Trong quá trình hơn 5 năm làm việc chốn công sở, đi từ vị trí một nhân viên bình thường (executive) đến vị trí quản lý cấp cao (director) ở cùng một tổ chức, mình có cơ hội được làm việc với nhiều bạn trẻ ở các phòng ban khác nhau, tốt nghiệp từ các trường đại học khác nhau, có tư duy và tính cách hoàn toàn khác nhau. Công sở ví như một ngôi trường thu nhỏ mà ở đó kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của bạn sẽ thể hiện bạn đang theo học ở cấp bậc nào – mẫu giáo, tiểu học, trung học hay đại học?
“Cấp bậc” ở đây không phải title (chức danh) của một người trong công việc, mà là tư duy, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của họ ở môi trường công sở. Title công việc của một người có thể cao nhưng “cấp bậc” thật sự trong công sở của họ chưa chắc đã tương xứng. Bởi lẽ, họ có thể leo lên vị trí đó nhờ quan hệ theo kiểu “con ông cháu cha”, hoặc đơn giản vì họ là một trong những người đồng hành cùng các nhà sáng lập thời gian đầu khi mới khởi nghiệp nên khi công ty đi vào hoạt động ổn định thì tự nhiên họ có sẵn vị thế trông công ty.
Hệ thống “cấp bậc” nơi công sở được mình phân chia như sau:
- Mẫu giáo: Sinh viên còn đi học hay mới ra trường. Tư duy như một tờ giấy trắng, kỹ năng hầu như không có, và kinh nghiệm là con số 0 tròn trĩnh.
- Tiểu học: Sinh viên đã có kinh nghiệm đi thực tập 1-2 công ty hoặc người mới đi làm khoảng 1-3 năm. Tư duy như một tờ giấy đã có vài nét chữ, mà chữ này do những người sếp đầu tiên dạy cho; kỹ năng công sở đã có cơ bản, biết giao tiếp, biết làm việc nhóm nhưng chưa thành thục; và kinh nghiệm thì mới ở mức độ quen việc.
- Trung học: Người đã đi làm được 3-5 năm. Tư duy như một tờ giấy chi chít chữ, chữ này chồng lên chữ kia do những người sếp có mindset khác nhau dạy cho; kỹ năng đã ở mức độ thành thục; và kinh nghiệm làm việc ở mức độ thạo việc nhưng vẫn còn bị mắc kẹt trong những khuôn khổ nhất định chứ chưa đạt đến hiệu suất và hiệu quả mà sếp kỳ vọng.
- Đại học: Người đã đi làm từ 5-10 năm trở lên. Tư duy của họ như một tờ giấy chi chít chữ, nhưng chữ nào ra chữ đó, hàng nào ra hàng đó thẳng thớm, chỗ cần đôi bậm sẽ bôi đậm, chỗ cần highlight sẽ được highlight đúng màu; kỹ năng đã ở mức độ chuyên nghiệp thượng thừa; và kinh nghiệm làm việc có thể khiến họ nhìn thấy được những mô thức và khuôn mẫu diễn ra trong dòng chảy của tổ chức để biết khi nào nên nương theo dòng chảy, khi nào nên đối đầu với dòng chảy đó.
Trong hệ thống “cấp bậc” kể trên, biến số thời gian chỉ là một con số mang giá trị tương đối. Ở đây, mình nêu ra một mốc thời gian tương đối để bạn đọc dễ hình dung, nhưng trong thực tế, một người có thể đi làm 5-10 năm nhưng cấp bậc thật sự của họ chỉ mới ở level tiểu học hay trung học chứ chưa tới được level đại học. Đây cũng là một sự thật phũ phàng trong nhiều tổ chức ở Việt Nam hiện nay, nhiều người đi làm chỉ tích lũy số năm làm việc qua thời gian, chứ tư duy – kỹ năng – kinh nghiệm của họ là… bất biến.
Sự khác biệt giữa một người mới ra trường đi làm và một người đã đi làm lâu năm, từng trải qua nhiều môi trường công sở khác nhau cũng giống như sự khác biệt về mặt nhận thức giữa một học sinh mẫu giáo/tiểu học với một học sinh trung học/đại học. Thực tế là, việc bạn đã đi làm lâu năm và làm ở nhiều công ty khác nhau không đồng nghĩa với việc bạn đã đạt tới level trung học/đại học nơi công sở, nếu bạn vẫn thường xuyên bị sếp nhắc nhở và trách phạt, hay vẫn gây ra vô số lỗi trong công việc.
