Lễ này thì làm gì? Đó là chủ đề mấy anh chị em họ của mình bàn tán xôn xao trên Facebook đợt lễ vừa rồi, và mình vào comment chốt hạ: đổ bánh xèo thịt vịt đi.

Chiều 30/4, mình ghé nhà bà chị họ ở quê để ăn sinh nhật đứa cháu, có mấy dì ở nhà ngoại cũng ra phụ nấu ăn. Nghe mấy anh chị mình lên kế hoạch ngày mai đổ bánh xèo thịt vịt, mỗi người góp thêm một tiếng bàn vô, dì Sáu lãnh phần bếp chính vì đổ bánh xèo ở nhà dì trên chòi (gọi là chòi vì hồi xa xưa nó chỉ là một căn chòi chăn vịt nằm chơ vơ giữa chốn đồng không mông quạnh, nay đã cất thành nhà và có thêm dăm ba hàng xóm). Dì Bảy cũng góp chuyện bảo chừng này người ăn thì xay 7 lon gạo được rồi, sớm mai đem gạo ra nhà bà Chín xay nè, gạo xay đổ ngon hơn là mua bột pha. Dì Út cũng góp tiếng, vịt mua con rưỡi được rồi, nhớ đem nhà bà Gái kêu xay nhuyễn ra nha… Cứ thế, mấy dì mấy chị mỗi người bàn vô một câu mà tự nhiên thành ra kế hoạch bài bản, ai làm việc nấy chứ hổng cần phân công hay đùn đẩy cho ai.

Nghe thấy cháu ở thành phố về chơi thèm bánh xèo thịt vịt là họ hàng mình xôm tụ như thế đấy, hổng nói hổng rằng mà bàn một lèo như đúng rồi. Nói chứ tụi trẻ ở thành phố còn thua xa mấy bà già dưới quê ở khoản này, nội chuyện rủ nhau tối nay ăn gì thôi mà bàn tới bàn lui bàn xuôi bàn ngược không ai chịu nhường ai hết trơn hết trọi.

Sớm. Mình chạy xe từ dưới thành phố về quê ở ngoại ô (cách Phan Thiết khoảng 17km), bình thường là sẽ chạy vô nhà ngoại nhưng hôm nay thì chạy thẳng lên chòi. Lên thấy mấy anh chị họ và mấy đứa cháu đang ngồi cuốn chả giò để chiên, món chả này mần để ăn phụ, do sợ đổ bánh xèo ít quá ăn không đủ no. Có ba người cuốn thôi mà làm một lèo cũng được một rổ đầy ắp chả.

Sang khâu quan trọng không kém là nhóm lửa bắt bếp, tới bây giờ nhà dì Sáu mình vẫn còn nấu ăn bằng bếp củi (cơm thì đã nấu bằng nồi cơm điện). Anh Hắc – anh họ mình, con dì Sáu đảm nhận khâu nhóm lửa, tay nghề thâm niên bao nhiêu lâu nên làm một loáng đã xong. Ngồi xem anh nhóm bếp làm mình nhớ lại những ngày còn bé, hồi xưa cũng ở mảnh sân trên chòi này chứ đâu, lúc đấy vẫn còn hai cây xoài trĩu quả. Chiều chiều, anh Hắc lại xách bếp than ra nhóm lửa, rồi mình cũng cầm quạt phụ quạt như điên cho lửa bùng lên. Hồi xưa đi bắt cá bắt cua về thường đem ra bếp lửa nướng ăn, hè hái trái đào lộn hột xong rồi ngắt hột điều bỏ vô nướng nổ nghe lụp bụp chơi, đem ra lấy đá đập mùi thơm phưng phức, bốc lên tay còn thấy nhựa đào ứa mật. Có bận bẻ một mớ càng cùa đồng đem nướng là thơm nức mũi, cái mùi của rơm rạ quyện với đồng bãi xộc thẳng lên mùi, ăn vào day dứt không tả được.

Cái lò đổ bánh xèo dì Sáu mượn của một nhà ở xóm dưới, chỉ có ba khuôn nên đổ hơi lâu, lát sau có mợ Ba lên đổ phụ nên mượn thêm một cái lò bốn khuôn nhà bên cạnh. Giữa cái tiết trời nắng hanh hao như đổ lửa xuống chảo dầu, có ngồi ngay cạnh bếp lò đang hừng hực lửa mà đổ bánh xèo mới thấy cảm phục những người phụ nữ chân quê miệt vườn, mấy dì vẫn cười hà hà như thể chẳng cảm thấy nóng nực kiểu gì. Lần đổ bánh xèo đầu tiên là để tráng khuôn, lấy cục mỡ heo tẩm dầu quét cho khuôn bóng mỡ, rồi đổ thử bột lên. Mấy cái ban đầu thường dính khuôn và xấu tệ, nhưng sang cái thứ hai sẽ chỉn chu và hoàn hảo vô cùng.

