Trong bộ phim Cùng em bay lượn theo gió mình xem gần đây, có hai tình huống phim rất thú vị về chuyện đưa ra giả định. La Hiểu Ý là vận động viên chủ lực của câu lạc bộ trượt băng tốc độ cự ly ngắn Trục Phong, được huấn luyện viên Tiêu Hàn đặc biệt ưu ái thiết kế chương trình đào tạo riêng một kèm một, trong khi các vận động viên còn lại trong đội thì tập luyện theo chương trình huấn luyện chung. Điều này khiến cho huấn luyện viên mới và các thành viên mới vào đội có phần bất bình, khi cho rằng Tiêu Hàn thiên vị La Hiểu Ý, có thể là giữa hai người có tình cảm đặc biệt với nhau hoặc huấn luyện Tiêu chỉ tập trung vào vận động viên nào có khả năng đem lại huy chương vàng cho đội chứ chẳng thèm đếm xỉa gì tới các thành viên khác.

Mãi sau này sự thật mới được tiết lộ, rằng lúc nhỏ Tiêu Hàn là bạn rất thân với La Hiểu Phong, anh trai của La Hiểu Ý. Cả ba người đều yêu thích bộ môn trượt băng và thường tập luyện với nhau từ bé, chẳng may Hiểu Phong gặp tai nạn nên mất sớm, khiến Tiêu Hàn luôn canh cánh trong lòng và quyết tâm thực hiện lời hứa với người đã mất là sau này anh trở thành huấn luyện viên trượt băng sẽ một tay đào tạo La Hiểu Ý giành được huy chương vàng cúp châu Á. Chính vì lời hứa năm xưa nên Tiêu Hàn mới có phần ưu ái và chăm sóc La Hiểu Ý đặc biệt đến vậy.

Trong một tình huống khác, trước giờ Thẩm Tranh Nhất ra sân tập luyện cho cúp châu Á, vô tình một đội viên đi vào phòng thay đồ thì bắt gặp cảnh La Hiểu Ý đang cầm giày trượt băng trong tủ đồ của Tranh Nhất lên xem. Đến giờ tập luyện, trong lúc thực hiện một khúc cua thì chẳng may Thẩm Tranh Nhất bị mất đà và va đập mạnh vào tường, khiến chân cô bị thương khá nặng. Cô bạn cùng nhóm chứng kiến sự việc lúc sáng trong lúc tám chuyện với các đội viên khác, mới đưa ra giả định rằng chính La Hiểu Ý vì ganh ghét nên đã cố tình chơi xấu hãm hại Tranh Nhất. Nhưng sự thật đằng sau câu chuyện này là Thẩm Tranh Nhất bị mất tập trung trong lúc tập luyện vì đang lo lắng chuyện gia đình, còn đôi giày trượt đó vốn là huấn luyện viên Tiêu Hàn tặng cho Tranh Nhất nên La Hiểu Ý có phần khó chịu, mới tới cầm lên xem thử chứ chẳng hề giở trò xấu gì với đôi giày.

Những tình huống tương tự có thể nói là diễn ra nhan nhản trong cuộc sống hằng ngày, bởi con người chúng ta vốn là giống loài thích đưa ra giả định và tự mình thêu dệt nên những câu chuyện để làm cuộc sống tẻ nhạt này thêm sống động hơn. Thiên kiến nhận thức sẽ hoạt động theo cái cách gom nhặt hết những dữ kiện, thông tin tô đậm lên giả định mà chúng ta tin là thật, và làm mờ nhòe đi hết những gì chúng ta không muốn tin. Giống như khi bạn đang bước đi trên đường, đột nhiên thấy một sợi dây dài ngoằn nghèo màu xanh lá ngay dưới chân, ngay lập tức não bộ nguyên thủy của bạn đã dựng nên một giả định rằng cái vật đó là con rắn độc nguy hiểm, và phản xạ tự nhiên của hầu hết chúng ta là la làng và nhảy dựng lên, tránh cái vật đó càng xa càng tốt.

