1. Tháng bảy đã vào giữa độ hè, con nít quê bao giờ cũng có lắm trò để chơi vào mùa hè, hết bắt dế đến câu cá, chăn trâu, thả diều, tắm sông. Trời thì lúc nắng lúc mưa mà mùa hè thì đương nắng nhiều hơn nên con nít lúc nào cũng chạy nhong nhong ngoài đường. Người lớn lại được dịp quở: “Trưa nắng không lo ngủ mà cứ thích dang nắng ngoài đường”. Ấy vậy mà người lớn đâu có hiểu được cho tâm tình bọn con nít đang ở cái tuổi ăn tuổi chơi, bao nhiêu trò vui chơi không hết ai lại nỡ phí phạm vào giấc ngủ trưa hè.

Nghĩ cũng lạ, người nhà quê dậy từ rất sớm, tối cũng đi ngủ sớm nhưng trưa thì thể nào cũng phải đánh một giấc ngon lành. Có lẽ chính từ thói quen và tập quán của người làm nông mà từ lâu chuyện ăn, chuyện ngủ đã đi vào nếp. Ngẫm thử đúng không, sáng họ phải dậy sớm ra đồng, trưa về ăn chút cơm rồi phải ngủ nghỉ lấy lại sức để xế xế lại tiếp tục công việc đồng áng. Cho nên có ông bố bà mẹ nào trưa nằm ngủ mà dám để con cái chạy nhong ngoài đường, bởi vậy nên phải lôi đầu chúng vào ngủ hết một thể cho dễ quản. Và mỗi lần tôi về quê ngoại cũng vậy, hễ đến trưa là các dì phải bắt vô nằm ngủ trưa, đứa vào về nhà đứa nấy nằm ngủ xếp lớp. Trong khi đó tôi lại là một đứa bé ở thành phố trưa có thèm ngủ bao giờ nên mỗi lần về quê tới giấc trưa là lăn qua lăn lại không chịu ngủ, hoặc lỡ có ngủ quên thì đánh một giấc cái vèo tới chiều, tỉnh dậy đã thấy trời chập choạng tối, hết vui.

2. Trong những ngày hè thì có một trò không thể bỏ qua được là đi câu cá. Bữa nào đi câu thì mấy anh họ đã hẹn trước từ chiều hôm qua, sáng tôi dậy ăn sáng rồi mon men lên chòi nhà dì Sáu. Gọi là chòi vì trước đây nhà dì Sáu chỉ là một cái chòi chăn vịt, sau này cất lên thành nhà tranh vách đất rồi từ từ mới thành nhà bê tông mái tôn. Và thói quen gọi là chòi cứ giữ miết đến tận bây giờ, chòi cách nhà ngoại tôi mấy sào ruộng, mỗi lần lên chòi thích lắm thì được đi trên bờ giữa thênh thang là ruộng lúa. Các ruộng lúa của mỗi nhà cắt nhau như các con đường bàn cờ trong thành phố, nhìn đông nhìn tây chỗ nào cũng thấy bát ngát ruộng đồng bờ bãi.

Lên tới chòi nhà hai ông anh họ tôi thì ba anh em mới xách xô ra đào trùn (trùn là phương ngữ, còn gọi là giun đất). Chỉ cầm cầm cái cuốc đất ra chuồng vịt, chọn chỗ đất mềm cuốc lên mấy cuốc thì sẽ thấy trùn bò lổm ngổm, cứ thế bắt bỏ vô cái xô bằng sắt. Xô này là cái xô thường dùng để gánh nước giếng, và cũng là thứ đựng thành phẩm – cá đã cắn câu. Cần câu anh họ tôi chuẩn bị là mấy cây trúc đã được uốn cho vừa tầm, gắn dây cước và lưỡi câu. Cần có, mồi có rồi thì cứ thế đội nón lên, xách xô đi và câu thôi!

Chúng tôi cứ đi lang thang và chọn điểm dừng là những mảnh ruộng tươi tốt, lúa đương trổ đòng đòng thì cá mới nhiều.Thường câu cá ở ruộng chủ yếu là cá rô, con vừa bằng ba ngón tay, thi thoảng thì mới có cá trê, cá chốt và đôi khi là mấy con cá lòng tong háu ăn đớp bừa. Vì là dân thành phố nên tôi ớn nhất cái khoản móc mồi vào lưỡi câu, lấy con trùn đang bò lăng quăng rồi móc cái lưỡi câu xuyên người nó, giật cái bặt ra thấy nổi cả gai ốc. Cho nên phần khó khăn này bao giờ anh họ tôi cũng làm giùm, và tôi chỉ có việc cầm đi câu cá, tới khi câu được thì cũng không dám gỡ ra anh tôi cũng phải gỡ giùm.

