Nghe tin triều đình mở hội xập xình yến anh, các liền anh liền chị liền cha liền mẹ ai nấy quần áo mớ ba mớ bảy bận đầm trăm rưỡi trăm sáu dập dìu tuôn về kinh. Hai mẹ con Cám cũng sửa soạn quần áo xúng xính cùng một “tâm hồn đẹp” đi trẩy hội. Thấy Tấm cũng háo hức muốn đi, mụ dì ghẻ mới lườm nguýt cho một phát, bảo Cám cầm ra mấy bao đậu hạt ngũ cốc organic mới order ở làng bên sáng nay:

– Khi nào mày ở nhà nhặt riêng hạt mè đen ra hạt mè đen, hạt é ra hạt é, hạt chia ra hạt chia thì mới được đi xem hội.

Nói đoạn, hai mẹ con ngúng nga ngúng nguẩy lên xe trâu nhà nuôi đi thẳng về kinh thành. Tấm tủi thân òa lên khóc. Bỗng từ góc nhà, một làn khói trắng tỏa ra, ẩn sau làn khói là vị Bụt phúc hậu hiền từ. Thấy Tấm vừa toan mở miệng, chưa kịp nói câu nào, Bụt đã sỗ sàng:

– Khóc khóc khóc lóc khóc hoài, khóc khóc khóc lóc khóc nhè, khóc ướt cái bánh tráng mè, bây ngồi bây khóc điếc tai quá nè.

– Ủa, Bụt gì kì vậy? Sao không hỏi tại sao con khóc? – Tấm bù lu bù loa.

Thấy Tấm khóc dữ quá Bụt mới tỏ ra “so deep”:

– Nè con gái, con nhìn xuống dưới chân con đi. Con có hai cái cẳng chân chứ đâu phải cái cây mọc rễ dưới đất, mắc mớ gì con cứ ngồi yên một chỗ cho số phận đưa đẩy vùi dập mình? Con sống gì mà bị động quá con ơi.

Giống như chế Tấm lỡ bước, không ít bạn đi làm chốn công sở hay mắc một lỗi nói ra thấy mà tức: lỗi bị động. Dưới đây là vài triệu chứng điển hình:

1. Em gặp vấn đề mà em hổng dám nói, vì nói ra em sợ đủ đường

Trường hợp này thường rơi vào những người hướng nội điển hình, ngại giao tiếp với sếp, với đồng nghiệp, cứ như nói ra là bị người khác ăn thịt mình vậy.

a. Nói ra thấy ngại

Mình đã từng gặp cùng một tình huống mà hai bạn nhân viên phản ứng hoàn toàn khác nhau ở khoản giao tiếp. Một bạn bàn phím laptop bị hư, bạn trình bày vấn đề đó lên với mình nên được mình hướng dẫn liên hệ bộ phận HR để được hỗ trợ đổi bàn phím khác. Vấn đề của bạn thế là được giải quyết.

Một bạn khác, một hôm mình có việc hướng dẫn trực tiếp và thao tác trên máy tính của bạn, mới phát hiện con chuột máy tính của bạn bị hư, dùng cứ cà giật và chậm vô cùng. Hỏi bạn chuột bị hư vậy lâu chưa? Bạn bảo cũng lâu rồi, ủa vậy sao không báo bên HR nhờ đổi lại con chuột khác? Bạn im lặng, bảo vì ngại nên không dám nói.

Chỉ một chuyện nhỏ thôi, cách hành xử khác nhau sẽ dẫn tới kết quả khác nhau. Nếu bạn gặp vấn đề khó khăn, cản trở công việc thì phải tìm sự giúp đỡ ở đúng người, đúng bộ phận. Bạn không nói ra thì ai biết mà giúp? Rồi vấn đề vẫn nằm chình ình ở đó ngày này qua tháng nọ khiến quá trình làm việc trở nên trì trệ, hiệu suất cũng bị giảm đi.

b. Nói ra sợ bị chửi… ngu

Một số bạn thì sợ nói chuyện với sếp như sợ cọp. Có vài lần mình thấy một bạn hướng nội trong team, muốn hỏi mình một chuyện gì đó, rõ ràng là mình thấy bạn đang đánh máy (khung chat hiện bạn đang typing…), nhưng sau đó thì bạn lại im ru luôn không dám hỏi nữa. Đôi lúc trong quá trình làm việc gặp một vấn đề gì đó phát sinh hoặc chưa chắc chắn thông tin cần phải xác nhận lại với sếp, thay vì đi hỏi (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho rõ ràng thì nhiều bạn lại lựa chọn… im lặng, rồi sau đó tự làm theo chủ kiến cá nhân, không dám hỏi sếp, sợ làm phiền sếp, sợ bị chửi hỏi ngu.

