấu cảm với cảm xúc của người khác, để bộc lộ sự chia sẻ ấy ra bên ngoài với đối phương, mà cơ chế của một người T như mình chỉ dừng lại ở việc đọc vị, thấy và nhận biết được cảm xúc đó của đối phương mà thôi. Nếu một người F có cùng bộ năng lực này như mình, họ có thể dễ dàng đồng điệu, tương tác và thấu cảm cùng xúc cảm của đối phương. Đây chính là sự khác biệt rất lớn giữa hai xu hướng tính cách mà độc giả phải đọc tuần tự những gì mình chia sẻ trong series này thì mới hiểu được, chứ bạn không thể chỉ đọc một bài rồi vội vàng kết luận.
Xét về mặt xu hướng tính cách, việc bạn sở hữu một tính cách thuần chủng, tính cách bình thường hay tính cách lai thì mỗi loại như vậy đều có những ưu-nhược điểm nhất định. Chẳng hạn, người có tính cách thuần chủng thì sẽ cực kỳ mạnh về những tố chất và đặc điểm của xu hướng tính cách đó, trong khi người có tính cách lai thì mức độ chỉ bằng phân nửa. Ví dụ, một người cực S sẽ có một năng khiếu đặc biệt trong việc “super soi” chi tiết, bạn khó có thể qua mặt họ ngay ở những chuyện hết sức tiểu tiết. Nhưng một người tính cách lai giữa S-N thì năng lực soi chi tiết của họ chỉ bằng 50% so với người cực S, thành ra có đôi lúc họ vẫn bị bỏ sót chi tiết và bất cẩn khi bản thân không hoàn toàn chú tâm.
Tương tự, ưu điểm của người sở hữu tính cách lai là họ rất cân bằng giữa hai xu hướng tính cách, thậm chí có thể chuyển đổi qua lại giữa hai xu hướng khi cần. Và cân bằng cũng là cái đích mà chúng ta cần hướng tới trong việc thấu hiểu về tính cách, cũng như có những tình huống trong cuộc sống buộc một người hướng nội (I) phải hành xử như người hướng ngoại (E), và ngược lại. Chứ bạn không thể khư khư bảo lưu tính cách thuần chủng của mình mà không chịu học hỏi để linh hoạt thay đổi xu hướng khi cần thiết. Việc này cũng giống như bạn thuận cả hai tay trái và tay phải thì bạn có thể viết bằng tay nào cũng được, chẳng may tay phải có bị bó bột thì bạn vẫn có thể viết bằng tay trái như bình thường mà không gặp trở ngại gì. Đó cũng chính là lợi thế của người có tính cách lai.
Nhận diện người S & người N trong cuộc sống
a. Cách tìm hiểu và diễn giải thông tin
Nếu có một câu châm ngôn để nhận định người S hay người N, câu đó sẽ là: “Chỉ cần bạn kể cho tôi nghe một câu chuyện, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người S hay người N”. Bởi có khả năng quan sát tốt và ghi nhớ được các chi tiết, câu chuyện của người S kể lại thường có xu hướng đi vào những thông tin chi tiết, thậm chí là những tiểu tiết rất nhỏ như hôm ấy là thứ mấy, thời tiết ra sao, đi ra đường gặp ai, người đó mặc đồ gì, nói câu gì,… Lẽ vậy mỗi lần nhiều chuyện với người S chúng ta sẽ có phần hơi mệt mỏi khi nghe kể một hồi dài ngoằng rồi mà vẫn chưa đi tới trọng tâm câu chuyện. Ngược lại, người N sẽ có xu hướng kể chuyện rất chung chung, có khi lược bỏ rất nhiều chi tiết không quá quan trọng mà chỉ tập trung vào dữ kiện chính cũng như bức tranh toàn cảnh về câu chuyện.
