Truyện xưa truyền kỳ mạn lục kể rằng, có người thiếu phụ nết na, thùy mị tên là Thị Nết lấy chồng là chàng Sơn cùng làng ở huyện Nam Xương. Cả hai nổi danh khắp huyện là cặp vợ chồng son như đôi chim cu lúc nào cũng tình chàng ý thiếp mặn nồng. Khi Sơn được lệnh triều đình gọi đi tòng quân, Thị Nết đã mang thai và sắp đến ngày sinh.

Một năm sau chàng Sơn trở về, Nết đã là người con gái một con trông mòn con mắt, làm bao nhiêu trai làng suốt ngày nhòm ngó. Khi Sơn về thì con trai chàng đã bập bẹ biết nói, nhưng bố giơ tay định bế thì thằng bé không chịu, bảo ứ ừ bố tối mới đến cơ không phải bố này. Sơn gặng hỏi con thì mới biết được tối nào “bố” của con mình cũng đến, mẹ đi đâu bố ấy đi theo đó, mẹ nằm thì bố ấy cũng lên giường nằm với mẹ.

Nghe tới đây máu “Hoạn Thư” của Sơn nổi lên, chàng nổi giận đùng đùng cãi nhau với Thị Nết, nồi niêu chén bát trong nhà bị chàng đập vỡ tanh bành. Bà con láng giềng làng trên xóm dưới chiềng làng chiềng chạ thượng hạ Tây Đông kéo nhau tới hít drama vì lâu lâu mới có dịp xôm tụ vậy. Chơn Linh là bô lão trong làng nên cũng tới hóng chuyện, xem hai vợ chồng cãi lộn từ lúc trưa trời trưa trật cho tới chập chiều choạng tối.

Lúc này trời cũng tờ mờ tối, Chơn Linh mới thắp ngọn đèn dầu lên cho sáng để bà con ngồi coi cho rõ. Ai dè vừa thắp đèn lên thì thằng cu Tí mừng rỡ chỉ cái bóng trên tường:

– Mẹ ơi bố đến kìa. Sao hôm nay có nhiều bố quá vậy mẹ?

Nghe tới đây cả Sơn và Nết đều sững người khi vỡ lẽ ra câu chuyện. Hóa ra người “bố” cậu bé nhắc tới là cái bóng trên vách tường chứ không phải nàng Nết gian díu với ai. Bà con khi thấy drama hạ màn thì cũng lũ lượt giải tán ai về nhà nấy. Ơn giời là nàng Nết không nghĩ quẩn đi gieo mình xuống sông tự tử, và từ đó gia đình chàng Sơn nàng Nết sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Từ dạo ấy, người đời sau vẫn hay truyền tụng nhau hai câu: “Cái Nết đánh chết cái đẹp”“Tốt gỗ hơn tốt nước Sơn”.

Xuyên không về thế kỷ 21, chàng Sơn nếu đi làm nơi công sở sẽ dễ mắc phải một lỗi gọi là lỗi một chiều.

Triệu chứng lỗi một chiều

1. Lỗi một chiều tiêu cực

Trong câu chuyện kể trên, chàng Sơn chỉ tiếp nhận thông tin một chiều từ con trai mình nên mới nổi nóng tức giận. Đối diện với thông tin này, lẽ ra chàng Sơn phải bình tĩnh hỏi chuyện nàng Nết cho ra lẽ để xem vợ mình giải thích như thế nào. Tuy nhiên, lời của nàng Nết cũng chỉ là chiều của người trong cuộc, chưa đủ khách quan, vì thực tế nàng có thể ngoại tình thật nhưng lại chối không nhận. Lúc đó, chàng Sơn cần phải điều tra thêm từ những nguồn tin khách quan khác như hàng xóm xung quanh để thu thập đủ thông tin cần thiết rồi mới nhận định được.

Lỗi một chiều cũng do hai yếu tố sau mà ra:

  • Đối tượng chia sẻ thông tin là người mà ta tin cậy nên họ nói gì ta cũng dễ tin ngay mà không cần kiểm chứng.
  • Việc đi kiểm chứng lại thông tin tương đối mất thời gian, phiền phức nên ta chọn cách dễ dàng là tin ngay và luôn mà không cần phối kiểm làm gì.