Kết quả là sai một li đi một dặm. Việc tự quyết định mà thiếu thông tin và kinh nghiệm dễ dẫn tới làm sai be bét, đôi khi phải mất nhiều thời gian hơn làm lại từ đầu.

Sếp cũng là con người, có hỉ nộ ái ố, muốn không bị chửi hỏi ngu thì hãy học cách đặt câu hỏi khôn lanh hơn:

  • Không hỏi những chuyện mà thông tin đã quá rõ ràng hoặc có thể hỏi được từ người khác chứ không cần hỏi trực tiếp sếp.
  • Không hỏi những câu thiếu ngữ cảnh, thiếu dữ kiện để đưa ra câu trả lời.
  • Không hỏi những câu tối nghĩa mà người khác đọc nhiều khi không hiểu bạn đang muốn hỏi cái gì.
  • Không hỏi những câu mang tính tưởng tượng thái quá phi thực tế (tức trường hợp đó sẽ rất khó xảy ra trong thực tế nhưng cứ thích hỏi khó). Ai mượn bay cao bay xa?

c. Nói ra sợ bị la

Có một số vấn đề phát sinh trong công việc không ai lường trước được, cái hậu quả nhãn tiền là điều chắc chắn xảy đến. Nếu bạn chủ động báo cáo cho sếp mình sớm về hậu quả dự kiến sẽ xảy ra thì có thể sẽ khắc phục được phần nào dưới kinh nghiệm và sự chỉ đạo của sếp. Nhưng nhiều bạn vì sợ nói ra bị la, bị cho là làm không tốt, làm việc kém,… nên không dám nói rồi ém nhẹm luôn. Tới khi hậu quả xảy đến, khỏi phải nói cũng biết sếp nổi trận lôi đình như thế nào.

Rủi ro trong công việc là điều không ai muốn, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng thập toàn thập mỹ như những gì ta mong đợi hay dự kiến. Cho nên khi phát hiện thấy mầm mống của hậu quả, hãy sớm san sẻ vấn đề với sếp để cùng nhau tìm hướng khắc phục.

d. Không biết nói sao nên khỏi nói

Có vài bạn ngộ kỳ đà ghê, người ta hỏi bạn một câu gì đó, cần bạn trả lời. Bạn chưa biết trả lời như thế nào cho đúng hoặc chưa đưa ra được đáp án liền, còn chờ suy nghĩ, thay vì trả lời dạ anh chị chờ em suy nghĩ thêm về việc này rồi sẽ phản hồi lại sau thì bạn lại lựa chọn im lặng. Cuối cùng là im luôn, và hi vọng người hỏi quên luôn vấn đề đó thì càng tốt.

Chỉ có người bị hỏi nghĩ người hỏi quên, chứ thật ra họ đâu có quên. Họ vẫn ghim câu hỏi ở đó. Việc không trả lời hay không thèm trả lời cũng là một hành vi thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người hỏi, đặc biệt với cấp trên của bạn.

2. Em thấy vấn đề mà em không dám làm, vì làm thì sợ bị chửi dở hơi

Có vài mẩu chuyện vui vui trên mạng về chuyện tuyển dụng nhân sự, chẳng hạn có nhà tuyển dụng kỹ lưỡng thường hay len lén để cái ghế bị lệch, để rớt cái kẹp tài liệu xuống dưới bàn, rải miếng rác ở dưới sàn rồi để ý xem ứng viên khi đi vào phỏng vấn có biết quan sát để chỉnh lại cái ghế, nhặt cái kẹp lên hay lượm miếng rác bỏ vào thùng rác hay không. Một hành vi nhỏ nhưng sẽ thể hiện được phẩm chất của một người, bởi chuyện nhỏ nhặt như vậy còn biết để tâm để ý thì tất nhiên làm việc cũng sẽ cẩn thận, kỹ lưỡng hơn những người tâm hơ tâm hớt.