Ba anh em chia nhau ra mỗi người đứng một góc ruộng, thêm mấy đứa con nít trong xóm đi theo chơi cho vui, nhưng câu cá thì phải tuyệt đối im lặng để tránh lũ cá nghe tiếng động bỏ chạy… mất mồi. Trên thửa ruộng lúa đang mọc tươi tốt đó, cứ lựa khoảng trống nào phù hợp rồi buông cần, đứng yên và chờ đợi, đến khi có động sợi dây cước giật giật liên hồi là biết cá đã đớp mồi, cứ thế giật cái vèo lên. Đi câu cá ở đồng nản nhất là khâu đứng chờ đợi nhiều khi mỏi mòn mà không có con cá nào chịu đớp mồi, có con ma lanh thì chỉ bơi tới bơi lui rỉa rỉa mồi cho rụng dần, lúc mình giật lên con trùn teo riết. Và cảm giác sung sướng, đã đời nhất là khi giật cái cần nghe một tiếng vút giữa không trung, con cá bắn lên trời, mình chộp lấy sợi dây cước để gỡ con cá rô vô thùng sắt. Nhưng cũng có khi hăng máu quá giật mạnh cho cố vào để con cá bay cái vèo lên không rồi rớt cái tủm xuống ruộng lại. Thiệt trớt quớt hà!

3. Cả một buổi sáng tới trưa ba anh em tôi đi xà quần hết khắp các ruộng đồng, mương mán, cứ hễ chỗ nào có nước và thấy có cá là dừng lại buông cần. Đôi khi đi tít ra xa mà không biết phải lết bộ về lại rã cả giò. Nói đi câu cá chứ nhiều khi giật lên lại là con cua dở hơi hay con rắn biết bơi nào đấy lại hoảng hồn quăng cần mà chạy. Gặp những chỗ ruộng mới trục (gặt xong), còn bùn ngập ruộng và cá thì loi ngoi, lúc đấy cứ lấy rổ ra mà hốt chứ khỏi cần phải câu gì.

Đến gần trưa trời nắng oi ả, chiếc xô cũng đã đầy ắp cá thì ba anh em tôi mới đi về. Mấy con cá nhỏ tí hay tụi cua bắt được thì đem ra đổ cho vịt ăn. Chỉ mới đổ vào thôi là cả bầy vịt chạy ào tới tranh nhau ăn ngon lành. Số cá rô còn lại, dì Sáu tôi một nửa thì nướng bếp than, một nửa đem đi chiên xù. Cá rô chiên xù ăn với mắm me thì đã thèm, còn cá rô nướng thì chấm với muối. Cầm một con cá rô lên, bẻ cái đầu với khúc ruột đắng ra, chấm thịt cá vào chén mắm me mà ăn vào ngon cả bụng, tê cả lưỡi. Cái mùi vị cá rô thơm lừng, béo ngậy đến bây giờ khi viết lại tôi vẫn còn mường tượng ra được. Ngồi ăn cá rô đồng giữa khung cảnh quê nhà, trước hiên nhà gió mát lồng lộng, ngoài trước là mương nước chảy qua, ruộng đồng bao la trước mắt. Cảm giác và mùi vị thanh bình ấy không thể kiếm ở đâu được ngoài quê nhà mình.

Nói ăn là ăn vậy thôi chứ cũng chỉ gọi là ăn chơi, còn sau đó anh em tụi tôi cũng phải vô ăn cơm với dượng Út và dì Sáu chứ không bỏ bữa được. Mặc dù đã no căng bụng nhưng những món ăn nhà quê ngon lành, hấp dẫn bày ra trước mắt thì cầm lòng sao đặng mà không ăn.

4. Tôi đã đi qua không biết bao nhiêu mùa hè dang nắng câu cá ngoài ruộng đồng như thế trong suốt tuổi thơ mình. Cảm giác ấy, mùi vị ấy, giờ chỉ còn là một mảng màu hồng trong kí ức mỗi khi buồn để nghĩ về. Như trong những ngày mưa dai dẳng và nắng bất chợt tháng bảy này, mà nghĩ những ngày hè năm ấy.

Rồi khi lớn lên, mình cũng quá cái tuổi có thể xách cần câu chạy long nhong ngoài ruộng, nhảy cẫng lên khi câu được một con cá to. Rồi lũ cá cũng bị tuyệt diệt bởi thuốc trừ sâu và vô vàn những hóa chất độc hại khác. Ừ, lâu lắm rồi, tôi chưa ăn lại cá rô đồng thì phải. Và nói chứ, bây giờ ai bảo tôi xách cần ra câu cá thì tôi lại không dám nữa. Tôi sợ, sợ phải sát sanh, sợ nhìn những con cá giãy giụa trong đau đớn vì dính lưỡi câu. Người ta lớn lên rồi suy nghĩ cũng thay đổi nhiều chiều, hồi nhỏ đâu nghĩ được nhiều như vậy.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.