Một lần nọ, trong group chat của cấp quản lý mình thấy hai bạn giám đốc đang chat với nhau về chuyện một nhân viên của bạn Giám đốc Nội dung sử dụng quỹ cá nhân để mua sản phẩm của công ty nhưng lại không email báo về bộ phận HR của bạn Giám đốc Nhân sự. Theo chính sách của công ty, nhân viên nào muốn sử dụng quỹ cá nhân (mỗi tháng đi làm sẽ được tặng 1 triệu trong quỹ) thì phải email cho sếp trực tiếp, CC email cho HR để được sếp duyệt. Sở dĩ bạn Giám đốc Nhân sự biết được việc này là vì một bạn Sales Manager thuộc team Sales mình quản lý báo cáo lại, do mình đang giao cho bạn nhiệm vụ kiểm tra lại các hợp đồng nội bộ trong công ty và vấn đề phát sinh này liên quan tới bộ phận HR.

Khi tiếp nhận thông tin, bạn Giám đốc Nhân sự mới phản hồi lại vấn đề với Giám đốc Nội dung để làm việc lại với cấp dưới của mình cho rõ ràng. Sau đó, bạn Giám đốc Nội dung này mới trực tiếp tới hỏi bạn nhân viên kia, và cuộc nói chuyện đi đến mâu thuẫn khi hai bên đều khá to tiếng với nhau. Bạn nhân viên thì hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra; còn bạn Giám đốc Nội dung tưởng rằng bạn này gian lận thật nên cứ đứng trên góc độ đó mà quy kết lỗi cho bạn nhân viên là vượt quyền, tự ý dùng quỹ cá nhân mà không xin phép,…

Trong tình huống căng thẳng đó, bản thân mình cũng gián tiếp có liên quan vì nguồn cơn mọi chuyện đến từ thông tin cấp dưới của mình báo cáo cho bạn Giám đốc Nhân sự nên mình phải tìm hiểu lại từ ngọn về gốc để truy tìm bản chất của vấn đề. Tiến trình sự việc có thể tóm gọn vài dòng như sau:

  • Bạn Sales Manager kiểm tra hệ thống CRM (quản lý khách hàng) nội bộ và phát hiện một ghi chú giao dịch trên hồ sơ của nhân viên kia là bạn ấy có quy đổi số tiền trong quỹ cá nhân để mua trả góp một sản phẩm của công ty.
  • Bạn Sales đã note ghi chú đó hiện tại đã nghỉ việc, sau đó chưa có bạn Sales nào tiếp nhận ca này và follow up việc trả góp của bạn nhân viên này.
  • Tra cứu trên hệ thống trả góp cho thấy, bạn Sales cũ chỉ mới tính công thức trả góp cho bạn nhân viên để bạn này nắm rõ về lộ trình trả góp, còn thực tế chưa được áp dụng. Như vậy ghi chú đó chỉ là note công thức trả góp vào hệ thống để lưu trữ.

Khi truy vấn về ngọn như trên thì mình hiểu được rằng cả bạn Sales cũ đã nghỉ việc lẫn bạn nhân viên kia đều không hề gian lận. Vấn đề nằm ở lỗ hổng thông tin khi truyền đi giữa các bên.

Bạn Sales Manager là người phát hiện vấn đề, nhưng vấn đề nằm ngoài quyền hạn của bạn vì đương sự liên quan do Giám đốc Nội dung quản lý còn chính sách do Giám đốc Nhân sự quản lý. Bạn Sales Manager đã làm đúng chức trách là báo cáo lại vấn đề với Giám đốc Nhân sự để kiểm tra xem bạn nhân viên kia có từng email tới HR để xin phép sử dụng quỹ cá nhân chưa. Lỗi của bạn là chưa làm rõ với Giám đốc Nhân sự rằng bạn chỉ nghi vấn điểm này và cần xác minh, chứ không phải là kết luận bạn nhân viên kia gian lận.