Sau một hồi kể chuyện, để đưa ra một kết luận cuối cùng thì người S sẽ dựa trên các thông tin A, B, C mình đã kể để xâu chuỗi thông tin và đúc kết lại một cách hết sức lớp lang, bài bản và rõ ràng. Trong khi đó, hệ người N thường có xu hướng: “Tao có cảm giác như vầy…”, “Tao nghĩ vầy nè…”, “Tự tao thấy vậy đó…” mà đôi khi không cần có lý lẽ hay bằng chứng gì cả, đơn giản chỉ là họ tin vào trực giác và linh cảm của bản thân.
Khi tiếp nhận một thông tin khách quan bên ngoài, chẳng hạn như nghe một người kể rằng một người quen của bạn đang ngoại tình với một anh em họ “nương tựa” nào đó. Nếu như người báo tin là một người có uy tín, người N sẽ có xu hướng nhanh chóng tin ngay và luôn, xong rồi họ sẽ cùng tham gia vào cuộc bình luận về sự vụ đó theo hướng suy diễn và tưởng tượng về những biểu hiện lạ mà họ thấy gần đây ở đối phương. Chẳng hạn đúng rồi tao mới thấy con nhỏ đó mua siêu xe tháng trước, rồi dạo này thấy nó mua sắm toàn hàng hiệu, đi check-in mấy chỗ sang chảnh không bla bla. Nhưng người S thì khác, họ sẽ kiểm chứng lại thông tin bằng việc hỏi người kể rằng họ có tận mắt chứng kiến cảnh người kia ngoại tình không, hay có bằng chứng nào chứng minh lời họ kể là thật không. Nếu nói không có sách, mách không có chứng thì họ không dễ gì tin ngay mà chỉ nghe rồi để đó, chờ tìm hiểu sau.
b. Cách đặt vấn đề và hướng về mục tiêu
Làm việc với sếp người S và sếp người N là hai phong cách quản lý – lãnh đạo hoàn toàn khác biệt như nước với lửa, như trời với trăng. Trong một cuộc họp điển hình, sếp người S sẽ tập trung vào những KPI cụ thể, bộ phận hay cá nhân nào đã đạt được mục tiêu gì và chưa đạt được gì, sau đó đề đạt ra những cách cải tiến vấn đề để hướng tới một quy trình chuẩn không cần chỉnh. Đối với sếp người S, không có vấn đề gì là không giải quyết được cả, chỉ cần bạn nêu ra một vấn đề thì sếp người S sẽ tự động chạy ra một danh sách các giải pháp cho bạn dựa trên những kinh nghiệm thực tế của họ. Làm việc với sếp người S là làm việc dựa trên dữ kiện, số liệu thực tế thu thập được với bằng chứng hiển hiện rõ ràng chứ không có chuyện nói chung chung mơ hồ.
Khi công ty mình chuẩn bị dọn đồ để chuyển sang văn phòng mới, việc xử lý số sách mẫu của mỗi phòng ban là một vấn đề cần giải quyết, vì hiện tại mỗi phòng ban chức năng bên mình đều có một tủ sách riêng trong khi văn phòng mới chỉ có một tủ sách chung và chỉ được trưng bày chung mỗi loại 1 quyển cho cả công ty tham khảo chung. Trong cuộc họp giao ban, một bạn bên team mình mới bảo nếu vậy thì nên chuyển sách của phòng Biên tập sang vì phòng mình là có đầy đủ sách nhất. Nghe bạn nói vậy, chị sếp người S ngay lập tức hỏi lại: “Vì sao em nghĩ phòng mình là có đủ sách nhất? Nếu nói đủ sách nhất thì chỉ có bộ phận Kho của công ty mới có đủ, còn phòng em hiện có danh mục quản lý từng cuốn sách không mà bảo đủ?”.
Trong mắt của những bạn người N, việc quản lý sách mẫu bằng cách xếp sách lên kệ theo thứ tự alphabet như trước giờ là đã đủ chứng minh phòng mình đủ sách – một việc làm chung chung đúng kiểu đặc trưng của người N. Nhưng trong góc nhìn của người S, để gọi là “đầy đủ” thì bạn phải nắm được hết danh mục sách mình quản lý, tức phải lập ra một bảng Excel và lên danh mục từng cuốn, mỗi cuốn bao nhiêu quyển thì khi đó mới gọi là đầy đủ được. Ngay cả khi chuyển sách từ văn phòng cũ sang văn phòng mới, các bạn trưởng phòng người N rất hồn nhiên ngây thơ chất cả đống sách vào thùng và chỉ ghi tên phòng mình trên thùng. Sau đó, chị sếp người S phát hiện và yêu cầu mỗi phòng phải lập danh mục và ghi rõ danh sách từng cuốn sách trên từng thùng, để biết chính xác cuốn nào nằm trong thùng nào để tiện kiểm soát và quản lý. Hai phong cách không có đúng hay sai, mà vấn đề chỉ là sếp bạn thuộc kiểu nào thì tốt nhất bạn nên làm theo kiểu đó.
Họp hành với sếp người N lại là một phong cách khác, khi họ thường điểm qua các vấn đề trong hiện tại rất nhanh chóng để sau đó tập trung vào những mục tiêu và khả năng nằm ở tương lai. Sếp người N cũng có một biệt tài đặc biệt trong việc nhìn xa trông rộng, có tầm nhìn trước nhiều bước để hoạch định rất nhiều chiến lược cho doanh nghiệp trong tương lai, thay vì chỉ tập trung vào những vấn đề hiện hữu tủn mủn, lặt vặt (nhưng có khi cũng là vấn đề sống còn) của doanh nghiệp ở hiện tại. Bản thân mình từng làm việc với một CEO siêu N tới mức phác thảo ra cả bối cảnh tương lai của doanh nghiệp tới cả chục năm sau, khả dĩ sẽ có một số dự báo đúng và nếu đi trước đón đầu sẽ đem lại lợi thế tiên phong cho công ty, nhưng cũng có những dự báo trật lất thì lại tiêu tốn nguồn lực để đầu tư mà không đem lại kết quả.
Lợi thế thấy rõ nhất khi làm việc với sếp người N là nhân viên dễ thở hơn rất nhiều vì sếp ít quan tâm tới tiểu tiết và ít khi “vạch lá tìm sâu” như sếp người S. Hễ bạn rơi vào tầm ngắm của sếp người S thì hãy xác định thôi rồi Lượm ơi, khi bất kỳ chuyện gì bạn làm cũng sẽ bị sếp soi tới từng đường chân tơ kẽ tóc. Như hồi mình mới lên vị trí quản lý ở công ty cũ, anh sếp người N giao phó mình cho một chị sếp siêu S “chăm sóc” đặc biệt với mục đích đào tạo cho mình cứng cáp hơn. Thế là gần như mỗi ngày mình luôn bị chị sếp người S đó bắt lỗi trong những công việc mình làm, không chỗ này thì cũng chỗ khác, ngay cả những lỗi hết sức nhỏ xíu xiu. Ban đầu mình cũng khá bực bội và khó chịu vì cái sự chi li quá thể đáng đó, nhưng về sau mình lại thấy biết ơn chị ấy vì đã rèn được cho mình cái tính làm việc gì cũng phải suy tính cẩn thận trước sau và không để bản thân phạm phải một lỗi nào dù là nhỏ nhất.
c. Học trước hành sau hay vừa hành vừa học?
Khi mua một món đồ công nghệ mới về, bạn có xu hướng đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hay cứ dùng trước rồi vừa thử vừa mò ra cách sử dụng? Người N thích tìm hiểu trước về cách sử dụng rồi mới bắt tay vào dùng, trong khi người S thì lại có thể dùng ngay và luôn rồi tìm hiểu cách sử dụng sau.
Trong khía cạnh này, xu hướng N của mình có phần nổi trội hơn, đặc biệt thể hiện qua phương thức học tập. Chẳng hạn như khi học một bộ môn mới là biên phiên dịch Anh-Việt, mình sẽ phải tìm hiểu qua về các lý thuyết nhập môn dịch thuật, các khái niệm và quan điểm dịch thuật nền tảng, từ đó bản thân mới có sự an tâm để bước vào thực hành dịch trực chiến. Ngược lại, với một người S thì họ có thể dễ dàng bỏ qua bước lý thuyết này mà nhảy ngay luôn vào việc thực hành dịch thuật, để rồi gặp vấn đề ở đâu họ mới tìm xem lại lý thuyết ở đó.
Dù ở người S có sự tỉ mỉ, chi tiết nhưng họ không có đủ kiên nhẫn để bơi trong một bể lý thuyết trừu tượng, mà cái họ tập trung vào là những gì cụ thể, thực tiễn, áp dụng được vào thực tế ngay và luôn. Trong khi đó, người N lại cần những điểm kết nối thông tin như vậy để nhìn ra được bức tranh toàn cảnh về thứ họ đang học và có thể soi chiếu các vấn đề họ gặp phải với các lý thuyết, khái niệm mà họ đã tìm hiểu qua.
Trong việc học tập, người S cũng có xu hướng chỉ thích học những gì thiết thực, thực tiễn cho hiện tại và tương lai gần của họ, ví dụ việc đi học về kỹ năng thuyết trình để ứng dụng vào công việc và cuộc sống của họ là điều họ thấy thiết thực. Nhưng đi học về công nghệ blockchain của tương lai vài chục năm tới là thứ người S thấy hết sức xa vời, viển vông, không bổ ích gì cả nên họ cũng chẳng mấy hứng thú quan tâm. Ngược lại, người N thì lại rất hứng thú với những đề tài kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo phong phú của họ, ngay cả khi nó chẳng thể áp dụng được vào thực tiễn. Bởi sự khác biệt rõ rệt này nên người N cũng là những người thuộc hệ tâm linh nhiều hơn.
d. Cái cây hay cánh rừng?
Não trạng của người S như một bộ lọc thông tin hết sức rạch ròi, rõ ràng, họ có xu hướng chỉ lọc ra những thông tin cụ thể ngay trước mắt mà họ muốn tìm kiếm, ví như nhìn trực diện vào một cái cây và những chi tiết trên cái cây ấy. Nhưng não trạng của người N thì lại rất ít để tâm vào cục bộ mà họ có xu hướng nhìn rộng ra bức tranh toàn cảnh về cánh rừng, về mối tương quan giữa những cái cây trong rừng ấy, để rồi thậm chí nghĩ ra hơn về một đời người một rừng cây như nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Là một người có tính cách lai giữa S và N, góc nhìn của mình là sự tổng hòa của cả hai khía cạnh này nên đây cũng là lợi thế trong việc viết lách của mình. Những đề tài mình viết vốn bắt nguồn từ những quan sát rất chi tiết, tỉ mỉ và cụ thể của nhãn quan người S, nhưng nếu là một người S thuần chủng, mình sẽ chỉ dừng lại ở việc kể lại câu chuyện đó cùng một vài chiêm nghiệm rút ra từ những gì mình quan sát thấy. Kết hợp với nhãn quan của người N, từ một vấn đề cụ thể mình có thể suy rộng ra một vấn đề bao quát và to lớn hơn, cũng như liên kết và xâu chuỗi với những dữ kiện khác trong quá khứ hay trong những lĩnh vực không ăn nhập gì với nhau để đúc kết ra những quy luật và khuôn mẫu chung. Đây lại là một đặc trưng chỉ có ở người N chứ người S sẽ không nhìn rộng và xa được tới mức ấy.
Bởi sự khác biệt đặc trưng như vậy nên trong một cuộc họp hay một cuộc trò chuyện với nhau, người S sẽ có xu hướng cho rằng người N đang nói lan man và đi quá xa vấn đề, trong khi người N thì đang liên tưởng và mở rộng vấn đề hơn, cũng như suy nghĩ về mối liên hệ của những ý tưởng khác nhau. Ngược lại, đôi lúc người N cũng cho rằng người S quá thiển cận hay thực dụng khi chỉ biết nghĩ tới những cái sờ sờ trước mắt, trong khi người S đang đặt ra những câu hỏi rất thiết thực và thực tế.