Tôi đã từng nghĩ chuyện làm cốm ngày Tết chỉ còn là kí ức trong dĩ vãng, của cái Tết cách đây mười mấy năm lúc tôi còn nhỏ. Ấy vậy mà, Tết năm nay về quê, vô tình lại trúng ngày dì Sáu tôi ép cốm. Những cảm xúc ngày xưa bất chợt lại dâng trào…
Chắc mọi người chỉ thường nghe qua cốm làng Vòng ở Hà Nội, được rang từ lúa nếp chín ngào với đường có màu xanh ươm, gói trong lá sen và được các mợ gánh đi bán trong những tản văn về Hà Nội. Ít ai biết đến loại cốm hộc – một thức quà không thể thiếu trong dịp Tết của người dân Bình Thuận. Mỗi năm Tết đến, trên bàn thờ nhà nào cũng có vài hộc cốm đủ màu sắc để chưng lên bàn thờ. Lúc trước, cứ gần Tết thì nhà nào cũng rộn ràng làm cốm, đi tới đâu cũng nghe thơm nức mùi hạt nổ ngào với đường. Về sau, người ta làm ít dần, chỉ mua cốm bày bán sẵn ngoài chợ về cho tiện, nét truyền thống làm cốm hộc cũng mất dần đi.

Hồi bé, có một kí ức về ngày Tết tôi ấn tượng mãi là những bận nhà ngoại ép cốm. Mấy dì rộn ràng rang lúa trong các chảo gang lớn cho nở bung ra thành hạt nổ trắng tinh. Những hạt nổ chất đầy bao, trắng xóa cả một góc sân nhà, mấy đứa nhỏ được dịp hay bóc vụng trộm bỏ vào miệng nhai giòn tan, vị có thể ví như bắp rang bơ bây giờ. Để trộn với cốm thì cần một hỗn hợp thơm, gừng nấu với đường, nếu ai thích ăn chua thì có thể cho thêm me vào ngào chung. Tất cả cho vào một cái nồi lớn, cứ ngồi khuấy cho đều tay.



Sau khi nồi hỗn hợp nấu xong thì nhấc xuống, rưới từ từ lên mớ hạt nổ và trộn cho đều tay để nước đường bao bọc lấy hạt nổ. Khuôn ép cốm là một cái hộc bằng gỗ, nhà dì Sáu có một hộc, hộc còn lại đi mượn của hàng xóm mà cuối cùng về cái hộc nó dẹp lép ép ra nhìn không cân nên chỉ xài một hộc. Cốm được trộn đều rồi đổ vào hộc, nén cho chặt tay lại, dì Sáu đưa cái hộc qua cho dượng Út tôi. Phần nén hộc thường phải để cho đàn ông làm vì mạnh tay, lúc tôi còn nhỏ thì ông ngoại thường làm phần này trong nhà. Cái cây đòn được cột với cột nhà, dần một cái thiệt mạnh lên hộc cốm cho cục gỗ vuông nén chặt xuống, ép lại thành một hộc cốm vuông vức đẹp mắt.


Những hộc cốm ép xong sẽ được gói lại bằng giấy ngũ sắc, một đầu được dán hoa giấy lên. Hồi bé lúc ở nhà ngoại ép cốm, tôi hay giành phần cắt hoa giấy dán lên. Tờ giấy màu được gấp làm tư, cắt một tí thì mở ra thành đủ kiểu hoa giấy khác nhau tùy theo sáng tạo mỗi người. Chấm một ít hồ, dán hoa lên hộc cốm là xong. Tết đến xuân về, dù giàu hay nghèo thì nhà nào cũng có vài hộc cốm đủ màu chưng trên bàn thờ để cúng kiến ông bà tổ tiên. Nó không đơn thuần là một món ăn mà đã trở thành truyền thống của người dân Bình Thuận.
Năm nay, nhà dì Sáu tôi ép cũng cỡ sáu chục hộc cốm, chủ yếu là làm cho người thân trong gia đình mỗi nhà mười hộc để chưng bàn thờ ngày Tết. Tự dưng thấy lại cảnh cũ người nay mà như rơi lại vào không gian kí ức của mười mấy năm về trước, thấy rưng rưng trong lòng.