Khi bước ra đời đi làm, tất cả mọi người đều phải đi qua một lộ trình giống nhau – làm sai, sửa sai, học đủ các bài học cần phải học để trưởng thành nơi công sở. Cùng một giáo trình học nhưng sẽ có hai kết quả đầu ra khác nhau:
- Bạn làm sai, bạn ý thức mình sai, bạn được chỉ cho lỗi sai, bạn sửa sai, và bạn không lặp lại lỗi sai đó nữa. Xin chúc mừng, bạn đã vượt qua bài kiểm tra chốn công sở và khi tích lũy đủ điểm và độ chín muồi theo thời gian thì bạn sẽ tốt nghiệp!
- Bạn làm sai, bạn ý thức mình sai, bạn được chỉ cho lỗi sai, rồi bạn lại tiếp tục sai lỗi đó nữa. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, nhưng bạn là ngoại lệ!
Trong series Trưởng Thành Nơi Công Sở này, lần lượt mình sẽ đưa ra các nhóm lỗi giao tiếp – kỹ năng – tư duy cơ bản của người trẻ khi mới đi làm để từ đó phân tích, mổ xẻ nhằm giúp những bạn sinh viên sắp sửa vào đời hoặc những bạn đã đi làm công sở một thời gian biết được đâu là những lỗi sai cần phải tránh. Tuy phân thành ba nhóm lỗi như trên nhưng tựu trung lại lỗi tư duy vẫn là nền tảng cốt lõi, vì tư duy (mindset) là nguồn gốc của mọi hành vi.
Giống như định luật Pareto 80/20, khi bạn biết được 20% lỗi sai cần phải tránh là gì, bạn chỉ cần né được 20% lỗi này thì tự khắc 80% còn lại bạn sẽ luôn làm đúng. Và có làm đúng thì mới cho ra được kết quả đúng. Đa số chúng ta luôn muốn phát triển hơn trong công việc của mình và đi xa hơn so với vị trí hiện tại, nhưng hầu hết chỉ mới dừng lại ở việc tập trung vào xây dựng thói quen tốt mà quên mất việc tập loại bỏ dần từng thói quen xấu. Chính các thói quen xấu này (lỗi tư duy) sẽ cản trở con đường phát triển của bạn, kéo bạn thụt lùi lại và đi chậm hơn rất nhiều để đến đích.
Khi một người ở level mẫu giáo/tiểu học có một tư duy kém, thì dù cho người đó nhảy việc từ công ty này sang công ty khác, họ vẫn và sẽ luôn là một người chuyên “tạo nghiệp” nơi công sở – gây ra vô số vấn đề, đặt ra vô số cái bẫy trong môi trường làm việc và làm khổ sở đời sống văn phòng của nhiều người khác. Một công ty tập hợp càng nhiều đối tượng như thế thì bộ máy sẽ càng quan liêu, trì trệ và ì ạch, không thể nào tiến lên được và chuyện phá sản giải thể chỉ là sớm hay muộn.
Khi chắp bút viết series Trưởng Thành Nơi Công Sở này, mình hy vọng:
- Các bạn nhân viên sẽ nhận diện được đâu là những lỗi bạn thường xuyên mắc phải mà ngay chính bạn cũng không ý thức được.
- Các nhà quản lý sẽ hệ thống được các nhóm lỗi mà nhân viên của mình hay gặp phải để có phương án hướng dẫn và đào tạo cho phù hợp, từ đó cải thiện được hiệu suất lẫn hiệu quả làm việc chung của đội nhóm.
- Các bạn trẻ mới ra trường hay những người đã đi làm lâu năm có sự giác ngộ và tỉnh thức về những “nghiệp căn” mà mình đã tạo ra trong quá khứ hay hiện tại, để hướng tới sự thay đổi và phát triển tốt hơn về mặt nhận thức lẫn tư duy để… “đắc đạo” nơi công sở.
- Công sở sẽ có thêm nhiều nhà quản lý, lãnh đạo ở level đại học để nhân viên được nhờ, người người đi làm được vui.
Lời tác giả
“Những tình huống nơi công sở được đưa ra trong series đều dựa trên các tình huống có thật ngoài đời, nhưng các nhân vật sẽ được ẩn danh hoặc thay đổi danh tính. Xin chân thành gửi lời cảm ơn đến những nhân vật đã góp mặt trong series này cùng những mẩu chuyện công sở thú vị từ những người bạn của tác giả.
Nếu người quen của tác giả có thấy bóng dáng của mình trong series, xin cũng đừng buồn lòng mà hãy vui mừng vì câu chuyện của bạn sẽ giúp ích được cho rất nhiều người tốt nghiệp kỳ thi công sở của họ.
Các câu chuyện mở đầu ở mỗi tập được tác giả cải biên và phóng tác từ kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung. Một số câu chuyện sẽ được cường điệu hóa nhằm mục đích giải trí và tô đậm chủ đề chứ không cố ý xuyên tạc hay bôi bác lịch sử, văn hóa dân tộc.”
Chơn Linh