Kỉ niệm như một con đường cũ, đi lại sẽ thấy quen, đi xa sẽ thấy nhớ…
6 năm trời mới đi lại một con đường cũ – con đường đã đi mòn chân rách dép thời tiểu học. Nó chẳng phải xa xôi diệu vợi hàng chục cây số gì, chỉ cách nhà mình mấy con đường. Chỉ là, không có dịp phải đi qua đó và cũng không còn người để gặp ở đó.
Sáng đi ăn sáng ở Phan Thiết, thử một lần chạy lại con đường cũ để xem cảm giác như thế nào. Ngôi trường tiểu học Đức Thắng 2 của mình đã bị đập tan tành để xây mới, chỉ còn một đống đổ nát hoang tàn gạch đá bê tông. Chẳng biết được là số học sinh của trường hiện tại phải di chuyển sang trường nào để học? Hồi nhỏ mình chẳng có khái niệm trường nào là trường chọn hay sang hơn, chỉ biết chỗ nào gần nhà hơn thì đi học. Và cũng có nghe người lớn kháo nhau rằng cái trường Đức Thắng 1 thì chỉ con nhà giàu học, còn cái phận Đức Thắng 2 thì đa số là con em của các hộ dân làng chài.
Hồi ấy đi học đứa nào cũng mang cái cặp táp dày cộm có in hình nổi siêu nhân hay nhân vật hoạt hình, chả nhớ cái thời đầu năm 2000 học cái chi mà mỗi lần đi học vác cặp muốn lòi bản họng, nào sách, nào vở, rồi còn sách bài tập, vở bài tập. Con đường đến trường của mình nó thơ mộng và truyền thống lắm, vì phải đi bộ tới trường để đi học nên mỗi ngày đến trường đều đi qua con đường ấy. Khúc ngã tư quẹo qua trường là cái dinh Vạn Thủy Tú, trong đây có cái tượng Quan Âm từ bi và mấy bộ xương cá voi cũ kĩ cất đầy trong kho. Cái hồi ngư dân làng chài vớt được xác cá Ông thì chuyện nhỏ chuyện to đồn rùm beng khắp xóm làng. Ông cá thời ấy được vinh danh bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á, đến nay không biết có chỗ nào phá vỡ kỉ lục chưa. Mái đình làng biển cũ kĩ và sơn một màu vàng rực như màu tường của trường tiểu học, điệp với ngói đỏ, bên ngoài hiên đình mỗi ngày thường có các hộ dân ngồi vót nan tre và đan thuyền thúng. Đến hôm nay đi lại mình vẫn thấy cảnh ấy, quá đỗi thân thuộc.

Từ dinh Vạn Thủy Tú đi thêm một đoạn là tới nhà của Bạch Tuyết và Bảy chú lùn, hồi đó không biết đứa nào phịa ra cái sự tích này, giờ nhớ lại thấy buồn cười. Nhà Bạch Tuyết là một căn nhà cổ, có lẽ xây từ thời Pháp thuộc theo kiểu kiến trúc Pháp. Nhà được sơn vàng óng, nguy nga tráng lệ như một tòa lâu đài, phía trước có ban công trồng đầy hoa và có một chiếc cầu thang uốn lượn dẫn xuống mặt tiền. Chính vì kín cổng cao tường nên ngôi nhà luôn luôn là một điều bí ẩn và thú vị với tụi con nít, đứa nào cũng đồn với nhau rằng hồi xưa Bạch Tuyết và Bảy chú lùn sống ở tòa lâu đài ấy đấy. Và mình vẫn tin là thật cho tới tận cấp ba.
Từ nhà Bạch Tuyết, có một con hẻm rẽ sang phải, trên cung đường đó có một căn nhà còn kì bí quái dị hơn mà tụi con nít gọi là nhà ma. Nó là một căn nhà gần như bỏ hoang, cao ngất ngưởng bốn, năm tầng mà nhìn xám xịt cũ kĩ như đã ngự ở đó từ muôn kiếp nào. Chủ của căn nhà là một bà già cổ quái, có nuôi một con chó bẹc giê dữ tợn. Mỗi chiều đi học về ngang con đường đó, đứa nào cũng ba giò bốn cẳng chạy té khói vì sợ mụ phù thủy bắt vô nhà cho chó bẹc giê ăn thịt. Một thời khắp nơi cũng rộ lên tin đồn có nhà bà nọ đi vắng, để đứa bé ngủ trong nhà chẳng may bị con chó bẹc giê ăn thịt hết chỉ còn bộ xương. Tin đồn của người lớn làm đứa con nít nào cũng sợ, và hình ảnh bà già cùng con chó càng minh họa cho nỗi sợ ấy tăng lên nhiều lần. Mình còn nhớ cái cảm giác mỗi lần đi ngang cái nhà ấy là da gà da vịt nổi lên rần rần. Giờ nghĩ lại thấy tội nghiệp bà già vô tội ghê.