Cơ chế tiến hóa qua hàng triệu năm đã lập trình cho bộ não một bản năng tự nhiên phòng tránh những thứ nguy hiểm, nên trong một tình huống có xác suất 50/50 – cái vật dài ngoằn nghèo màu xanh lá có thể là con rắn thật hoặc chỉ là sợi dây bên đàng – chúng ta vẫn có thiên kiến cho rằng đó là con rắn nhiều hơn, vì ít nhất theo niềm tin này thì bạn bảo toàn được tính mạng. Và thói thường chúng ta có xu hướng tin vào những thiên kiến tiêu cực hơn là tích cực, vì loài người nguyên thủy từng trải qua thời gian dài sống trong điều kiện sống còn hiểm nguy tới tính mạng. Một thoáng lay động của chiếc lá trong bụi rậm có thể dự báo rằng một con cọp sẽ bất thình lình vụt nhảy ra, một tiếng bước chân khẽ khàng từ xa có thể là con sói nào đấy đang rình mồi. Lẽ vậy nên bạn cũng đừng ngạc nhiên vì sao con người hiện đại thích drama hóa mọi thứ lên đến vậy.

Ảnh: Unsplash

Một cô bạn mình mới sinh em bé vào đợt cuối năm, bạn mới đăng status lên Facebook bảo rằng muốn xăm hình con trâu, có điều mấy cái hình bạn đăng lên minh họa toàn thuộc dạng “đầu trâu mặt ngựa hổ báo” chứ không phải kiểu hình xăm nghệ thuật đẹp mắt. Một cô bạn khác mới đi nhiều chuyện với mình, rằng bạn nghi gia đình con nhỏ này đang xào xáo có vấn đề, chắc là ông chồng ngoại tình có trà xanh hay sao đó, chứ ai đời đi xăm mà lựa hình đầu trâu gì ghê quá vậy, hay đăng vậy để dằn mặt ông chồng với con trà xanh kia chăng? Sau đợt làm bộ sách Bốn Thỏa ước, mình thuộc nằm lòng một trong bốn thỏa ước đó là “Đừng bao giờ đưa ra giả định” nên chỉ bàn ra chứ không bàn vô, rằng mình không núp gầm giường nhà người khác thì thôi kệ họ đi chứ phỏng đoán làm gì, khi nào có chuyện xảy ra thật thì mới nên nói.

Sau đó khoảng một tuần, đột nhiên trên Facebook cô bạn này có biến lạ. Chồng bạn dùng Facebook bạn đăng status, nói rằng bạn sẽ nghỉ ngơi một thời gian, không kiểm tra điện thoại hay tin nhắn nên mọi người đừng liên hệ trong thời gian này. Đối với nhóm bạn bè quen biết như bọn mình, vụ này khá lạ vì cô bạn này là trùm hoạt động trên mạng xã hội, còn bán hàng online nữa thì làm sao có chuyện “nghỉ ngơi một thời gian” rồi đưa chồng giữ điện thoại giùm? Lúc này cô bạn nhiều chuyện kể trên mới vẽ chuyện tiếp, đó ông thấy chưa tui nói rồi mà không chịu tin, này là ngoại tình đánh ghen rồi xong bị chồng tịch thu điện thoại không cho xài nữa, có khi giờ đang trầm cảm sau sinh rồi trầm cảm thêm vụ chồng ngoại tình, rồi không biết có nghĩ quẩn gì không, hay lỡ tự tử rồi đang nhập viện nên mới vậy?

Sự thật sau đó được một cô bạn khác trong nhóm tiết lộ, vì cô bạn này có gọi điện hỏi thăm anh chồng, rằng cô em gái của nhân vật chính trong câu chuyện đi chơi ở ngoài rồi về lây Covid cho cả gia đình. Cô bạn mình đợt rồi mang thai nên không tiêm vắc xin Covid, thành ra bây giờ bị dính chưởng phải vào viện cách li nên mới nghỉ ngơi một thời gian không dùng Facebook. Còn vụ xăm hình đầu trâu chẳng qua là vì cô bạn này muốn kỷ niệm năm sinh em bé thứ hai (năm Sửu), vốn dĩ bạn này cũng rất cá tính nên thích vậy thôi chứ chẳng phải muốn dằn mặt ai. Chuyện đơn giản chỉ có vậy, nhưng qua trí tưởng tượng phong phú của người bạn kia thì không khác gì tình tiết phim truyền hình dài tập.