Bạn Giám đốc Nhân sự khi tiếp nhận báo cáo vấn đề, ở vai trò của bạn lẽ ra phải kiểm tra kỹ lưỡng mọi thông tin và trao đổi với bạn nhân viên kia để làm rõ chân tướng sự việc, nhưng bạn lại lựa chọn tin theo bạn Sales Manager mà không cần kiểm chứng. Cơ bản bạn Sales Manager trên cũng là một bạn có uy tín trong công ty nên khó tránh khỏi việc Giám đốc Nhân sự đặt lòng tin hoàn toàn vào bạn.

Bạn Giám đốc Nội dung là điểm cuối của chuỗi domino bị đổ cũng vì đặt lòng tin vào hai bạn ở trên nên đi đến kết luận mà không cần kiểm chứng, và khi kiểm chứng cũng với tâm thế cáo buộc nhân viên của mình làm sai nên mới dẫn đến kết cục là hai bên to tiếng với nhau.

Tình huống trên là ví dụ điển hình về lỗi một chiều tiêu cực, hậu quả xảy đến bao giờ cũng nghiêm trọng khi có thể gây tổn thương cho một người hoặc phá vỡ một mối quan hệ. Lỗi một chiều cũng khiến ta hiểu lầm về đối phương mà thậm chí còn không cho họ cơ hội để giải thích.

Có bạn đọc đến đây sẽ thắc mắc, vì sao có những người đã lên đến vị trí Manager hay Director mà vẫn bị “dính chưởng” bởi lỗi một chiều? Trong khi Chơn Linh cũng cùng cấp với họ nhưng lại có thể nhìn ra những chuyện họ-không-biết-là-họ-không-biết?

Bất cứ nghề nghiệp nào cũng sẽ luyện cho bạn một mindset nhất định. Làm càng lâu thì sẽ tích lũy được càng nhiều vốn quý. Như mình vốn xuất thân từ dân Báo chí, tuy ra trường không đi theo nghề báo nhưng mình luôn cảm thấy biết ơn nghề báo vì đã dạy cho mình mindset làm việc bằng “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh” hay “một nửa ổ bánh mì vẫn là ổ bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Những nghiệp vụ báo chí được đào tạo trong quá trình đi học và thực tập giúp mình cẩn trọng hơn trong việc kiểm tra lại nguồn tin, phải biết phối kiểm thông tin khi nghe qua nhiều lớp, xác định mức độ tin cậy của nguồn tin là bao nhiêu để lựa chọn tin hay không tin.

Nhiều bạn khác không được rèn luyện mindset đa chiều này (hoặc thậm chí không nhận thức được) nên sẽ có xu hướng hành xử theo bản năng (thói quen) là nghe ai đáng tin nói thì tin ngay thay vì dùng kỹ năng để phân tích và bóc tách vấn đề, kiểm chứng rồi mới đưa ra kết luận. Dĩ nhiên những bạn Director kể trên cũng có những mindset chuyên môn chuyên biệt của họ mà mình không có được, mỗi người đều sẽ có một thế mạnh riêng.


2. Lỗi một chiều tích cực

Ở chiều hướng ngược lại, lỗi một chiều cũng xảy ra theo hướng tích cực, tức thông tin bạn tiếp nhận được hoàn toàn tích cực nhưng về bản chất nó vẫn một chiều. Như có lần mình hỏi một bạn nhân viên Content đã xử lý xong nhiệm vụ đăng các bài cảm nhận khách hàng lên website chưa (khoảng gần cả 100 bài)? Bạn bảo đã làm xong hết rồi, lúc ấy mình cũng bận và do tin tưởng bạn nên xem như nhiệm vụ đó đã xong. Ai ngờ một thời gian sau vô tình mình kiểm tra lại hệ thống mới phát hiện bạn chỉ đăng 2/3, số còn lại bạn vẫn để đó chưa hoàn tất nhưng lại báo cáo đã làm xong hết rồi.

