Hơn năm năm trời, chạy lại một con đường xưa, cảm giác của bạn sẽ như thế nào?

Với tôi thì lạ lắm, lạ mà quen, cứ như gặp lại cố nhân sau ngần ấy năm xa cách. Biết bao cảm xúc lại ào ạt ùa về. Con đường mòn nhỏ dẫn từ thành thị tới nông thôn, nơi miền quê xa ngái. Hồi ấy, mỗi cuối tuần hay những dịp được nghỉ tôi thường về ngoại chơi. Chị họ tan ca làm sẽ ghé nhà đón tôi và chở về trên cung đường ấy. Con đường tắt dẫn từ phố biển về miền nông thôn, và điểm dừng cuối con đường lại là nhà một người chị.

Còn nhớ hồi bé, khi trào lưu xếp hình mới rộ lên, đứa con nít nào cũng khoái mấy mảnh ghép bé tí tẹo có thể ghép lại thành một khung hình đẹp. Giá thành thời ấy chỉ ngàn rưỡi đến mấy ngàn một tấm, tùy loại lớn nhỏ. Có lần, tôi nằn nì đòi bà chị chở đi mua, chỉ đạp xe chở tôi bon bon qua con đường ấy, ghé mua mỗi đứa một tấm ghép hình ở một cái quán nhỏ xập xệ bên đường. Và sau gần mười mấy năm trời, đi ngang lại con đường xưa, tôi vẫn bắt gặp cái quán ấy nằm nghiêng nghiêng một góc bên đường. Cảm xúc thiệt khó nói nên lời.

Khi xưa, những lần chị họ chở tôi từ phố về ngoại đều là vào buổi chiều chập choạng tối, khi trời chuyển mình vào đêm. Những cảnh vật hai bên đường cứ từ từ tối sẫm lại rồi biến mất hẳn đi, chỉ còn lại ngày tàn và tiếng ếch nhái ễnh ương muỗi mòng kêu náo động. Dọc hai bên đường, tôi còn nhớ mang máng bóng dáng những ngôi chùa, mấy cái trường tiểu học trung học con con, mấy cái am bé tí tẹo rồi có một nơi gọi là mộ quan thái giám. Điểm thu vào tầm mắt tôi trên cung đường này là một con sông chạy dài bên hông, lúp xúp mấy nhà bên mé sông và những chiếc thuyền con lững lờ neo bến. Ráng chiều, nắng cứ vương trên sông lấp lóa thành từng đợt sóng ánh sáng tràn về. Nay trở về và đi lại con đường ấy vào buổi trưa, tôi vẫn thấy gió rì rào từ sông thổi vào, và những đợt sóng lấp lánh nắng đầy. Nắng quê mình đẹp quá! Chưa bao giờ thấy nắng đẹp như ngày hôm nay, nơi gió đồng bờ bãi.

Ở đời, có biết bao nhiêu con đường ta từng gắn bó một thời và rồi không bao giờ đi nữa. Hồi nhỏ, đó là con đường ta tới trường tiểu học, trung học của mình, rồi những con ngõ ngoằn nghèo của xóm trên xóm dưới, nơi nhà những đứa bạn ngày xưa. Lớn lên dần, người ta rẽ những lối khác và đi những con đường khác nhau. Họ không còn chạm mặt, bạn bè xưa rồi cũng quên nhau, những con đường cũ ta không có dịp đi lại bao giờ. Cứ tưởng ta đã quên nó rồi, đã để nó chìm vào quên lãng trong một mảng mù kí ức nào đấy. Đột nhiên, một hôm bâng quơ bạn lại đi ngang con đường cũ, và bao cảm xúc lại xốn xang tràn về. Bao kỉ niệm cứ rưng rưng đầu ngõ như vừa mới hôm qua, như là chúng ta vẫn còn bé và đang trở lại cái ngày xưa cũ. Nghe sao nghe thương quá lòng mình!

Nói chuyện đường rồi ngẫm chuyện người, có những đứa bạn tuổi nhỏ một thời ngồi cùng bàn, chơi cùng xóm trong cái lứa hồn nhiên nhất của đời người. Đến khi bạn chuyển mình qua các cấp bậc khác nhau của trường học, hết chuyển lớp rồi đến chuyển trường, chuyển cấp, những bạn bè cũ lần lượt rời bỏ ta đi và lùi vào quá khứ. Cứ thế, ta tiếp tục với những mối quan hệ mới và quên đi mất những người cũ năm xưa. Để rồi một sớm mai, vô tình gặp lại một đứa bạn xa xưa nơi phố thị phồn hoa. Nó tay bắt mặt mừng, còn mình bỡ ngỡ ậm ừ một hồi mới nhớ ra bạn là ai. Cái xúc cảm khi xưa lại rộn ràng nhảy trong lồng ngực. Ta như hai đứa con nít gặp lại nhau trong thân xác của người lớn, có chi mà nói nên lời?

Ở trên thế giới vô thường này, có thứ gì qua thời gian mà không đổi thay? Con đường của năm xưa, sau ngần ấy năm đã lột xác nhiều, để khi ta gặp lại ngỡ ngàng không biết bao nhiêu lần. Cái nhà ấy, cái chỗ ấy, sao giờ đâu mất rồi? Và những con người trên cung đường ấy cũng vậy, họ cũng lớn lên, cũng già đi, cũng đi qua cái thời con nít cóc keng lớn. Chỉ có nắng vẫn chảy tràn trên tóc, có gió vẫn đong đầy qua tay là bình yên như ngày nào…

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.