Ảnh: Unsplash

Trong cuộc sống hay trong công việc, nếu hành xử theo một cách bản năng, chúng ta rất dễ đặt để giả định của mình lên người khác rồi tự làm cho mình khổ tâm. Như có lần bạn chuyên viên thiết kế gửi layout sách đã sửa lỗi morat cho biên tập viên là mình và bạn đọc morat (sửa bản in) để dò lại xem thiết kế đã sửa hết lỗi chưa. Email được gửi vào đầu tuần, nhưng mãi đến gần cuối tuần mình vẫn không thấy bạn đọc morat check file và xác nhận gì cả với thiết kế. Lúc này cơ chế giả định trong đầu mình lại khởi động, khi cho rằng con bé này lười nhắc, việc cỏn con từ đầu tuần để tới gần cuối tuần mà vẫn chưa làm, hay con bé này đi làm hay đi chơi vậy nhỉ không thèm coi ai ra gì. Đến khi mình hỏi ra, mới biết bạn ấy đã check file và phản hồi ngay trong hôm đó rồi, vấn đề của bạn này chỉ là reply email mà không chịu reply all nên mình không nhận được (lỗi phản hồi trong công sở). Vậy là chẳng có giả định nào mình đặt ra về cô bé ấy là đúng, mà chỉ có bản thân mình suy nghĩ theo thiên kiến tiêu cực.

Một chị đồng nghiệp của mình cũng từng gặp phải tình huống giả định tương tự, khi trong sách có những chỗ vì tính chất đặc thù của câu, đoạn đó nên không thể thống nhất format cách viết với những chỗ khác, mà chị e ngại là nếu để như vậy độc giả đọc được thì sẽ cho rằng biên tập viên làm sách ẩu, hay công ty sách này cẩu thả. Mình là người ngoài cuộc nên tỉnh táo hơn, mới nhắc nhớ cho chị về thỏa ước “Đừng bao giờ đưa ra giả định”. Cơ bản là số độc giả có khả năng phát hiện được chuyện cùng một từ mà ở hai chỗ cách xa nhau trong sách viết hai kiểu khác nhau đã là một chuyện rất hiếm rồi, với ai có thắc mắc gửi email phàn nàn thì mình có cơ hội giải thích cho họ hiểu vì sao lại làm như vậy chứ đâu cần phải bận tâm khổ não giả định vậy làm gì.

Ảnh: Unsplash

Hầu hết những chuyện chúng ta giả định mà không dựa trên một cơ sở chứng lý nào đáng tin thì 99% đều trật lất, nên bài học cuộc sống mà bao nhiêu đời truyền lại là tốt nhất đừng nên đưa ra bất kỳ giả định nào. Nếu muốn biết chân tướng sự thật của bất kỳ việc gì, hãy cứ đi hỏi thẳng những người trong cuộc.

Nhưng chuyện đời cũng lắm lắt léo, có lúc người trong cuộc vì một lý do riêng tư nào đó nên không thể tiết lộ cho người khác biết được sự thật, cũng có những người biết rằng khi hỏi trực tiếp thì họ sẽ biết được chân tướng vấn đề nhưng lại lựa chọn… không hỏi mà tiếp tục sống với giả định đó và tin vào nó một cách mãnh liệt. Như một vị sếp mình từng làm việc từng có những giả định rất tiêu cực về mình (mình nghe được từ những người khác mà anh ta đi nói lại), sau này khi nghỉ việc có dịp gặp lại, mình có hỏi vì sao anh ấy không trực tiếp hỏi mình thì mình sẽ giải thích cho nghe để khỏi phải giả định như vậy. Câu trả lời của anh ấy là anh không tin mình, và hồ nghi rằng nếu hỏi chắc gì mình đã nói sự thật hay chỉ lươn lẹo mà thôi? Nghe đáp án đó, mình mới thấy quyết định nghỉ việc và không làm việc dưới trướng anh ta nữa là đúng, vì cách một người nhìn và phóng chiếu lên người khác cũng chính là thế giới nội tâm sâu thẳm bên trong họ.

Năm mới nếu bạn thực hành được nguyên tắc “Đừng bao giờ đưa ra giả định” này, chắc chắn rằng cuộc sống của bạn sẽ thanh bình và bớt drama hơn. Chúng ta không cần quá nhiều drama ở cuộc đời này, vì nếu muốn – bạn có thể tìm coi ở bất kỳ bộ phim Hàn dài tập nào.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.