Ở chốn công sở cũng vậy, có nhiều vấn đề nho nhỏ hiển hiện mỗi ngày nhưng nếu không ai chủ động làm thì nó sẽ trở thành chuyện cha chung không ai khóc. Ví dụ như, bình nước dùng chung hết nước, nếu mình thấy thì mình chủ động thay đi (hoặc nhờ bạn nam nào đó thay giùm nếu bạn là con gái), chứ không phải vì mình chưa có nhu cầu uống nước nên thôi cứ để đó ai sắp sửa uống thì thay. Rồi mình đi vô văn phòng, mình thấy rớt cọng rác ở dưới thảm, mà không phải mình làm rớt thì nhặt giùm cái đi, chứ sao cứ đi qua luôn vậy.

Đó chỉ là nói mấy chuyện nhỏ nhặt trong nếp sống nơi công sở, còn trong công việc cũng tương tự. Nhiều khi sếp hỏi một vấn đề trong group chat chung, nếu có liên quan trực tiếp tới mình hoặc mình có biết thông tin về việc đó (tuy không liên quan) thì đứng ra trả lời hoặc lãnh nhiệm vụ giải quyết vấn đề đó đi. Cơ hội để thể hiện năng lực là những lúc đó chứ đâu, ấy vậy mà có những bạn thấy sếp hỏi xong cứ im im né né theo kiểu ối giời ơi chuyện không liên quan tới mình thì lên tiếng làm gì, ai rảnh thì đi xử lý đi, việc gì mình phải nhận vơ vào cho mệt người.

Ừ, đi làm không mệt thì về nhà đi ngủ luôn 16 tiếng mỗi ngày cho sướng.

Quay lại chuyện chế Tấm ngồi khóc hu hu bên mớ ngũ cốc organic, nghe Bụt xổ một tràng nãy giờ xong, Tấm nhìn Bụt ngơ ngác:

– Rồi giờ con sao Bụt, làm sao lựa mấy hạt mè hạt é hạt chia này ra?

– Đưa ta 500K đi con.

– Chi vậy Bụt?

– Tiền đặt câu hỏi ngu 300K, thối lại 200K ra chợ mua một bịch hạt chia, một bịch mè đen với một bịch hạt é đổ vô 3 cái thau riêng. Còn mớ hạt tè le này hốt lại nấu chè ăn đi. Thôi ta thăng đây.

*Bài viết có sử dụng tư liệu hình ảnh từ bộ phim “Tấm Cám: chuyện chưa kể” – đạo diễn Ngô Thanh Vân

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

3 bình luận

  1. Hay quá Linh ơi!!! Đừng nói là mấy em mới ra trường, tui đi làm cũng một thời gian rồi mà khi đọc cũng tự thấy xấu hổ vì nhìn thấy chính mình trong đó, lớn tuổi mà chẳng trưởng thành!!!

    Nhiều khi đi làm, việc chẳng có gì áp lực hay mệt mỏi, nhưng stress, bức bí, ngột ngạt cũng do chữ “sợ” vô hình mà do chính bản thân mình tạo ra. Như thời gian qua, công việc kết quả chẳng tới đâu, ngoài do năng lực còn nhiều thiếu sót thì việc “bị động” trong trao đổi với quản lý cũng là nguyên nhân khiến bản thân đâu đầu.

    Cảm ơn Chơn Linh nhé! Sẽ note lại để nhắc nhở bản thân từng ngày. Ừ thì đi làm thuê, nhưng đâu có xin xỏ của ai, chẳng gì phải “sợ” ông nhỉ?

  2. Đi làm công sở nửa năm, em thấy đông cảm với bài viết này ghê.

    Hồi mới chập chững đi làm, e luôn gồng mình và cố tỏ ra cứng cáp, để chứng minh rằng việc gì cũng có thể tự giải quyết, vậy nên em cũng không nhờ hay hỏi ai khi gặp vấn đề. Thế rồi lâu dần em hiểu mình không cần “giấu dốt” nữa, không biết thì hỏi thôi, có gì đâu phải sợ, nhỉ?

    Cám ơn anh về bài viết ^^

    • Chơn Linh Phản hồi

      Series này anh viết khoảng 20 tập, đang đăng tải dần, em có thể theo dõi thêm nhiều vấn đề khác nơi công sở hen 😀

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải