Dầu đi khắp bốn phương trời, có một món ăn chơi mà bất cứ bạn trẻ nào khi trở về Phan Thiết đều muốn ăn. Đó là bánh tráng nướng. Bánh tráng nướng bắt đầu xuất hiện ở Phan Thiết độ cách đây hơn 10 năm, sau đó từ từ du nhập vào Sài thành và trở thành một món ăn chơi khá thú vị và phong phú ở đây.
Người sáng tạo ra món này thì chẳng ai biết và cũng không có đăng ký thương hiệu sản phẩm, chỉ nghe phong phanh có một câu chuyện vui là: có một người trong ngày rảnh rỗi tận dụng một ít đồ ăn vặt trong nhà như bánh tráng mè, mắm ruốc, tương và hành mỡ để chế biến thành món bánh tráng nướng “nguyên thủy”. Và sau đó cái trào lưu này trở nên phổ biến, ai cũng có thể làm được vì những thức ăn này khá phong phú ở một thành phố biển như Phan Thiết. Câu chuyện vui này nó cũng gợi nhắc lại nguồn gốc ra đời của món mì Quảng, cũng từ những đồ ăn thừa trong nhà mà những người con đất Quảng biến tấu lại thành món mì trứ danh với một ít mì, một ít thịt kho trong nồi và nước thịt, chút bánh tráng và đậu phộng.
Điểm làm nên sự khác biệt lớn nhất của bánh tráng nướng Phan Thiết với các nơi khác nằm ở mắm ruốc. Ruốc là đặc sản của địa phương và mắm ruốc Phan Thiết đã nổi danh trước giờ. Tùy vào sự pha chế mắm ruốc khác nhau giữa các quán sẽ cho ra khẩu vị khác nhau, vì những thứ khác căn bản là giống nhau.
Cách chế biến món bánh tráng nướng cũng khá đơn giản, không quá cầu kì phức tạp. Bánh tráng để nướng phải là loại bánh tráng mè độ dày tương đối, và một điểm thú vị nữa là thị trấn Phú Long của tỉnh Bình Thuận cũng là nơi sản xuất ra nhiều loại bánh tráng phơi sương và bánh tráng mè đặc sản. Bánh tráng phết một ít mắm ruốc pha loãng trên mặt bánh, phết thêm một chút tương, thành phần nhân bánh gồm một ít đồ chua, hành mỡ, tóp mỡ hoặc tóp bánh mì và tùy theo yêu cầu của người ăn sẽ thêm vào trứng cút chín, sống hay chả, nem. Bánh tráng nướng có nhiều cách cuốn khác nhau, cách cuốn truyền thống là cuộn tròn như gỏi cuốn. Một số người thì thích gấp lại thành hình tam giác để dễ cầm và ăn được lâu hơn, có người thì để nguyên bánh như vậy nướng không cuốn lại mà nhâm nhi trên đĩa.
Một điểm khá đặc biệt nữa là, các quán bánh tráng nướng thường chỉ bắt đầu mở vào buổi chiều đến tối, ít có ai bán ban ngày. Và vì chiều tối là thời điểm khá thích hợp cho thú vui ăn uống của các bạn trẻ, nhất là tuổi học trò. Các quán bánh tráng nướng thì mở ra ngày càng nhiều nhưng những quán tiên phong luôn là chốn các bạn trẻ ghé đến nhiều hơn. Mỗi quán tuy có cùng nguyên liệu và cách chế biến nhưng cái khẩu vị tạo ra thì riêng biệt, không nơi nào giống nơi nào.
Dường như, món ăn chơi này không thích hợp cho những người đi một mình, và cũng không thú vị khi mua về nhà ăn. Nó phải ăn ngay tại quán, ăn chung với cả đám bạn bè mới đúng điệu. Nếu có thêm một chút mưa lạnh lạnh hay những trận rào rào làm bối cảnh nữa thì tuyệt cú mèo. Niên học cuối cùng của năm cấp ba, không nhớ hết có bao nhiêu lần đi ăn món này với bạn, quen đến nỗi giờ mỗi khi trở về Phan Thiết là lại hú nhau ra quán cũ.
Nhớ những ngày trời mưa đạp xe tầm tã, mình mẩy ướt nhẹp ngồi trong quán nhâm nhi bánh tráng, nghe hơi ấm từ bếp than đỏ hồng cứ tí tách lửa lan tỏa ra ngoài. Mùi bánh tráng nướng thơm phưng phức, chạy ngang qua quán nghe mùi đã thấy cảm giác thèm thuồng nơi đầu lưỡi. Cầm miếng bánh nóng hổi trên tay, cắn một miếng giòn tan cảm thấy bao nhiêu vị giác muốn chực trào và tan ra. Bánh tráng giòn giòn đôi khi nướng cháy xém, mùi ruốc và tương quyện vào nhau đậm đà, đồ chua trộn lẫn với hành mỡ beo béo, miếng chả hay nem sần sật, vị trứng béo ngậy cứ làm rạo rực bao người.
Nhớ món này ở quê mình, một thị trấn nhỏ cách thành phố Phan Thiết không xa. Khi ấy dưới phố trào lưu bánh tráng nở rộ thì trên đây cũng có người rục rịch mở những quán nho nhỏ lề đường bán bánh tráng nướng. Hồi ấy người ta không phết mắm ruốc, chỉ phết tương nhuyễn pha loãng nên gọi là bánh tráng tương. Cái vị của nó không đậm đà và ngon bằng dưới phố nhưng cũng nghiễm nhiên trở thành món ăn vặt quen thuộc của tuổi học trò xứ quê. Mỗi lần về quê chiều chiều mà nhạt miệng thèm ăn gì đó là mấy chị họ lại đi mua cả chục cuốn về phát mỗi người một cuốn nhâm nhi tán gẫu.
Nhớ câu chuyện vui của một người bạn, cả nhà mấy anh em đều học ở Sài Gòn, thèm bánh tráng nướng đến nỗi mới đi tàu lửa về tới Phan Thiết là bay ngay ra hàng bánh ăn cho đã đời rồi mới về nhà. Người bạn này chia sẻ, mấy anh em có thử nhờ người quen mua giùm nguyên liệu của cái hàng quen ấy đem vào để chế biến nhưng không tài nào y như ở quán bán được. Có lẽ, cái nguyên liệu ấy vẫn giống nhau, chế biến như nhau nhưng còn thiếu một chút gia vị – đó là không gian khi ta ăn và những người ta ăn chung. Đây là điểm khá quan trọng mà mãi sau này khi ta có đủ tiền bạc vật chất vẫn không thể mua lại được cái khẩu vị ngày xưa ta thèm.
Bánh tráng nướng – như một ngõ quen, một góc nhỏ nơi trái tim của những con người trẻ nơi phố biển. Gợi nhắc về khi mùa gió xôn xao và những ngày mưa khi xưa hò hẹn…