Một trong những tụ điểm “ăn chơi trác táng” của tụi học sinh tiểu học là mấy cửa tiệm tạp hóa trước cổng trường. Quanh trường ít nhất cũng có ba đến bốn tiệm tạp hóa, mỗi tiệm là một bản sắc riêng và luôn có những chiêu trò để thu hút tụi con nít. Hồi nhỏ mình là chuyên gia để dành tiền ăn sáng để mua toàn những thứ linh tinh quái dị về chơi, nào là cái lọ nước dẻo dẻo có con mắt bên trong, cái hộp nhát ma, mấy bộ móng vuốt yêu quái xanh lét, rồi tới cái bàn tay bằng cao su quăng phát dính lên tường, truyện tranh và tỉ tỉ các thứ không thể gọi tên. Những thứ bé nhỏ, vụn vặt như vậy nhưng là cả gia tài đối với mỗi đứa học sinh tiểu học, là cái để khoe khoang hơn thua với nhau và cạnh tranh xem ai “giàu có”hơn. Đến hôm nay ghé lại con đường cũ, các tiệm tạp hóa ấy vẫn còn bán nhưng quy mô và hình thức càng được nâng cấp dần lên. Có lẽ cũng nên gọi nghề bán tạp hóa là một nghề gia truyền.
Còn một cái nhà nữa sát trường Đức Thắng 2 không thể không kể đến là tiệm bán cá của ông chú nọ. Nhà ổng có mấy cái bể lớn nuôi đủ thứ loại cá đủ màu, chúng lai tạp với nhau đẻ ra các lứa mới màu sắc pha trộn nhìn thích mắt vô cùng. Tuy không bán các loại cá cao cấp như các tiệm cá cảnh lớn nhưng loại cá nhà quê ở đây thì dễ thương và sống dai vô cùng, chẳng cần bình oxy gì xất. Tới mùa cá nổi lên là tụi con nít lại hay ghé nhà ông để mua cá về, cứ một, hai ngàn là được cặp cá, được khuyến mãi thêm mấy cọng rong về bỏ hồ chơi. Mua cá xong rồi lũ nhỏ lại rủ nhau đi vớt lăng quăng ở các bể nước ở đình, trong mấy lu khạp nhà người ta. Chuyện hồi ấy vui sao kể xiết.
Có một cái ngộ hồi ấy mình thắc mắc, tại sao có những thầy cô và những người bạn thời tiểu học mãi đến sau này mình vẫn còn nhớ tên và nếu có gặp lại sẽ nhận được mặt nhau? Riêng những thầy cô và bạn bè thời trung học thì chẳng ấn tượng mấy, cấp ba là gần nhất nên mới còn nhớ được. Mình vẫn nhớ cô Thơ, cô Tuyết, cô Thảo, cô Thêu, cô Bạch – những cô giáo dạy mình 5 năm tiểu học và nhà của các cô. Mình vẫn còn nhớ con Bánh Tráng, Bánh Ú, Cà Tím, thằng Bánh Xèo, Bánh Cam, Minh Mút Tay, Nô Hí, Cương Mỏ Nhọn – những đứa bạn thời tiểu học rất thân một thời. Lên lớp 5, đùng một phát mình bị chuyển sang lớp khác và chỉ có vài đứa trong lớp bị chuyển mà không hiểu vì sao, lớp mới của mình nằm kế lớp cũ. Sự cô đơn và lạc lõng lúc đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến tính cách mình sau này.
Câu hỏi ở trên rồi mình cũng tự trả lời được, có lẽ thời tiểu học là quãng đời trong trẻo nhất trong tuổi thơ của mỗi người, ở đó bạn bè chơi với nhau một cách tự nhiên, không toan tính, ghét nhau thì nghỉ chơi rồi cũng làm hòa. Nó không có sự chia bè kết phái hay băng đảng bắt nạt nhau như ở thời trung học. Thói thường, cái gì thuộc về ký ức mà trong trẻo dễ thương bao giờ lại chẳng in sâu trong trí nhớ con người, nhỉ?