Trong truyện ngắn “Robot phúc thần”, Doraemon có một bảo bối thần kỳ gọi là robot phúc thần. Robot này khi bật công tắc sử dụng sẽ cất tiếng cười, mà tiếng cười của nó chứa luồng sóng cường độ cao gây ra hiện tượng cộng hưởng tác động lên thần kinh người nghe, khiến họ rơi vào trạng phái hưng phấn và đáp ứng hết mọi mong muốn của người sử dụng.

Ví dụ khi Nobita lần đầu sử dụng robot phúc thần, mẹ cậu ngay lập tức đáp ứng nguyện vọng của cậu là mua một chiếc xe đạp mới. Hay khi Nobita đi qua tiệm bán truyện tranh và tiệm bánh, 2 chủ quán liền đem truyện, đem bánh tặng cậu, tới cả con chó cũng đem khúc xương nó yêu thích tặng cho Nobita.

Vấn đề phát sinh ở chỗ robot phúc thần của Doraemon lại là một món bảo bối cổ, và bị chập mạch lúc xài được lúc không. Khi hoạt động bình thường thì robot phúc thần sẽ phát ra tiếng cười vui vẻ hahaha, lúc đó công năng thật sự mới được kích hoạt. Nhưng khi chập chập, robot sẽ phát ra tiếng cười ghê rợn ghê hê ghê hê, lúc này thì bị đảo ngược chức năng sẽ khiến cho những người xung quanh nghe được tiếng cười đều chán ghét người sử dụng và bao nhiêu tai họa sẽ ập đến.

Tập truyện “Robot phúc thần” này là một ẩn dụ rất ý nghĩa về quy luật họa phúc, hay quy luật đền bù mà mình từng chia sẻ trong series Giải Mã Quy Luật Cuộc Sống. Phúc hay họa y như một vị thần có hai mặt, một mặt là Phúc, mặt còn lại là Họa, và hai mặt này luôn xoay vần trong đời sống con người. Trong họa có phúc mà trong phúc có họa, họa có thể sinh ra phúc, và phúc lại sinh ra họa.

Như trong truyện, Nobita mới gặp phúc (may mắn) đó, nhưng xoay đi một cái lại gặp họa (xui rủi) khi robot phúc thần bị chập, mà sự họa phúc này căn bản Nobita không kiểm soát được, ngay cả Doremon là người sở hữu bảo bối cũng không sửa được lỗi này, bởi lẽ thông điệp sâu xa phía sau đây là quy luật tự nhiên bất biến của trời đất mà con người khó có thể can thiệp theo ý mình.

Từ ngàn xưa, Bà la môn giáo bên Ấn Độ cũng thờ 2 hình tượng là thần hủy diệt (Khrisna) và thần sáng tạo (Vishnu), để người đời thấy được một nguyên lý rằng bản chất của tự nhiên không chỉ bao gồm sáng tạo mà còn cả hủy diệt. Nguyên lý của quy luật đền bù là “vật cùng tất biến, vật cực tất phản”, ý nói một sự vật hoặc một sự việc khi đi đến điểm cực độ trong giới hạn thì sẽ phản đảo lại. Những ngày qua khi nhân loại toàn cầu trải qua đại dịch Covid-19, nhiều bài báo cũng đưa tin về việc không khí trở nên trong lành hơn, ô nhiễm giảm đáng kể nhờ nhiều nhà máy, xưởng sản xuất đóng cửa, người dân toàn cầu sống chậm lại và tự cách ly ở nhà, hạn chế dùng xe cộ. Đây là một ví dụ điển hình về quy luật đền bù của mẹ thiên nhiên khi nhân loại đi đến điểm cực độ trong đời sống và đại dịch như một thông điệp để đảo cực trở lại.

Hình ảnh về nồng độ NO2 tại Trung Quốc giảm rõ rệt trong mùa dịch. Ảnh: NASA.

Trở lại chuyện phúc họa có tính hai mặt, xin kể một câu chuyện minh họa sống động người thật việc thật. Cô em người quen của mình, 2 năm trước từng bỏ nhiều thời gian tâm sức ra học IETLS với nguyện vọng nộp hồ sơ xin học bổng du học nước ngoài. Tính sơ sơ tổng cộng em mất nguyên 1 năm học IELTS ở nhiều trung tâm với học phí vài chục triệu, 20 triệu luyện thi GMAT, 23 triệu đóng cho một công ty học để chuẩn bị hồ sơ. Kết quả là sau 4 lần thi IELTS (hết 22 triệu), em vẫn chưa đạt được band 6.5 như mong đợi nên không đủ điểm IELTS làm hồ sơ.

Về phía cá nhân, em đã tận nhân lực hết sức (học và luyện thi rất nghiêm túc), và cũng nhiều lần tha thiết cầu nguyện ơn trên cho em thi đậu để hoàn thành tâm nguyện đi du học nhưng cầu tới 4 lần vẫn chưa được. Có thể nói, kết quả như trên là họa (xui rủi) thì đúng hơn là phúc.

Tuy nhiên trong họa lại có phúc, sau đó nhờ điểm IELTS tương đối cao và khả năng tiếng Anh em đã nỗ lực luyện trong suốt một thời gian, em lại đậu phỏng vấn một công ty đa quốc gia với một mức lương rất cao so với kinh nghiệm thực tế của em. Rồi cũng chính nhờ còn ở lại Việt Nam, em lại hữu duyên gặp được chân ái của đời mình.

Khi chia sẻ câu chuyện trên với mình, em bảo thấy bản thân may mắn ghê, tưởng không đi du học được là họa nhưng cuối cùng lại là phúc. Hồi xưa em mê đi quá nên có follow một số bạn du học sinh, mỗi ngày xem cuộc sống của họ mà em ao ước. Tới mùa dịch Covid-19 xảy ra làm bao nhiêu du học sinh điêu đứng, một bạn em follow quay clip chia sẻ với tâm trạng đầy bức bối khi bạn làm việc ở sân bay, bị sốt mà đi bệnh viện xét nghiệm nCoV thì bác sĩ bắt đợi 4 giờ, xong khám 5 phút rồi cho về tự uống thuốc và cách ly ở nhà. So với y tế dự phòng và hình ảnh chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam thì bạn xem mà thấy chạnh lòng.

Nhắc lại chuyện cũ, em bảo nếu ngày xưa em mà đậu phỏng vấn, cũng đi tới nước anh bạn du học sinh em follow ở trên thì có thể bây giờ em sẽ rơi vào tình cảnh đó. Ngẫm lại mới thấy mọi chuyện xảy ra ở đời đều có nguyên do của nó.

Hiểu về quy luật họa phúc ở đời, bạn chỉ cần giữ tâm thế được không vui, mất không buồn thì có thể bình thản đi qua mọi biến thiên. Như trong truyện “Robot phúc thần”, khi nhận ra bản chất bất định của con robot này thì Nobita biết sợ không dám sử dụng nữa và Doraemon cũng vứt béng luôn vào thùng rác, có thể hiểu hàm ý sâu xa là phúc họa không nên cầu cho được theo ý mình, mà nên thuận theo lẽ tự nhiên.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

5 bình luận

  1. Hôm nọ c đi xe cub đi chợ, đang ton ton thì có bạn nhỏ chjay vụt từ trong hẻm ra, oành, ngã oạch ra đường, hên mà con nhỏ hông sao. mà cái sự hên có nguồn gốc từ sự xui là sáng tự nhiên xe cub bị lủng bánh, chồng c lấy xe AB c hay đi để đi làm. thiệt sự c k biết sẽ ra sao nếu cái xe AB to oành đó đè lên con bé. 🙁

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.