Nói bánh xèo thịt vịt nhiều người sẽ thấy lạ, vì đi miền Trung hay miền Tây trước giờ chỉ quen với bánh xèo tôm mực hoặc thịt heo, thịt bò. Mình dân xứ biển nên ăn bánh xèo tôm mực ngán bỏ xừ, vào Sài Gòn cũng toàn thấy bánh xèo tôm mực nên có thèm là chỉ thèm món bánh xèo thịt vịt trong ký ức thuở bé hay ăn. Vịt thường chọn loại vịt nhà mập ú, hồi xưa là phải làm sạch lông rồi bằm cho nhuyễn cả thịt lẫn xương, bây giờ công nghệ hiện đại hơn nên có mấy xay thịt, mấy dì cũng đỡ tốn công bằm thịt. Quết một miếng mỡ lên khuôn, đổ một muỗng bột, cho vào một muỗng thịt vịt xay rồi thêm chút giá chút hành, vậy đó là xong một cái bánh xèo thịt vịt. Bánh xèo mấy chỗ khác thường ăn nước mắm tỏi ớt, riêng Bình Thuận xứ mình phải ăn với nước mắm ớt cà mới đúng điệu, và phải là nhúng cái bánh xèo vô tô đầy nước mắm, bỏ rau vào trộn lên để ăn, chứ không phải cuốn bánh tráng rồi chấm trong chén nước mắm bé tẹo.

Một thau bột, ba tô thịt vịt xay nhuyễn, dì Sáu và mợ Ba ngồi đổ miệt mài mấy tiếng đồng hồ áng chừng mấy trăm cái, đổ xong mẻ nào là bưng dĩa lên để đám cháu chắt ăn ngay cho nóng. Mấy ông nhậu cũng được dịp tề tựu ăn bánh xèo uống rượu gạo, mấy dì với mấy đứa cháu dưới nhà ngoại mình cũng tụ tập lên ăn, thêm cả mấy đứa nhỏ hàng xóm cũng được ăn ké. Người ở quê tình làng nghĩa xóm rất nồng hậu, đổ xong thể nào cũng phải có mấy dĩa bưng sang cho hàng xóm, hoặc có mấy người trong xóm nghe nói đổ bánh xèo lên chơi cũng được mời vô ăn, ăn xong còn cho bọc đem về cho mấy đứa nhỏ ở nhà ăn chơi. Nói chung ăn, cho miệt mài rồi nó cũng hết.

Ăn bánh xèo xong tới phần ăn tráng miệng bằng dưa hấu, hai quả dưa hấu to tổ nái như một cái bụng bầu, gọt vỏ ra thấy bên trong đỏ tươi roi rói. Phải nói là rất lâu rồi mình mới ăn lại một miếng dưa hấu tươi ngon và thơm… mùi dưa hấu như thế, đúng kiểu dưa hấu nhà quê mọc tự nhiên chứ không có bơm tiêm thuốc gì hết nên ăn vị ngọt nhẹ, mùi rất thơm. Còn dưa hấu mình mua ở siêu thị hay ở lề đường, ăn vào toàn nghe mùi thuốc, không cảm nhận được cái vị nguyên sơ của dưa hấu như đã từng ăn cách đây năm mười năm. Thậm chí, lúc về nhà mình ở Phan Thiết, mẹ có mua trái dưa hấu bỏ trong tủ lạnh, cắt ra ăn vẫn không ngon bằng trái dưa hấu quê nhà.

Hồi Tết mấy năm trước, trong một khoảnh khắc lên bắt gặp cảnh nhà dì Sáu đang đóng cốm hộp ngào đường – món ăn truyền thống ngày Tết ở Bình Thuận (mình có viết bài thời kì đầu của blog này), lúc đó cảm thấy tiếc nuối vô cùng vì không đem theo máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc truyền thống đấy. Sau này mỗi lần về quê mình đều đem theo máy ảnh để chụp lại và quay phim, để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ làm kỷ niệm, bởi lẽ có nhiều ký ức theo thời gian sẽ bị phôi pha mất. Một ngày nào đó, khi vô tình mở lại đoạn clip cũ xem, chợt thấy ký ức sống lại và ùa về như mới hôm nào…

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx