Mặc dù lễ tựu trường đã qua hơn mươi ngày và những buổi tựu trường đã trôi đi xa lắc nhưng đọc lại những dòng này vẫn thấy bồi hồi. Có chút gì đó xao xuyến, chút gì đó xúc động. Có thể với nhiều người, nó đơn giản chỉ là bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh nhưng với mình nó còn là kỉ niệm. Kỉ niệm trôi qua trong một khắc dông dài…
Bài này theo mình còn nhớ thì nằm trong quyển Tiếng Việt lớp ba, mình đọc nó trước khi được dạy trên lớp. Nhớ lại hồi xưa thấy buồn cười, những năm chín mấy mà đã có vụ dạy thêm, học thêm. Nghỉ hè ở thành phố thì thường phải học thêm trước để vô năm học theo kịp bạn bè, riêng mình thì hè nào cũng về quê nghỉ hè suốt cả ba tháng, đến khi gần học mới ló mặt lên phố. Nhớ hồi năm lớp hai nằng nặc không chịu đi học để chú phải lên tận nhà ngoại chở về. Sáng hôm ấy còn theo mấy anh đi bắt cá ngoài đồng sau mưa, ngồi trên xe đi về mà vừa đi vừa khóc như mưa, lên đến tận lớp vẫn còn khóc thút thít, mới 8 tuổi mà đã biết trốn học rồi.
Hè trước khi lên lớp ba còn đang nghỉ hè ở quê, được bà chị trong xóm cho lại quyển sách Tiếng Việt lớp ba vì chỉ lớn hơn mình một tuổi. Cái bài đầu tiên giở ra và tập đọc từng chữ còn nhớ đến bây giờ là “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, cái hình minh họa màu cam cam bên cạnh là tụi nhỏ đang đi đến trường. Hồi ấy mới lên lớp ba chữ còn đọc bập bẹ, dì và chị họ mình phải tập cho mình đọc từ từ. Không hiểu sao mới còn nhỏ xíu chưa biết cảm văn mà đã thấy những câu chữ nó hay lạ lùng, nhẹ nhàng, bình dị đi sâu vào lòng người, trong lòng dâng lên cảm giác khó tả, nôn nao đến mức chỉ muốn tựu trường lẹ lẹ để đi học nhanh.
Đến khi lên trường được cô giáo giảng lại vẫn thấy cảm giác xốn xang khó tả như buổi ban đầu mình đọc, có cái chi đó rất gần gũi, tựa hồ như quen lâu lắm rồi không thể diễn tả được. Nhớ lại cái thời học lớp một, lớp hai, hình như mỗi lớp quyển sách nó mỗi màu khác nhau. Mình nhớ lớp một in hình toàn màu xanh dương, lớp hai màu xanh lá, lớp ba toàn màu cam. Bài đầu tiên của lớp một có hình con gà trống đang gáy ò ó o và dạy về chữ O.
Hồi còn học tiểu học có rất nhiều kỉ niệm, li ti kể hoài không bao giờ hết. Cô giáo lớp một và lớp ba của mình nhà ở kế nhau, đi học thêm hồi ấy toàn đi xe ôm vì bé quá người lớn chẳng dám cho đi một mình. Khi về thì có ba tới chở, không thì gọi xích lô đi cả đám về.
Mình nhớ như in năm lớp một, vào một ngày sau bão, bình thường ngày ấy là đi học thêm nhưng bão lũ bạn bè tự động nghỉ học hết, có mình siêng năng vẫn kêu ba chở lên nhà cô học. Đường vào nhà cô phải lội qua một con hẻm nhỏ từ mặt đường, hẻm thì lầy lội đầy nước, ba kêu vô không học thì đi ra chở về. Vậy mà đi vô không có ai học cả, thế là được nghỉ, chạy te te ra ngoài thì ba về mất tiêu. Lon ton chạy vô lại nhà cô, bảo không biết đường về nhà, thế là chồng cô phải đích thân đạp xe ra hộ tống về tận nơi. Sau lần ấy thì cô biết luôn nhà mình, sau này lâu lâu còn ghé thăm chơi.
Năm lớp hai học ở nhà cô xa hơn, không để lại ấn tượng gì nhiều vì nhà cô sang trọng quá, hào nhoáng quá nó không gần gũi như những nhà cô kia. Năm lớp ba mình học cô Thảo, cô cũng khá già rồi, nhà chỉ có hai mẹ con. Nhớ hồi xưa học phải nói tận dụng hết mọi chỗ, bàn không đủ chỗ ngồi thì phải lấy ván nhà cô làm bàn, có đứa leo lên ván nằm luôn để học. Hồi ấy hay có thêm vụ nhà mấy cô khi thì bán yaourt, khi thì sinh tố để kiếm thêm thu nhập, giờ nghĩ lại thấy mà tội cho đồng lương của nghề giáo.
Nhớ một kỉ niệm vui là lúc học ở nhà cô Thảo, tới giờ nghỉ giải lao thì hay mua yaourt ngồi ăn. Mình đãng trí sao mà lúc thối tiền lại, muỗng thì đem bỏ vào cặp, còn tiền đang cầm trên tay thì lấy xúc yaourt ăn. Đứa bạn ngồi bên bảo mày ăn gì kì dzậy, nhìn xuống mà giật mình, đúng là khùng thiệt.
Càng lớn thêm tí xíu thì đi học càng xa nhà, năm lớp bốn học ở tít bên kia bờ sông. Nhà cô gần bệnh viện, lại gần mấy đường ray xe lửa sáng sáng tàu chạy qua hú còi ì ầm. Buổi sáng thì ba chở ăn sáng rồi chở đi, năm ấy bị chuyển qua học chung với thằng hàng xóm nên nó tận dụng cơ hội đi ké xe nhà mình luôn. Hồi ấy đúng là ngớ ngẩn thiệt, con nít cũng tị nạnh với nhau đủ thứ. Mà chẳng hiểu sao hồi xưa mình ghét nó thiệt, còn rủ cả đám bạn tẩy chay nó. Mỗi lần cả đám bạn kéo về nhà mình coi hoạt hình, lúc ấy còn mướn băng về xem mà nhà mình đã có đến hàng đống băng hoạt hình. Bởi vì tẩy chay nó nên phải chạy về cho lẹ rồi đóng cửa phòng lại coi, vậy mà nó cũng chạy theo cho bằng được. Không cho nó vào thì nó đứng thò tay thò chân vô chặn cửa lại không cho mình đóng để coi ké, chửi quá chừng nó cũng trơ mặt ra.
Giờ nghĩ lại thấy mình mới nhỏ mà đã biết phân biệt đối xử, độc ác và nhẫn tâm thiệt. Ấy vậy mà sau này học chung cấp hai với nó, ở sát cạnh nhà nhau tới giờ, chẳng mấy khi thấy nó nhắc lại hay thù oán mình chuyện năm xưa. Mình vẫn còn thấy canh cánh trong lòng và nợ nó nhiều lắm.
Buồn thì như vậy nhưng năm lớp bốn vui thì cũng nhiều, vì lớn hơn xíu rồi nên được đi bộ về nhà. Cả một đám con nít nối đuôi nhau về nhà, băng qua mấy cây cầu, đi qua mấy đoạn đường lớn xe đông nghìn nghịt. Hồi ấy con sông quê mình còn trong văng vắt, đi ngang còn thấy mấy con cá có chân nhảy loi choi, cây đước cây mắm gì mọc đầy rẫy. Giờ tiệt không còn thứ gì ngoài nước sông ô nhiễm và đục ngầu. Nhớ những bận cả đám lang thang đi về mà người ta tưởng bán vé số tới hỏi mua, rồi đám con trai rủ nhau ra đường ray xe lửa đứng tè.
Thời tiểu học có vô vàn trò vui mà lên trung học không bao giờ có được. Trung học là lứa tuổi bắt đầu phát triển, tuổi mới lớn mưa nắng thất thường, con gái chơi theo phe con gái, con trai chơi theo phe trai nên ít có sự thân thiện, hòa đồng với nhau cả trai lẫn gái như tiểu học. Tiểu học có cái vụ rất vui là đặt biệt danh cho nhau, lớp mình thì rặt một đám toàn bánh trái. Đứa tròn tròn thì là bánh ú, đứa thì cà tím, rồi bánh cam, bánh tráng, riêng mình bị gọi là bánh xèo vì cái mặt tròn như cái bánh xèo trên khuôn.
Còn có một cái buồn cười nữa là chia phe phái, đứa này theo phe này không được chơi với đứa bên phe kia. Rồi thì giận lẫy, hờn dỗi nhau, hôm nay tuyên bố nghỉ chơi cho đã rồi ngày mai lại hòa. Ôi, cũng nhờ những ngày thi đua viết chữ với nhau trong giờ tập viết mà giờ chữ mình dị hợm hết biết. Người ta lo nắn nót luyện chữ, mình và mấy đứa kia thi xem ai viết nhanh hơn. Kết quả bao giờ mình cũng thắng, và bây giờ vẫn thế, viết nhanh thật nhưng xấu òm, kiểu cách nhưng không được đẹp như chữ in hoa.
