Khi nhớ về Sài Gòn, mình thường nhớ về món bánh tráng cuốn, cũng như khi nghĩ về Phan Thiết sẽ nhớ về món mì Quảng quê nhà. Nhớ thời điểm vào Sài Gòn thi Đại học, mình ở một motel nhỏ khu phố Tây Bùi Viện, sát ngay bên điểm thi và chợ Bến Thành. Năm ấy mình đi với dì mình, hai dì cháu buổi tối đi bộ ra khu chợ Bến Thành để ăn uống. Lúc về đi ngang cổng trường THPT Ernst Thaman, thấy có bán món bánh tráng cuốn khá lạ nên mua ăn thử, vì ở Phan Thiết chỉ bán bánh tráng nướng mắm ruốc hoặc bánh tráng trộn, chứ chưa thấy món bánh tráng cuốn lại rồi trộn như ở Sài Gòn.
Bánh tráng cuốn ở đây là món bánh tráng đỏ, cuốn với trứng cút và một số nguyên liệu của bánh tráng trộn như xoài, rau răm, gia vị… rồi cắt thành từng miếng nhỏ trong hộp xốp. Sau đó, người bán sẽ xịt bơ và rắc chà bông lên phía trên. Lần đầu tiên ăn món này mình bị ghiền luôn, tới nỗi sang tối hôm sau te te chạy ra mua ăn tiếp, nhưng nhọ nhất là sáng hôm sau đang thi môn Địa thì có một sự đau bụng nhẹ, cũng may thi gần xong nên không ảnh hưởng gì nhiều.
Vô Sài Gòn, bẵng đi tới 3 năm trời, tới khi chuyển sang khu Bình Triệu, mình mới tái ngộ lại món này qua xe bánh tráng trộn của một chị bán ở đầu ngõ vào buổi chiều tối. Dù đã kinh qua món bánh tráng trộn nổi tiếng ở Hồ Con Rùa hay đã ăn ở một số hàng quán khắp nơi ở Sài Gòn, với mình, chưa có chỗ nào bán ngon bằng chị này. Xe bánh tráng của chị thường đậu trước khu xí nghiệp, chủ yếu bán cho công nhân và người dân ở các khu chung cư gần đó giờ tan tầm.
Hai món mình hay mua nhất là bánh tráng cuốn và bánh tráng trộn, gia vị chị nêm rất vừa miệng, ăn một lần là nhớ hoài hoài. Điều mình thích nhất ở chị là “nghệ thuật bán hàng” mà bạn sẽ không tìm thấy ở bất cứ xe bánh tráng trộn nào khác, đó là chị bán hàng rất có tâm. Dù ai tới khi cũng nở một nụ cười rất tươi niềm nở đón tiếp và hỏi khách ăn gì, có dặn dò gì hôn. Làm xong gửi bịch bánh cho khách bao giờ cũng kèm câu cảm ơn và một nụ cười chân thành. Khi chị cười, khóe mắt có nếp nhăn – trong ngôn ngữ cơ thể thì đây là điều biểu hiện nụ cười chân thật, thật lòng chứ không phải giả lả.
Có lần xe vắng khách, mình hỏi thăm mới biết chị dân miền Tây, ở An Giang lên Sài Gòn cũng hơn chục năm rồi, mà vẫn chưa mua được nhà ở đây (chị cười). Ban đầu mình cứ ngỡ chị đã lập gia đình rồi vì nhìn thấy cũng ở độ tuổi trung niên, nhưng không ngờ chị vẫn độc thân, sống cùng các anh chị của mình ở một khu trọ gần đó. Hồi xưa chị lên Sài Gòn làm công nhân, sau mới chuyển qua học nghề làm bánh tráng trộn rồi bán tới giờ. Cái nghề này chị được truyền từ chị gái của mình, chị gái của chị phải học từ một người khác có thâm niên bán bánh tráng lâu năm với mức học phí 4 triệu mà năn nỉ gãy lưỡi mới được nhận làm đệ tử. Nói trả phí vậy chớ sư phụ vẫn giấu nghề, chỉ dạy một số cái, còn lại chị vẫn phải tự mò. Xong rồi chị gái mới truyền lại bí kíp cho chị để chị em cùng đi bán.
Chị kể, có một nhỏ em quen chơi chung nhóm bạn, nhỏ này cũng làm công nhân như chị hồi xưa. Nghe đâu nó đổ bệnh, không làm việc nặng nhọc được, chỉ biết bất lực ở nhà. Sau đó nó năn nỉ nhờ chị truyền nghề cho để đi bán bánh tráng trộn kiếm kế sinh nhai. Chị cũng nhiệt thành không câu nệ gì mà truyền hết bí kíp chứ không giấu nghề gì cả. Bây giờ, nhỏ đó bán bánh tráng trộn nức tiếng khu An Sương, xe của nó lúc nào cũng tấp nập người mua.
Hổm rày, đứng mua bánh tráng, nghe chị nói chuyện điện thoại với bạn nên nhiều chuyện nghe lỏm. Bạn chị gọi điện mượn tiền, nhưng chị không có, vì dạo này anh ba ở nhà đang nằm viện phải chạy đi chạy về lo thuốc thang cũng hết sạch tiền. Có bữa, cô bạn mới chuyển sang “tân gia” ở phòng trọ mới, rủ chị xuống chơi. Chị bảo cũng chưa chắc có đi được không, vì cuối tuần phải ở nhà lo làm bánh tráng theo đơn đặt hàng của khách. Nhưng chị cũng nhiệt tình hỏi thăm nhà cô bạn đang thiếu món gì để chị mua đem xuống làm quà.
Nhiều bữa đi học về trễ tầm 10 giờ, vẫn thấy chị đứng đó bán dưới ngọn đèn đường leo lét cho vài người khách đi làm về muộn ăn. Như hôm nay, dù trời mưa tầm tã, vẫn thấy chị kiên trì bận áo mưa đứng bán, để kiếm thêm chút tiền trang trải chuyện gia đình. Dù trời nắng hay trời mưa, dù ngày thường hay cuối tuần, lúc nào cũng thấy xe bánh tráng của chị ở đó. Có mấy bận không thấy chị đâu, hóa ra bên quản lý thị trường hay xuống lùng bắt mấy xe bán hàng rong nên chị không dám ra sớm, toàn ra trễ sau 7 giờ, mà như vậy thì mất khá nhiều khách. Mình hỏi, có lần nào chị bị bắt xe chưa, chị cười, may là tới giờ vẫn chưa bị bắt.
Sài Gòn dễ thương khi có những người như chị, và những bận thèm đồ ăn quê nhà thì có món bánh tráng của chị lót dạ lót lòng.