Năm 2008, nhãn hàng Dutch Lady ra mắt dòng sữa hộp Fristi với TVC quảng cáo về các siêu anh hùng gây nức lòng tụi nhỏ cùng câu slogan vang bóng một thời: Fristi – Cho trí tưởng tượng bay xa. Vài năm sau, Fristi đổi sang slogan mới (hổng ai nhớ), và cho tới hơn chục năm sau đó, bao nhiêu lớp trẻ 9x và các phụ huynh lứa 8x bây giờ vẫn còn nhớ hoài câu cửa miệng “Cho trí tưởng tượng bay xa” hay phiên bản chế thêm “Cho trí tưởng tượng bay cao bay xa bay đi luôn”.
Có những quảng cáo trên TV đi cùng theo năm tháng, có những câu slogan dù các thương hiệu hiện tại không còn sử dụng nhưng đã gieo rắc vào tâm trí bao đứa nhỏ theo thời gian. Để bây giờ khi trưởng thành, bước vào công sở, nhiều người lớn vẫn còn bị ám ảnh khi suốt ngày cho trí tưởng tượng bay cao bay xa.
Mình gọi đó là những người mắc bệnh lâu năm mà giấu – bệnh tưởng, hay còn gọi là lỗi suy diễn.
Câu cửa miệng của họ khi làm sai luôn là: Em tưởng…
Triệu chứng của bệnh tưởng:
1. Không chắc chắn nhưng tự suy diễn thông tin theo ý của mình
Tình huống 1: Có lầntraining cho team Content một công ty nọ, mình giao các bạn bài tập thao tác trên giao diện website và gửi bài cho mình theo deadline. Mỗi bạn được cấp cho một tài khoản truy cập và có thể lưu bài trên hệ thống. Qua deadline, không thấy bạn nào gửi bài cho mình. Mình mới inbox hỏi một bạn:
– Em ơi, em làm xong bài chưa mà không thấy gửi anh review ha?
– Ủa phải gửi lại cho anh hả? Em tưởng anh tự vào xem và review chớ!
Tình huống 2: Gửi file Drive mà không chịu share quyền truy cập.
– Em ơi, sao file em share anh mà mở không được?
– Ủa vậy hả anh, em tưởng share quyền cho anh rồi chớ!
Tình huống 3: Tự ý quyết định mà không cần đối phương xác nhận.
– Ủa em ơi, file X anh đâu có kêu bỏ đoạn đó ra sao tự nhiên em bỏ rồi?
– Vậy hả anh, em tưởng bỏ được.
*
– Sao hôm nay đi làm trễ vậy em?
– Em có việc bận, sáng có nhắn tin anh rồi đó.
– Rồi anh có confirm chưa?
– Em tưởng anh nhận được rồi.
Thuốc chữa bệnh:
- Thông tin nào không chắc chắn, chưa rõ ràng vì chỉ đến từ một chiều thì cần sự xác nhận của đối phương ở chiều ngược lại.
- Xác định xem đầu ra (output) của công việc mình đang làm là gì và xác nhận đầu ra đúng như vậy. Đầu ra là A mà đi xác nhận chuyện B thì cũng trớt quớt.
- Trước khi thốt ra 2 chữ “Em tưởng”, hãy đi xác nhận đủ thông tin cần thiết và chỉ nên nói ở thể khẳng định. Còn tưởng thì đừng nói làm gì.
2. Từ một ý A suy diễn thành ý B
Có những bạn bị hội chứng “rối loạn câu chữ”, trong một phút tâm hơ tâm hớt đọc lướt qua văn bản gốc hay mới nghe mang máng rồi tự thêm thùa may vá lại thành phiên bản của mình. Người ta nói nghĩa đen thì hay thích suy ra nghĩa bóng.
Trong chính sách về dịch vụ Sinh Trắc Vân Tay ở công ty nọ, có một thông tin được trình bày rõ ràng trên website: “Các mẫu vân tay sau khi phân tích sẽ được tiêu hủy để đảm bảo tính bảo mật và sự an toàn thông tin cá nhân của khách hàng”. Thông tin này trong quá trình đào tạo được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho các tư vấn viên, nhưng một bạn tư vấn vẫn hiểu sai và tự diễn dịch thành “Các mẫu vân tay sau khi khách hàng hoàn tất xong dịch vụ sẽ xóa”.
Trong dịch vụ Sinh Trắc Vân Tay, thời gian từ lúc phân tích vân tay xong cho tới lúc khách hàng hoàn tất dịch vụ cách nhau một khoảng khá xa. Một khách hàng có thể lấy vân tay và xuất bản báo cáo trong tháng này nhưng nửa năm sau mới đến nhận tư vấn kết quả. Nếu đợi lúc khách hàng hoàn tất dịch vụ xong mới hủy dấu vân tay thì sẽ không đúng cam kết của công ty là hủy ngay sau khi phân tích. Điểm này là thông tin hoàn toàn sai chính sách và có thể gây phản ứng tiêu cực cho những khách hàng khó tính.
Thuốc chữa bệnh:
- Những thông tin rơi vào điểm mù – nhớ mang máng, nghe loáng thoáng thì phải tìm đọc lại cho kỹ, hỏi lại cho cặn kẽ để chắc chắn thông tin đầu vào (input) là đúng chính xác.
- Uống thêm thuốc của Triệu chứng số 1 để bổ sung đủ vitamin.
Nếu hổng ai mượn
xin đừng tưởng tượng
ngừng sống trên mây
rơi ngay xuống đất.