Trở lại vụ sách Tiếng Việt, đi tìm cái hình ảnh bài “Tôi đi học” nhưng không thấy, lại ra được một loạt hình này của bạn nào chụp lại. Mười mấy năm trôi qua mà nhìn lại trang nào là mình vẫn nhớ như in buổi hôm ấy học ra sao, quen thuộc thế nào. Đọc lại mà thấy rưng rưng thiệt.
Có mấy hình ảnh mà mình không bao giờ quên được. Tìm lại trên mạng không thấy, có hồi đã thấy lại trong đống sách cũ nhà chị nhưng rồi bỏ quên, không đem về nên mất luôn. Nhớ trong một bài tập đọc có hình thằng nhỏ đứng dưới gốc cây lựu, đọc tới bài đó mà tưởng ông tác giả ổng vẽ mình. Vì nhà cậu Ba mình có trồng một cây lựu trên sân, cái sân bằng xi măng nó còn cao hơn cả nền nhà. Hồi xưa trời mưa hay chạy trên đó tắm mưa, nhớ leo lên cái xe đồ chơi trượt patin lúc trời mưa mà té cái oạch đau điếng. Rồi còn ngồi trên tàu lá dừa để mấy chị kéo đi bì bõm dưới sình. Cây lựu nằm yên một góc ấy, và mình đứng dưới gốc cây rung bần bật cho nước rớt xuống. Cây sai quả trên cành, mình mặc cái ao thun ba lỗ y chang thằng nhỏ trong sách.
Còn một hình nữa là hình ảnh một bé gái cầm ngọn đèn dầu đi về phía ngôi nhà chập choạng tối, tô màu cam với đen. Nhìn cái hình mà cứ chắc mẩm vẽ chị họ mình đây mà. Vì trên quê hồi ấy người ta vẫn còn dùng đèn dầu nhiều, nhất là những khi cúp điện thì nhà nào cũng có ngọn đèn leo loét trước sân ngồi túm tụm với nhau. Nhà cậu Ba có cái nhà tiêu nằm ở cuối góc vườn lận, mỗi lần ai muốn đi phải ra tít ngoài đó. Người lớn thì không sao, con nít thì sợ ma vô cùng. Chị mình đi mỗi lần phải cầm ngọn đèn dầu vô đó ngồi cho đỡ sợ, toàn rủ mình theo đứng canh bên ngoài. Hồi ấy gần nhà tiêu có cây vú sữa, ban ngày nhìn rậm rạp không sao, đêm tàn lá cứ phất phơ thấy rợn người. Ghê nhất là đang đứng mà mấy trái vú sữa chín khô rớt cái đụi trúng người, cứ như là ma ném vậy. Lúc ấy là ba chân bốn cẳng vọt chạy vào nhà, bỏ mặc bà chị ngồi trong đó sợ hãi khi nghe tiếng la thất thanh. Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười.
Hồi xưa, hồi xưa, hồi xa xưa lắc có nhiều điều để nhớ, giờ nhớ lại thấy thương. Con người rồi ai cũng đi qua tuổi trưởng thành, rồi lo toan bao nhiêu chuyện trong cuộc sống. Có hàng trăm, hàng ngàn quyển sách ta đọc qua mỗi ngày nhưng có câu chữ nào đọng lại ngô nghê và hồn nhiên như những bài thơ, bài tập đọc thời tiểu học?
Tôi chắc mẩm những ai từng có một thời tuổi thơ, từng gắn bó với bộ sách giáo khoa từ năm 1986-1999 sẽ đều nhớ những con chữ, những hình ảnh thân thương ấy. Và sẽ không khỏi xuyến xao khi vô tình gặp lại. Điều này giới trẻ sinh sau năm 2000 không bao giờ có được, và chúng mươi, hai mươi năm nữa vẫn sẽ không cảm nhận được. Vấn đề không nằm ở thời gian mà là những cải cách của giáo dục, có phần hiện đại hơn nhưng chóng vánh và mau quên hơn. Vì những chân giá trị thì có bao giờ phai…
2 bình luận
Bạn có bản scan của sgk xưa ko?
Không bạn ơi, nhưng trên mạng có khá nhiều đó 🙂