Đôi lúc, nếu quá tin tưởng nhân viên hay đồng nghiệp của bạn mà không có hình thức double-check (kiểm tra lại lần nữa – yêu cầu người đó tự rà soát lại) hoặc crosscheck (kiểm tra chéo – nhờ người khác hoặc chính bạn kiểm tra lại) thì sẽ có hai kết quả xảy ra:

  • Nhân viên/đồng nghiệp làm ẩu và bạn không phát hiện cái ẩu đó.
  • Nhân viên/đồng nghiệp gian lận và báo cáo khống.

Để làm việc khách quan thì đừng bao giờ dựa trên niềm tin tuyệt đối mà phải dựa trên cơ sở xác thực, bởi những người bạn tin tưởng nhất cũng sẽ có lúc lợi dụng lòng tin đó của bạn, đến lúc bạn phát hiện thì có khi lại cảm thấy tổn thương rồi thất vọng vì bị phụ lòng tin thì không đáng.

Trong một số trường hợp, khi sự việc rơi vào vùng xám (vùng mập mờ giữa trắng và đen, không thể phân định rõ tính đúng sai) thì lúc ấy niềm tin mới nên là một lựa chọn – là bạn chọn có tin đối phương hay không chứ không có cơ sở nào rõ ràng để đưa ra quyết định.

Ở góc độ quản lý, tất nhiên không phải bất kỳ task nào bạn giao cho nhân viên thì cũng phải đích thân đi kiểm tra kỹ lưỡng từng task một, như vậy thì mất thời gian, công sức và cũng không khác gì như bạn tự làm.

Thông thường, đối với một nhân viên mới, mỗi quản lý sẽ có hình thức test khác nhau để kiểm tra mức độ trung thực và tin cậy của nhân viên. Thời gian đầu có thể quản lý sẽ kiểm tra rất gắt gao để đảm bảo nhân viên làm đúng, làm đủ và không gian lận, nhưng sau đó khi độ tín nhiệm đã cao thì quản lý có phần sẽ nới lỏng hơn và để nhân viên tự chịu trách nhiệm hoàn toàn công việc của họ.

Ở quá trình sau đó, bạn giao 5 việc cho nhân viên thì chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên 1-2 việc để đảm bảo nhân viên có vừa đủ không gian… để thở nơi công sở nhưng cũng không dám lười hay làm ẩu vì có thể bị bạn “chiếu tướng” ngay bất cứ lúc nào. Người quản lý không nên quá “vạch lá tìm sâu” vừa mệt mình mà còn mệt nhân viên. Cương nhu vừa phải cũng là một nghệ thuật quân bình trong đạo của người làm quản lý.

Hóa giải lỗi một chiều:

  • Khi tiếp nhận thông tin một chiều trong công việc, tìm xem nguồn tin gốc bắt nguồn từ ai và có liên quan đến những nhân sự nào? Phối kiểm thông tin với các bên liên quan để làm cho rõ ngọn ngành vấn đề. Đối chất giữa các bên nếu cần thiết nhằm xác định tính đúng sai phải trái trong câu chuyện rồi mới đi đến kết luận.
  • Thuộc nằm lòng khẩu quyết “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh” để tỉnh táo đánh giá chất lượng thông tin độ tin cậy của nguồn tin (con người) mình tiếp nhận. Tin thôi chứ đừng tin quá vào một người, và phải luôn có hình thức double-check hoặc crosscheck để phòng ngừa.

***

Trong câu chuyện truyền kỳ mạn lục về chàng Sơn nàng Nết, vì câu chuyện chỉ mang tính chất hư cấu nên hiểu lầm mới được hóa giải và cả hai mới có happy ending. Nhưng trong bản gốc “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, kết cục thì ai có học qua bậc giáo dục phổ thông đều biết, người thiếu phụ Vũ Nương phải trầm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn để lấy cái chết minh oan cho mình.

Một câu chuyện mà mấy trăm năm sau đọc lại vẫn thấy buồn, chỉ vì lỗi một chiều của người chồng Trương Sinh.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ nhiều hơn trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.